Người Việt Nam ở vùng nông thôn phần lớn là làm ruộng và chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập, phổ biến nhất có lẽ là nuôi vịt. Vì vậy mà không biết tự bao giờ, món trứng lộn được người dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt. Tuy nhiên, bán và ăn trứng lộn thì mỗi miền đất nước mỗi kiểu khác nhau.
Người Huế trước đây thường bán trứng lộn dạo bưng rao lòng vòng trong xóm. Trứng lộn đã luộc chín sẵn, ủ trong cái thúng, dưới đáy thúng lót một ít vỏ trấu, lót tấm vải dày, rồi bỏ trứng vào phủ lên để giữ nóng. Người bán trứng xách thúng trứng bên hông, ban đêm thì xách theo cây đèn bổng lửa leo lét, vừa đi vừa rao “L..ô…ộ…n…n…”. Có lẽ tiếng rao này đã đi vào tiềm thức của phần lớn người Huế đến cuối đời cho dù phiêu bạt bất kỳ nơi đâu.
Ăn trứng lộn hấp dẫn nhất là ăn vào ban đêm chừng 8-9 giờ tối, đặc biệt là những đêm mưa. Nhớ lúc chúng tôi còn nhỏ, cuối tuần Mạ tôi thường kêu O bán trứng lộn vào nhà. O ngồi trước hiên mở thúng lấy trứng bỏ lên cái trẹt tre, một dĩa muối tiêu và một dĩa rau răm. Chúng tôi xúm xít quanh thúng trứng, dùng cái muỗng nhỏ gõ giập vỏ trứng, lột ra một lỗ cỡ đầu ngón tay trỏ, múc một tí xíu muối tiêu cho vô chỗ vừa đập vỏ, rồi húp hết phần nước ngọt có pha lẫn vị muối tiêu trong cái trứng lộn. Sau đó, tiếp tục mở vỏ trứng cho lớn hơn, múc chút muối tiêu cho vô, rồi dùng cái muỗng xúc từng muỗng nhỏ trong trứng ăn từ từ kẹp vài ngọn lá rau răm. Vị bùi béo của phôi trứng, của phần lòng đỏ hòa với vị muối tiêu, vị cay nồng của rau răm tan dần trong miệng. Chúng tôi cứ túc tắc nhởn nhơ ăn hết trứng này tới trứng khác, có đứa ăn một lần hai ba trứng mà không thấy đã thèm.
Bây giờ món trứng lộn ở Huế vẫn ăn theo cung cách cũ nhưng người bán thường ngồi một chỗ trong chợ hay trên vỉa hè, người ăn cũng ngồi xúm xít quanh rổ trứng, vừa gõ trứng vừa xuýt xoa độ nóng của trứng, xen lẫn với tiếng húp chút nước ngọt trong trứng, hoặc lâu lâu có người đến mua đem về nhà.
Đã lâu tôi không còn nghe được tiếng rao “L..ô…ộ…n…n…” giữa đêm khuya. Trứng lộn vẫn ngon, nhưng nhớ tiếng rao vô hậu!
Ảnh và bài: DNGA
Đăng lại từ bài viết cùng tên đăng trên Fanpage Kết nối Huế thương
Độc giả yêu thích tìm hiểu về Huế mời ghé thăm Fanpage.