Biệt hiệu của ông cho người đời thấy ngay một con người chân thật.
Nhạc sĩ Canh Thân mất đã lâu, từ trước 75, nhưng các ca khúc của ông, dù không nhiều, vẫn còn được trình bày thường xuyên. Sinh vào một năm Canh Thân, 1920, ông cùng tuổi với Hoài Trung, người anh lớn của ban hợp ca Thăng Long, lớn hơn Phạm Duy, Văn Cao, và trẻ hơn Dương Thiệu Tước hay Thẩm Oánh năm sáu tuổi…
Ngay từ lúc khởi đầu, ông đã chọn khuynh hướng tuổi trẻ lên đường, với các ca khúc vui tươi trong nhịp điệu tươi trẻ khiến thanh niên thiếu nữ rất ưa chuộng. Nghe nhạc ông viết sau thời phôi thai của nhạc Việt, người ta tưởng tượng ra một chàng thanh niên yêu đời, mang trên vai cây đàn và vui với đời sống thiên nhiên. Hãy nghe lại “Túi Ðàn” mà xem!
“Chốn chân trời mây trắng vừa hé
Ánh dương bừng lên nắng vàng hoe
Ta mơ nhìn ngây ngất về xa vời…
Túi đàn
Chân bước đi lên đường
Kìa nơi xa xôi đợi chờ bao mến thương
Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang vui tươi tô đời thắm tưng bừng”
Hoặc cùng ông ngắm hình ảnh Mùa Hè vui tươi nơi thôn ổ, trong “Khúc Ca Mùa Hè”:
“Những cánh bướm khoe màu thắm
Bay lao xao trong ngàn hoa
Lữ khách đứng thẫn thờ ngắm
Cuộc đời vui tươi như nơi thiên đàng
Nhịp đàn hòa theo khúc ca Mùa Hè…”
Ngoài “Túi Ðàn” với nhịp tiết dồn dập, một ca khúc khác của Canh Thân vẫn còn thấy vang rộn các khiêu vũ trường ngày nay với điệu swing khiến người dù không biết nhảy cũng muốn “giật”, đó là bài “Ði Với Tôi Ðến Chốn Trời Xa”. Nếu được hòa âm hay thì đấy là ca khúc “Mỹ” nhất trong các bài tân nhạc của chúng ta.
“Ði với tôi đến chốn trời xa
Bên suối mơ là nhà của ta,
Tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa
Gót chân theo nhịp bước thần tiên
Có ai hát hay như tôi
Tuy không có dài hơi
Người nào chán và buồn tình đời
Ðều cùng yêu tôi…”
Một người hát rất đúng với tinh thần của ca khúc chính là Bạch Yến.
Nghe lại thì ta thấy là Canh Thân yêu cảnh thiên nhiên và yêu người nên mới rủ rê những người nào chán và buồn tình đời thì hãy đi với ông đến chốn trời xa.
Nhưng ông cũng không quên yêu người đẹp và viết thành nhạc! Ðó là một cô hàng cà phê rất tiểu thư thanh tú ở ngoài chợ.
Bài “Cô Hàng Cà Phê” mới thực sự làm tên tuổi Canh Thân sáng chói. Với nhịp điệu rất lạ, phảng phất cả nét dân ca, bài “Cô Hàng Cà Phê” được trình bày thường xuyên trên các làn sóng điện, qua chính giọng ca của tác giả hoặc của các nam ca sĩ… tiền chiến như Ngọc Bảo, Vũ Huyến v.v… Sau này, “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những ca khúc thành công nhất, gần như một dấu ấn, của Sĩ Phú.
Người viết được nghe thân mẫu kể lại xuất xứ của cô hàng này…
Ðó là người đẹp vừa mới qua một chuyện buồn, ngồi giữ két cho gia đình mở quán cà phê ở chợ Ðại trong thời kỳ mà nhiều gia đình phải tản cư về “hậu phương”. Ðó là gia đình Thăng Long, và cô hàng làm cho “lắm anh điên cuồng” chính là Thái Hằng…
Cuối cùng thì Phạm Duy loại được bao địch thủ mà chiếm được trái tim nàng. Ngoài Canh Thân, các địch thủ kia là nhạc sĩ Ngọc Bích, thi sĩ Ðinh Hùng… (1)
Cho đến bây giờ, Quỳnh Giao vẫn nghĩ “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những bài “truyện ca” hay nhất của tân nhạc mình. Dĩ nhiên là không thể so với “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, hay hai bài về truyện tích “Thiên Thai” của Văn Cao và Phạm Duy là những tác phẩm có giá trị cao về văn học. Nhưng, thiết nghĩ thì ca khúc của Canh Thân có giá trị riêng: một câu chuyện đời thường mà vẫn thiết tha, cảm động.
Khi viết những ca khúc trong sáng thì Canh Thân đạt được tinh thần vui tươi, lạc quan hơn ai hết. Nhưng khi viết thể loại trữ tình thì nhạc và cả lời của ông thật mềm mại, dịu dàng. Nếu ai còn nhớ đến bài “Hoa Mai” của Canh Thân thì sẽ đồng ý với người viết:
“Hoa mai trong gió cười lả lơi
Hoa như ngây ngất say tình đời
Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi
Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi…”
Có một điều mà thính giả ít để ý đến là Canh Thân sáng tác nhạc “trào phúng” rất tuyệt.
Cho đến nay, không biết có ai còn nhớ đủ lời ca của bài “Vỉa Hè”. Canh Thân viết ca khúc này khi đã di cư vào Nam. Bài hát được chính ông vừa đàn vừa hát trong các buổi phụ diễn tân nhạc (“attraction”) trước khi chiếu phim. Ðó là một câu chuyện nghe thì cười, mà rồi cười ra nước mắt…!
“Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia
Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm…”
Quỳnh Giao đã quên hết lời, nhưng không quên ý nghĩa châm biếm của bài hát. Từ miền Bắc đói khổ mà vào Nam thì quả là thấy con chó trong Nam mình cũng có khi tủi thân! Nếu ai còn nhớ được bài này mà hát lại thì có khi lại tưởng tượng ra những con chó kiểng của các ông bà lớn ở Hà Nội ngày nay!
Khi còn trẻ, nhạc Canh Thân tượng trưng cho sức sống hăng hái, tươi vui của tuổi trẻ, vậy mà khi về già, Canh Thân mắc bệnh ghiền và mất trong cơ cực, nghèo khổ…
Quỳnh Giao không bao giờ quên hình ảnh ông đứng trong góc phòng vi âm với cây contre basse cũng to lớn như thân hình ông. Tính ông ít nói và ít cười, nhưng không bao giờ đụng chạm đến ai. Dáng ông chậm chạp uể oải. Ông lặng lẽ đến và lặng lẽ đi…
Canh Thân là hạ sĩ quan trong quân đội, làm việc trong đài phát thanh Quân Ðội, và có một gia đình đông con nên thường xuyên túng thiếu, chưa kể thêm gánh nợ của “nàng tiên nâu”.
Còn lại ngày nay là tinh thần lạc quan yêu đời của ông, trong “Túi Ðàn”…(1) Cũng có tài liệu ghi : Cô hàng cà phê được nhiều người cho rằng chính là danh ca Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên sự thực, thì “cô hàng cà phê” Thái Hằng mở quán ở vùng chợ Neo, Thanh Hóa, còn cô hàng cà phê của nhạc sĩ Canh Thân ở chợ Dầu – Hà Nam, một quán cà phê nổi tiếng thời ấy là quán Thanh Hương.
Câu đầu trong bài “ Cô hàng cà phê” có nhắc đến Chợ Dầu ( Ở chợ Dầu có hàng cà phê…) . Chợ Dầu là một địa danh hoàn toàn có thực, trong bản phát hành tờ nhạc của nhà xuất bản An Phú năm 1955, có phần chú thích rằng Chợ Dầu ở huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Vài dòng tiểu sử nhạc sĩ Canh Thân (1920 – 1970)
Canh Thân, sinh năm 1920 tại Hải Phòng ông là một nhạc sĩ tiền chiến Việt Nam, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Cô hàng cà phê” Ông là cậu ruột của nữ danh ca tân nhạc thời kỳ đầu là ca sĩ Ái Liên (mẹ của ca sĩ Ái Vân).
Năm 1939, Canh Thân tham gia nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý. Ngoài ra, ông còn có biệt danh là Tino Thân từ khi ông vào hội ái Tino. (Tino Rossi)
Các sáng tác nổi tiếng của ông thường viết về những niềm vui, chẳng hạn như bài Cô hàng cà phê, Yêu là ảo mộng, Xuân nghèo,…
Năm 1954, ông di cư vào miền Nam Việt Nam. Thời gian này, ông là một hạ sĩ quan, làm việc trong Đài phát thanh Sài Gòn.Thời gian này, ông sáng tác rất ít, và gia đình cũng khá là nghèo túng, dẫn đến việc ông đi vào con đường nghiện ngập.
Ông qua đời vào năm 1970 tại Sài Gòn.
Những tác phẩm của nhạc sĩ Canh Thân gồm có : Áo đi mưa, Anh còn cây đàn,Bụi phong trần, Buồn lặng lẽ, Các anh về (lời Văn Khôi), Cái bụng tốt, Cầu nguyện thanh bình, Chiến đấu cho hòa bình (lời Văn Khôi), Chúc xuân, Cô hàng cà phê (1947), Đi với tôi đến chốn trời xa, Đi chơi Sài Gòn, Đêm trăng, Em gái tôi, Gửi niềm thươn, Hoa mai, Khi ta ra đi, Khúc ca mùa hè, Khúc hát nông dân, Khúc liên hoan, Màu hoa tím, Mơ chiến thắng, Nhạc lòng, Ngày ra đi, Phút chia tay, Ra đi muôn phương, Thành đô mến yêu,Túi đàn, Yêu là ảo mộng (1962), Vĩ Dạ đò trăng, Vỉa hè, Về miền tự do, Vui lên đi xuân tới rồi, Xuân nghèo