Thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và một số nước Đông Nam á có tính tương đồng cao. Cốt truyện cơ bản được đan dệt bởi hai motif là motif che lấp mặt trời/ mặt trăng và motif xua đuổi kẻ ăn mặt trời/ mặt trăng.

Thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực là những truyện kể trong hệ thống thần thoại về mặt trời, mặt trăng hết sức phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Trong luận văn Thạc s Khảo sát kiểu truyện chinh phục mặt trời trong truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2005), tác giả Cấn Thị Hồng Liên đã thống kê 36 truyện kể về mặt trời của khoảng 16 dân tộc ở Việt Nam, và 14 truyện kể của 6 quốc gia lân cận.

Thần thoại các nước Đông Nam á cũng có nhiều truyện kể về mặt trời, mặt trăng[1]. Từ điểm tựa lý thuyết về motif và phương pháp phân tích văn bản, kết hợp cách tiếp cận văn hóa học, bài viết nghiên cứu thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và một số nước Đông Nam á, mảng truyện kể còn ít người chú ý song không kém phần phong phú, phổ biến.

1. Thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và Đông Nam á

Trong cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam(2), tác giả đã xếp thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực thành một type truyện (mục 29A: Nguồn gốc nhật thực, nguyệt thực) với số lượng 4 bản kể[3]. Trong số tài liệu hiện có (được nêu ở tài liệu tham khảo), chúng tôi thống kê được 9 truyện kể ở Việt Nam và 4 truyện kể ở một số nước trong khu vực Đông Nam á có sử dụng motif thần thoại nhằm giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.

Bảng 1. Thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Na

TT Tên truyện Motif
Motif che lấp mặt trời/mặt trăng Motif xua đuổi kẻ ăn mặt trời/mặt trăng
1 Nữ thần mặt trời và mặt trăng  (Việt) Gấu       ăn      nằm      với        mặt trời/mặt trăng Người khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, giã cối không, la hét ầm ĩ khiến gấu sợ bỏ đi.
2 Kruôz cê (H’mông) – Giàng Li Dua, Giàng Li Dử thay quần áo.– Ma chó ăn trời/ ăn trăng
3 ếch ăn trăng (Thái) –  ếch cắn mặt trăng sinh ra nguyệt thực. ở các bản Thái, hễ thấy mặt trăng bị lấp, mọi người kéo nhau xuống sân, đàn bà gõ mõ, đập chày vào máng giã gạo, đàn ông đánh thanh la, chiêng trống ầm ĩ.
4 ống thuốc thần (Ba – na) – Chó lên trời đòi nợ thuế cắn mặt trời sinh ra nhật thực.
5 Mặt trăng và mặt trời (Mạ) Bơ linh, Bơ lang nuốt mặt trời.
6 Nhật thực, nguyệt thực (Xơ – đăng) – Thỏ ăn mặt trời, cá trầu ăn trăng;– Đôi trai gái ngủ với nhau trên mặt trời/mặt trăng kéo mền che lấp mặt trời/mặt trăng;

– Tay giàng che mặt trời/ mặt trăng.

Người khua chiêng, đánh trống, giã cối không, la hét ầm ĩ xua đuổi thỏ/ cá trầu phải nhả mặt trời/ mặt trăng.
7 Pô Adi Tyak (Chăm) Mặt trời cúi lạy ông Trời (nhật thực)/ Mặt trăng cúi chào mặt trời (nguyệt thực).
8 Sự tích nhật thực, nguyệt thực (Khơ – me)  Rìahu nuốt mặt trời/ mặt trăng Mặt trời/mặt trăng đọc câu thần chú khiến Rìahu sợ phải nhả ra.Người khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, la hét gây tiếng động để đuổi Rìahu.
9 Viên ngọc của mặt trời (Cơ – ho)  Chó ngoạm mặt trời sinh ra nhật thực.

Bảng 2. Thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở  Đông Nam á

TT  Tên truyện Motif
Motif che lấp mặt trời/mặt trăng Motif xua đuổi kẻ ăn mặt trời/mặt trăng
1 Nguồn gốc thế giới chúng ta (Mianma) Sura đuổi đánh mặt trời/ mặt trăng Con người đánh trống, chiêng, kêu thét khiến Sura sợ.
2 Nguyệt thực (Mianma) Chó đuổi nuốt mặt trăng. – Họng chó bé phải nhả mặt trăng ra.– Người đánh trống, chiêng, gõ mõ, kêu thét ầm ĩ khiến chó sợ phải nhả ra.
3 Nhật thực (Inđônêxia) – Khổng lồ Rao đuổi nuốt mặt trời. Người gõ mõ, đánh trống, chiêng, kêu thét ầm ĩ khiến Rao sợ phải nhả mặt trời.
4 Nhật thực, nguyệt thực trên mặt đất (Thái Lan) Rahu tát Athit (mặt trời), Chăn (mặt trăng). Người đánh trống, chiêng, giã cối không, kêu thét ầm ĩ khiến Rahu sợ phải bỏ đi.

Qua hai bảng khảo sát trên, có thể thấy thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và một số nước Đông Nam á có tính tương đồng cao. Cốt truyện cơ bản được đan dệt bởi hai motif là motif che lấp mặt trời/ mặt trăng và motif xua đuổi kẻ ăn mặt trời/ mặt trăng.

Về motif che lấp mặt trời/ mặt trăng, đây là motif cơ bản nhằm giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Vì thế, truyện nào cũng xuất hiện motif này (100%). Motif này biểu hiện ở ba dạng. Thứ nhất, con vật hoặc tên khổng lồ săn đuổi, ăn/nuốt mặt trời, mặt trăng sinh ra nhật thực/nguyệt thực. Dạng này xuất hiện nhiều nhất (4/4 truyện trong thần thoại Đông Nam á và 7/9 truyện trong thần thoại Việt Nam). Thứ hai, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực được giải thích gắn với hành động tính dục. Dạng này chỉ thấy trong thần thoại các dân tộc Việt Nam (có 3/9 truyện). Ngoài hai dạng trên, một số ít truyện giải thích nhật thực, nguyệt thực thông qua hành vi vô tình che lấp mặt trời, mặt trăng (Pô Adi Tyak – Chăm, Nhật thực, nguyệt thực – Xơ – đăng).

Về motif  xua đuổi kẻ ăn mặt trời/ mặt trăng, đây là motif không ổn định, có thể có hoặc không mà không ảnh hưởng đến kết cấu, nội dung truyện kể. Theo các bản kể trên, có 4/9 truyện kể ở Việt Nam và 4/4 truyện ở một số nước Đông Nam á xuất hiện motif này.

Từ kết quả khảo sát trên, dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích các motif từ góc độ tiếp cận văn hóa học để thấy được quan niệm của người xưa về nhật thực, nguyệt thực cũng như ý nghĩa của mặt trời, mặt trăng thể hiện ở thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và Đông Nam á.

2. Motif che lấp mặt trời/mặt trăng với ý nghĩa đề cao vai trò của mặt trăng/mặt trời

Dạng thứ nhất, truyện kể về một con vật hoặc tên khổng lồ săn đuổi, ăn/nuốt mặt trời, mặt trăng sinh ra nhật thực/ nguyệt thực. Trong thần thoại Đông Nam á, kẻ ăn mặt trời, mặt trăng được kể là “tên khổng lồ”, hình ảnh một hành tinh trong vũ trụ. Rahu – Vua các vì tinh tú lang thang trên bầu trời, khi gặp Athít (Mặt trời) và Chăn (Mặt trăng) liền giơ tay tát khiến mặt trời, mặt trăng bị che lấp (Nhật thực, nguyệt thực trên mặt đất – Thái Lan). Sura – Chúa một hành tinh khác chỉ xuất hiện khi có nhật thực, nguyệt thực đuổi đánh mặt trăng, mặt trời (Nguồn gốc thế giới chúng ta – Mianma). Tên khổng lồ Rao trong truyện Nhật thực (Inđônêxia) luôn săn đuổi mặt trời, mặt trăng để nuốt khiến trần gian bị bóng tối bao phủ. Người Khơ – me ở Việt Nam cũng hình dung hiện tượng nhật thực, nguyệt thực là do Rìahu – tên khổng lồ xấu xí, hung dữ, có sức mạnh vô địch đuổi mặt trời, mặt trăng nuốt vào bụng (Sự tích nhật thực, nguyệt thực).

Trong thần thoại Việt Nam, hầu hết kẻ ăn mặt trời, mặt trăng là những con vật gần gũi, quen thuộc với đời sống của đồng bào các dân tộc. Con chó đuổi cắn mặt trời (ống thuốc thần – Ba – na), “ma chó đứng ăn trời, ma chó đứng ăn trăng” (Kruôz cê – H’mông), chó ngoặm mặt trời (Viên ngọc của mặt trời (Cơ – ho)), ếch ăn trăng (ếch ăn trăng – Thái), Bơlinh, Bơlang nuốt mặt trời, mặt trăng (Mặt trăng và mặt trời – Mạ), hay “con thỏ trời sổng chuồng ăn mặt trời, con cá trầu khổng lồ rong ruổi trên bầu trời đớp mặt trăng” (Nhật thực, nguyệt thực – Xơ – đăng). Mỗi dân tộc đều tưởng tượng một con vật huyền thoại nuốt mặt trời, mặt trăng, nhưng trong số đó, hình ảnh con chó xuất hiện khá nhiều lần (trong thần thoại Nguyệt thực (Mianma) cũng xuất hiện hình ảnh chó cắn mặt trăng). Không chỉ trong thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực, hình tượng chó còn thấy trong nhiều truyện kể về mặt trăng, mặt trời nói chung. Trong thần thoại của người H’mông, ông tiên Giàng Do thả chó đen đuổi cắn mặt trời, mặt trăng khiến 9 mặt trời, 8 mặt trăng hoảng sợ chạy lên cao (Dư Nhung). Then cho chó sói ăn mất 11 mặt trời, họ hàng nhà ếch ăn 9 mặt trăng (Thế giới của Then – Thái). Con chó Gònnóh của Siat, Siong bay lên trời nuốt mặt trời sinh ra ngày, đêm trong truyện Hai anh em con thần (Gia – rai). Hình ảnh chó sủa trăng đi vào những truyện cổ mang dáng dấp huyền thoại (Sự tích chú Cuội cung trăng (Việt), Chàng cuội cây đa (Chàm). Chó gắn với ánh trăng có lẽ xuất phát từ một thực tế là con vật này thường hoạt động vào ban đêm và thường sủa giỡn lúc trăng tròn. Từ đó, dân gian sáng tạo những câu chuyện để giải thích hiện tượng này. Tuy nhiên, sự xuất hiện lặp lại với tần số cao của hình ảnh con chó trong truyện kể phải chăng còn xuất phát từ ý nghĩa của con vật này trong đời sống văn hóa của các dân tộc. ở Đông Nam á, chó được thuần dưỡng sớm và từ xưa đã trở thành con vật gần gũi thân thuộc với con người. Nhiều dân tộc ở Việt Nam còn có phong tục thờ chó như dân tộc Dao, Hà Nhì, Tày, Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Lô, Tà Ôi. Việc thờ tượng chó đá cũng rất phổ biến ở các làng quê Việt Nam[1].

Dạng thứ hai, motif che lấp mặt trời, mặt trăng gắn với hành động tính dục chỉ là những chi tiết kể đơn giản chứ không gắn với câu chuyện tưởng tượng li kì mang màu sắc xã hội như ở dạng trên. Truyện Nữ thần mặt trời và mặt trăng kể gấu là chồng của chị em mặt trời, mặt trăng, mỗi khi gấu “ăn nằm” với một người sinh ra nhật thực hay nguyệt thực. Người Ba – na quan niệm nhật thực là khi Cá Bơ hãm hiếp mặt trời[2]. Trong tang ca Kruôz cê, ngoài quan niệm “ma chó đứng ăn trời, ma chó đứng ăn trăng”, nhật thực, nguyệt thực còn được người H’mông giải thích là lúc hai nhân vật huyền thoại Giàng Li Dua, Giàng Li Dử “thay quần áo”. Đôi trai gái “ngủ” với nhau kéo tấm mềm che kín cả mặt trăng, mặt trời (Nhật thực, nguyệt thực – Xơ – đăng). Theo tài liệu ghi chép của Nguyễn Đổng Chi, thần thoại một số dân tộc đều giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực bằng hành động tính dục, nhưng nhân gian thường nói chệch đi. Như trong thần thoại người Việt, truyện kể gấu “ăn nằm” với mặt trăng, mặt trời nhưng được nói chệch đi là gấu “ăn” mặt trăng, mặt trời. Tương tự, người Ba – na quan niệm Cá Bơ hãm hiếp mặt trời nhưng lại nói tránh là Cá Bơ “ăn” mặt trời[3]. Như vậy, phải chăng motif giải thích nhật thực, nguyệt thực gắn với hành động tính dục là motif cổ hơn, về sau mới xuất hiện những cách giải thích khác phù hợp với cách nghĩ, cách nói của người đời sau? Trong thần thoại các dân tộc còn lại ngày nay, việc giải thích nhật thực, nguyệt thực bởi kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng phổ biến hơn là gắn với hành động tính dục. Nhưng nếu hiện tượng “nói chệch, nói tránh” trong nhân gian như Nguyễn Đổng Chi ghi nhận là phổ biến thì có chăng trong thần thoại của nhiều dân tộc cũng đã từng tồn tại motif giải thích gắn với hành động tính dục mà hiện nay không còn lưu giữ? Trả lời câu hỏi này cần có thêm tư liệu về thần thoại các dân tộc. Nhưng sự thay đổi trong quan niệm và cách lí giải của nhân gian về cùng một hiện tượng tự nhiên là hết sức phổ biến, tạo nên sự chồng lấp các lớp văn hoá, lịch sử lên motif truyện kể. Trong thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực, có khi một dân tộc cùng tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Như trong tang ca Kruôz cê của người H’mông, thần thoại Ba – na, Nhật thực, nguyệt thực của dân tộc Xơ – đăng.(4)

Nếu đặt giả thiết về sự phổ biến của hành động tính dục gắn với hiện tượng nhật thực, nguyệt thực như trên thì câu hỏi đặt ra là tại sao nhân gian lại có cách giải thích như vậy? Phải chăng quan niệm gắn mặt trời, mặt trăng với hoạt động tính giao có nguồn cội từ tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng nông nghiệp phổ biến ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam á? Đối với người cổ đại, tính dục trong ý nghĩa nguyên thủy mang bản chất hồn nhiên với vai trò duy trì nòi giống, là cội nguồn của sự sống và sức sinh sản (có lẽ vì thế mà trong thần thoại khởi nguyên của nhiều dân tộc xuất hiện những cặp nam, nữ thần sáng thế đầu tiên: cha/(chồng) Trời – mẹ/(vợ) Đất, ông Đùng – bà Đà, ông Đực – mụ Cái, ông Chày – bà Chày…). Đối với cư dân nông nghiệp, sự chú trọng đến khả năng sinh sản của cây trồng và nhu cầu cao về sức lao động đã khiến họ đặc biệt tôn sùng hành động tính giao như là biểu trưng cho sức sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Quan niệm ấy và xu hướng nhân cách hóa tự nhiên khiến họ hình dung về đời sống “tình dục” của các vị thần cũng như con người: Mặt trời, Mặt trăng mang tính nữ và có chồng là gấu, khi gấu “ăn nằm” với một trong hai thì sinh ra nhật thực/ nguyệt thực (Nữ thần mặt trời và mặt trăng – Việt), Cá Bơ hãm hiếp mặt trời (thần thoại Ba – na), cặp đôi huyền thoại Giàng Li Dua, Giàng Li Dử “thay quần áo” (Kruôz cê – H’mông), đôi trai gái trên mặt trời, mặt trăng “ngủ” với nhau (Nhật thực, nguyệt thực – Xơ – đăng)…  Mặt khác, việc gắn mặt trời với hành động tính giao phải chăng còn thể hiện quan niệm mặt trời là biểu trưng của sự sống, sự tái sinh và sức sinh sản? Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam và Đông Nam á, nhiều truyện xuất hiện motif người đàn bà thụ thai với/nhờ thần mặt trời (Thuỷ tổ người cao nguyên – Cơ – ho; Con trai thần mặt trời – M’nông; K’chăn và K’ban; Cá, muối, sắt – Mạ; Ba quả trứng rồng – Mianma,…).

Dưới góc độ khoa học, nhật thực, nguyệt thực là hiện tượng tự nhiên diễn ra khi mặt trời, mặt trăng và trái đất nằm trên một đường thẳng khiến mặt trăng và trái đất che khuất lẫn nhau. Nhưng từ thời cổ đại, con người do chưa đủ trình độ nhận thức khoa học đã thần bí hóa hiện tượng này và hình dung những câu chuyện về thần linh trong thế giới siêu nhiên huyền bí. Nhật thực, nguyệt thực là những hiện tượng tự nhiên không thường hằng nhưng lại là hiện tượng đột biến, bất thường, bí ẩn của vũ trụ làm nảy sinh “loại cảm xúc về cái siêu tự nhiên”, khơi dậy niềm tin của người nguyên thủy vào các sức mạnh, các tác động không cảm nhận được bằng giác quan tuy nhiên lại có thật[4]. Người xưa sợ hãi khi có nhật thực, nguyệt thực và cho đó là điềm gở vì họ tin rằng đó chính là sự nổi giận của thần linh giáng xuống cuộc sống của họ. Mặt khác, đó còn là nỗi lo sợ trước sự biến mất của mặt trời, mặt trăng, những thực thể tự nhiên có vai trò hết sức to lớn đối với đời sống con người cũng như mùa màng.(7)Có lẽ vì thế mà trong thần thoại các dân tộc, việc mặt trời, mặt trăng bị che lấp được kể nhiều lần cấu thành motif truyện kể xuất hiện với tần số cao. Kẻ “ăn” (che lấp) mặt trời, mặt trăng thường được quan niệm như là kẻ thù, được miêu tả với hình dạng xấu xí, có sức mạnh khó ai địch nổi. ở những truyện có xu hướng cổ tích hoá (như ống thuốc thần (Ba – na), ếch ăn trăng (Thái), Viên ngọc của mặt trời (Cơ – ho), Sự tích nhật thực, nguyệt thực (Khơ – me), Nguyệt thực (Mianma), Nhật thực nguyệt thực trên mặt đất (Thái Lan)), kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng được cho là luôn có sẵn mối thù hằn, vì thế luôn săn đuổi mặt trăng, mặt trời. Motif về kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng không chỉ xuất hiện trong truyện kể mà còn trở thành thói quen ngôn ngữ (cách gọi “nhật thực” (ăn mặt trời), “nguyệt thực” (ăn mặt trăng)). Hình ảnh thần thoại đi vào ngạn ngữ của dân tộc Xơ – đăng. Người Xơ – đăng thường nói “Côca kha khe, kpe kha mắt hai” (Cá trầu ăn mặt trăng, thỏ ăn mặt trời). Người H’mông cũng có câu nói vần vè: “ma chó đứng ăn trời, ma chó đứng ăn trăng” (Kruôz cê). Trong thần thoại và sử thi thần thoại nhiều dân tộc ở Việt Nam như ẳm ệt (Thái), Lịch sử đất Điện Biên (Thái), Xa nhà ca (Hà Nhì), Đen tối (Cơ – ho), motif cây vũ trụ che lấp mặt trời, mặt trăng và hành trình gian khổ chặt cây gọi ánh sáng của con người được kể đi kể lại như nỗi ám ảnh về sự thiếu vắng mặt trời/ mặt trăng.

Motif này không nhằm giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, nhưng trong cùng hiện tượng mặt trời, mặt trăng bị che lấp, chúng đều thể hiện ý nghĩa đề cao vai trò quan trọng của ánh sáng, của thần mặt trời, mặt trăng mà con người từ thời cổ đại đã tôn thờ như những vị thần tối cao.

3. Motif xua đuổi kẻ “ăn” mặt trời/mặt trăng – sự chuyển hóa của hình thức nghi lễ lên truyện kể

Motif này xuất hiện gắn với motif “ăn” mặt trời, mặt trăng, nhằm giải thích nguyên nhân kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng phải nhả mặt trời, mặt trăng. Hầu hết thần thoại ở các dân tộc Việt Nam và Đông Nam á đều kể mỗi khi có nhật thực, nguyệt thực, người trần gian khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, giã cối không và hò hét ầm ĩ khiến những kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng sợ phải bỏ đi, vì người ta sợ mặt trời, mặt trăng bị che lấp sẽ có hại đến mùa màng. Motif này, một mặt giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, mặt khác, có thể thấy là sự du nhập motif dân tộc học vào truyện kể. Nói cách khác, ngoài mục đích giải thích nhật thực, nguyệt thực, truyện kể còn lý giải một tập tục phổ biến ở nhiều nơi: xuất phát từ niềm tin vào sự hiện hữu của những tên khổng lồ hay những con vật huyền thoại ăn/ nuốt mặt trời, mặt trăng, nỗi sợ hãi trước sự biến mất của mặt trời, mặt trăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng và đời sống con người, khi xảy ra nhật thực, nguyệt thực, con người khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, giã cối không, hò hét ẫm ĩ như là hình thức thực hành nghi lễ xua đuổi kẻ “ăn” mặt trời, mặt trăng. Đây là hình thức ma thuật thông qua tiếng động để dọa nạt, xua đuổi vị thần gắn với tai họa, điềm gở, một hình thức ma thuật cổ xưa phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Một số tư liệu điền dã ban đầu của chúng tôi cho thấy, đúng như sự “xác nhận” trong truyện kể, hình thức nghi lễ này trước đây đã được thực hành khá phổ biến. ở các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương (tỉnh Nghệ An), Nghi Xuân, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), mỗi khi xảy ra nhật thực/ nguyệt thực, dân làng đánh trống, gõ mõ, đem xoong, nồi, thúng, mủng, chậu thau ra đánh và hò hét ầm ĩ vì tin rằng như thế con quỷ ăn mặt trời/ mặt trăng sẽ sợ mà bỏ chạy, mặt trời/mặt trăng sẽ lại hiện ra[5]. Cách đây khoảng 40 năm, nghi lễ này còn in dấu ấn trong trò chơi trẻ con ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mỗi khi có nhật thực, trẻ con rủ nhau đem chậu nước để quan sát mặt trời đen và đem xoong nồi ra gõ, hò hét hết sức vui thú[6]. Phải chăng đây là trò chơi xuất phát từ sự bắt chước hành động của người lớn khi nghi lễ này đã mất thiêng và vì thế cũng dần biến mất? Nhưng trước khi biến mất hoàn toàn nó đã kịp in hình lên truyện kể một cách sinh động, nguyên sơ.  

Sự chuyển hóa của hình thức nghi lễ thành motif truyện kể trong thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực như trên khiến chúng ta liên hệ tới lý thuyết về mối quan hệ gắn bó giữa thần thoại và nghi lễ mà nhiều tác giả đã nêu ra(10). ở trường hợp này, có thể thấy, thần thoại và nghi lễ là những thực thể đồng đẳng đều được sáng tạo trên cơ sở niềm tin, dựa trên quan niệm hoang đường về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực của người nguyên thủy. Niềm tin vào sự hiện hữu của thần linh và mối tương thông giao cảm giữa các vị thần và con người là động lực làm nảy sinh nghi lễ. Còn truyện kể ghi lại quan niệm cổ xưa bằng hình thức sinh động của nghệ thuật ngôn từ. Dù thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng thần thoại và nghi lễ đều là những biểu hiện của niềm tin tín ngưỡng. Sự gặp gỡ ấy khiến truyện kể có vai trò giải thích, bổ sung cho hành động nghi lễ, còn nghi lễ có thể xem như là một hình thức diễn xướng quan niệm thần thoại, góp phần gia tăng tính chất linh thiêng và “có thật” của truyện kể.

Nhìn một cách tổng thể, thần thoại giải thích nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và các nước Đông Nam á đều hướng tới ý nghĩa phản ánh khát vọng lý giải và thắng đoạt tự nhiên, niềm mong ước về sự hài hòa, phù trợ của tự nhiên đối với đời sống con người. Khát vọng ấy được mỗi dân tộc thể hiện bằng một câu chuyện tưởng tượng mang màu sắc riêng song đều dựa trên cơ sở quan niệm văn hóa tôn sùng vai trò của mặt trời, mặt trăng gắn với cơ tầng văn hóa nông nghiệp lúa nước ở khu vực Đông Nam á. Đó phải chăng cũng chính là nguyên nhân sâu xa lý giải những tương đồng về motif truyện kể cũng như hành động nghi lễ gắn với nhật thực, nguyệt thực ở Việt Nam và các nước Đông Nam á nói trên./.

Tranh minh họa: Tôn Bùi.


Chú thích

[1] Chỉ riêng trong cuốn Thần thoại Đông Nam á, Trương Sỹ Hùng biên soạn, Nxb. VHDT, H.1988 đã có tới 14 truyện kể về mặt trời, mặt trăng. (2) Nguyễn Thị Huế chủ biên, Nxb. Lao động, 2012.

[2] Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb. Lao động, H.2012, tr.86.

[3] Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb. Lao động, H.2012, tr.86.

[4] Nguyễn Thanh Lợi, “Con chó trong các nền văn hoá”, Tạp chí Thông tin Mỹ thuật, số 09 – 10, Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Nguồn: http://hcmufa.edu.vn/tap-chi.

[5] Quan niệm thần thoại của người Ba-na được Nguyễn Đổng Chi ghi lại trong truyện Nữ thần mặt trời và mặt trăng (Việt) (trong sách Lược khảo về thần thoại Việt Nam, in trong Nguyễn Đổng Chi – tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, H.2003, tr.75, 76). Trong số tài liệu hiện có về thần thoại Ba-na chúng tôi chưa tìm thấy bản kể này nên tạm không đưa vào bảng khảo sát mà chỉ sử dụng làm tư liệu so sánh.

[6] Nguyễn Đổng Chi (2003), Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Sđd, tr.75,76.

[7] Lucien Lévy – Bruhl, Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy, Nxb. Thế giới, H.2008, tr.15.

[8] Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Đại (sinh năm 1950), xóm 3, xã Quỳnh Thiện (nay là thị xã Hoàng Mai), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hùng, sinh năm 1949, xóm 5, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bà Ngô Thị Lam (sinh năm 1953, làng Phượng Lịch, xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng cho biết trước đây khi có nhật thực, nguyệt thực người ta đem xoong, nồi, thúng, mẹt ra vỗ vì sợ mặt trời, mặt trăng bị ăn mất, và sợ có hại đến mùa màng. Cách kể tương tự của cố Khiêm Trợ, 85 tuổi, thôn Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; cụ Trần Huy (75 tuổi), xóm Bắc Kinh, xã Hậu Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

[9] Theo lời kể của bà Lê Thị Hồng, sinh năm 1947, thôn Phan, xóm 8, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

[10] Lý thuyết nghi lễ của thần thoại (The Ritual Theory of Myth), một trong những xu hướng nghiên cứu nổi bật trong nhân học văn hoá châu Âu nửa đầu thế kỉ XX, được đề xuất bởi một số nhà thần thoại – nghi lễ học như James Geoger Frazer (1854 – 1941) (với công trình Cành vàng – 1923), Samuel Henry Hooke (1874-1968) (Myth and Ritual, Oxford, 1933), J.Fontenrose (The Ritual Theory of Myth, Berkeley. 1966)… Theo lý thuyết này, trong các nền văn hoá nguyên thuỷ và cổ đại, thần thoại và nghi lễ hợp thành một thể thống nhất (về thế giới quan, về chức năng, về cấu trúc) và có mối quan hệ chặt chẽ về mặt nguồn gốc. Nhà nghiên cứu thần thoại người Pháp Mircea Eliade trong công trình Các phương diện của thần thoại (Aspects du mythe, édition Gallimaed, Paris, p.17) cũng đề cập tới quan hệ giữa thần thoại và nghi lễ khi ông cho rằng bản thân đời sống thần thoại như một biểu hiện của tín ngưỡng, mặt khác, niềm tin và nghi lễ của một số bộ tộc là một dạng tồn tại của thần thoại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, in trong: Nguyễn Đổng Chi – tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
  2. Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục, 2001.
  3. Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2012.[7]
  4. Nguyễn Thị Huế, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
  5. Trương Sỹ Hùng, Thần thoại Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.
  6. Trương Sỹ Hùng, Thần thoại Đông Nam á, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1988.
  7. Cấn Thị Hồng Liên, Khảo sát kiểu truyện chinh phục mặt trời trong truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam, LVTS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.
  8. Nguyễn Thanh Lợi, “Con chó trong các nền văn hoá, Tạp chí Thông tin Mỹ thuật, số 09 – 10, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: http://hcmufa.edu.vn/tap-chi.
  9. Lucien Lévy – Bruhl, Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy, Nxb. Thế giới, H.2008.
  10. Nhiều tác giả, Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam, tập III: Truyện cổ Tày – Thái, Dòng Nam á, Nxb. Văn học, H.1987.
  11. Tạ Văn Thông – Võ Quang Nhơn, Truyện cổ Cơ – ho, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1984.