Cầm, Kỳ, Thi, Họa, là bốn bộ môn nghệ thuật văn hóa xưa nay. Kỳ chính là chỉ về Vi Kỳ, có nghĩa là cờ vây, mà hiện nay người phương Tây gọi là Go. Đi cùng với tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và những môn văn hóa nghệ thuật khác, đó là một phần trong lịch sử văn minh hàng ngàn năm của phương Đông.

  1. Cờ vây dễ học khó giỏi.

Người ta bảo “Vi kỳ dị học nan tinh” (圍棋易學難精) – cờ vây dễ học khó giỏi. Đây chỉ là một câu nói, mỗi người sẽ có cảm thụ khác nhau. Có người thấy chẳng dễ học chút nào, có người lại thấy có gì đâu mà khó giỏi. Nên chúng ta sẽ chỉ luận bàn trên cơ sở bề mặt chữ nghĩa mà thôi.

Vì sao cờ vây dễ học? Vì chúng ta không phải nhớ mặt quân, các quân cờ cũng không có nước đi khác nhau nào cả, luật Trung Quốc hay luật Nhật Bản cũng chẳng hề phức tạp để hiểu.

Vì sao cờ vây khó giỏi? Thực ra cờ nào cũng khó giỏi cả, vì đây là môn cọ xát liên tục, sóng sau xô sóng trước, người tài còn có người tài hơn, chẳng ai dám vỗ ngực nói mình là giỏi hay đệ nhất cả. Ngoài ra nói một cách định lượng, thì số biến hóa của nước cờ vây quá nhiều, không ai mà tính hết được. Từ xa xưa thời Tống, nhà khoa học Thẩm Quát trong sách “Mộng Khê Bút Đàm”, đã bàn đến số lượng biến ảo của cờ vây rằng “nó lên tới con số 3 luỹ thừa 361 lần”.

  1. Học và chơi

Bàn cờ vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể họp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, và 361 điểm tổng cộng. Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm hoằng lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ giống như là hình tượng biến hóa của Trời và Đất.

Xem cách bố cục những điểm đen và trắng trong quyển sách cổ ‘Hà Đồ’ và quyển ‘Lạc Thư’ thuộc bộ ‘Chu Dịch bổn nghĩa’ , rất có thể cờ vây và 2 quyển sách này đều có những nguồn gốc thâm sâu. Giống như quyển Lạc Thư, bàn cờ vây có 361 giao điểm, 8 ngôi sao tinh tú chỉ phương vị, và 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi, mà tương ứng với 360 ngày, 8 quẻ bát quái (càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn), và 72 loại thời tiết. Con cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới phẳng ngang, phân biệt nhau bằng hai mầu trắng và đen, tượng trưng cho Âm và Dương. Trong sách Kỳ Kinh, thuộc thời đại Nam-Bắc triều, tìm thấy trong động đá Mỗ Cao ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, có nói rằng “361 đường là phỏng theo con số của Chu Thiên”.

Hà Đồ và Lạc Thư

Ngày nay để mục đích rèn luyện phù hợp với cá nhân mà người ta còn chia ra bàn 9×9, 13×13… nữa. Nhưng nhiều cao thủ cảm thấy vẫn nên lập tức học loại bàn 19×19.

Chỉ ở bàn 19 thì khái niệm “khai cuộc” mới có nhiều vấn đề để học. Vì rộng rãi nên bàn 19 có nhiều cơ hội hơn cho những người thua cục bộ ở một phần bàn cờ, trận đấu không quanh quẩn ở một nơi mà hai kì thủ có thể tự do đến nơi mình muốn. Học quan sát ở góc rộng hơn, chung hơn, nâng cao tầm nhìn. Có nhiều cơ hội được chơi với người giỏi hơn (vì người giỏi hơn lười chơi bàn 9 và13). Và vì tóm lại thì bàn 19×19 mới đúng là bàn cờ vây.

Nếu như cờ Tướng và cờ Vua đều có một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt quân Tướng hay Vua của đối phương, vì chỉ cần diệt được quân đó thôi thì tất cả còn lại sẽ sụp đổ hoàn toàn. Cờ Tướng và cờ Vua nhắm vào một quân duy nhất nên hai loại cờ mang tính chiến tranh, tính hủy diệt rất cao. Tất cả các quân hai bên đều tìm cách ăn quân càng nhiều càng tốt mà không hề để ý gì tới lãnh thổ đất đai. Sự đối kháng trên bàn cờ tướng, cờ vua là một mất một còn, không hề có sự khoan nhượng. Cờ Vây thì hoàn toàn khác!

Cờ vây có mục tiêu tối thượng và duy nhất là chiếm được “đất” càng rộng càng tốt. Bắt quân cũng rất cần nhưng luôn là chuyện thứ yếu. Nếu so với cờ Tướng, cờ Vua chỉ có 32 quân và 64 ô để hoạt động thì người chơi cờ vây phải có sự tính toán cực kỳ sâu xa mới có thể điều khiển 361 quân trên một diện tích rộng gấp 5 lần. Điều đó giải thích vì sao người chơi cờ vây phải tính trước rất nhiều nước không chỉ cho một đám quân mà cả cho chục đám quân xen kẽ rất phức tạp trên bàn cờ. Óc tưởng tượng trong cờ vây là rất lớn.

Từ đó, cờ vây còn được nhìn nhận không phải là một chiến trường đánh phá, tiêu diệt mà là một dạng kiến thiết, xây dựng, khai phá, mở rộng phạm vi. Cờ vây khác so với các loại cờ khác là người chơi được phép nhường lượt đi của mình cho đối phương, nhất là lúc tàn cuộc và nhận ra rằng nếu mình đi thì chỉ làm cho mình bị thiệt hại, còn khi nào thấy cần thì đi tiếp.

Đến khi cả hai bên đều thấy đi tiếp là vô ích, ván cờ sẽ được thỏa thuận dừng tại đây, hai bên cùng đếm “đất” để xác định thắng thua, mỗi điểm trong vùng đất sẽ được tính là một “mục” và ai nhiều “mục” hơn sẽ thắng. Trước khi đếm “đất” hai bên trao trả “tù binh” (những quân cờ bị bắt) rồi đặt các “tù binh” vào “đất” của mình, như vậy số “mục” của mỗi phe sẽ bị giảm nhiều nếu phe đó có nhiều quân bị bắt làm tù binh. Với bàn cờ chuẩn (19×19) thì sau khi đếm xong, bên Trắng được cộng thêm năm mục rưỡi do bên Trắng luôn là bên đi sau.

  1. Điển cố

Cờ vây xuất hiện trong văn thơ và lịch sử rất nhiều.

Người ta vẫn bảo “Nhân sinh như kỳ”, “Thế sự như kỳ”, “Trị quốc như dịch” – tức là chuyện trên đời này giống như cuộc cờ vậy.

“Thương thiên như viên cái, Lục địa như kỳ cục. Thế nhân hắc bạch phân, Vãng lai tranh vinh nhục.”

“Trời tròn như lọng che, Đất xoay như cuộc cờ, Đời đen trắng lẫn vẻ, Vinh nhục đòi căn cơ.”

Đó là bài thơ cám cảnh nhân tình thế thái của Gia Cát Lượng khi còn ở gò Ngọa Long vậy.

“Người trong cuộc thì mê, người ngoài thì rõ” – “Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh” – ấy cũng là câu mượn bàn cờ để nói việc con người. Tại sao người ta lại hay nói “cờ bạc”. Vì đó là 2 món khi ngồi ngoài thì cảm thấy mình rất sáng suốt, cảm thấy rất dễ ăn, nhưng khi bị mờ mắt vì dục vọng thắng thua thì chỉ càng chuốc thất bại mà thôi.

Ngoài chuyện nhìn cách đánh cờ biết tâm tính, người ta còn có thể xem hiểu biết về cờ mà đo trí tuệ một người.

“Một năm nọ, khi Đường Huyền Tông tự mình lên lầu cao để chọn văn sỹ trong thiên hạ, Trương Cửu Linh nhắc đến Lý Bí, Huyền Tông lập tức phái người đưa Lý Bí vào cung. Lý Bí vào cung đúng lúc Huyền Tông đang chơi cờ vây với Tể tướng Trương Thuyết. Huyền Tông bèn lệnh cho Trương Thuyết ra câu hỏi khảo nghiệm Lý Bí.

Trương Thuyết chỉ bàn cờ nói: “Vuông như bàn cờ, tròn như quân cờ, động như cờ sinh, tĩnh như cờ tử”. Nói 4 câu đó thì 4 chữ “vuông tròn động tĩnh” là đề thi. Ông ta thấy Lý Bí tuổi còn nhỏ, mới có lòng thử tài năng, tốt nhất là nói đến cờ mà không nhắc đến chữ cờ, như vậy mới có trình độ. Lý Bí trả lời liền: “Vuông như hành nghĩa, tròn như dụng trí, động như sính tài, tĩnh như toại ý”. Huyền Tông rất vui mừng, ngay lập tức bảo Lý Bí đến Đông cung để giúp Thái tử Lý Hanh đọc sách.”

Hẳn chúng ta cũng nhớ đến chuyện Quan Vũ đánh cờ nạo xương – đó đã là một kinh điển của lòng can đảm và sức mạnh tinh thần con người.

  1. Nhận định

Trong sách “Lê Hiên Mạn Viễn” (梨軒曼衍) có viết rằng: “Vi Kỳ ban đầu không phải là sự việc của nhân gian. Nó được phát hiện đầu tiên trong khi khai quật phần mộ của vua Chu Mục Vương, nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, và sau đó còn được tìm thấy trong một thạch thất nằm trên núi Thương Sơn. Đó là dụng cụ cho các vị đạo tiên nuôi dưỡng tính nết và vui chơi với Đạo.”

“Trong khi luật cờ vua được tạo ra bởi con người; luật cờ vây rất tao nhã, sống động và chặt chẽ, nếu như có các dạng sống thông minh tồn tại ở đâu trong vũ trụ, họ gần như chắc chắn sẽ chơi cờ vây. (While the Baroque rules of chess could only have been created by humans, the rules of go are so elegant, organic, and rigorously logical that if intelligent life forms exist elsewhere in the universe, they almost certainly play go.)” – Đây thường được xem là phát biểu của Edward Lasker – vận động viên cờ vua người Mỹ gốc Ba Lan khi bàn luận về cờ vây.

Ban đầu Edward Lasker và nhiều người rất nghi ngờ khi có bài báo viết rằng cờ vây chính là đối thủ của cờ vua. Nhưng sau khi ba người : Edward Lasker cùng 2 anh em vận động viên người Đức Emanuel Lasker, Berthold Lasker hợp lực, cộng với được chấp quân trong thế 9-stone handicap mà vẫn thua liểng xiểng một cao thủ Nhật Bản thì họ đã tâm phục khẩu phục.

Quá trình nghiên cứu mở mang đầu óc trong cờ vây giúp cho Edward Lasker sau này dành được chức vô địch cờ vua nước Anh vào năm 1914, còn Emanuel Lasker thì có một sự nghiệp huy hoàng hơn nữa khi là nhà Vô địch Cờ vua Thế giới trong vòng 27 năm (từ năm 1894 tới năm 1921). Trong thời kì đỉnh cao, Emanuel Lasker là một trong những nhà vô địch vượt trội nhất, và ông vẫn được xem là một trong những kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử. Và thật thú vị, ông cũng là một triết gia.

Có thể nói cờ vây quả là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, nếu chỉ dùng trí tuệ con người thì không thể nào hiểu thấu đáo được. Tự cổ đến nay, cờ vây đã được biết bao bậc đế vương, quan tướng, văn nhân nho sĩ cũng như thường dân thưởng thức. Nó cũng mang lại biết bao giai thoại truyền kỳ, văn chương thi phú đẹp đẽ, ngay cả sách viết về binh thư toán pháp và phương lược trị quốc. Cờ vây là một đóa hoa đẹp đẽ trong lịch sử của nền văn minh phương Đông vậy.