Mẹ già lút cút lui cui
Mua gà cúng đất đất xui mẹ giàu (Ca dao Huế)

Hiện nay trong nhiều gia đình ở Huế vẫn duy trì tục Cúng Đất một cách thành kính. Lễ cúng này thường diễn ra vào tháng Hai hay tháng Tám âm lịch.

Phải nói rằng Cúng Đất biểu lộ một nét đẹp trong tâm hồn của cư dân Huế qua sự tạ ơn trời đấ, thánh thần, tổ tiên, bao nhiêu vong linh của những người ngày xưa từng cư ngụ trên mảnh đất hiện tại mà họ đang sinh sống. Cúng Đất là cầu nguyện cho âm siêu dương thái, là bày tỏ lòng tri ân và cầu mong phò hộ đối với các vị thánh thần, những tiền nhân từng khai phá nay đã hiển linh. Cúng Đất cũng được coi như một hình thức thăm hỏi và bày tỏ lòng thành tương kính, tương giao với những linh hồn khuất mày khuất mặt còn vương víu lẩn quất trong không gian chưa siêu linh tịnh độ. Tục lệ này vốn là của cư dân vùng Ngũ Quảng gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua dòng lịch sử cũng đã được những lưu dân mang theo khi vào khai khẩn đất Nam bộ, nhưng nay còn thịnh hành nhất là ở Huế.

Có người cho rằng hiểu được ý nghĩa việc Cúng Đất là hiểu được tâm thức kín sâu của người Huế đối với vùng đất mà họ chọn làm địa bàn sinh sống suốt gần cả ngàn năm nay.

Lịch sử đã ghi chép dân vùng Ngũ Quảng nói chung và xứ Huế nói riêng là những cư dân đầu tiên bắt đầu từ năm 1306, năm Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành để lấy hai ô Châu – Lý. Tuy nhiên, dựa vào tài liệu khảo cổ học thì người nhà nghiên cứu đã phỏng định rằng lịch sử người Việt ngụ cư ở đây đã có từ lâu và sống chung xen kẽ với nhiều sắc dân khác là Chàm và những dân tộc thiểu số thuộc nhóm Tà Ôi- Pa Cô , Bru, Vân Kiều. Dân Việt cổ có ngôn ngữ Việt Mường của dòng Nam Á; dân Chàm cổ có dòng ngôn ngữ cổ hệ Malayo-Polyésie. Các dân thiểu số mang hình thái Indonésien, ngôn ngữ thuộc dòng Môn – Khmer. Theo sử liệu và sách địa chí, vùng đất Huế hiện nay thuộc bộ Việt Thường là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, sau đó thuộc u Lạc thời nhà Thục (257 Tr.TL), rồi thuộc Nam Việt thời Triệu Đà (209 Tr. TL), rồi lại Bắc thuộc cho đến năm 248 dưới sự thống trị của nhà Hán và nhà Ngô (Trung Hoa).

Từ năm 248 đến năm 1306, vùng Huế lại thuộc quyền cai trị của người Chàm. Sau năm 1306, với sự kiện Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chàm, Huế chính thức thuộc về lãnh thổ Đại Việt. Trải qua nhiều cuộc tranh chấp giữa Chàm và người Việt gần 100 năm trên địa bàn này, tiếp đến là 20 năm cai trị của nhà Minh, tiếp theo lại tranh chấp giữa Chàm và Việt cho đến năm 1471, sau cuộc chiến thắng của vua Lê Thánh Tông, vùng Huế mới bắt đầu ổn định. Kế tiếp là nhà Mạc và sau đó là nhà Lê trung hưng với vua Lê chúa Trịnh. Mãi đến năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, nên xứ này có đời sống ấm no hơn so với thời các chúa Nguyễn kế vị. Rồi sau thời Trịnh Nguyễn phân tranh lại đến thời Tây Sơn, cuối cùng thì Huế trở thành kinh đô của triều Nguyễn sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà.

Nhìn lại cư dân vùng Huế qua dòng lịch sử, chúng ta thấy cư dân chủ thể người Việt đã sống chung đụng với cư dân gốc Chàm, cư dân thiểu số Indonésien và sau cùng với cư dân Trung Hoa sang tỵ nạn lập làng Minh Hương. Do đó trên phạm trù tín ngưỡng dân gian Huế, có một sự dung hợp gồm thần linh bản thể Việt trộn với thần linh của các sắc dân chung sống. Thuở ban đầu những cư dân Việt phải sống trong một hoàn cảnh hãi hùng trên một vùng đất mới khai phá với bao nhiêu hiểm họa về khí hậu, phong thổ thú dữ giữa khung cảnh của bao đền tháp tượng thần của các sắc dân khác.

Ngoài sự tín ngưỡng tự nhiên về thuyết linh hồn như thờ cúng vong linh tổ tiên, thờ cúng thần linh ngự trị khắp nơi, hoặc thờ cúng những vật linh, họ pha trộn những ý niệm của Nho- Phật- Lão để làm thành một tổng hợp tôn giáo trong chiều hướng nguyện cầu, phủ dụ và sự an ủi tâm hồn.

Đối với những đền tháp hay những tượng thờ khác biệt của những sắc dân khác, cư dân Việt với bản chất hòa hiếu để tự tồn trong vùng đất mà những người khác tín ngưỡng từng khai phá, họ không hề dám xâm phạm hay đập bỏ mà lại đem lòng kiêng nể và cúng vái cầu khẩn. Điều này thể hiện rõ ràng trong nội dung văn điệp Cúng Đất mà học giả Trần Đại Vinh đã sưu tầm và phổ biến trong sách Tín ngưỡng dân gian Huế (Nxb Thuận Hóa, 1995). Trong văn điệp Cúng Đất, người Huế kê ra một danh sách đầy đủ những đẳng cấp thần linh đang cai quản vùng trời biển, núi sông, suối giếng trong không gian và thời gian mà họ cụ thể đang sinh sống như Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ, Kim niên hành khiển, Ngũ hành liệt vị tiên nương…Họ kê ra những tổ tiên từng khai sáng như Tiền khai canh, hậu khai khẩn chi thần, Gia đường hương hỏa liệt vị oai linh …Họ còn kê ra dâng cúng những thủ lãnh của dân Chàm, sắc tộc thiểu số…từng cư trú trên địa bàn Huế như Man nương thần nữ, chúa Lồi, chúa Lạc …Họ không quên những hài cốt vô danh còn nằm sót lại dưới đất, hay những cô hồn nam nữ vô tự đang vất vưởng trong không gian…
Về cách thức cúng đất, người ta bày cúng đủ 3 bàn: thượng, trung, hạ bày trước cửa chính nhà, lạy từ trong lạy ra . Mỗi bàn đều có hương đèn, hoa quả, cau trầu rượu, giấy vàng bạc.

– Bàn thượng đặt bộ áo thổ thần, vật thực gồm có một con gà trống luộc, gồm huyết và lòng rắc muối hạt, một con dao bằng tre, cùng một dĩa xôi trắng, phụ năm sáu chén chè;

– Bàn trung đặt hai bộ áo bà, năm bộ áo ngũ phương, lễ vật gồm miếng thịt heo luộc, bát xôi, ba dĩa cua trứng luộc chín rắc muối hạt, có miếng thịt tợ đặt lên trên, và mâm cỗ cúng cơm, đặc biệt dĩa rau khoai luộc, chén nước ruốc và gắp cá tôm nướng.

– Bàn hạ còn gọi là bàn hội đồng đặt áo binh, nồi cháo trắng, gạo, muối, bánh tráng hạt nổ ngũ sắc, đường đen, khoai đậu nấu.

Lễ vật có thể nói là đại diện cho Tam sinh như thú (heo), cầm (gà), vật thủy sản (cá, cua, tôm) và những thổ sản như cơm, khoai, đậu, hoa quả theo mùa. Chính vì có thần linh dân thiểu số nên có rau khoai luộc, xâu cá tôm nướng.

Khi lễ cúng gần xong, gia chủ làm một “xà lét” bằng bẹ chuối, bỏ vào đó một ít thức ăn đủ loại rồi mang ra treo ở gốc cây góc vườn dành cho những linh hồn qua đường. Cuối cùng, phẩm vật sau Cúng Đất sẽ được mời bà con hàng xóm cùng chung hưởng bởi họ quan niệm “bán bà con xa mua láng giềng gần”, cũng là dịp liên hoan giao lưu để thắt chặt “tình làng nghĩa xóm”. Và quan trọng nhất là gia chủ giữ lại cặp giò ngâm vào ly rượu trắng sau đó mang đến thầy xem bói. Họ quan niệm mọi điều tốt xấu, lành dữ của gia chủ sẽ được thần đất báo ứng.

Có thể nói rằng lễ Cúng Đất của người dân Huế mang đậm màu sắc tín ngưỡng phiếm thần nhưng qua đó, họ đã dành một tình yêu thiêng liêng cho mảnh đất quê hương mà họ đang thừa kế và an hưởng.

Cổ tục Cúng Đất mà hiện nay người Huế còn tuân thủ cho thấy, trong tiềm thức cư dân Huế có một chiều sâu về lịch sử, bắt nguồn từ thuở sinh hoạt sơ khai cả mấy ngàn năm trước với biết bao thần linh. Trong ý nghĩ của họ, ngoài mục đích thực tế cầu đảo thần linh ban cho sự an lành (tạ thổ kỳ yên), người cúng còn biểu lộ những tâm tình thân ái chào hỏi (lễ) và tri ân (nghĩa) đối với những linh hồn của biết bao nhiêu người từng sinh sống nơi đây trước họ, đó là một nét đẹp về văn hóa của cả vùng đất Cố đô…