Cúng ông Công ông Táo là một lễ quan trọng của người Việt. Lễ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng nhiều nơi người dân quan niệm Lễ phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23, nên nhiều gia đình cúng từ ngày 22.

Lễ cúng này quen thuộc đến nỗi chúng ta coi như một sự đương nhiên mà không mấy để ý nguồn gốc, ý nghĩa thực sự của nó như thế nào.

Truyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó kết duyên với một người khác.

Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi thăm đồng, người chồng cũ bỗng trở về. Vợ nhận ra chồng cũ, hai người ôm nhau khóc. Vừa lúc người chồng mới về nhà định lấy tro bón ruộng, sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ núp vào đống rơm. Người chồng tìm tro bón ruộng không có bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.

Thấy chồng cũ chết oan uổng, người vợ thương xót nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thương vợ cũng nhảy vào lửa chết theo. Trời thấy ba người sống tình nghĩa nên phong cho họ làm Vua Bếp để được gần nhau mãi mãi. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

tuc cung ong cong ong tao
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Ảnh ngoisao.vn

Dân gian quan niệm, hằng ngày Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu. Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể. Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau. Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất.

Để không làm mất lòng ai, người dân xếp cho tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công ở gian bên trái (theo ngũ hành, bên trái, phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm). Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn, Thổ Công được coi là đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, người dân đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép cho cha mẹ được về “phối hưởng”.

Người xưa cho rằng, sau khi nghe Táo quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt. Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình người ta bày lễ cúng để Táo quân “nói tốt“ cho nhà mình. Đồ cúng Táo quân thông thường là các loại kẹo bánh có vị ngọt, hi vọng thần ăn đồ ngọt sẽ không bẩm báo những chuyện nhỏ nhặt với Ngọc Hoàng. Khi cúng tiễn Thần Bếp, thường phải tắm rửa sạch sẽ, dùng muối, hoa, tinh dầu, lá bưởi hoặc các loại lá thơm làm nước tắm; tắm xong thay quần áo sạch sẽ rồi mới cúng.

tuc cung ong cong ong tao
Trong Lễ cúng ông Công ông Táo luôn có việc thả cá chép để ‘Vua Bếp’ cưỡi về trời.

Sau khi tiễn Táo quân xong mới bắt đầu quét dọn, tục gọi là “quét tàn tinh” nhưng nếu năm đó nhà có tang ma thì không được quét để kiêng khói bụi bay vào mắt người chết. Việc quét dọn, kê lại đồ đạc trong nhà thường được thực hiện sau khi tiễn ông Táo, do lúc này các thần đã về trời bẩm báo công việc, chỉ còn một số thần nhỏ ở lại “trực” để duy trì trật tự, nếu có xê dịch làm đảo lộn đồ đạc thì cũng không mạo phạm đến thần. Quét dọn xong mới đến phần “lau rửa”, ngoài ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, lau chùi rửa sạch đồ đạc trong gia đình còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là sự thanh tịnh trong tâm, phản tỉnh những sai lầm trong cả năm. Người xưa cho rằng nếu chỉ chăm chút bề ngoài mà không coi trọng sự thay đổi hướng thiện trong tâm hồn thì hiệu quả trừ bỏ những cái xấu của năm cũ có làm cũng như không.

Đặc biệt đối với những người trong năm gặp nhiều sự cố phát sinh khiến công việc và cuộc sống không được như ý, do gặp đen đủi, muốn tìm cách để thay đổi tương lai, hy vọng năm mới tốt đẹp hơn, sẽ nhân cơ hội này phản tỉnh, tổng kết sai lầm trong cả năm, rút kinh nghiệm cho năm mới thuận lợi hơn.