Ông lão loạng choạng chống gậy dò dẫm đi ra khỏi căn nhà lợp gianh thủng lỗ chỗ, vách đất đã lâu ngày rơi xuống thành từng tảng dưới chân. Chợt ông lão đứng lại, giơ tay ra phía trước. Một làn gió mát rượi thổi qua kẽ tay ông. Có hơi ấm. Trời đã bắt đầu nắng rồi. Sáng nay, khi nghe tiếng gà cục tác, tiếng con lợn nhà bên ủn ỉn, tiếng cười nói lao xao của đám trẻ gọi nhau đi học, ông lão mới giật mình tỉnh giấc.

Hắn gọi hương ổi là hương Thu. Ảnh minh họa

Dạo này ông lão khó ngủ bởi những cơn đau xương khớp hành hạ. Mãi tới gần sáng ông mới ngủ được một tý. Chao ôi, cái tuổi già, cái chân, cái tay, cái gì trên cơ thể cũng muốn phản bội lại suy nghĩ của mình. Ông lão chép miệng, mệt mỏi ngồi xuống vệ đường. Ông lão chống cây gậy, ngó trân trân về phía trước. Mong rằng sẽ có người nào trong bản đi chợ huyện sẽ thương tình cho mình đi nhờ xe. Bữa ăn ngày hôm nay và có thể là một tuần sau đó mong chờ cả vào một người tốt bụng. Ông lão thắc thỏm chờ đợi.

Ông lão nhớ về mười năm trước, hai mươi năm trước và lâu hơn thế nữa, khi bố mẹ ông còn sống. Khi ấy, ông vẫn chưa phải tự đi kiếm ăn. Mẹ ông nhất mực yêu thương chiều chuộng ông, có miếng thịt ngon, có đĩa xôi nếp nương đầu mùa cúng cơm mới mẹ để dành cho ông tất. Chà! Chà! Đã bao lâu rồi ông chẳng còn biết mùi vị thơm ngon đầy ắp tình yêu thương ấy. Ngày mẹ mất, ông cố nặn ra mà chả được giọt nước mắt nào. Thiên hạ chửi ông bất hiếu, người nhà thì thông cảm vì từ khi sinh ra ông đã không biết khóc.

Khóc có mùi vị như thế nào. Tự nhiên ông lại muốn tìm hiểu về nó. Bao nhiêu năm qua rồi, đến mái tóc xanh mướt của ông đã biến thành cái đầu trọc lóc lơ thơ vài sợi bạc, ông vẫn chưa biết khóc có mùi vị gì. Ngày mẹ chết, ông không khóc được nhưng trong lòng ông, ông cảm nhận được có thứ gì đó đang bị cắt rời ra, sụp đổ. Ông nhanh chóng nhận ra sự hụt hẫng, thiếu vắng, một sự cô đơn bao trùm lấy ông. Chẳng có gì có thể bù đắp nổi cho một đứa trẻ mồ côi mẹ. Cái vết thương côi cút ấy đi theo ông cả đời, cho tới tận bây giờ khi ông cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Từ khi sinh ra, mẹ của ông đã thấy con mình có đôi mắt không giống các anh chị em của ông. Theo thời gian, đôi mắt ngày càng mờ đục. Ông không được nhìn thấy bầu trời, ông không nhìn thấy núi đồi, đường đi cũng phải dò dẫm từng bước. Mẹ ông chính là đôi mắt của ông. Mẹ bảo với ông, bầu trời xanh biếc (dù ông vẫn không biết màu sắc nó có hình dạng gì), núi cao thăm thẳm, con đường ông đi không có điểm kết thúc. Chính mẹ đã dìu dắt ông qua những ngày tháng đen tối khi ông bắt đầu đủ lớn để hiểu ra sự bất hạnh của bản thân. Mẹ đã giúp ông nhận biết vị trí đồ vật qua mùi hương, qua âm thanh.

Mùi hương ông thích nhất là mùi thơm của quả ổi rừng. Cây ổi mọc ngay cổng nhà, vỏ cây trơn nhẵn, mỗi khi ngửi thấy có mùi thơm, ông chỉ cần đứng dưới gốc cây rung thật mạnh và lắng nghe. Ổi rơi chỗ nào, ông đều có thể tìm ra một cách chính xác. Mùi ổi thơm dìu dịu, mẹ bảo với ông, mùa ổi chín chính là mùa trăng tròn đẹp nhất năm. Mặt trăng tại sao lại khác mặt trời hả mẹ. Tại sao chúng không mọc lên cùng nhau cho có đôi có cặp. Ông đã từng hỏi mẹ những câu ngây ngô như thế. Mẹ ông bảo, vì mặt trời chói lóa, nóng nực, còn mặt trăng lại ôn hòa, hiền dịu, chúng không hợp với nhau nhưng vẫn phải tìm cách sống chung nên mặt trời chọn ngày, còn mặt trăng chọn đêm.

Từ mẹ, ông đã học được sự lạc quan trước mọi nghịch cảnh. Những tiếng động cơ nổ phành phạch, có tiếng động cơ nổ êm ru đi qua rào rào trước mặt ông nhưng không một ai dừng lại. Lòng người bây giờ lạnh lắm, hơn cả mùa đông, cái mùa khiến ông sợ nhất. Ông yêu thích tiết trời thu mát dịu, mùa trăng tròn đẹp nhất, cũng là mùa ổi rừng chín.

Mẹ bảo ông, quả ổi rừng có màu vàng, bên trong ruột hồng, người Kinh gọi đó là ổi đào nhưng quả ổi đào của người Kinh to hơn và không thơm nhức mũi như ổi rừng. Lại một tiếng động cơ êm ru chạy qua, ông nhướng mắt ra chờ đợi. Tiếng động cơ chạy xa dần. Ông lão đưa tay sờ lần xung quanh, đúng vệ cỏ ông hay ngồi, sát đường rồi, không sợ họ không nhìn thấy. Trong ông vẫn còn lòng tin, sẽ có một người nào đó tốt…

Từ ngày mẹ mất, bố ông cũng bị bệnh nằm liệt giường. Những người anh của ông đuổi ông ra khỏi nhà, họ không muốn nuôi báo cô ông. Dường như còn một chút tình nghĩa nào sót lại, họ dựng cho ông một túp lều ở góc vườn, để kệ ông tự sinh tự diệt. Ông như con chim non mất tổ, ông không khóc được, chỉ kêu lên những tiếng như con thú hoang dại. Lúc này, nỗi đau mất mẹ, nỗi đau của một kẻ côi cút có cơ hội dày vò ông.

Vào một buổi sáng của vài ngày sau đó, ông đã gượng dậy cầm bát cơm nguội của người cháu thương tình mang tới. Nếu ông chết chính là ông đã có lỗi với mẹ, với bố. Ông phải sống, phải tìm mọi cách mà sống, dũng cảm mà sống. Ông lang thang, mò mẫm tìm những cành củi khô rồi tìm đường xuống chợ bán để kiếm tiền mua gạo. Ông quyết không xin ăn, sống dựa vào sức lao động của chính mình. Nhưng cuối cùng, tuổi già sức yếu đã đánh bật ông, ông không đủ sức cầm tới con dao mác, đành phải nương nhờ vào tình thương của người khác để có thể sống qua ngày.

Lại một tiếng xe máy nữa chạy qua. Ông thở dài. Tiếng xe chạy đi rồi bỗng vòng lại. Giọng một cô gái trẻ trung hỏi ông bằng tiếng Mông. Ông xúc động mỉm cười, xin đi nhờ xe. Cô gái dừng xe, cầm lấy cây gậy, đỡ ông ngồi lên yên xe. Ngồi ở phía sau, ông ngửi thấy mùi ổi chín, thì ra cô gái mang ổi đi bán. Xuống tới chợ, cô gái dúi vào tay ông vài quả ổi rồi vội vàng đi vào chợ. Ông lão cầm quả ổi trong tay, trong lòng bỗng rưng rưng thương nhớ người mẹ quá cố. Sau lưng ông, gió heo may đang thổi, từng đợt lá vàng đuổi nhau lao xao trên mặt đường…