Chúng ta biết đến quân đội An Nam đầu tiên thông qua các văn bản có từ thời Bắc thuộc, vào khoảng thế kỷ thứ nhất, lúc đó Bắc Kỳ có tên là Giao Châu do Sĩ Vương, một thái thú người Tàu cai trị. Ông này đã triển khai hàng loạt chính sách. Một số chính sách rất sơ khai nhưng cũng có những chính sách rất quan trọng, trong đó có chính sách mộ binh. Đội quân này được trang bị vũ khí và huấn luyện theo kiểu Tàu.

Nếu chúng ta chưa biết rõ về thành phần của đội quân này thì những tài liệu về trang thiết bị của đội quân mà chúng tôi có trong tay lại khá phong phú. Phần lớn trang thiết bị được tìm thấy trong những ngôi mộ đời Hán ở Thanh Hoá, đặc biệt là ở Đông Sơn trên hữu ngạn Sông Mã.

Vũ khí của đội quân này chủ yếu là rìu, dáo, dao găm bằng đồng, cung và nỏ. Rất có thể các binh sĩ thời kỳ này đã mặc những bộ áo giáp da xuất xứ từ Trung Quốc. Một số người lại mặc áo bằng vỏ cây giống như áo của người Dayak ở đảo Bornéo hay của người Lô lô, một nhóm dân cư ở phía Bắc Bắc Kỳ và đặc biệt là ở Vân Nam. Các bộ áo giáp bằng đồng được dành cho cấp thị vệ. Mỗi bộ áo giáp gồm nhiều mảnh, trong đó một số mảnh che ngực được tìm thấy ở Đông Sơn.

Bên cạnh vũ khí và các mảnh áo giáp có lẽ được làm tại bản địa, còn có một số thanh gươm dường như được làm ở Tàu. Người ta cũng phát hiện thấy mũi tên đồng tẩm độc nhưng số lượng không nhiều, điều này cho thấy binh sĩ thời kỳ này dùng mũi tên gỗ nhiều hơn.

Các binh sĩ được trang bị loại cung một gióng (hình 1), làm tại địa phương như hình vẽ trên các trống đồng, và cung hai gióng theo kiểu Tàu (hình 2) vì các văn bản cho thấy dân binh được trang bị và huấn luyện theo kiểu Tàu. Ngoài các loại cung trên còn có nỏ mà dấu tích vẫn còn ở tộc Mường, bà con gần gũi với tộc người An Nam.

Trên đây là những thông tin sơ lược về quân đội An Nam vào thế kỷ thứ nhất, một quân đội hoàn toàn do người Tàu tổ chức và, rất có thể, tuyển dụng.

Tiếp theo, phải tới thế kỷ thứ 10, người ta mới thấy dấu vết của quân đội trên. Nhưng ở thời điểm này, quân đội không do các thái thú hay châu mục người Tàu tổ chức nữa mà do một người An Nam sáng lập ra triều đại Đinh tổ chức. Dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng, kinh đô được đặt tại Hoa Lư – một địa điểm tuyệt đẹp (tỉnh Ninh Bình hiện nay), cũng là quê hương của vị vua này.

Năm Thái Bình thứ 5 (974), vua Đinh Tiên Hoàng định ngạch quân 10 đạo, mỗi đạo có 10 quận, mỗi quận có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người. Như vậy, tổng quân số lên tới 1 triệu người. Chắc chắn toàn bộ đội quân khổng lồ này không thể tại ngũ được mà chỉ có thể tồn tại trong sổ bộ và tạo thành lực lượng dự bị. Nhà vua có quyền sử dụng một quân số vừa đủ để ứng phó nhanh trong trường hợp bảo vệ lãnh thổ.

Dù ở bất kỳ triều đại nào, người ta luôn thấy một đội quân kiêm nhiệm việc làm ruộng. Chẳng hạn, dưới triều Lê, việc phục vụ trong quân đội được chia làm 5 phiên. Trong khi phiên thứ 1 tại ngũ thì 4 phiên còn lại ở nhà làm ruộng và lần lượt luân phiên nhau. Một hệ thống như vậy cho phép rèn luyện một đạo quân lớn mà không cần chừng ấy người phải thường trực trong doanh trại.

Giống như ở những thế kỷ đầu, binh lính thời kỳ này được trang bị cung, nỏ, khiên gỗ, dáo gỗ và cây tre một đầu có gắn dao sắt.

Họ đội mũ đồng hình chóp cụt gồm 4 tấm kim loại, ghép với nhau tại các góc bằng các sợi dây. Sau này, tất cả binh sĩ đều mặc áo giáp nhưng bằng chất liệu gì thì chúng tôi không rõ.

Năm 977, triều đình quy định quân phục theo kiểu Tàu và đặt ra các phẩm tước để phân biệt quan văn với quan võ.

Ma Touan-Lin cho biết quân đội được chia thành các đạo quân với những tên gọi riêng và luôn luôn được chia thành cánh hữu và cánh tả. Việc phân chia như thế này tồn tại tới thế kỷ 19. Võ quan và binh lính mỗi tháng phải duyệt binh và kiểm tra một lần vào ngày mồng 01 tháng 7 âm lịch: ngày hôm đó, mỗi lính được nhận 300 quan tiền và 2 mảnh vải (1 mảnh vải tơ tằm và 1 mảnh vải bông). Ngoài ra, họ còn được nhận thóc ăn cả năm và một mâm cơm với cá băm rất thịnh soạn vào ngày đầu năm.

Vào thế kỷ thứ 17, theo những gì giám mục De Rhodes mô tả, nhà vua ban đất đai cho các võ quan để thưởng công lao họ. Những lính gác chính của triều đình cũng được khen thưởng theo cách đó nhưng điểm khác biệt là một võ quan có thể được ban nhiều miếng đất trong khi nhiều người lính chỉ được ban một miếng đất. Đối với binh lính thấp kém hơn, võ quan phải trích nguồn thu từ đất ban thưởng mang lại để trả lương cho họ thay nhà vua.

Bất kể triều đại nào, mỗi vị vua đều có những thay đổi, thậm chí là thay đổi lớn trong quân đội, như: đơn vị, quân số, kể cả việc chỉ huy quân đội xuất phát từ nhu cầu của giai đoạn đó.

Chính vì vậy mà vào thế kỷ thứ 10, lãnh thổ bị chia thành đạo nhưng đến thế kỷ 13 lại chia thành lộ. Điều này cũng tương tự như đối với quận, tuy không bị đổi tên nhưng quân số thay đổi đáng kể: từ 100.000 người dưới triều Đinh, giảm còn 2.400 người dưới triều Trần. Dưới triều đại Trần, lực lượng dân binh bị giảm từ 1.000.000 người xuống còn 100.000 người, gồm cả quân cấm vệ[1] và quân các lộ[2].

Vào thế kỷ thứ 15, khi nhà Lê được khôi phục, quân đội được chia thành ba loại khác nhau không chỉ về mặt tác chiến mà cả về mặt tuyển chọn.

Trước tiên, lính vệ thuộc đội quân cấm vệ được tuyển chọn chủ yếu ở Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1028, Lý Thái Tổ lập ra đội quân cấm vệ đầu tiên. Vị vua này đã thích lên trán mỗi lính cấm vệ ba chữ “Thiên tử quân”.

Tiếp theo là lính cơ đóng tại các tỉnh biên giới, trong đó có các tỉnh của Nam Kỳ. Cuối cùng là lính lệ chuyên hầu hạ các quan lại. Bên cạnh đó còn có lính trạm làm nhiệm vụ chuyển thư từ, công văn.

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), trong khi vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính cũ, ở đó, các đơn vị quân đội được phân bổ tùy theo nhu cầu và tình hình của tỉnh, vua Lê Thánh Tông chia quân đội thành 5 phủ. Đứng đầu quân đội là trung quân phủ. Bốn phủ còn lại mang tên bốn phương. Mỗi phủ cũng do một đô đốc điều hành.

Những thông tin mà chúng tôi có được về tổ chức quân đội An Nam thế kỷ 17 và 18 là khá nhiều, không chỉ thông qua các tài liệu của An Nam mà còn nhờ vào mối quan hệ của các nhà truyền giáo thời đó, trong đó phải kể tới giám mục de Rhodes, Tissanier, Vachet .v.v… Cho tới thế kỷ 19, tổ chức quân đội này chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ, không đáng kể.

Vào thời kỳ này, quân đội được chia làm ba loại trong đó hai loại chủ yếu là quân vệ và quân cơ. Quân vệ giữ vai trò khá quan trọng mặc dù quân số không thể xác định được chính xác. Cha de Rhodes đưa ra con số 50.000 người và cho biết mỗi khi nhà vua ra ngoài hoàng thành, có từ 10.000 – 12.000 lính và 300 con voi đi trước. Những người lính này mặc trang phục giống nhau: áo chẽn bằng lụa tím và quần ngắn cùng chất liệu, một chiếc mũ bonê bằng đồng do vua ban vào đầu năm nhân ngày họ tuyên thệ. Vũ khí của họ gồm có súng mutke, giáo, cung và mã tấu (hình 3). Quân cơ cũng được trang bị vũ khí như trên, với khoảng 60.000 người, theo ước tính của Cha Tissanier. Ngoài ra còn có khoảng 15.000 thuỷ binh.

Tả quân (hình 4-5), Chưởng vệ (hình 6), Quản cơ (hình 7), Phó xuất đội (hình 8), nguồn: TTLTQG I

Đội quân trên, vào thế kỷ 19 cũng như thế kỷ 15, do năm vị tướng gọi là ngũ quân chỉ huy. Ngũ quân gồm có trung quân, tả quân, hữu quân, tiền quân và hậu quân (hình 4-5), trong đó trung quân là quan trọng nhất và là chỉ huy tối cao. Cả 5 vị tướng này đều mang hàm chánh nhất phẩm (Quân vệ có 9 phẩm, mỗi phẩm có 2 hạng, như vậy có tất cả 18 hạng). Tiếp đến là đề đốc, người chỉ huy quân sự của một tỉnh quan trọng, dưới quyền ông ta có nhiều cơ. Sau đề đốc là chánh lãnh binh và phó lãnh binh chỉ huy quân sự những tỉnh hạng 2. Chánh lãnh binh chỉ huy 7 cơ. Mỗi cơ có khoảng 500 người do một chánh quản cơ (hình 7) chỉ huy với sự trợ giúp của phó quản cơ. Quân vệ do chưởng vệ (hình 6) chỉ huy. Mỗi cơ có 10 đội, mỗi đội sẽ do chánh xuất đội còn gọi là đội hay lệ mục chỉ huy với sự trợ giúp của phó xuất đội (hình 8).

Chưởng vệ trong trang phục ban đêm (hình 9), chưởng vệ trong trang phục ban ngày (hình 10), Lính thuộc Đội Kỵ binh hoàng gia (hình 11),  Pháo thủ thuộc đội Cấm vệ, Lính thủy đội Long thuyền (hình 13), Pháo thủ thuộc đội Pháo binh hoàng gia (hình 14), nguồn: TTLTQG I

Mỗi đội lại chia thành 5 thập. Chỉ huy thập là cai. Cuối cùng là ngũ. Mỗi ngũ có 5 người do một bếp, còn gọi là ngũ trưởng chỉ huy.

Các cấp bậc trên được nhận biết qua miếng vải thêu trên ngực gọi là bố tử. Bố tử hình vuông được thêu hình các con thú khác nhau, mỗi con cho biết phẩm hàm của người mang nhưng không cho biết chức vụ.

Chúng tôi xin kết thúc phần tóm lược này bằng cách mô tả ngắn gọn một số lính của quân vệ:

Chưởng vệ cầm nến mang trang phục ban đêm (hình 9): áo rộng màu xanh lục, quần đỏ, khăn đỏ. Chưởng vệ đeo kiếm chéo qua vai và mang trang phục ban đêm (hình 10): áo đỏ, khăn xanh lục, quần trắng;

Lính thuộc Đội Kỵ binh hoàng gia mặc trang phục (hình 11): áo vàng có cổ, tay áo và nẹp màu xanh dương, quần trắng, khăn xanh lục, ngực đeo phù hiệu cho biết thuộc cơ nào.

Pháo thủ thuộc đội Cấm vệ đốt pháo thăng thiên (hình 12): áo vàng với lai tay áo màu đỏ thắt ngang người bằng chiếc khăn màu xanh lục, áo dài trong màu xanh dương viền gấu màu xanh lục.

Lính thủy đội Long thuyền (hình 13): áo đỏ không tay nẹp xanh dương, quần trắng. Họ làm nhiệm vụ chèo thuyền rồng.

Pháo thủ thuộc đội Pháo binh hoàng gia (hình 14) được trang bị que chải, đứng cạnh khẩu pháo: áo trong xanh dương, áo ngoài xanh lục có cổ, tay áo giả, viền đỏ, thắt ngang lưng bằng dải khăn màu vàng, quần trắng.

Để kết thúc bài tóm lược về quân đội An Nam, chúng tôi xin nói thêm về đội kỵ binh nặng, tức là các cơ voi.

Chính nhờ Ma Touan-Lin mà lần đầu tiên chúng ta biết được người An Nam sử dụng voi như thế nào.

Voi được sử dụng rất nhiều dưới mọi triều đại. Vào thế kỷ 18, cha De Rhodes cho chúng ta biết chúa Trịnh ở Bắc Kỳ (xứ Đàng Ngoài) nuôi hơn 300 con voi lớn. Mỗi con mang trên lưng một cái tháp có thể chứa được 6-7 người chưa kể quản tượng. Một số con còn mang cỗ đại pháo.

Vào cuối thế kỷ 16, Samuel Baron viết, ở Bắc Kỳ, một vị tướng có thể tập hợp từ 3.000-4.000 con voi được huấn luyện để phục vụ chiến tranh, đã dạn dày chống lại một số loại pháo và quen với âm thanh của súng đại bác.

Vào thế kỷ 18, gần như người ta không còn sử dụng voi vào mục đích quân sự nữa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt trong đó phải kể tới trận Sơn Tây vào tháng 7 năm 1885. Tướng Prudhomme đã mô tả như sau: “Từ một con vật bình thường dùng để chuyên chở, voi trở thành những cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ như người ta thấy ở Sơn Tây. Ở đây, chúng húc đổ những hàng luỹ có thể chống đỡ đạn pháo”.

Vào thế kỷ 19, voi chỉ còn được dùng trong các cuộc duyệt binh. Tuy nhiên, người ta tiếp tục bắt chúng phải thực hiện các bài luyện tập và vua Gia Long, ngay sau khi lên ngôi vào năm 1802, đã tổ chức đội tượng binh. Các cuộc tập trận cho voi tấn công ba luỹ tre (hình 15) phía sau là một số binh lính được trang bị súng, hỏa pháo, cồng, chiêng để tạo ra những âm thanh huyên náo. Khi một luỹ bị voi vượt qua, binh lính lùi lại nấp sau luỹ kế theo. Giữa hai luỹ, người ta bố trí các bù nhìn cầm gậy. Mỗi con voi do một quản tượng điều khiển. Phía sau voi có nhiều lính cầm gậy thúc voi tiến lên đồng thời ngăn không cho chúng lùi lại. Khi voi đã vượt qua hết ba luỹ, quản tượng cho voi trở lại điểm xuất phát để diễn tập lại với sự hò hét giúp sức của binh lính. Cuộc diễn tập được làm đi làm lại ba lần, voi sẽ được nghỉ giữa hai lần.

Như chúng tôi vừa trình bày, lịch sử quân đội An Nam cho thấy người An Nam đặc biệt quan tâm tới việc huấn luyện quân đội để đánh thù trong, giặc ngoài như Trung Hoa, Chăm… Các vị vua đã liên tục thay đổi và hoàn thiện quân đội bằng cách tăng hoặc giảm quân số theo nhu cầu của từng thời kỳ. Ở đây, chúng tôi không bàn về giá trị của đội quân đó vì rất khó để đánh giá. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh là nhiều du khách tới An Nam vào thế kỷ 17 và 18 đã đánh giá rất cao quân đội này.

Nguồn: Theo Louis Bezacier đăng trên Tuần san Indochine số 179, ngày 03/02/1944.


[1] Quân đội bảo vệ kinh thành.

[2] Quân đội của các tỉnh.