“Đàn gảy tai trâu” tiếng Hán là “Đối ngưu đàn cầm”, xuất phát từ một điển cố bên Tàu.

Chúng ta đều biết trâu không biết nghe đàn, do đó đem đàn đến gảy cho trâu nghe thì nó cũng không biết thưởng thức nên chỉ phí công của người gảy đàn.

Còn theo nghĩa bóng, thành ngữ “đàn gảy tai trâu” được dùng trong trường hợp những lời dạy bảo, khuyên can với những người bảo thủ, người “ngu dốt’ cũng chỉ là thừa, không có tác dụng gì.

Thành ngữ “đàn gảy tai trâu” có ý nghĩa tương tự với câu “Nước đổ lá khoai” hay “Nước đổ đầu vịt”.

Ngoài ra, câu thành ngữ này cũng dùng để chê ai đó khi nói chuyện không biết nhìn đối tượng; đồng thời cũng ám chỉ việc thuyết giảng đạo lý với một người ngang ngạnh, nói mãi không chịu nghe.

Đàn gẩy tai trâu - Hình ảnh mã số 476 - Đuổi hình bắt chữ | Lazi ...

Thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện được kể trong Hoằng Minh tập (弘明集) do ngài Tăng Hựu (僧祐) biên soạn vào đời nhà Lương thuộc Nam triều.Chuyện rằng thời Xuân Thu (春秋時代), học trò của Khổng Tử (孔子) là nhạc sư Công Minh Nghi (公明仪) chơi đàn rất xuất sắc. Một ngày nọ, ông mang đàn dạo chơi ngoài thành. Phong cảnh tươi đẹp khiến ông tức cảnh sinh tình dạo lên một bản đàn. Nhưng rồi ông cảm thấy không có hứng vì không có ai thưởng thức. Nhìn xung quanh, ông thấy một con trâu gặm cỏ gần đó và tự nghĩ: Ta sẽ đánh đàn cho trâu nghe. Nghĩ là làm, ông liền ngồi bên cạnh trâu và bắt đầu gảy lên khúc nhạc cao nhã tên là Thanh Giác Chi Tao (清角之操). Tiếng đàn của Công Minh Nghi rất hay, nhưng đàn một lúc ông thấy con trâu vẫn bình thản gặm cỏ khiến ông rất bực. Không cam tâm, ông tiếp tục đàn đến mỏi nhừ cả tay nhưng con trâu vẫn chỉ mải mê với đám cỏ non. Công Minh Nghi buông đàn khi nhận ra đàn cho trâu nghe chỉ uổng phí uổng sức mà thôi.

Ông buồn rầu đứng lên định ra về thì vô ý đụng phải dây đàn khiến nó phát ra tiếng, hơi giống tiếng kêu của con nghé. Không ngờ con trâu ngừng ăn cỏ và nhìn xung quanh. Khi thấy không có gì, nó lại tiếp tục mải mê với đám cỏ của mình. Lúc này trông thấy, Công Minh Nghi buông lời cảm thán: Không phải con trâu ngu mà là mình ngu, đàn mà không phân biệt được đối tượng nghe. Đối với loài vật có khả năng cảm thụ âm nhạc kém như trâu thì thứ âm thanh tốt nhất đối với nó là tiếng kêu của đồng loại chứ nó làm sao biết thưởng thức những bản nhạc cao nhã.

Đến cuối thời Đông Hán (東漢), nhà Phật học nổi tiếng Mâu Tử (牟子) đã kể lại câu chuyện này cho các học trò Nho gia sau khi dùng những triết lí cao siêu để giảng Kinh Phật mà họ cứ ngơ ngác. Từ đó “đàn gảy tai trâu” trở thành một câu thành ngữ, được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.