Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên có giảng: “Thủ tục: Những việc cụ thể phải làm theo một trận tự quy định, để tiến hành một công việc có tính chất chính thức (nói tổng quát)”. Vậy “thủ” và “tục” ở đây có nghĩa là gì?

Phá sản là gì? Mách bạn những thông tin về phá sản mới nhất

Trước hết xin nói về “thủ”. Có lẽ vì định nghĩa có hơi mang sắc thái “chấp hành nghiêm ngặt trình tự” nên nhiều người đã suy đoán rằng “thủ” ở đây là từ chữ Hán 守, tức “bảo vệ”, cùng một chữ với “thủ” trong “cố thủ”, “phòng thủ”, “bảo thủ”… Tuy nhiên thực tế không phải vậy. “Thủ” trong “thủ tục” vốn viết bằng chữ 手, có nghĩa là “bàn tay”. Chữ này thường xuất hiện trong các từ Hán Việt chỉ những phương pháp cụ thể như “thủ thuật” (手術), “thủ đoạn” (手段), và tất nhiên có cả “thủ tục”. Ngoài ra, nó còn được dùng (theo lối hoán dụ) để chỉ người như trong “trợ thủ” (助手), “cao thủ” (高手), “tuyển thủ” (選手)…

Còn “tục” thì sao? Một lần nữa, dựa trên sắc thái “cộng đồng”, “được chấp hành bởi số đông” nên nhiều người đã liên tưởng đến “phong tục”, và cho rằng chữ “tục” trong hai từ này là một. Thực tế, “tục” trong “thủ tục” vốn được viết bằng chữ Hán 續 (dạng giản thể là 续), có nghĩa là “tiếp theo”, “tiếp tục”. Tất nhiên, đây cũng là “tục” trong “tiếp tục” (接續), “liên tục” (連續), “kế tục” (繼續)… Còn “tục” trong “phong tục” vốn có Hán tự là俗 có nghĩa là “thói quen”. Cũng nói thêm “phong” trong “phong tục” được viết bằng chữ Hán 風, với nghĩa đen là “gió” còn nghĩa bóng là “tục lệ”.

Tóm lại, “thủ tục” là một từ Hán Việt viết bằng hai chữ 手續, trong đó “thủ” (手) có nghĩa đen là “tay” còn “tục” (續) là “nối tiếp”, “liên tục”. Cấu trúc này có lẽ dựa trên thực tế người làm thủ tục phải tiến hành các quy trình luôn chân luôn tay mà ra.