Vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên (CN), nền văn minh Hy Lạp đã phát triển rất nhanh vì hai động lực chính, đó là sự khai triển của thành phố (polis) như là một định chế trung tâm của đời sống tại Hy Lạp và sự thuộc địa hóa miền Địa Trung Hải và Bắc Hải.
Lý tưởng căn bản của xã hội Hy Lạp là tinh thần luật pháp nhưng trong một số xã hội thời đó, chế độ dân chủ đã bị thay thế bằng thể chế quý tộc hoạt đầu hẹp hòi (narrow aristocratic oligarchies). Cấu trúc dân chủ trong chính quyền cổ Hy Lạp đôi khi đã thay đổi khi xét tới hai quốc gia thành phố (citystates) là Sparta và Athens.
1/ Xứ Sparta.
Sparta nằm tại phía đông nam của hòn đảo Peloponnesus. Giống như các thành phố khác, Sparta cũng cần thêm đất đai để canh tác nhưng thay vì đi chinh phục các miền đất thuộc địa, Sparta lại nhắm tới các miền đất bên cạnh. Vào khoảng năm 740 trước CN, Sparta đã xâm lăng xứ Messenia mặc dù xứ sở này rộng lớn hơn và đông dân cư hơn. Sau khi bị chinh phục, người dân xứ Messenia trở thành các nông nô (gọi tên là helots) phải canh tác cho người Spartans. Vào thế kỷ thứ 7, các người Messenians này nổi loạn rồi cũng bị dẹp tan. Vì vậy các người Spartans đã quyết định rằng họ phải tạo ra một xứ sở quân nhân (a military state) để đàn áp các người Messenians trong các năm tới.
Sau năm 600 trước CN, xứ Sparta trở nên một thứ trại lính, đời sống của người dân đã được tổ chức chặt chẽ. Từ khi sinh ra đời, một đứa bé được nhân viên chính quyền cứu xét xem nó có xứng đáng được sinh sống hay không, các đứa bé không đủ điều kiện sẽ bị để cho chết đi.
Từ khi lên 7 tuổi, các đứa trai được tách ra khỏi người mẹ rồi được sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền, chúng sinh hoạt trong các trang trại giống như trại lính và phải chịu kỷ luật gắt gao, chúng được huấn luyện quân sự và phải vâng lời giới cầm quyền. Vào tuổi 20, các thanh niên Spartans tham gia vào trong quân đội chính quy, mặc dù được kết hôn nhưng họ vẫn làm việc trong các trại lính và ăn uống chung với các đồng đội. Các bữa ăn rất đơn giản, thường chỉ gồm một tô nước súp đen nấu bằng một miếng thịt heo, huyết heo, muối và dấm. Vào tuổi 30, các thanh niên Spartans được quyền đi bầu cử trong các buổi hội họp và sinh sống tại nhà nhưng vẫn phải ghi tên phục vụ quân đội cho tới tuổi 60.
Trong khi người chồng ở trong quân ngũ, người đàn bà Spartans ở nhà nên họ có nhiều tự do hơn và nhiều quyền hành hơn. Họ chăm tập thể dục và sẵn sàng có con và nuôi con. Giống như các người nam, phụ nữ Spartans tham gia vào các cuộc thi thể thao mà không mặc quần áo.
Người phụ nữ Spartans rất hãnh diện khi có các con cháu chết ngoài mặt trận vì phục vụ đất nước. Chính quyền Spartan do hai nhà vua cai trị, một người trông coi quân đội. Mỗi năm, người dân bầu lên 5 đại biểu, gọi là ephors, chịu trách nhiệm huấn luyện giới trẻ và giáo dục mọi công dân. Một hội đồng gồm 2 nhà vua và 28 công dân trên 60 tuổi, quyết định những đề tài sẽ được đưa ra thảo luận tại các buổi họp. Trong các buổi họp này, các công dân không có quyền tranh luận mà chỉ có quyền bỏ phiếu chấp thuận hay bác bỏ. Các công dân Spartans không được khuyến khích học hỏi các môn học như triết học, văn chương, nghệ thuật… bởi vì các môn học này có thể khuyến khích họ tìm hiểu các tư tưởng mới. Lý tưởng của họ là nghệ thuật chiến tranh và cai trị. Vào năm 500 trước CN, các người Spartans đã tổ chức được một quốc gia quân sự hùng mạnh để duy trì trật tự và ổn định tại miền Peloponnesus.
2/ Xứ Athens.
Vào các năm về trước, một chế độ quân chủ đã cai trị thành phố Athens nhưng tới thế kỷ thứ 7 trước CN, quyền lực tại Athens rơi vào tay các nhà quý tộc. Vào lúc này, Athens là một thành phố (polis) thống nhất trên bán đảo Attica. Các nhà quý tộc tại Athens là những người sở hữu các mảnh đất màu mỡ nhất, họ cũng kiểm soát đời sống chính trị và xã hội bằng một hội đồng của các người giàu có, phụ giúp hội đồng này là một ủy ban gồm 9 pháp quan (archons) và mặc dù có một đại hội đồng gồm các công dân nhưng đại hội đồng này có rất ít quyền lực.
Vào cuối thế kỷ 7 trước CN, Athens bị khủng hoảng chính trị vì các vấn đề kinh tế. Nhiều nông dân Athenians bị bán làm nô lệ vì họ không trả nổi nợ cho các chủ đất quý tộc. Nhiều tiếng kêu than đòi hỏi phải hủy bỏ nợ nần và giao đất cho các kẻ nghèo khó. Xứ Athens vì vậy sắp sửa đứng trên bờ nội loạn. Các nhà quý tộc quyền thế đã phản ứng lại cuộc khủng hoảng này bằng cách chọn lựa Solon, một nhà quý tộc có đầu óc cải tiến, lãnh chức vụ pháp quan duy nhất (archon) vào năm 594 trước CN và giao cho Solon toàn quyền thực hiện các thay đổi.
Solon đã hủy bỏ mọi món nợ vì đất đai, cấm đoán các món nợ mới và trả tự do cho tất cả các người bị bắt làm nô lệ vì nợ nần, nhưng Solon đã từ chối không phân phối lại đất đai vì thế đã không giải quyết được vấn đề căn bản của cuộc khủng hoảng kinh tế. Giống như các cải cách về kinh tế, các biện pháp chính trị của Solon cũng theo cách hòa giải. Để giảm đi quyền lực của giới quý tộc, Solon đã cho phép các người giàu có không quý tộc tham gia vào chính quyền, nhưng giải pháp này chưa thực sự giải quyết được các trở ngại bởi vì các người quý tộc vẫn thèm muốn quyền lực và giới nghèo vẫn đòi hỏi cách phân phối đất đai.
Các bất hòa nội bộ đã dẫn tới thể chế chuyên chế (tyranny), đây là thứ mà Solon muốn tránh né. Vào năm 560 trước CN, Pisistratus, một nhà quý tộc lên nắm quyền hành. Pisistratus đã giúp đỡ nền ngoại thương của Athens nhưng về sau, khi quyền hành về người con trai của ông ta thì người dân Athenians đã nổi lên, chấm dứt chế độ chuyên chế vào năm 510 trước CN.
Vào lúc này, các nhà quý tộc của Athens muốn thiết lập chế độ hoạt đầu quý tộc (an aristocratic oligarchy) nhưng Cleisthenes, một nhà quý tộc khác với tinh thần cải cách, đã chống đối chương trình đó vào năm 508 trước CN. Các cải cách của Cleisthenes đã thiết lập nên căn bản của chế độ dân chủ (democracy) tại xứ Athens. Mục tiêu chính của Cleisthenes là làm giảm quyền lực của các địa phương bởi vì nơi đây là nền móng của sức mạnh của giới quý tộc, tập trung tất cả dân chúng vào 10 bộ lạc để phản ảnh ý kiến của tất cả miền Attica và làm gia tăng lòng trung thành đối với polis là thành phố Athens. Mỗi bộ lạc chọn ra 50 người để tham gia hội đồng mới gồm 500 đại biểu và các người này chịu trách nhiệm cả về đối ngoại lẫn tài chánh.
Các cải tiến của Cleisthenes đã tạo nên các nền móng cho nền dân chủ của quốc gia kinh thành (city-state) Athens rồi nhiều cải cách khác được thực hiện vào thế kỷ thứ 5 trước CN khi người Athenians dùng chữ “dân chủ” (democracy) để mô tả hệ thống chính trị của họ, với chữ Hy Lạp “demos” là “nhân dân” (people) và “kratia” là “quyền lực” (power). Vào năm 500 trước CN, thành phố Athens trở nên đoàn kết hơn và đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề của xứ Hy Lạp.
3/ Đối đầu với xứ Ba Tư.
Từ năm 500 trước CN tới năm 338 trước CN khi xứ Hy Lạp bị Vua Philip II chinh phục, thời gian này được gọi là “thời đại Hy Lạp Cổ Điển” (Classical Greece).
Đây là thời đại với các thành quả rực rỡ phối hợp với nền dân chủ đâm hoa kết trái tại Athens dưới sự lãnh đạo của Pericles. Rất nhiều đóng góp lâu dài của xứ Hy Lạp đã được thực hiện trong giai đoạn này. Thời đại này bắt đầu bằng sự xung đột giữa các xứ Hy Lạp với Đế Quốc Ba Tư (the Persian Empire) hùng mạnh và to lớn.
Khi nền văn minh Hy Lạp bành trướng và phát triển tới khắp vùng Địa Trung Hải, không tránh sao khỏi có sự xung đột với Đế Quốc Ba Tư (the Persian Empire) ở phía đông. Vào giữa thế kỷ thứ 6 trước CN, các thành phố Hy Lạp tại phía tây miền Tiểu Á (Asia Minor) (the Ionian Greek cities) đã suy sụp vì Đế Quốc Ba Tư, họ nổi lên chống lại người Ba Tư nhưng không thành công dù cho họ được Hải Quân Hy Lạp giúp đỡ.
Nhà cai trị xứ Ba Tư là Darius tìm cách báo thù bằng cách tấn công vào chính xứ Hy Lạp vào năm 499 trước CN. Quân đội Ba Tư đổ bộ lên cánh đồng Marathon chỉ cách Athens 26 dậm. Tại nơi này, quân đội Athens dù ít người hơn, nhưng đã đánh bại quân Ba Tư một cách quyết liệt.
Sau khi Darius qua đời vào năm 486 trước CN, vị vua mới của xứ Ba Tư là Xerxes thề sẽ báo thù và sẽ xâm lăng Hy Lạp. Để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lăng, các quốc gia thành phố Hy Lạp đã lập nên một liên minh dưới quyền chỉ huy của xứ Sparta, trong khi người Athens làm phát triển hải quân. Khi quân đội Ba Tư xâm lăng vào năm 480 trước CN, các người Athens đã có một hạm đội gồm khoảng 200 chiến thuyền. Xerxes đã chuẩn bị xâm lăng Hy Lạp bằng một đạo quân hùng hậu gồm 150,000 bộ binh, 700 chiến thuyền và hàng trăm thuyển chở lương thực để tiếp tế. Lực lượng Hy Lạp gồm 9,000 quân dưới quyền chỉ huy của 1 vua Spartan cùng với 300 chiến binh Spartans và họ chọn lựa nơi giáp trận là hẻm núi Thermopylae.
Do quân Ba Tư đánh vào sườn đạo quân Hy Lạp, đội quân Spartans đã chiến đấu cho đến người lính cuối cùng rồi sau đó, quân Ba Tư đã tiến vào Athens và đốt cháy thành phố này. Trong khi đó tại ngoài biển, các chiến thuyền Hy Lạp đã đánh bại các chiến thuyền Ba Tư.
Cuối cùng vào đầu năm 479 trước CN, quân Hy Lạp đã toàn thắng quân Ba Tư tại Plataea, phía tây bắc của miền Attica. Từ nay, người Hy Lạp đã thắng trận và họ được hoàn toàn tự do để theo đuổi định mệnh riêng của họ.
4/ Sự phát triển Đế Quốc Athens vào thời đại Pericles.
Sau khi đánh bại người Ba Tư, các người Athens tổ chức một thứ lãnh đạo mới gọi là Liên Minh Delian (the Delian League) vào mùa đông năm 478-477 trước CN. Bộ chỉ huy của Liên Minh này đặt tại đảo Delos nhưng các nhân viên chính kể cả các thủ quỹ và chỉ huy hạm đội đều là người Athens. Từ nay các miền đất của xứ Hy Lạp trong biển Aegean đều không bị người Ba Tư cai trị và Liên Minh Delian trở nên hạt nhân của Đế Quốc Athens
Sau năm 461 trước CN, xứ Athens ở dưới quyền điều hành của một nhà quý tộc trẻ tên là Pericles rồi chính sách dân chủ của Pericles đã được bành trướng tới cả các xứ thuộc địa của Hy Lạp. Các sử gia đã gọi thời kỳ có nền văn minh sáng lạn này là “thời đại của Pericles”.
Vào thời đại Pericles, người dân Athens đã theo đuổi hệ thống dân chủ (the democratic system). Chủ quyền của người dân được thể hiện tại các đại hội đồng gồm có các nam công dân trên 18 tuổi. Đã có các buổi họp mỗi 10 ngày tại đồi phía đông của Acropolis, với số người tham dự ít nhất là 6,000 người. Các đại hội đồng này thông qua các đạo luật, quyết định cuối cùng về chính sách ngoại giao và chủ trương hòa hay chiến. Pericles còn cho phép các công dân thuộc giai cấp thấp (lowerclass citizens) được giữ các chức vụ công, nơi mà trước kia họ bị ngăn cấm, chính quyền trả lương cho các công chức và cho các nhân viên tòa án, các công dân nghèo từ nay được phép tham dự vào các vấn đề công cộng. Tại các thành phố có các quan tòa được chọn lựa không theo giai cấp, chính sách chung quyết định do 10 nhân viên được gọi là “nhân vật tham mưu” (generals), những người này do bầu cử công cộng và thông thường họ là các nhà quý tộc giàu có. Chính ông Pericles đã được bầu lại 30 lần từ năm 461 tới năm 429 trước CN. Tất cả các công chức đều bị cứu xét cẩn thận và có thể bị loại bỏ nếu không đạt được miền tin của dân chúng.
Chế độ đế quốc của xứ Athens là điều đe dọa cho các xứ sở khác, vì vậy Hy Lạp sớm phải đương đầu với một trận chiến tranh mới.
5/ Trận chiến tranh Peloponnesian và sự suy tàn của các xứ Hy Lạp.
Bốn mươi năm sau khi quân Ba Tư bị đánh bại, thế giới Hy Lạp bị chia ra làm hai phe chính: phe Sparta và các đồng minh và phe Đế Quốc Athens. Trong cuốn sách “Lịch Sử của Trận Chiến Tranh Peloponnesian” (History of the Peloponnesian War), sử gia vĩ đại người Hy Lạp là Thucydides đã cho biết rằng nguyên do chính của cuộc chiến tranh này là vì xứ Sparta và các đồng minh đã e sợ sự bành trướng của Đế Quốc Athens, vì Sparta và Athens đã xây dựng nên hai loại xã hội khác nhau và xứ sở này không thể dung thứ xứ sở kia.
Một loạt các tranh chấp cuối cùng dẫn tới cuộc chiến tranh bùng nổ vào năm 431 trước CN. Vào lúc đầu, cả hai phe đều cho rằng mình đã có chiến thuật để chiến thắng. Người Athens trù tính ẩn náu sau các bức tường thành trong khi hạm đội và các thuộc địa sẽ tiếp tế cho họ. Pericles biết rõ rằng người Sparta và các đồng minh sẽ đánh thắng người Athens trong các trận dàn quân nên quân đội Athens cố thủ trong thành trì và cho hạm đội đánh phá các bờ biển của miền Peloponnesus.
Vào năm thứ hai của cuộc chiến, một bệnh dịch đã tàn phá thành phố Athens đông người, đã giết đi 1/3 dân số rồi chính Pericles cũng bị chết vào năm sau (429 trước CN), đây là một mất mát lớn cho phe Athens. Mặc dù bệnh dịch, quân đội Athens đã cầm cự được 27 năm, nhưng tới năm 405 trước CN, hạm đội của Athens bị tàn phá tại Aegospotami thuộc miền Hellespont.
Thành phố Athens bị vây hãm rồi phải đầu hàng vào năm 404 trước CN. Các tường thành bị phá hủy, hạm đội Athens bị giải tán và Đế Quốc Athens bị tàn phá. Trận chiến tranh Peloponnesian đã làm suy yếu các xứ sở Hy Lạp, làm tiêu tan sự cộng tác giữa các xứ sở đó rồi trong vòng 70 năm sắp tới, lực lượng đang phát triển của xứ Macedonia ở miền bắc sẽ tràn xuống miền nam và lập ra một thế giới mới.
6/ Nền Văn Minh của Thời Đại Hy Lạp Cổ Điển.
Thời đại Hy Lạp Cổ Điển (Classical Greece) là giai đoạn phát triển trí thức và văn hóa rất quan trọng trong suốt thế giới Hy Lạp. Các sử gia đồng ý rằng thời kỳ xứ sở Athens dưới quyền lãnh đạo của Pericles (Periclean Athens) là giai đoạn trung tâm quan trọng nhất của nền văn hóa cổ điển Hy Lạp.
Thực vậy, nhà triết học kiêm nhà văn người Pháp vào thế kỷ 18 là Voltaire đã liệt kê thời đại Athens dưới quyền điều hành của Pericles là một trong bốn thời đại sung sướng nhất “khi các nghệ thuật được đưa lên trình độ hoàn hảo, đánh dấu một trình độ cao của trí tuệ con người và là một thí dụ cho hậu thế” (when the arts were brought to perfection and which, marking an era of the greatness of the human mind, are an example to posterity).
Giống như các dân tộc thời cổ xưa, người Hy Lạp cũng gây chiến tranh, tàn sát và bắt làm nô lệ các dân tộc khác, họ có thể là tàn nhẫn, tự phụ và dị đoan, họ có thể vi phạm các lý tưởng của họ nhưng các thành quả của họ thì chắc chắn là có các ý nghĩa lịch sử sâu xa.
Các tư tưởng của phương Tây bắt đầu với người Hy Lạp, họ là những người đầu tiên định nghĩa cá nhân do khả năng biết suy nghĩ. Các thành quả tư tưởng của người Hy Lạp đã vượt lên trên các pháp thuật, các huyền diệu, các bí ẩn, các quyền lực và tập quán để khám phá thứ tự hợp lý của thiên nhiên và xã hội.
Các phương diện văn minh của người Hy Lạp, gồm có triết học, khoa học, nghệ thuật, văn chương, viết lịch sử…, tất cả liên hệ tới lý trí của con người và giảm đi sự phụ thuộc vào các thần linh. Tại các miền Mesopotamia và Ai Cập, người dân đã không có các quan niệm rõ ràng về giá trị của cá nhân và không hiểu biết về tự do chính trị. Họ không phải là các công dân mà là các thần dân bước đi theo lệnh của một nhà cai trị và quyền lực của nhà cai trị này bắt nguồn từ các thần linh (gods). Dân chúng đã tuân theo quyền hành của nhà vua do chấp nhận và tôn kính tôn giáo.
Trái lại, các người Hy Lạp cổ xưa đã tạo nên nền tự do chính trị (political freedom). Họ đã coi quốc gia là một cộng đồng của các công dân tự do và những người này đã làm ra luật pháp vì quyền lợi của chính họ. Người Hy Lạp cho rằng con người có thể tự quản trị và họ đánh giá cao quyền công dân tích cực. Đối với người Hy Lạp, quốc gia phải để cho người dân sinh sống một cuộc đời tốt đẹp và các nhà tư tưởng chính trị đã đi tới quan niệm một quốc gia thuần lý (rational state) hay theo luật pháp (legal state) trong đó luật pháp là sự biểu lộ của lý trí (reason) mà không phải là mệnh lệnh của thần linh, công lý phải là sự tốt lành tổng quát cho cộng đồng mà không phải do lòng ích kỷ.
Các người Hy Lạp cổ xưa cũng cho chúng ta quan niệm tự do hợp đạo lý (ethical freedom). Mọi người được tự do chọn lựa giữa danh dự và điều ô nhục, giữa bổn phận và sự hèn nhát, giữa điều độ và sự thái quá. Các anh hùng Hy Lạp đã gặp các bi kịch của đời sống không phải do các quyền lực trên cao mà vì họ có tự do chọn lựa và ý tưởng về tự do hợp đạo lý lên tới điểm cao nhất với nhà triết học Socrates.
Hình thức cao nhất của tự do khi con người hình thành chính mình theo các lý tưởng của mình, khi phát triển thành một con người tự lập và tự điều khiến (a self-directed person). Do khám phá ra lý trí, do định nghĩa tự do chính trị và do xác nhận giá trị và khả năng của cá nhân, các người Hy Lạp cổ xưa đã thiết lập nên truyền thống thuần lý và nhân bản của phương Tây.
7/ Viết Lịch Sử.
Lịch sử là cách phân tích theo hệ thống các sự việc của quá khứ (History is the systematic analysis of past events). Herodotus (v.k. 484 – v.k. 425 trước CN) là một người Hy Lạp thuộc miền Ionia trong miền Tiểu Á (Asia Minor), và cũng là tác giả của cuốn sách “Lịch Sử của các Trận Chiến Ba Tư” (History of the Persian Wars), tác phẩm này được coi là cuốn lịch sử thực sự đầu tiên của nền văn minh Tây phương (the first real history in the Western civilization).
Danh từ Hy Lạp “historia” mà ngày nay chúng ta dùng chữ “history”, có nghĩa là “tìm tòi” (research) hay “điều tra nghiên cứu” (investigation). Đề tài chính của tác phẩm của Herodotus là sự xung đột giữa các người Hy Lạp và các người Ba Tư mà tác giả coi là sự đấu tranh giữa nền tự do của người Hy Lạp và nền độc tài của người Ba Tư (Persians). Herodotus đã đi du khảo tới rất nhiều nơi để thu thập các dữ kiện và cuốn sách “Lịch Sử” của ông là một nguồn tin tức quan trọng về các người Ba Tư và về chính các cuộc chiến tranh Ba Tư với Hy Lạp.
Thucydides (v.k. 460 – v.k. 400 trước CN) được coi là sử gia bậc nhất của thế giới cổ xưa. Thucydides là một người Athens, đã tham dự cuộc chiến tranh Peloponnesian và đã được bầu là một vị tướng nhưng ông bị tố cáo là đã không bảo vệ được kinh thành Amphipolis nên bị đầy ra khỏi kinh thành Athens. Trong khi sinh sống lưu vong, Thucydides đã viết ra cuốn sách “Lịch Sử của trận Chiến Tranh Peloponnesian” (the History of the Peloponnesian War).
Không giống Herodotus, Thucydides không quan tâm tới các sức lực thần linh hay của các thiên thần (gods) là những yếu tố gây nên lịch sử, ông đã coi chiến tranh và chính trị theo thuần lý, là các hành động của con người. Thucydides đã khảo cứu các nguyên nhân của trận chiến tranh Peloponnesian một cách rõ ràng và khách quan, nhấn mạnh vào sự chính xác của các dữ kiện (facts). Thucydides còn nhìn vào bên trong của hoàn cảnh con người và cho rằng các hoàn cảnh chính trị xẩy ra giống nhau và sự học hỏi lịch sử thì rất giá trị trong việc tìm hiểu hiện tại.
8/ Viết Bi và Hài Kịch.
Người Hy Lạp viết ra các vở kịch không phải chỉ vì mục tiêu giải trí mà còn được dùng để giáo dục các công dân và vì lý do này, được chính quyền ủng hộ. Các vở kịch được trình diễn trong các rạp hát ngoài trời như là một phần của các đại hội tôn giáo (religious festivals). Nội dung của các vở kịch thường được căn cứ vào các thần thoại hay các huyền thoại mà khán giả đã biết rõ.
Các vở kịch đầu tiên của xứ Hy Lạp là các bi kịch (tragedies) được viết ra căn cứ vào sự đau khổ của một anh hùng và thường kết thúc trong thảm cảnh. Các vở kịch Hy Lạp thường được trình bày với một bộ “3 vở” xây dựng trên một chủ đề chung.
Aeschylus (525-456 trước CN) là bi kịch gia đầu tiên mà chúng ta biết rõ. Ông ta đã viết ra 80 bi kịch nhưng chỉ còn lại 7 tác phẩm. Các vở kịch này chứng tỏ tác giả là một nghệ sĩ có tinh thần rất ái quốc và tôn giáo, và tác giả Aeschylus đã đưa nền bi kịch của Hy Lạp tới độ trưởng thành. Trước Aeschylus, bi kịch chỉ có một diễn viên đáp lại các câu hỏi của ban nhạc. Aeschylus đã tăng số diễn viên lên 2 người, tạo ra cuộc đối thoại khiến cho có phản ứng tương quan giữa các nhân vật trong vở kịch. Nội dung các vở kịch của Aeschylus thì đơn giản, phần lớn đặt trọng tâm vào sự tương phản giữa lòng mong muốn của cá nhân và quyền lực thần linh đang ngự trị thế giới. Các vở bi kịch của Aeschylus thì rất giàu về ngôn ngữ và phức tạp về tư tưởng. Tác phẩm lớn nhất của Aeschylus là bộ kịch Oresteia (458 trước CN), gồm có 3 phần là các vở Agamemnon, The Libation Bearers và The Eumenides (The Furies). Trong các vở kịch này, Aeschylus đã diễn tả sự nổi giận của Vua Agamemnon sau khi từ kinh thành Troy trở về và vở kịch là sự hòa giải của sự đau khổ của con người với quyền lực thần linh. Vở kịch cũng mô tả mối hận thù từ lâu đời đã được xóa bỏ và luật pháp được tôn trọng. Lý trí đã thắng các sức mạnh của tội ác.
Một nhà viết bi kịch danh tiếng khác của kinh thành Athens là Sophocles (v.k.496 – 406 trước CN) với vở kịch “Nhà Vua Oedipus” (Oedipus the King). Một lời tiên tri của Apollo đã báo trước rằng có một người (Oedipus) sẽ giết cha của mình và kết hôn với mẹ của mình. Mặc dù nhiều cố gắng để phòng ngừa, các sự việc bi thương vẫn xẩy ra, Oedipus đã chịu đau khổ vì số mạng quyết định do các thiên thần và Oedipus cũng chấp nhận rằng anh ta là một con người tự do nên phải nhận lãnh trách nhiệm vì các hành động của mình.
Nhà viết bi kịch xuất sắc thứ ba của kinh thành Athens là Euripides (v.k. 485 – 406 trước CN). Euripides đã tạo ra các nhân vật hiện thực hơn. Cốt truyện của ông ta thì phức tạp hơn với cách quan tâm tới các hoàn cảnh đời sống thực. Vở kịch nổi danh nhất của Euripides là vở “The Bacchae” (Thần Rượu), nhân vật này liên hệ với Dionysus là thần rượu chát (the god of wine). Euripides được coi là một người bi quan, ông ta thường hay đặt câu hỏi liên quan tới nền luân lý cổ truyền và các giá trị tôn giáo, chỉ trích quan điểm cổ truyền coi chiến tranh là vinh quang. Đối với Euripides, chiến tranh thì tàn bạo và man rợ và ông thương cảm các đàn bà và trẻ em đã bị đau khổ vì chiến tranh.
Các bi kịch Hy Lạp thường đề cập tới các đề tài phổ biến ngay cả trong đời sống hiện nay. Các kịch bản này cứu xét các vấn đề như bản chất của tốt và xấu, sự xung đột giữa các giá trị tinh thần với các đòi hỏi của gia đình và quốc gia, các quyền của cá nhân, bản chất của các sức mạnh thần linh và bản chất của con người.
Bài học bi thương trong các vở kịch thường được lặp lại là con người được tự do nhưng lại hành động trong các giới hạn do các thiên thần và nhiệm vụ thực sự của con người là phải cân bằng và điều độ, như vậy con người sẽ biết được vị trí thực sự của mình.
Tại Hy Lạp, các hài kịch phát triển sau các bi kịch. Các vở hài kịch của Aristophanes (v.k. 450 – v.k. 385 trước CN) đã dùng tới các khôi hài thô tục để làm vui nhộn đám thính giả của kinh thành Athens. Các vở kịch của ông đã phối hợp nhiều đặc tính như tính kỳ lạ (fantasy), sự thông thái vui vẻ, các lời văn thơ trữ tình duyên dáng… để chỉ trích nặng nề các vấn đề chính trị, phong cách, giáo dục, âm nhạc và văn chương. Aristophanes cũng là một bậc thầy về bài hát và nhịp điệu do ông có một trí tưởng tượng phong phú. Các hài kịch của Aristophanes đã cung cấp các hình ảnh trung thực nhất của đời sống tại kinh thành Athens vào thời đại rực rỡ nhất.
Các hài kịch này cũng cung cấp cho chúng ta các thí dụ sớm nhất và tốt nhất về cách khôi hài chính trị và xã hội. Aristophanes đã bắt đầu viết ra các hài kịch khi ông chưa đầy 20 tuổi. Ông đã viết hơn 40 kịch bản, 11 kịch bản còn lưu lại tới ngày nay.
9/ Ngành Triết Học của Cổ Hy Lạp.
Theo từ ngữ Hy Lạp, triết học có nghĩa là “yêu thích sự khôn ngoan” (love of wisdom). Các nhà triết học đầu tiên của xứ Hy Lạp đã quan tâm tới sự phát triển của tư tưởng thuần lý (rational thought) liên quan tới bản chất của thiên nhiên và nơi nào là các sức mạnh thần thánh. Vào thế kỷ thứ 5 trước CN, các “nhà ngụy biện” (the Sophists) là một nhóm các bậc thầy triết học đã bác bỏ các điều tìm hiểu thiên nhiên, họ cho rằng tìm hiểu thiên nhiên thì ở bên ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ con người. Quan trọng hơn, đó là con người phải cải tiến chính mình và chỉ có một đề tài đáng nghiên cứu là hành vi của con người (human behavior).
Các nhà ngụy biện là các học giả đi lưu động, họ giảng dạy cho giới trẻ của xứ Hy Lạp, đặc biệt là tại kinh thành Athens và họ nhấn mạnh vào tu từ pháp (rhetoric) tức là nghệ thuật thuyết phục (the art of persuasive speech) để thắng lý trong các cuộc tranh luận, làm đổi hướng thính giả, đây là một kỹ năng đặc biệt giá trị tại xứ Athens theo đường lối dân chủ. Theo các nhà ngụy biện, không có tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, việc này đúng với một người thì có thể là sai với người khác, sự khôn ngoan đích thực là ở khả năng nhận biết và theo đuổi điều tốt lành của chính cá nhân.
Vì các ý tưởng này, nhiều người cho rằng các nhà ngụy biện thì có hại cho xã hội và đặc biệt có hại cho giá trị của lớp người trẻ tuổi. Một trong các nhà triết học chỉ trích các nhà ngụy biện là Socrates (469 – 399 trước CN). Do bởi Socrates đã không để lại các tài liệu viết nên người ta chỉ hiểu biết về ông qua các học trò của ông, đặc biệt là qua Plato, người học trò nổi tiếng nhất. Về nghề nghiệp, Socrates là một người thợ đục đá nhưng ông yêu thích triết học. Socrates đã dạy cho một số học trò nhưng không lấy học phí bởi vì ông tin tưởng rằng mục đích của giáo dục là cải thiện cá nhân. Socrates đã dùng tới một phương pháp giảng dạy mang tên của ông, đó là “phương pháp Socratic” (Socratic method). Phương pháp này dùng tới kỹ thuật hỏi và trả lời để dẫn dắt người học trò tự nhìn ra sự vật bằng cách dùng chính lý luận của chính họ.
Socrates tin tưởng rằng tất cả kiến thức thực sự thì ở bên trong mỗi người và cách cứu xét tường tận sẽ làm lộ ra thứ hiểu biết đó, đây là nhiệm vụ thực sự của môn triết học bởi vì “một đời người không cứu xét thì không đáng sống” (the unexamined life is not worth living). Socrates đã đặt các câu hỏi về thẩm quyền (authority) và chứng minh cho nhiều người thấy rõ giới thẩm quyền thì thiếu kiến thức. Kinh thành Athens có truyền thống tư tưởng tự do và chất vấn tự do nhưng vì sự thất bại trong trận chiến tranh Peloponnesian đã khiến cho người dân của địa phương này không còn dung thứ đối với các tranh luận công khai và trong việc tìm hiểu linh hồn. Socrates đã bị tố cáo và bị kết tội đã làm hư hỏng giới trẻ của kinh thành Athens bằng các lời giảng dạy của ông. Một hội đồng xét xử đã kết án ông bị tử hình.
Một trong các môn đệ của Socrates là Plato (v.k.429 – 347 trước CN), được nhiều người coi là triết gia vĩ đại bậc nhất của nền văn minh Tây Phương. Không giống như Thầy Socrates, Plato viết rất nhiều. Trong các cuốn sách đối thoại, Plato đã dùng Socrates là nhà tranh luận triết học chính. Tư tường triết học của Plato chuyên chú vào bản chất của hiện thực (the essence of reality) và vào các ý tưởng (Ideas) và các hình thức (Forms). Ý tưởng về chính quyền được Plato viết ra trong cuốn sách “Nền Cộng Hòa” (the Republic). Căn cứ vào các kinh nghiệm tại Athens, Plato không tin tưởng vào các việc làm của nền dân chủ và ông đang tìm kiếm một quốc gia lý tưởng. Plato quan tâm tới các nhu cầu của cộng đồng hơn là hạnh phúc của cá nhân.
Plato đã thiết lập nên một trường học tại Athens với tên là Academos. Một trong các đệ tử của ông là Aristotle (384 – 322 trước CN) đã theo học tại ngôi trường Academos trong 20 năm và sau này là thầy dạy kèm cho Đại Đế Alexander. Giống như Plato, Aristotle tin tưởng vào các nguyên tắc tổng quát hay hình thức (forms) nhưng Aristotle cho rằng hình thức và vật chất (matter) thì không thể tách rời được. Aristotle đặt căn bản cho việc phân tích và xếp loại các sự vật (things) căn cứ vào sự khảo cứu và điều tra kỹ càng. Aristotle đã viết nhiều bài khảo cứu về rất nhiều đề tài: luân lý, luận lý, chính trị, thơ phú, thiên văn, địa chất, sinh học và vật lý.
Aristotle cũng đề cập tới thứ hình thức hữu hiệu của chính quyền. Trong tác phẩm “Chính Trị” (Politics), Aristotle đã cứu xét các hiến pháp của 158 quốc gia và đã đưa ra 3 loại chính quyền là: quân chủ (monarchy), quý tộc (aristocracy) và theo hiến pháp (constitutional government) và ông đã cảnh cáo rằng chính quyền quân chủ dễ đưa tới nền độc tài (tyranny), chính quyền quý tộc dẫn tới hình thức “hoạt đầu” (oligarchy) còn chính quyền dân chủ có thể biến thành “vô chính phủ” (anarchy) và Aristotle ưa thích chính quyền theo hiến pháp.
10/ Tôn giáo của Xứ Hy Lạp.
Tôn giáo của xứ Hy Lạp thì liên hệ tới mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày với các tính cách xã hội và thực tế. Các cuộc liên hoan công cộng bắt nguồn từ cách thực hành tôn giáo, đã được dùng vì các nhiệm vụ đặc biệt: các trẻ em trai sẽ là các chiến sĩ còn các trẻ em gái sẽ là các người mẹ. Các đền đài thờ một vị thần nam hay một vị thần nữ là các tòa nhà chính trong xã hội Hy Lạp, tại nơi đây không có giới tu sĩ chính thức đặt ra các giáo điều và nghề làm tu sĩ cũng giống như làm công chức.
Qua thời gian, các người Hy Lạp công nhận một thứ tôn giáo chung căn cứ vào 12 vị thần nam và nữ, và người dân tin tưởng rằng các vị thần linh này sinh sống trên ngọn núi Olympus, đây là ngọn núi cao nhất tại Hy Lạp. Trong số 12 vị thần, Zeus là vị thần chính và là cha của các vị thần kia, Athena là nữ thần của sự khôn ngoan và tài thủ công, Apollo là thần mặt trời và thơ phú, Aphrodite là nữ thần của tình yêu, Poseidon là em của thần Zeus và thần của biển cả và các động đất.
Một trong các vị thần trên núi Olympus là thần hộ mệnh của mỗi cộng đồng, thí dụ Athena là nữ thần bảo vệ của kinh thành Athens. Cũng như thế, mỗi gia đình có một thần hộ mệnh riêng. Trong việc thờ phượng các vị thần linh, người dân cầu nguyện và cúng dường. Trong việc tế lễ, người dân cũng giết súc vật hay dâng đồ ăn. Các con vật hy sinh bị thiêu trên ban thờ ở trước đền đài hay tại ban thờ nhỏ ở trước cửa nhà. Các lễ hội (festivals) cũng được tổ chức để vinh danh các thần nam hay thần nữ. Lễ hội đặc biệt để thờ Thần Zeus được thực hiện tại Olympia và để thờ Thần Apollo tại Delphi. Các người Hy Lạp cũng tổ chức các cuộc tranh tài thể thao và Thế Vận Hội Olympic đầu tiên diễn ra vào năm 776 trước CN, rồi sau mỗi 4 năm lại có một kỳ thế vận mới.