Ông Nguyễn Văn Hảo là một trong những thương gia người Việt giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp thuộc cho đến những năm 1975. Tuy nhiên kể từ sau năm 1975, con cháu của ông bị lâm vào hoàn cảnh rất khốn khó do sự biến đổi của thời cuộc. Mời bạn đọc theo dõi bài viết này để biết về cuộc đời đầy vinh hoa phú quý của Nguyễn Văn Hảo, cũng như hoàn cảnh túng thiếu hiện nay của người con duy nhất của ông.
Ngay trung tâm Sài Gòn có một tòa nhà kiến trúc Pháp tuyệt đẹp tọa lạc ở bốn mặt tiền đường.
Trên mặt tiền ngôi nhà (phía đường Trần Hưng Đạo và hai bên hông Ký Con – Yersin) có khắc dòng chữ NG.V.HAO nên những người sống xung quanh thường gọi đó là tòa nhà Nguyễn Văn Hảo.
Đó từng là nhà của một thương gia nổi tiếng cả miền Nam: Nguyễn Văn Hảo – một trong những thương gia giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp đến năm 1975.
Ông Nguyễn Văn Hảo cũng chính là ông chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng một thời, được ví là nhà hát “hàng không mẫu hạm” có sức chứa tới hàng ngàn người và là thánh đường của cải lương.
Tuổi thơ ở ruộng đồng
Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890, quê ở ấp Long Thuận, xã Nhị Long, H.Càng Long (Trà Vinh). Nhìn vào gia sản đồ sộ mà ông Hảo từng sở hữu, nhiều người sẽ có suy nghĩ ông phất lên một phần do thừa hưởng gia sản của ông cha để lại. Tuy nhiên, ông Hảo xuất thân trong một gia đình trước đó mấy đời đều làm nông. Cha của ông có ba người vợ. Ông Hảo là con thứ ba của người vợ thứ ba.
Những năm tháng tuổi thơ, theo những người trong gia đình kể lại, cậu bé Hảo chỉ quanh quẩn ở quê. Chưa bao giờ cậu bé Hảo lại nghĩ có một ngày mình sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp.
Một người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo là ông Nguyễn Văn Kiệu, làm chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh (Q.1). Công việc làm ăn phát đạt, ông Kiệu cần thêm người phụ giúp. Quay qua ngó lại anh em trong gia đình, ông Kiệu thấy ông Hảo là người thông minh, lại lanh lợi, phù hợp cho việc kinh doanh. Thế là ông Kiệu xin phép cha đưa em trai lên Sài Gòn phụ mình buôn bán phụ tùng xe hơi.
Lên Sài Gòn, công việc đầu tiên mà ông Hảo làm là phụ anh trai mình buôn bán. Vốn là người thông minh, ở quê được cha cho ăn học dù không nhiều, ông Hảo đã học những bài học cơ bản từ người thợ đi trước. Cứ ai giỏi là ông Hảo đeo theo để học. Chẳng mấy chốc từ người thợ học nghề, ông Hảo thành người thợ chính tại tiệm buôn bán phụ tùng xe của anh mình.
Ngoài việc rành kỹ thuật để sau này mở tiệm không để thợ qua mặt, những ngày làm công ở tiệm anh trai, ông Hảo đã âm thầm học cách kinh doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng riêng cho mình sau này. Sau khi đã ổn định công việc, ông Hảo đưa vợ mình lên Sài Gòn. Năm 1929, vợ ông sinh người con trai đầu đặt tên Nguyễn Tâm Thạnh. Thời gian này, sau khi tích lũy một số vốn liếng, ông Hảo xin phép ông Kiệu cho phép mình ra lập nghiệp riêng. Được anh trai đồng ý, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 – 23 đường Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo.
Cửa tiệm trên được ông Hảo thuê lại của gia đình Chú Hỏa, một trong những người giàu có nhất Sài Gòn. Song song với buôn bán phụ tùng xe hơi, trước cửa hiệu, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt. Không biết đó có phải là cây xăng tư nhân mở đầu tiên ở Sài Gòn hay không nhưng với độ nhanh nhạy, số lượng cây xăng ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên đa phần khách mang xe đến sửa chữa, thay thế phụ tùng, khi quay ra chỉ biết đổ ở cây xăng ông Hảo.
Những năm đầu 1930, ở miền Nam, nhất là các tỉnh miền Tây, ngành giao thông, vận tải đường bộ phát triển. Khắp nơi rộ lên phong trào thành lập các hãng xe đò để chở khách. Các tiệm mua bán phụ tùng xe hơi làm không hết việc.
Tiệm bán phụ tùng xe của ông Hảo nằm ở trung tâm Sài Gòn, chỉ cách chợ Bến Thành mấy bước chân, hàng nhập cảng bán đúng giá lại càng thu hút khách, nhất là giới tài xế miền Tây lên Sài Gòn mua phụ tùng thay thế. Khi đó ở Sài Gòn cũng có vài cửa hàng mua bán phụ tùng xe hơi nhưng chỉ có cửa hàng ông Hảo đủ lớn để cạnh tranh với các tiệm người Pháp trong vùng.
Cạnh tranh với người Pháp
Hạn chế của các hãng do người Pháp làm chủ là nhân viên ít nói tiếng Việt, trong khi đa phần giới tài xế lại không rành tiếng Pháp nên ngại vào, họ thích qua tiệm của ông Hảo để mua hàng.
Khi chuyện kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông Hảo ngoài việc có duyên buôn bán còn là người chịu thương, chịu khó. Bất cứ giờ nào, kể cả 2 – 3 giờ sáng, nếu có khách gọi cửa, bà đều sẵn sàng bán dù thứ khách mua chỉ lời không hơn một đồng.
Vợ ông Hảo còn có kiểu kinh doanh khá đặc biệt. Đó là khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà Hảo còn trích ra vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Cách làm của bà Hảo giống như kiểu “khuyến mãi” bây giờ. Dù số tiền “lại quả” không đáng là bao nhưng lại thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.
Nhờ kiểu kinh doanh gần gũi, bình dị và lấy công làm lãi đó mà tiệm của ông Hảo dù mới mở nhưng kẻ mua người bán tấp nập, tiền đếm mỏi tay. Kinh doanh ngày càng phát đạt nên ngoài cửa tiệm chính ở Sài Gòn, ông Hảo kết hợp với một người bà con ở Trà Vinh mở thêm chi nhánh dưới miền Tây.
Khoảng năm 1933, ông Hảo mua mảnh đất nằm ở bốn mặt tiền đường – mà nay là Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Hồ Văn Ngà – để xây nhà. Đồng thời, ông cũng trả lại cửa tiệm ở số 21 – 23 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) cho gia đình chú Hỏa.
Ngôi nhà 4 mặt tiền
Việc xây nhà bốn mặt tiền bắt đầu từ năm 1933 cho đến năm 1937. Tòa nhà có diện tích 800m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Gạch bông lót nền nhà được đưa từ Pháp qua. Do lúc đó chưa có xi măng nên phải lấy mủ cây trộn với vôi cát, nước để xây. Hai bên hông nhà có khắc chữ “NG.V.HAO”. Tầng trên cùng của tòa nhà có một hồ bơi nhỏ, tuy nhà có hai lầu nhưng có gắn cả thang máy.
Về chỗ mới, ông Hảo vẫn kinh doanh phụ tùng xe hơi, xăng dầu. Đến khoảng năm 1940, khi công ty đủ mạnh, vốn liếng dồi dào, ông Hảo nhập xe hơi nguyên chiếc về bán ở Sài Gòn. Những thương hiệu xe hơi mà ông Hảo nhập về là Fiat, Lancia, Nash… được bày bán phong phú như các showroom xe hơi ngày nay.
Mỗi lần ông Hảo nhập về 2 – 3 chiếc Nash, sau đó nhập xe hiệu Fiat, Lancia… Giá xe hơi khi đó chừng 2.000 đồng bạc Đông Dương (1 đồng đổi được 17 franc Pháp). Ngoài việc buôn bán xe hơi, garage của ông Hảo còn làm luôn chuyện sửa các loại xe (do hãng bán cũng như các hiệu khác), cạnh tranh ngon lành với các garage Charner bán xe Peugeot, garage Auto Hall bán xe hiệu Citroen, garage Scama bán xe Ford của người Tây nằm gần đó.
Ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) – một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian đó. Cái hay của ông Hảo là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho dân có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt sự sang hèn của khách.
Cũng chính vì cung cách làm ăn niềm nở như thế nên một lần garage xe của ông Hảo tiếp một vị khách hết sức đặc biệt.
Một buổi sáng khi garage vừa mở cửa, có một vị khách trông rất quê mùa, mặc áo dài khăn đóng khá cũ vào hỏi mua xe hơi. Nhân viên bán hàng tính ra đuổi vì nghĩ ăn mặc như vậy thì không thể có tiền mua xe hơi mà có khi tính đường chôm chỉa. Nhưng ở gần đó, ông Hảo vừa tính sổ sách vừa quan sát nên nhân viên không dám vô phép.
Vị khách này sau khi coi xe đòi nhân viên đề máy. Ông khách nghe tiếng máy kêu êm êm xong cất tiếng hỏi ngắn gọn: “Bao nhiêu tiền?”. “Gần 3.000 đồng bạc”, anh nhân viên trả lời mà giọng vẫn e dè.
Ông khách mở cửa ngồi lên xe nhún vài cái rồi nói: “Hình như nhíp hơi kêu. Anh cho thêm miếng dầu vô nhíp đi”. Nói xong, vị khách kêu tính tiền.
Sau cuộc mua bán nhanh gọn, ông Hảo sai người đưa chiếc xe ra cây xăng trước nhà tính “khuyến mãi” cho khách một thùng xăng đầy. Tuy nhiên, vị khách không chịu mà chỉ “xin” 5 lít. Ông Hảo ngạc nhiên hỏi lý do. Lúc này vị khách mới kể thực ra ban đầu ông không thích nhãn hiệu xe Nash của ông Hảo đang bán mà thích chiếc xe Ford (Mỹ) bán ở garage Scama người Pháp (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay). Trước đó, ông khách đã ghé garage này để hỏi mua. Tuy nhiên, viên quản lý người nước ngoài và nhân viên khi thấy bộ dạng rách rưới và kỳ quái của khách đã đuổi khách đi. Ông ta buộc phải tìm qua hãng xe của ông Hảo.
Đổ xăng xong, vị khách sai người làm chở xuống garage xe đã đuổi ông, rồi tới trước mặt vị quản lý người Pháp nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp: “Vì mày đuổi nên tao phải qua garage ông Nguyễn Văn Hảo mua chiếc này. Bây giờ tao chạy xe qua tiệm mày để mua xăng”. Nghe vị khách kể lại, ông chủ người Pháp đuổi việc luôn cả viên quản lý người Pháp và nhân viên người Việt.
Vụ đó, ông Hảo lời 600 đồng Đông Dương sau khi bán được chiếc xe Nash. Sau khi tính tiền và làm thủ tục xong, ông khách rút sau lưng cái mo cau gập làm đôi trong đó từng xấp tiền 100 đồng bạc Đông Dương nhiều không thể tả.
Sau này tìm hiểu ông Hảo mới biết vị khách lập dị kia là một trong những người giàu nức tiếng ở miền Tây khi đó, từng là bạn khá thân với ông Trần Trinh Trạch (thường gọi Hội đồng Trạch) – thân phụ của công tử Bạc Liêu.
“Hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo
Là người mê cải lương nên khi kinh doanh phát đạt, ông Nguyễn Văn Hảo mua đất xây dựng nhà hát mang tên ông. Nhà hát này một thời được coi là “thánh đường” của giới cải lương có sức chứa hơn 1.200 khách.
Người con trai độc nhất của ông Hảo là Nguyễn Tâm Thạnh, năm nay cũng đã 86 tuổi, cho biết dù là dân kinh doanh nhưng do lớn lên ở miền Tây nên ông Hảo rất mê cải lương. Trước nhà có một gánh hát bội nhỏ nên thường những tối cuối tuần sau những giờ kinh doanh căng thẳng, ông Hảo lại ghé xem hát.
“Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, ông Thạnh hồi tưởng.
Khoảng đầu những năm 1940, ông Hảo mua đất để xúc tiến xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Mặt tiền của rạp hướng về đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo), một con đường tráng nhựa rộng lớn và huyết mạch từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường Bùi Viện.
Theo soạn giả Nguyễn Phương, rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1.200 ghế, chưa kể ghế phụ đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn nên được các nghệ sĩ gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo.
Ở khoảnh đất mặt tiền còn lại giao các đường Galliéni và Bùi Viện, mỗi bên ông Hảo xây hơn 10 căn phố lầu để cho thuê. Góc đường mũi tàu Bùi Viện, Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học) và Galliéni, là cửa lên lầu hai của vũ trường Tour D’Ivoire (Tháp Ngà).
Trong những năm từ 1943 đến năm 1954, Sài Gòn có bốn rạp dành cho hát cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Aristo ở đường Lê Lai, rạp Thành Xương ở đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đa Kao. Trong số các rạp này thì rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất, khán giả đến xem đông nhất. Đây chính là những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt. Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ.
Đoàn cải lương Hoa Sen (đoàn hát có doanh thu cao nhất trong các đoàn hát cải lương cuối thập niên 1950) của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở đây. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhất định đoàn phải có tuồng mới, có những tranh cảnh, y trang mới và nhất định là phải có những cải cách kỹ thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn hơn các đoàn hát khác.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh, con trai ông Hảo, cho biết thời vàng son cải lương của rạp Nguyễn Văn Hảo kéo dài chừng 30 năm. Đến năm 1970, ông Hảo cho ông Nguyễn Văn Đối mướn lại rạp sửa sang một số công năng để làm rạp… chiếu bóng.
Khi trở thành một trong những người nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn, việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ông Hảo lại bất ngờ về quê, xây chùa ở ẩn…
Năm 1960, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo tròn 70 tuổi. Ở giai đoạn này mọi công việc ông làm đều diễn ra suôn sẻ và thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng vào tuổi về chiều, dường như ông muốn tìm đến sự yên tĩnh để có thời gian chiêm nghiệm lại những gì đã qua.
“Chùa ông Hảo” hay Hảo Tâm tự
Giao lại hết mọi việc kinh doanh cho vợ con, ông Hảo trở về quê nhà ở Càng Long (Trà Vinh) mua một miếng đất rộng 15ha để xây dựng một ngôi chùa. “Chùa ông Hảo” hay Hảo Tâm tự có từ đó.
Chùa ông Hảo được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư Phan Hiếu Kỉnh, trên khuôn viên đất rộng 8000m2. Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta. Chùa có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông.
Việc xây dựng chùa diễn ra khá chậm bởi vật liệu mua từ Pháp được chuyển từ xa đến trong khi giao thông khó khăn. Phải mất 8 năm ngôi chùa mới hoàn thành.
Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống. Chùa xây xong cũng là lúc chiến sự đến hồi ác liệt. Người dân bỏ cả ruộng vườn tìm nơi lánh nạn. Họ đã tìm đến chùa được ông cho tá túc và giúp đỡ lương thực, thuốc men.
Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện bằng cách cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày. Những người có tuổi ở Càng Long hiện nay không ai có thể quên được thiện tâm của ông. Ông rất giàu nhưng biết sẻ chia cho bà con cùng khổ.
Ngôi chùa được ông ủy nhiệm lại cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Dài đứng ra chăm sóc nhang khói thờ tự sau khi ông mất. Hết đời bà Dài, ông Nguyễn Tâm Thạnh, con ông Hảo sẽ kế tiếp, tiếp tục chăm sóc ngôi chùa. Ý nguyện này được ông Hảo đã cho khắc chúc thư bằng đá trắng để tại chùa.
Ngày nay trở lại nơi đây, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Thế nhưng, hình ảnh ông Hảo vẫn còn phảng phất đâu đây. Rõ nét nhất có lẽ là trên bức phù điêu còn sót lại hình ảnh rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiếc du thuyền của ông dùng rong ruổi từ Sài Gòn về Càng Long, dãy biệt thự hương thôn…
Tâm sáng, lòng son
Ông Hảo mất năm 1971. Năm 1975, chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dài tiếp tục ở chùa cho đến năm 1979 bà mất. Huyện Càng Long thu lại toàn bộ khu vực này.
Bên cạnh chùa hiện nay vẫn còn một khu đất được xem như nghĩa trang gia tộc của ông Hảo. Ở nghĩa trang nhỏ này có 6 phần mộ trong đó có vợ chồng ông cùng mẹ ruột, mẹ vợ. Cả 6 ngôi mộ này đều xây dựng giống nhau. Trên mộ có hình quyển sách và 4 góc đều có sư tử đá.
Năm 1996, cháu nội ông Hảo nghe lời cha trở về nơi đây cất một cái chòi ở cạnh chùa để sinh sống và có điều kiện sớm hôm nhang khói. Về sau, khu vực này được chính quyền sử dụng làm bệnh viện, rồi thư viện, sau cùng là khu vui chơi cho trẻ em.
Ngẫm lại, cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có chí thú làm ăn. Đồng tiền ông kiếm được phải trả bằng những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt. Về cuối đời, ông còn xây chùa, tạo điều kiện giúp người cơ nhỡ.
Khác với những đại gia khác, khi đạt được những thành quả tốt đẹp đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Với ông Hảo, từ một thanh niên tay trắng, ông làm nên một sản nghiệp lớn lao. Ông không để lại một điều tiếng gì ảnh hưởng đến thanh danh và sự nghiệp.
Tâm ông trong sáng. Tấm lòng ông son sắt. Một doanh nhân như thế thực rất đáng để cho mọi người học hỏi và noi gương.
Xót xa ngôi chùa nổi tiếng thành hoang phế
Ngôi chùa của ông Nguyễn Văn Hảo, có tên gọi là chùa hảo Tâm, với quần thể kiến trúc xây bê tông cốt thép kiên cố bị bỏ hoang nhiều năm.
Liên quan đến ngôi chùa Hảo Tâm bị bỏ hoang là nỗi đoạn trường gian nan 40 năm khiếu nại xin lại ngôi chùa, xin lại đất của những thế hệ con cháu ruột cụ Nguyễn Văn Hảo.
Từ xa nhìn lại quần thể chùa Hảo Tâm vẫn bề thế, uy nghi nhờ thiết kế bê tông cốt thép kiên cố dù đã tồn tại hơn nửa thế kỷ
Từng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng
Ông Nguyễn Tâm Triều (SN 1963, đăng ký thường trú tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) hiện trú tại chùa Hảo Tâm (tổ 8, khóm 4, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho biết: ông nội ông là cụ Nguyễn Văn Hảo – người dành rất nhiều của cải và tâm sức tạo lập nên ngôi chùa Hảo Tâm từng là địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh nhưng đã bị bỏ hoang trên 30 năm qua.
Theo các tài liệu ông Triều cung cấp, vào các năm 1928, 1932, 1933, cụ Nguyễn Văn Hảo có mua 5 thửa đất tại xã Mỹ Cẩm, tổng Bình Khánh Thượng, tỉnh Vĩnh Bình (nay thuộc khóm 4, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Trà Vinh), tổng diện tích 151.602m2. Sau khi mua, toàn bộ diện tích đất trên cụ Hảo quản lý, sử dụng. Đến năm 1960, cụ Hảo xin phép xây dựng chùa Hảo Tâm Tự trên khu đất này và được quận trưởng Càng Long chấp thuận.
Chùa Hảo Tâm được kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế với kiến trúc độc đáo, cầu kỳ, được xây dựng kiên cố bê tông cốt thép, có thể coi là một trong những công trình bề thế, hiện đại nhất của đất Càng Long thời bấy giờ. Điểm nhấn của quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh này là tòa “cửu phẩm” – một ngọn tháp cao 9 tầng thiết kế mái cong, họa tiết rồng chầu. Xung quanh ngôi chùa là hệ thống tiểu cảnh với hồ nước, vườn hoa, cầu cuốn.
Cạnh chùa, cụ Hảo cho xây dựng dãy nhà 16 căn gồm một lầu một trệt khang trang, trên tường có đắp nổi một số bức phù điêu họa tiết rất tinh tế, dùng để cho các tăng ni và tín đồ phật tử ở. Cùng thời gian này, cụ Hảo còn mua đất và cho xây 6 căn nhà khác ở phố chợ thị trấn Càng Long. Sau khi công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng, chùa Hảo Tâm trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân huyện Càng Long và vùng lân cận. Khi đã có tuổi, cụ Nguyễn Văn Hảo cùng vợ là bà Nguyễn Thị Dài chuyển từ Sài Gòn về khu chùa Hảo Tâm để tiện bề nhang khói và quản lý nhà đất.
Năm 1966, cụ Hảo và bà Dài làm đơn hiến chùa Hảo Tâm và các căn nhà tại chợ thị trấn Càng Long cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý với điều kiện khi còn sống thì vợ chồng cụ hưởng hoa lợi từ tài sản và duy trì hoạt động của chùa Hảo Tâm theo đường lối của Giáo hội Phật giáo. Năm 1971 cụ Hảo qua đời, được an táng tại khu mộ gần khuôn viên chùa Hảo Tâm; bà Dài tiếp tục quản lý tài sản, duy trì hoạt động của chùa Hảo Tâm.
Sau năm 1975, bà Dài vẫn tiếp tục sinh sống, quản lý ngôi chùa Hảo Tâm. Ngày 1/7/1976 Viện trưởng Viện hóa đạo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn) có Công văn số 0133 do đại đức Thích Quảng Độ ký, gửi bà Nguyễn Thị Dài (vợ ông Nguyễn Văn Hảo) thông báo về việc trước đây bà có hiến ngôi chùa Hảo Tâm cho Giáo hội và Giáo hội đã giao cho Ban đại diện giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh trông coi.
Nhưng nay vì thiếu nhân sự nên Giáo hội Trà Vinh đã hoàn trả lại ngôi chùa Hảo Tâm trong văn thư số 012-BĐD/VP ngày 19/10/1975 và đã báo cáo Giáo hội Trung ương về việc này. Giáo hội Trung ương cũng đã đồng ý và kể từ ngày đó giáo hội không còn trách nhiệm gì về ngôi chùa Hảo Tâm nữa. Tất cả những giấy tờ liên quan đến ngôi chùa, giáo hội sẽ hoàn trả lại bà ngay khi làm xong thủ tục.
Tại Công văn số 0184 ngày 26/9/1976 cũng do đại đức Thích Quảng Độ ký nêu rõ: Viện hóa đạo đã thông báo việc trao trả ngôi chùa Hảo Tâm đến UBND huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) bằng Văn thư số 0300-VHĐ/VP ngày 24/10/1975. Như vậy gần 10 năm sau khi làm thủ tục hiến chùa cho Giáo hội Phật giáo nhưng được Giáo hội “trả lại”, bà Dài đã nhận lại ngôi chùa và các tài sản, tiếp tục sinh sống và duy trì nhang khói, quản lý ngôi chùa.
Tuy nhiên sau đó có việc Ủy ban cách mạng huyện Càng Long đã thu nạp toàn bộ đất đai, tài sản của cụ Nguyễn Văn Hảo tại huyện Càng Long, trong đó có chùa Hảo Tâm. Ngày 24/9/1976, bà Dài có tâm thư kính gửi UBND cách mạng huyện Càng Long xin cứu xét liên quan đến việc huyện thu nạp chùa Hảo Tâm.
Theo đó, bà Dài có nguyện vọng xin lại ngôi chùa và phần diện tích lân cận (nghĩa trang có mồ mả thân tộc) để thờ tự, xin lại 15 công rẫy và 48 công ruộng để canh tác và được chính quyền chấp thuận bằng cách có để lại một phần nhà (5 phòng) và 5 công ruộng cho bà Dài sinh sống.
Năm 1979, bà Dài qua đời thì chính quyền thu lại toàn bộ chùa và nhà, đất khiến ông Nguyễn Tâm Thạnh là con trai cụ Hảo tiếp tục khiếu nại xin lại phần chùa và nhà đất. Như vậy, từ năm 1976, gia đình cụ Hảo đã có đơn xin lại ngôi chùa và nhà đất, tài sản liên quan nhưng vẫn không được giải quyết hợp lý, hợp tình.
Công trình bề thế thành phế tích
Sau khi bà Dài mất, ngôi chùa Hảo Tâm bị huyện Càng Long thu nạp lại. Ông Nguyễn Tâm Thạnh (86 tuổi, con cụ Hảo) nghẹn ngào kể lại: “Quá trình thu nạp ngôi chùa, hầu hết những tài sản quý như đồ thờ đều bị kê biên đem đi. Một số tượng phật, đồ thờ khác thì bị giam vào một phòng kín trong chùa, trải qua thời gian, bụi bẩn, ẩm mốc tàn phá gây xuống cấp trầm trọng. Nhiều căn phòng trong dãy nhà 16 căn xây kiên cố bê tông cốt thép cạnh chùa sau đó cũng bị đập bỏ…”
Cũng thời gian này, nhiều hộ dân chiếm dụng diện tích đất xung quanh chùa Hảo Tâm sinh sống, xây dựng nhà cửa, dựng quán bán hàng khiến gia đình ông Thạnh phải đệ đơn khiếu nại.
Theo quan sát hiện trạng, mặc dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng do kiến trúc kiên cố, bê tông cốt thép nên nhìn từ trên lộ, chùa Hảo Tâm trông vẫn khá bề thế với mái vòm và tòa tháp 9 tầng uy nghi. Tuy nhiên đến gần quan sát, mới thấy xót xa cho công trình văn hóa tâm linh bề thế bị bỏ hoang, cỏ mọc rậm rạp, quanh đó là các quán xá do các hộ dân chiếm dụng “muôn hoa đua nở”. Trên bức tường chùa, chen lẫn với biển quảng cáo gội đầu, sơn móng là những nét vẽ bậy nghuệch ngoạc, nhem nhuốc. Duy chỉ một bức phù điêu đắp nổi cảnh đồng quê là còn nguyên vẹn, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh kể lại: “Ngày 12/12/1989, cuộc họp tại UBND huyện Càng Long do Phó Chủ tịch Trần Văn Khoảnh chủ trì đã đồng ý trao trả lại 6 căn nhà phố chợ thị trấn Càng Long cho tôi – Nguyễn Tâm Thạnh (con trai cụ Hảo). Tuy nhiên, ngay sau đó huyện rút lại quyết định này, không đồng ý trả 6 căn nhà phố cho tôi nữa”.
Năm 1998 UBND tỉnh Trà Vinh giao một phần đất chùa Hảo Tâm cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh để xây dựng khu vui chơi của huyện Càng Long. Theo ông Thạnh trình bày, thời gian này chính quyền huyện Càng Long đã chỉ đạo đập phá toàn bộ dãy nhà 16 căn, cùng các kiến trúc nối liền chùa Hảo Tâm. Năm 1999 huyện Càng Long xây dựng khu vui chơi trẻ em kinh phí 1,7 tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả dẫn đến bỏ hoang, phải thanh lý bán sắt vụn.
Hiện một phần công trình chùa Hảo Tâm được trưng dụng để Phòng văn hóa huyện Càng Long làm thư viện. Tuy nhiên, vào giữa tháng 9/2016 thì bộ phận thư viện cũng đã chuyển đi. Người dân nơi đây cho rằng vì ngôi chùa rất thiêng nên không một cơ quan nào được giao tiếp quản dám trụ lại.
Ròng rã 40 năm qua, gia đình cụ Nguyễn Văn Hảo liên tục có đơn xin lại chùa Hảo Tâm và nhà, đất nhưng đều bị bác đơn với lý do: Qua quá trình quản lý và sử dụng đất trên đã xác định: năm 1976 chính quyền cách mạng quản lý toàn bộ nhà, đất của gia đình ông Hảo, có để lại một phần nhà (5 phòng) và 5 công ruộng cho bà Dài sinh sống. Năm 1979 bà Dài mất, thân nhân không còn ai sống ở địa phương nên chính quyền thu hồi lại nhà là phù hợp.
Ông Nguyễn Tâm Triều (cháu nội ông Nguyễn Văn Hảo) bức xúc trình bày: “Khi thu nạp tài sản, chính quyền thu cả chùa và cả phần đất mộ của ông bà, gia tộc tôi. Nhưng thật không công bằng khi người giúp việc của bà nội tôi tự ý chiếm dụng đất, những người này còn tự ý ghi giấy viết tay bán đất của gia đình tôi. Hiện những hộ dân vẫn đang sinh sống tại thửa đất được mua bán, chiếm dụng bất hợp pháp đó, thậm chí có người đã được cấp sổ đỏ.
Thật bất công khi chính quyền cấp sổ đỏ cho cả những người chiếm dụng bất hợp pháp đất đai tài sản của ông nội tôi, trong khi chúng tôi là người thừa kế chỉ xin lại một phần tài sản trong đó có ngôi chùa, phần mộ gia tộc để phụng sự tín ngưỡng, chăm sóc phần mộ tổ tiên ông bà nhưng nguyện vọng chính đáng, đúng pháp luật đó lại không được cứu xét”.
Được biết, sinh thời cụ Nguyễn Văn Hảo giàu lòng nhân ái, hay làm từ thiện, tích cực ủng hộ kháng chiến. Noi gương cha, ông Nguyễn Tâm Thạnh – người con duy nhất của cụ Nguyễn Văn Hảo cũng hết lòng ủng hộ kháng chiến, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, năm 2004 ông Thạnh được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen.
Mặc dù trước kia cụ Nguyễn Văn Hảo rất giàu, có nhiều tài sản vậy nhưng thực tế cuộc sống hiện tại của các con cháu cụ rất nghèo khó, thậm chí cơ cực vì hầu hết con cháu cụ không được học hành, không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.
“Rất mong chính quyền huyện Càng Long và tỉnh Trà Vinh xem xét đến tình cảnh khó khăn này mà xem xét, giải quyết cho gia đình chúng tôi xin lại ngôi chùa và nhà đất để nhang khói, tín ngưỡng, có đất đai để canh tác, mưu sinh. Thiết nghĩ vụ việc của gia đình chúng tôi cần phải giải quyết lại một cách thấu đáo, thấu lý, đạt tình, có như vậy mới hợp lòng dân, thể hiện được tính nhân văn của chính sách và pháp luật” – ông Nguyễn Tâm Triều nêu nguyện vọng.
Gia cảnh nghèo khó của con cháu ông Nguyễn Văn Hảo
Dù ông Nguyễn Văn Hảo đã xây dựng nên một gia sản lừng lẫy như vậy nhưng con cháu của ông lại sống cảnh nghèo khổ trong tòa nhà bốn mặt tiền đắc địa ngay giữa trung tâm Sài Gòn.
Con cháu ông Nguyễn Văn Hảo sống nghèo khổ ngay trong tòa nhà trị giá hàng nhiều tỉ đồng ở trung tâm Sài Gòn.
Dù có hai vợ nhưng ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có duy nhất người con trai tên là Nguyễn Tâm Thạnh, sinh ngày 1.1.1929. Sau này gia đình ông đã nhận một người cháu ruột làm con nuôi. Ông Thạnh sinh ra ở Càng Long (Trà Vinh). Chừng 2 – 3 tuổi, ông Thạnh được cha đón lên Sài Gòn, sau đó gửi học ở trường Tây cùng với con trai Chú Hỏa. Lớn lên một chút, chừng 6 – 7 tuổi, ông được cha gửi đi học ở Đà Lạt.
Nếu ông Hảo và vợ là những người cần mẫn, chịu khó, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi thì con trai họ là người khá nóng nảy, không phù hợp với bán buôn. Chỉ cần khách mua hàng có yêu cầu hơi quá đáng, ông Thạnh có thể quát mắng và đuổi khách bất cứ lúc nào.
Cứ rảnh khi nào là ông Thạnh tự lái xe Jeep đi rừng. Có khi mấy tháng trời ông Thạnh sinh sống ở rừng Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa… Bạn bè của ông Thạnh cũng toàn là dân có tiền. Ông Thạnh từng cùng với con trai Chú Hỏa đi xe hơi ra xa lộ chạy về hướng Đồng Nai với vận tốc 200 km/giờ và hai “cậu ấm” đều bị cảnh sát tịch thu bằng vì tội chạy quá tốc độ. Hay những hôm sau khi nhậu sương sương, ông cùng bạn bè chạy xe xuống Hóc Môn bắn chim “bách phát bách trúng”.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh (86 tuổi), con trai duy nhất của ông Nguyễn Văn Hảo
Năm 1960, ông Nguyễn Văn Hảo xây chùa ở quê Càng Long. Năm 1966, người vợ đầu mất, ông trả môn bài về hẳn ở quê, từ đó Công ty Nguyễn Văn Hảo và các con ngưng hoạt động. Lúc này chỉ còn garage xe phía sau nhà được ông Hảo giao lại cho người con nuôi quản lý cùng cây xăng Caltex trước nhà. Mọi tài sản ở Sài Gòn, ông Hảo giao cho ông Thạnh quản lý. Năm 1971, ông Hảo mất ở Sài Gòn, sau đó ông được đem về an táng ở Càng Long trong ngôi mộ của gia đình xây năm 1940.
Nhiều biến cố đã lấy đi của gia đình ông Thạnh mọi thứ. Những tài sản như nhà hát, ngôi nhà bốn mặt tiền, garage, cây xăng đều bị kê biên.
Sau năm 1975, con cháu của “đại tư sản” Nguyễn Văn Hảo luôn rơi vào tình cảnh nghèo đói. Khác với cha mình, ông Thạnh lại có một lèo với người vợ thứ ba tới chín người con nên lúc nào cũng thiếu ăn. Ông Thạnh phải bán lần lữa những tài sản trong nhà để đong gạo nuôi con. Con cái ông Thạnh phải ăn bo bo, khoai lang thay cơm bữa và chỉ học hết lớp 5 – 6 rồi nghỉ.
Năm 1976, ông Thạnh cùng với người em vợ đi Bà Rịa-Vũng Tàu làm rẫy trồng đậu phộng (lạc), bắp (ngô). Hiện con cái ông Thạnh mỗi người mỗi nghề, chủ yếu lao động chân tay. Người sửa xe, người bán gạo, làm gỗ, thợ làm kiếng, người làm ở bệnh viện… Sau năm 1975, gia đình ông Thạnh được sử dụng hai tầng lầu dãy phía trước của căn nhà. Bốn mặt tiền ở dưới trệt do nhà nước quản lý và hiện có rất nhiều hộ kinh doanh thuê mướn. Từ năm 1978 đến 1982, mỗi tháng ông Thạnh được chính quyền “trả” 62 đồng tiền thuê nhà. Nhưng đến năm 2007, gia đình ông Thạnh mới nhận được “một cục” với tổng số tiền 24 triệu đồng.
Do bốn mặt tiền tầng trệt đều được cho thuê nên muốn lên chỗ ông Thạnh ở phải lách qua chiếc cổng màu xanh phía đường Ký Con. Mỗi phòng trên lầu được ông Thạnh phân lại cho mỗi người con. Đồ đạc trong căn nhà hầu như không có gì giá trị. Ngay cả kính chống ồn cũng được ông Thạnh tháo ra bán kiếm gạo cho con ở giai đoạn khó khăn.
Ông Thạnh nói: “Bốn mươi năm qua, tôi quên hết mọi chuyện rồi vì càng nhớ càng nhức đầu. Mặt trời mọc rồi cũng có lúc phải lặn thôi”.
Một số hình ảnh về tòa nhà hơn 80 năm tuổi nằm ở trung tâm Sài Gòn:
Ảnh ngôi nhà chụp trước năm 1975 nhìn từ phía đường Trần Hưng Đạo. Phía trước là bảng hiệu hãng vỏ xe Michelin và cây xăng Caltex – Ảnh: Tư liệu gia đình ông Hảo
Mặt tiền tòa nhà hiện tại
Phía sau tòa nhà
Gạch lót nền mua từ Pháp
Do không được tu bổ nên hiện tòa nhà đã xuống cấp
Vật dụng bên trong đều đã cũ kỹ
Bàn thờ tổ tiên
Sân sinh hoạt chung của tòa nhà
Một góc của tòa nhà
Từ cửa sổ tòa nhà nhìn ra là con đường trung tâm Sài Gòn. Từ đây đi bộ ra chợ Bến Thành mất chừng 2-3 phút
Một góc của sân trời
Hành lang lên sân thượng
Nhìn trên cao, tòa nhà giống như con tàu mà mũi tàu chĩa ra hướng đường Trần Hưng Đạo, đuôi tàu ở phía đường Lê Thị Hồng Gấm. Ngôi nhà nhỏ trong ảnh là nơi gắn thang máy để ông Hảo lên sân thượng ngắm cây cảnh, chim muông
Còn khá nhiều tiểu cảnh trên sân thượng
Từ trên sân thượng nhìn xuống một góc căn nhà
Lỗ thông gió của tòa nhà
Đường nối giữa hai phần tòa nhà trên sân thượng
Đương thời, ông Hảo là người yêu chim muông, cây cảnh nên khi xây dựng tòa nhà đã được thiết kế phần sân thượng rất rộng. Ông Hảo đã dùng một phần sân thượng đặt tên là ‘Lầu huê viên N.V.HAO’
Một góc của huê viên
Nhà thờ lúc ông Hảo còn sống. Năm 1966 ông Hảo về quê Trà Vinh ở ẩn
Hồ cá trong huê viên
Hồ bơi trên sân thượng. Hồ rộng hơn 2m, dài hơn 5m, sâu gần 2m
Bàn đá rộng 1,5 m, dài chừng 3 m trên sân thượng để ông Hảo uống trà, ngắm trăng
Tuy ông Hảo là người nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn trước 1975 nhưng con cháu của ông sống nghèo khổ. Đa phần con cháu hiện sống ở phía trên tòa nhà
Một góc bếp
Từ bếp nhìn ra đường Yersin
Di chúc thừa kế của ông Hảo giao cho con trai mình là ông Nguyễn Tâm Thạnh quản lý ngôi nhà
Ông Nguyễn Tâm Thạnh năm nay 86 tuổi đang hồi ức về tòa nhà
Ông Thạnh được nhận huy chương kháng chiến hạng Nhất và bằng khen của Thủ tướng
Hiện nhà nước quản lý tầng trệt của tòa nhà, các con ông Hảo được sử dụng phần trên của ngôi nhà
Một hộ dân sinh sống trên 6 căn phòng phía sau tòa nhà treo biển cho thuê nhà