Khi công ty bố mẹ tôi giải thể, cả nhà bốn người dắt díu nhau về quê nội bắt đầu cuộc sống mới. Thật không dễ dàng gì cho bố mẹ khi đã xa công việc đồng áng đã lâu, làm gì cũng thiếu kinh nghiệm. Hai chị em tôi thì vẫn đang tuổi ăn, tuổi chơi. Quê nội tôi nằm ở một huyện trung du Nghệ An, nơi có những đồi chè xanh thoai thoải, nơi con sông Lam uốn lượn vẽ nên phong cảnh “như tranh họa đồ”. Thuở ấy, cô út nhà tôi đã xấp xỉ 40 nhưng vẫn chưa lấy chồng.

Trong câu chuyện của các bà, các mẹ hàng xóm thì cô tôi là “gái ế”. Nhưng cô tôi mặc kệ, ngày ngày vẫn chở hai chị em tôi đi học, đứa trước đứa sau trên chiếc xe đạp nam có chiếc thanh ngang chắc chắn ở phía trước, bất kể ngày nắng hay mưa. Còn nhớ thời đó, nhà nào cũng như nhà nào, trên sân giếng cũng có một vật thể lạ mà tôi và em trai chưa nhìn thấy bao giờ – bơm tay Unicef. Nó như một cái cây mọc lên giữa sân giếng, cao bằng học sinh năm cuối tiểu học, toàn thân màu nâu đỏ của sắt đã rỉ sét. Ngày đầu về quê khi công ty bố mẹ giải thể, cô tôi đon đả chạy ra, đón chị em tôi rồi tay xách, nách mang hai chị em ra khoảng sân giếng sau bếp, nơi có chiếc “bơm tay thần kỳ”. Rồi cô dùng gáo dừa, dội nhẹ nhàng lên bàn tay, bàn chân nhỏ bé của hai chị em hòng gọt bỏ hết bụi đường và mùi xe cộ sau hành trình hơn 100km về quê nội. Rồi cô thoăn thoắt chạy qua chiếc bơm tay – vật thể lạ mà lúc đó chị em tôi chưa biết là cái gì – nhẹ nhàng đặt tay lên chiếc cần sắt rồi đẩy nhẹ, cứ mỗi lượt đẩy, cần sắt từ trên cao được đẩy xuống dưới là dòng nước không biết từ đâu lại chạy ào xuống xô qua vòi nước, nom thật thích mắt và vi diệu. Chị em chúng tôi chỉ biết trố mắt nhìn nhau rồi thắc mắc, mặc cho cô cứ liên tục kéo cần lên và đẩy xuống bơm đầy bể nước từ bao giờ.

Kỷ niệm 30 năm công ước LHQ về quyền trẻ em: Lời cảm ơn chân thành đến  Unicef

Ảnh sưu tầm

Thời đó, nước từ giếng khoan bơm tay lên chỉ dùng để rửa tay chân hay giặt quần áo lao động, tuyệt đối không được dùng để nấu cơm hay ăn uống vì nó còn nhiễm phèn nặng. Muốn sử dụng để uống thì nhà nào cũng phải có một bể chứa rất nhiều cát lấy ở bờ sông về để lọc nước thật sạch. Cô tôi cứ thế cần mẫn bơm rồi lại bơm cho đến khi chiếc bể đựng cát đã chứa đầy nước, lúc này cái bể đó trở thành một chiếc máy lọc nước tuyệt vời, nước từ trên cao từ róc rách chảy qua lỗ nhỏ, dòng nước trở nên mát và trong lành, không còn mùi kim loại là lạ như lúc vừa bơm lên. Lúc này, cô tôi mới kết thúc công việc bơm nước, khuôn mặt lác đác các nốt tàn nhang của cô xuất hiện thêm những giọt mồ hôi được ánh sáng chiếu lấp lánh. Đó là một ký ức tuổi thơ đẹp khi tôi nhớ về cô.

Khi lớn hơn một chút, chúng tôi được bàn giao lại công viêc của cô một cách không chính thức. Tất nhiên qua tay trẻ con thì cách làm có khác đi đôi chút. Đôi khi, chúng tôi không làm theo cách truyền thống như các bà, các mẹ hay làm mà có biến tấu đi ít nhiều. Khi thì co người đánh đu dưới chiếc cần, khi thì nằm dài trên chiếc cần sắt cũ kỹ, cứ thế, nước cứ từ từ chảy ra, như vỗ về tuổi thơ êm đềm. Bơm nước xong, cũng như cô, chúng tôi ì ạch nâng từng xô nước nặng lên cái bể lọc cao quá đầu, nước đổ vào bể được đâu đó ba bốn phần, còn đâu rơi rớt ra xung quanh bể. Vì thế mà quá trình bơm nước của hai chị em phải mất thêm hai ba lần thời gian so với khi cô làm. Nhưng trẻ con mà, vui là được, thời gian có là gì đâu. Cứ thế, tiếng kẽo kẹt ì ạch của chiếc máy bơm tay đi vào tiềm thức của tuổi thơ chúng tôi, cứ như là một định mệnh không thể tách rời. Ngày Tết, bố tôi quan niệm bếp phải giữ ấm, thùng gạo, bể nước phải đầy suốt cả ba ngày đầu năm mới thì năm đó gia đình mới sung túc, đầy đủ được. Thế là chị em tôi lại cùng nhau bơm rồi lại bơm, chỉ lo nước không đầy thì nhà đã nghèo lại càng nghèo, hai chị em không có đồng quà tấm bánh mỗi khi cô hay mẹ đi chợ về. Sau này, ngay cả khi bố tôi đã đi về với ông bà tổ tiên, quan niệm của ông vẫn được mẹ con tôi duy trì đều đặn, chỉ là người đã về cõi hư vô. Chiếc bơm tay vẫn ở đó, chứng kiến các sự kiện của gia đình tôi, như chiếc cầu Long Biên chứng nhân lịch sử mà chúng tôi được học ở sách giáo khoa. Chiếc bơm chứng kiến cô tôi lấy chồng, chứng kiến chúng tôi tốt nghiệp tiểu học, rồi trung học cơ sở.

Thời gian dần trôi, cơ giới hóa thay đổi toàn bộ bộ mặt và phương thức lao động ở quê hương tôi. Sức máy dần thay cho sức người. Tuốt lúa cũng không cần nhưng đôi chân nhịp nhàng đạp lên bàn đạp máy tuốt lúa mà đã có động cơ gắn vào máy, chiếc máy bơm tay cũ kỹ năm nào cũng được tháo ốc vít, cất tạm vào một góc, thay thế nó là chiếc máy bơm nước lúc nào hết nước chỉ cần cắm điện, máy chạy, nước chảy ra, bơm thẳng lên chiếc bể lọc cao cao. Nhàn thì nhàn thật, nhưng thi thoảng đi ra đi vào, nhìn thấy chiếc bơm tay, lại thấy một nỗi niềm luyến tiếc khôn tả, mà cũng chẳng biết luyến tiếc gì. Thật kỳ lạ!!! Thời gian vẫn tiếp tục trôi, quê tôi có dự án nước sạch về tận mỗi nhà, thế là lại không cần phải bơm nước rồi phải lọc cát mới được sử dụng nữa, mà chỉ cần vặn vòi là nước sạch cứ thế chảy ra, dùng bao nhiêu đồng hồ lại quay bấy nhiêu để tính tiền. Cứ như là thành phố – bác tôi bảo vậy, sung sướng và tự hào. Chiếc máy bơm tay Unicef lại lùi xa vào dĩ vãng hơn một tí nữa, chẳng mấy chốc thế hệ như cu em con trai cô út không biết nó là cái gì, như thuở chúng tôi mới về quê. Thấy vật thể lạ trong nhà bà ngoại, cu em vừa mới chập chững biết đi cứ chỉ chỉ, trỏ trỏ, muốn kéo ra để chơi cho bằng được. Nhưng nó làm bằng kim loại mà, chắc chắn và cực kỳ nặng, cu em không lấy ra được, nhăn nhó rồi bực dọc trông thấy thương. Mẹ thở dài rồi bảo, thôi, giờ không dùng đến nó nữa, hôm nào có cô đồng nát đi qua, mẹ bán mua sách vở vào năm học mới cho, vừa đỡ được một khoản, lại đỡ chật nhà. Nghe mẹ nói trong lòng trào dâng lên một nỗi niềm tiếc thương vô hạn, còn cậu em trai trong nhà nghe nói vậy gọi với ra, nhờ mẹ mua thêm cho một quả bóng da.

Chắc hẳn trong tiềm thức mỗi người đều có một một suy nghĩ riêng về chiếc bơm tay đó, chỉ là không ai nói với ai câu nào, cứ âm thầm, lặng lẽ như chiếc bơm tay khi đã đến tuổi về hưu. Sau này khi lớn lên và ra Hà Nội học đại học, tôi mới có dịp tìm hiểu nhiều hơn về chiếc bơm tay năm nào. Tôi mới được biết, Unicef là một tổ chức quốc tế, đã tài trợ Việt Nam hàng ngàn chiếc bơm tay như vậy ở khắp mọi miền đất nước từ năm 1982. Câu cảm ơn lúc này có lẽ hơi muộn, nhưng tôi vẫn muốn cảm ơn những người đã góp sức vào dự án, để những đứa trẻ nông thôn như tôi được tận hưởng dòng nước quê hương mát lành, để tạo cho không chỉ tôi, mà hàng ngàn đứa trẻ trên đất nước này một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi thơ. Còn chiếc bơm tay Unicef, tôi tin nó vẫn tồn tại trên đời này dưới một hình hài khác, một chiếc đinh ốc, một chi tiết cơ khí…Tôi không chắc lắm. Nhưng tôi biết rằng, hình ảnh cô bé cậu bé năm nào, đội mưa, đội nắng, gắng sức bơm từng giọt nước mát lành sẽ là ký ức tuổi thơ trong trẻo không bao giờ tôi quên được.