Dòng tranh Lái Thiêu có loại vẽ nhiều màu, tiêu biểu như màu hường, màu xanh lông két, màu trắng, màu vàng, xanh dương…, nhưng cũng có loại màu nền đen hoặc đỏ, đặc biệt các hoa văn, hình họa đều dán ốc xà cừ để tạo nên sắc trắng bạc phản quang. Sắc màu phản quang truyền thống là lớp màu điệp trong tranh mộc bản, kế đó là sản phẩm cẩn ốc xà cừ và hiện đại là tráng thủy và dán giấy trang kim đa sắc, chủ yếu là vàng kim và bạc.

Đặc phẩm của tranh kiếng Lái Thiêu là bộ tranh thờ tổ tiên: bức tranh sơn thủy vẽ núi ở hậu cảnh với dòng sông chảy ngoằn ngoèo, thấp thoáng trong khóm cây vài nếp nhà, và trung tâm là một ngôi nhà khang trang với sân vườn gần mé sông, có cây cầu bắc qua, ngụ ý nhắc câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Lái Thiêu có thể coi là xứ sở mở đầu cho loại tranh thờ tổ tiên lừng danh ở xứ Nam Bộ. Về sau, bộ tranh thờ tổ tiên có thêm đồ án cây đại thụ: gốc lớn cành lá sum suê, biểu ý “Cây có cội, nước có nguồn”.

Kỹ pháp cẩn xà cừ là đặc trưng tiêu biểu của dòng tranh kiếng Lái Thiêu cũng được thể hiện trong tranh thờ các nữ thần như Bà Địa Mẫu, Quan Âm nương nương hay các tranh thờ thần Độ Mạng như Bà Chúa Tiên độ mạng cho nữ có tuổi thuộc can Canh-Tân, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ độ mạng cho nữ giới có tuổi thuộc can Giáp-Ất, Nhâm-Quý; Chúa Ngọc Thần độ mạng cho nữ có tuổi thuộc can Bính-Đinh…


Tranh thờ tổ tiên, Bà Vệ (An Giang) nhưng ký là tranh Lái Thiêu.

Dòng tranh Bà Vệ thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra đời muộn. Tục truyền, từ xưa ở bến sông ghe thuyền qua lại, có một phụ nữ bán bánh và một số hàng nhật dụng cho những người qua lại đường sông. Đó là Bà Vệ. Sau, nơi đó thành chợ – gọi là chợ Bà Vệ, rồi dần dà trở thành địa danh chỉ vùng đất bao quanh ngôi chợ làng nhỏ nhoi ấy.

Tranh kiếng Bà Vệ hình thành khi tranh kiếng Lái Thiêu, đặc biệt là tranh thờ tổ tiên, chiếm thị phần chính ở Nam Bộ. Bởi vậy, trên những bức tranh kiếng Bà Vệ buổi đầu, mặc dù không mang một đặc điểm gì của tranh kiếng Lái Thiêu vẫn thấy hai chữ “Lái Thiêu” ở phần dưới tranh, hẳn là để… nhái thương hiệu.

Tranh kiếng Bà Vệ khởi phát từ những năm 1950. Người trực tiếp đưa nghề vẽ tranh kiếng về xứ này là ông Trần Văn Tú. Ông học nghề vẽ tranh kiếng ở Cần Thơ theo trường phái Lái Thiêu. Từ đó, nghề vẽ tranh kiếng được nhiều người học theo trở thành làng nghề tranh kiếng.

Các đề tài trong tranh Bà Vệ rất phong phú và khá đặc biệt. Ở dòng tranh thờ thần Phật, được nói nhiều là bức “xà lanh” treo trên xà ngang, chạy dài suốt ba gian của ngôi nhà có nội dung kể về các kỳ tích trong cuộc đời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tranh kiếng tuồng tích cũng là một “phát minh” của dòng tranh Bà Vệ, được cho là sáng tạo của nghệ nhân Trần Văn Ty (Mười Ty) vào khoảng năm 1954. Ông được xem là người sáng tác ra loại tranh treo cửa buồng theo tích Tấm Cám, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ… Dòng tranh trang trí cũng là một đặc sản khác của tranh Bà Vệ, phổ biến với các bộ tranh tứ bình, tranh treo cửa buồng hay vẽ cảnh sắc thôn quê với ngôi nhà gạch khang trang, cây cầu bắc ngang cho thấy sự giàu sang, “phú quý vinh hoa”, hoặc trẻ mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, cảnh tượng thanh bình nơi thôn dã… Nói chung ở thể loại tranh trang trí, đề tài mở rộng không cùng, song tất cả đều chứa nội dung mong ước sự an bình, mọi việc được cát tường như ý.


Tranh Gà đàn, Lái Thiêu, sưu tập Nguyễn Anh Kiệt.

Dòng tranh Khmer tập trung ở hai khu vực có đông người Khmer sinh sống là Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó tranh kiếng Khmer Trà Vinh ra đời vào khoảng những năm 1935, 1936, còn làng tranh kiếng Phú Tân (Sóc Trăng) ra đời muộn hơn một chút và còn tồn tại đến nay.

Một chủ đề được quan tâm hàng đầu ở tranh kiếng Khmer là tranh thờ tổ tiên, tranh “Ông, Bà” (tranh “Donta”), trong đó các nhân vật phải mặc trang phục Khmer truyền thống như xàm pốt, áo cổ vuông, quàng khăn rằn hoặc khăn “sen sầm nak tho” màu trắng chéo trước ngực.

Loại tranh này thường vẽ sẵn trên kính hình ảnh một người phụ nữ hoặc nam giới Khmer mặc y phục truyền thống, có đầu nhưng không có mặt. Khi có ai đặt vẽ chân dung ông bà, cha mẹ thì mới vẽ thêm khuôn mặt vào bức tranh có sẵn. Trong tranh các cụ già mặc trang phục trang trọng ngồi trên chiếc ghế bọc nệm hoặc ghế gỗ chạm trổ, bên cạnh là chiếc bàn nước nhỏ phủ khăn trắng, trên bàn đặt bộ ấm trà, bình hoa sặc sỡ. Phía sau là khung cửa sổ có treo rèm. Nền nhà lát gạch hoa… Ngoài tranh thờ tổ tiên, người Khmer có tập quán thờ Phật, đa phần người ta thờ tranh vẽ Phật, ít khi thờ tượng. Tranh Phật để thờ là Đức Phật lịch sử, tức Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều kiểu hình họa khác nhau dựa vào các kỳ tích lấy từ tiểu sử của Đức Phật. Một đặc phẩm của tranh kiếng Khmer là tranh Witsowan trấn trạch. Đây là Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống quản phương Bắc, chủ tướng của bộ chằn Dạ xoa (yasha) rất uy mãnh. Loại tranh này có nhiều “dị bản” tùy theo từng nghệ nhân. Do đó, đề tài này là một tập thành mỹ thuật đặc biệt độc đáo.


Witsôwan trấn trạch, Khmer.

Điều rất dễ nhận thấy là tranh kiếng, tranh tường và tranh vẽ trên vải Khmer có sự tương đồng về chủ đề, hình tượng, phong cách tạo hình và thị hiếu về màu sắc. Chúng ta có thể xác định rằng tranh tường có điểm khởi phát trước nhất rồi mới đến tranh vải, và kế tiếp là tranh kiếng vì chất liệu kiếng/thủy tinh là rất hiếm vào thời xưa. Chỉ mới sau này, khi trình độ kỹ thuật phát triển con người mới tạo nên kiếng. Và những tấm kiếng này thời đó là rất quý hiếm. Phải đến gần đây thì kiếng mới sản xuất đại trà và việc vẽ tranh trên kiếng mới thịnh hành. Rồi khi tranh kiếng đã lần lượt giành lấy vị trí vốn có của các loại tranh thờ vẽ trên các chất liệu truyền thống, nó không ngừng khai thác kho tàng dữ liệu phong phú của di sản mỹ thuật Phật giáo Tiểu thừa cho sáng tác của mình. Do vậy mà ngày nay, tranh kiếng Khmer có đủ loại đề tài truyền thống, từ các kỳ tích của Đức Phật lịch sử đến các sự tích rút từ Phật thoại, kinh bổn sanh Jataka đến các bộ long thần, hộ pháp…, được thể hiện bằng kỹ pháp vẽ tranh dân gian đơn tuyến bình đồ với không gian phẳng hai chiều lẫn kỹ thuật vờn màu, tạo khối và cả tranh vẽ theo kỹ pháp hiện đại, xử lý tốt hiệu ứng ánh sáng tạo nên các bức tranh ba chiều sinh động.

Nghệ nhân Khmer với phong cách đa dạng, kỹ pháp điêu luyện đã tạo nên những tác phẩm tranh kiếng đặc sắc. Tuy cùng chủ đề Đức Phật và các tích chuyện tiền kiếp Đức Phật nhưng không bức tranh của nghệ nhân nào giống nghệ nhân nào. Bên cạnh đó, khi nhìn vào những bức tranh kiếng Khmer, chúng ta vẫn có thể phân biệt ngay chúng với những dòng tranh Huế, Chợ Lớn, Lái Thiêu và An Giang. Mỗi dòng tranh kiếng với những đặc trưng riêng đã hình thành nên một tập đại thành mỹ thuật đồ sộ mang sắc thái riêng của mỗi cộng đồng dân cư, dân tộc góp phần làm phong phú cho bảng màu đa dạng của văn hóa Việt Nam.