Về phương diện âm nhạc, chúng ta đã chịu ảnh hưởng rất lớn của âm nhạc Chiêm Thành về cả hai mặt: ca vũ điệu và nhạc khí. Đại khái, âm nhạc ta có hai điệu: điệu khách và điệu nam. Điệu khách là những điệu từ phương bắc tức Trung Hoa mang vào mà chế biến; điệu nam thì chịu ảnh hưởng của Chiêm Thành.
Trong sử ta, có chép nhiều sự kiện đã giúp cho việc cấu tạo nền quốc nhạc Việt Nam qua những điệu nam. Chẳng hạn như năm 1044, vua Lý Thái Tôn đi đánh Chiêm Thành, kéo quân hạ thành Phật Thệ, bắt các thần thiếp vua Chiêm là Sạ Đẩu và chọn những người cung nữ giỏi múa hát, bắt diễn khúc Tây Thiên, mang về cho ở trong cung, năm sau làm nhà riêng cho bọn nữ nhạc ấy ở. Đến đời Lý Thánh Tôn (1060), bắt bọn nữ nhạc ấy biểu diễn các khúc Chiêm Thành rồi tự bắt chước phổ vào âm nhạc ta cho nhạc công đánh. Đến năm 1202, vua Lý Cao Tôn “có lệnh sai nhạc công chế các khúc nhạc đặt tên là Chiêm Thành Âm, tiếng nhạc thanh oan, ai thương, khiến ai nghe thấy cũng phải châu mày rơi lệ”. Ấy là thứ nhạc của những dân tộc miền biển, chuyên nghề du điếu, phải sống bình bồng trên mặt nước từ năm này qua tháng nọ, tương lai mờ mịt giữa bể khơi, ấy cũng là khúc nhạc của những kẻ mất nước, đau lòng chạnh nhớ quê hương phút chốc đã tan tành như mây khói. Trái lại nhạc phương bắc, do những bộ lạc du mục kiến tạo nên, đêm thì cắm trại đốt lửa ca hát vui chơi, ngày thì phi ngựa đường xa, hiên ngang với núi cao đồng rộng, lục lạo vang rền khắp bốn phương.
Tháp chàm
Để dung hòa hai thứ nhạc Nam và Bắc ấy, vua Tự Đức và một số nhạc công danh tiếng thời bấy giờ, đã cố gắng chế ra những bản nhạc êm ái, nhẹ nhàng, bình thản, không vui không buồn, ấy là điệu Tứ Đại Cảnh. Điều này giữ mức trung dung giữa hai điệu Nam và Bắc, có thể là tiêu biểu phần nào tâm hồn bình dị thanh khiết của người dân Việt.
Chúng ta cũng không quên nhắc đến những câu hò mái nhì, những điệu chầu văn hay những bài ca vọng cổ sầu oán ai thương, hình như cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm Thành. Các điệu ca múa nhảy của ta, hoặc có tính cách tôn giáo, hoặc trong cung điện nhà vua, như ở Duyệt Thi Đường, chắc hẳn có pha trộn ít nhiều những vũ nhạc Chiêm Thành. Ở xứ này, múa nhảy luôn luôn đi đôi với ca nhạc, cũng như ở Nhật Bổn là nước rất xa đã chịu ảnh hương của Lâm Ấp Nhạc (Rinyugaku).
Ngày nay ở những vùng còn người Chàm, có một số người phi nam phi nữ, chuyên làm nghề múa nhảy và ca hát theo điệu Chàm, nhất là trong những kỳ tế lễ long trọng. Một số hiện còn ở Phan Thiết và thỉnh thoảng có biểu diễn ở các chợ phiên giải trí. Họ còn kiêm thêm nhiều trò ảo thuật và nguy vũ (danse acrobatique).
Về nhạc khí, người Chàm ngày xưa có nhiều thứ tương tự nhạc khí của Trung Hoa và Việt Nam. Mã Đoan Lâm, một sử gia Trung Hoa hồi thế kỷ XIII, đã viết rằng người nước Lâm Ấp có đàn tranh (cythare), đờn cò 5 giây (violon à 5 cordes), ống sáo, tù và, trống, v.v. Hiện nay, chúng tôi nhận thấy người Chàm còn rất ít nhạc khí như là: kuni-kara (đờn cò 2 giây), saranai (kèn 7 lỗ), ganan (trống cơm bịt da hai đầu), baranon (trống dẹp bịt một mặt)
Theo sách Thiên Nam Dư hạ tập do vua Lê Thánh Tôn sai Thanh Nhân Trung, Quách Đinh Bảo, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ, biên tập năm 1483, về mục nhã nhạc thì có thấy nói rằng cái long sinh, tức sênh tiền làm bằng hai miếng tre, một đầu chạm rồng có đeo nhạc đồng và tiền đồng, khi đánh nhạc ấy phải vừa múa vừa đánh, để cho tiếng theo dịp múa. Người ta đoán rằng cái sênh tiền chúng ta đã mượn của Chiêm Thành qua những điệu múa nhảy của họ.
Theo sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, cái trống cơm (ganan) có tên yêu cổ đánh cả hai mặt một lúc, khi đánh phải dán hai miếng cơm nếp vào giữa hai mặt trống thì mới kêu, vì thế mà gọi là trống cơm. Khi đánh trống cơm không cần phải múa nhảy, nhưng phải run rẩy thân mình. Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc thì “vào đầu thế kỷ thứ X, âm nhạc đám ma nước Nam có một thứ nhạc khí tên là Phạn Cổ Ba, là một vật từ Chiêm Thành mang lại”. Phạn Cổ Ba tức Phạn Chiêm Ba, là cái trống cơm rất thông dụng từ xưa đến nay. […]
————————–
Tiến sĩ Hương Giang Thái Văn Kiểm là một học giả chuyên khảo cứu về văn hóa Việt. Các công trình biên khảo của ông vừa có chiều sâu lẫn chiều rộng đồng thời thể hiện tình yêu một quê hương đất nước mà ông trân quý và muốn trân trọng giới thiệu với đồng bào và người ngoại quốc. Học giả Thái Văn Kiểm đậu Tiến Sĩ Văn Chương Ðông Phương ở Pháp, 1981 (Docteur-ès-Lettres Orientaliste, Paris) và Tiến Sĩ Văn Chương Quốc Gia.