Cách nay hơn sáu chục năm, một chiều thu Việt – Bắc heo may. Trên đường đi công tác về, gần tới ATK – an toàn khu, Tố Hữu hồ hởi bảo tối nay cơm nước xong, xin đọc hầu các ông mấy bài thơ mới làm, hay lắm. Nào ngờ, Văn Cao giội luôn gáo nước lạnh bẽ bàng rằng thơ phú chi ông, họa là ca dao thì có !

Bảo rằng nhạc sĩ là người ngoại giới, xem nhẹ ca dao còn ra một lẽ khả dĩ cho qua. Chứ một nhà thơ lừng danh làm cách mệnh rốt ráo, thật không thể tưởng tượng nổi, sao lại ấu trĩ không thấy : ” Tiếng nước tôi là tiếng ca dao ngọt ngào ” (Từ Huy ) mà coi thường, lại còn nén giận hờn bị khinh khi trong lòng đến mãi mai này.

Chẳng riêng Tố Hữu, Xuân Diệu cũng ngán ca dao ra trò. Ông hoàng thơ tình một thời xởi lởi tâm sự sở dĩ không bao giờ đụng đến lục bát, chỉ vì rất sợ làm dở, không ra thơ mà thành ca dao – mất mặt lắm !.

Sau này cho rằng rằng câu kết ” Gắng ngồi viết cạn bài thơ. Liệu bài thơ có hư vô như mình ” cứ ra ” ca dao ” sao ấy mà nhà thơ giám đốc nhà xuất bản Quang Huy đã loại thẳng thừng không thương tiếc bài thơ của chính mình khỏi tuyển tập lục bát !

Ca dao gần như nhất quán một thể thơ lục bát – lục bát ca dao, ca dao lục bát. Thơ lục bát ôm vận, cắt nhịp chẵn, bước thơ đều đều nhịp đôi nhẹ-nặng, dày đặc các thanh bằng, nghe cũng có phần đơn điệu thật. Ca dao là văn chương truyền khẩu, chữ nghĩa đời thường, cấu trúc đơn giản, ý tứ mộc mạc. Cũng phải cung cách ấy, điệu thức ấy mới ứng với tâm thái dân ta chất phác, đôn hậu, hướng nội, hướng tới sự quân bình, hài hòa. Cuộc sống một phong phú, một nổi trôi, tình người càng đằm càng đa đoan, ca dao theo đó trau chuốt hạ chữ, gieo vần gợi cảm , vang dội thanh âm, bay bổng giai điệu, chất chồng cấu tứ, đầy tính cách thơ : ” Đêm đêm tưởng giải ngân hà, Mối sầu tinh đẩu đã ba năm tròn. ”

Thông thường là vậy. Để chuyển tải đầy đủ các cung bậc, sắc thái cuộc sống, tư duy, tình cảm, ca dao lục bát vươn lên những biến tấu kì diệu : Vì sông / nên phải lụy đò. Vì chiều tối/ phải/ lụy cô bán hàng. Vì tình/ nên phải đa mang.Vì duyên/ thiếp biết quê chàng/ ở đây.

Ca dao là thân xác, lục bát là vòng tay. Cứ thế lục bát ôm trọn ca dao vào lòng để ấp ủ cái hương thơ của hồn quê, của lình người. Tự nhiên như không, ca dao thành câu hát ru êm ái, thành khúc dân ca ngọt ngào. Ca dao ru con trẻ vào giấc ngủ ” Con cò bay lả bay la “. Ca dao tình tự gái trai nên vơ nên chồng thuận hòa ” tát bể đông cũng cạn. ”

Một dạo, bạn bè nhất hô bá ứng đòi ca dao trả lại hai câu cuối trong bài thơ Trăng quê

cho chính chủ Bàng Bá Lân làm hồi giữa thập niên ba mươi thế kỉ trước. Không hiểu từ đâu, vì sao, chỉ hăm mấy năm sau đấy, học giả Vũ Ngọc Phan lại đưa. câu lục bát ” Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ” vào hai tập tuyển ca dao công phu, được giới văn nghệ đương thời trân trọng, tán dương. Phần vì quá cách trở, phần vì uy tín quá lớn của soạn giả uyên bác, Bàng Bá Lân cho đến cuối đời vẫn không một lần đánh tiếng cải chính đó là thơ mình làm. Hẳn trong thâm tâm thấy ca dao chỉ chỉnh đảo một chữ thôi trong câu thơ của mình “.. lại múc trăng vàng ” thành ca dao ” ,, múc ánh trăng vàng ” làm dậy lên một hồi âm vang dội , một hình tượng nghệ thuật thật đắt để biến một câu luc bát thường thường bậc trung thành câu thơ tuyệt vời. Trước đó, ” ánh trăng ” không sáo mòn ấy đã làm nên câu thơ mới trọn vẹn bước thơ, vang dội cấu tứ trong bài Nhớ rừng để đời của Thế Lữ : ” Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ” Sau này, Cung Trầm Tưởng tân kì lục bát là thế cũng ” Ánh trăng quện nước gầu sòng. Trời loang loãng cháo dưới dòng sao tâm”

Như bao nhà thơ khác, Bàng Bá Lân một mực ngưỡng mộ câu ca dao lục bát : ” Gió đưa hoa cải lên trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay ” thơ hơn bất kì một câu thơ trác tuyệt nào khác. Một tính thơ mơ hồ, đa nghĩa, huyền ảo của câu lục bát ca dao ấy đến độ cực đại. Giữa các từ ngữ, nhịp điệu, hình tượng là những quãng không, Mỗi lần đọc là một thao tác lấp đầy các khoảng trống đó, là một diễn dịch mới mênh mông thi tứ, đong đầy cảm xúc. Nghe Tùng Dương hát ” Quê nhà ” của Trần Tiến , ai mà chẳng thấy phiêu linh cứ như bay, bay lên tít trời cao xanh cùng hoa cải, nhưng lại nặng lòng nỗi đắng cay, ngọt bùi nhân gian níu kéo lại với rau răm nơi trần thế. Đằng nào hơn, sao tỏ tường được đây, mỗi người mỗi phách !

Qua bốn ngàn năm, các thi sĩ tài hoa dân gian đã đi vào dĩ vãng, ca dao còn lại thành di sản văn chương, không đứt đoạn với thơ ca mà làm nền móng vững chãi, màu mỡ để lục bát thăng hoa hiện đại.

Huy Cận đã làm thay đổi thẩm mĩ lục bát ca dao – bãi bỏ tính tự sự để chất ngất cái trữ tình , cổ kính hóa lục bát như thơ Đường cao sang bằng sự cô đọng chắt chiu, biến cái buồn vật vờ thành nỗi sầu vạn cổ… Bái phục, nhưng Cung Trầm Tưởng vẫn cứ thoát khỏi vầng vàng son ảnh hưởng, tác động lớn lao ây để bước trên con đường lục bát ca dao tân kì của mình.

Giữa thế kỉ trước, Cung Trầm Tưởng xuất hiện trên thi đàn chói sáng với tập thơ đầu tay Tình ca được đón nhận nhiệt liệt – năm trong số 13 bài tức thì được các nhạc sĩ đua nhau phổ nhạc ăn theo.Trong số đó. nổi trội đặc sắc bài thơ hẹn tình Kiếp sau với cô gái bên trời Âu : ” Quên em xanh mắt bồ câu. Tơ vàng sợi nhỏ xin hầu kiếp sau ” mang hơi thơ cổ điển, nặng hồn lục bát ca dao.

Với Cung Trầm Tưởng, làm thơ là làm chữ, chữ cặp với chữ thành bước thơ tung tẩy thi tứ. Trong Kiếp sau, ông trau chuốt buông chữ : bù em, quên em.. đầu câu: Bù em nối núi chung đồi, rồi treo chữ : cũng rồi, nghe dường.. vần lưng trong câu tám kế tiếp : Thiêu nương đốt là cũng rồi hoang sơ, lại còn đảo chữ – mòn trông, tạo cảnh : chiều lu : Mòn trông ngưỡng cửa chiều lu mãi sẩu. Ông khổ công gieo chữ thần tình, làm lỗi nhịp, đảo cái thần lục bát ca dao là nhằm tục lụy hóa cái cổ điển, hóa thân ca dao lục bát hiện sinh . Bà Thụy Khuê lí luận văn chương ở Pháp rúng động : ” Cung trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao tân kì hiện sinh : “… Quên thôi bông sẽ phai hường. Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu. Non sông bóng mẹ sầu u. Mòn trông ngưỡng cửa chiều lu mãi sầu… ”

Ca dao nhất nhất nói lên điều hay lẽ phải, cái đẹp cái hay, tính hướng thiện, lòng nhân ái. Ca dao là tâm hồn dân tộc. Nó chuyển tải suy tư, chất chứa tâm tình cho người, cho đời. Cho những hẹn hò gái trai, cho những náo nức hội mùa, cho xôn xao làng trên xóm dưới. Cho cả những vết thương lòng. Ca dao còn ” lấy nhân nghĩa thắng hung tàn “, cảm hóa người thương cảm người hơn, san sẻ cho nhau hơn, bồi đắp tình làng nghĩa xóm.

Ca dao tuyệt nhiên không dung cái xấu xa, cay nghiệt, cái hận thù , ác độc, sự chém giết, sát hại lẫn nhau. Ca dao không bao giờ có cô Tấm từ trong trái thị thơm tho bước ra lại ác nghiệt xúi dại em gái Cám tắm gội bằng nước rõ sôi hòng da dẻ trắng mịn như trứng gà bóc, rồi làm mắm trả ác gới di ghẻ. Ca dao chỉ trải nghiệm : ” Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời di ghẻ có thương con chồng. ” thế thôi.

Cứu cánh của ca dao là nuôi dưỡng tâm hồn Việt : ” Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi thân xác, hát nuôi phần hồn ” Yên bình, Huy Cận tinh tế, cảm nhận ngay cái ” hồn thiêng đất nước ” trong tiếng ru hời ca dao mẹ Việt Nam : ” “Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi. Hồn thiêng đất nước còn ngồi bên con ” Thế hệ sau, Trịnh Công Sơn lòng quặn thắt những xô bồ, ác nghiệt làm nhạt nhòa, xô đẩy ca dao xa rời cuộc sống, đời người: ” Em chưa hát ca dao một lần… ( để ) máu lạnh trong tim …( để ) lời nói yêu thương mất rồi ” Cùng một suy tư âu lo ấy, Cao Xuân Hạo, sinh thời, không biết bao lần khẩn khoản đề nghi đưa ngay ca dao vào học đường, khi con trẻ vừa cắp sách tới trường. Trước là dễ học, dễ nhớ , để một yêu: ” Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim…Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt ” Sau là ” Ai đời sau nói tiếp những lời yêu ” ( Lưu Quang Vũ ) ,là ” Từ nay người biết yêu người ” như Văn Cao khát khao cất lên thành tiếng hát Mùa xuân đầu tiên.