Trong khoảng thời gian 1639-1645, Daniel Tavernier với tư cách là một viên sĩ quan phụ trách kế toán trên tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến Thăng Long. Qua đời vào năm 1648, Daniel để lại công trình nghiên cứu dở dang, sau đó được hoàn thiện thành “Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài” xuất bản năm 1681 tại Paris.

Đa tín ngưỡng tôn giáo

Từng đến Ấn Độ, Trung Hoa, Tavernier hết sức ấn tượng về những quốc gia đa tôn giáo. Phật giáo và Nho giáo không có gì lạ lẫm với Tavernier, nhưng ở Thăng Long, đó lại là một điều kỳ thú khác xa với những vùng đất ông từng đi qua. Tác giả cho hay dân chúng Thăng Long là những tín đồ của một trong những tôn giáo Phật giáo, Nho giáo, đạo Lão.

Theo Tavernier, Nho giáo chỉ được một bộ phận ở tầng lớp trên của xã hội tiếp nhận: “Vua và các quan nhất là các Nho lại thờ trời”. Còn dân chúng chốn kinh kỳ tin sùng Phật giáo: “Phật giáo được tuyệt đại đa số nhân dân tin theo…

Những vương hầu sùng Phật đã chi tiêu những món tiền rất lớn để tô điểm những ngôi chùa và những pho tượng, có những pho tượng bằng vàng khối cao ba bộ và những pho tượng khác bằng bạc to hơn người thật”. Vì sự phổ biến của Phật giáo trong dân chúng mà đặc tính từ bi bác ái của nhà Phật cũng được người Việt phát huy, cách đối nhân xử thế với nhau rất mực thiện tình.

Theo sự nhìn nhận của Tavernier, Đạo giáo cũng phát triển trong dân chúng khá rộng rãi. Tác giả cho rằng sự kết hợp của Đạo giáo và việc chữa bệnh khiến cho dân chúng ở đây càng tin hơn: “Điều làm cho dân chúng tin theo ông là ông bao giờ cũng khuyên họ làm điều thiện và cho xây dựng những cơ sở chữa bệnh ở tất cả những nơi chưa có cơ sở chữa bệnh”.

Bên cạnh việc tôn sùng các tôn giáo, người Việt ở Thăng Long thời điểm thế kỷ 17 vẫn duy trì những tín ngưỡng truyền thống như việc thờ Táo Quân: “Ở Đàng Ngoài có tục thờ ba vị thần trong nhà. Một là Táo Quân (Thần bếp), tức là ông đầu rau”.

Tục thờ Thổ Công trong xây dựng nhà cửa cũng nhất loạt được người Việt thực hiện như là một phần không thể thiếu khi xây cất nhà cửa. “Vị thần thứ ba là Buabin (ông Địa), tức là vị thần họ cúng khi xây nhà, lập bàn thờ và họ thường mời một vị sư đến để cúng thần. Họ làm nhiều thứ thịt, viết bùa chú trên giấy vàng dâng lên; sau đó họ đốt đi cùng với thắp nhang… Họ làm thế để xin thần đừng giáng tai họa xuống ngôi nhà mà họ đang muốn xây”.

Thăng Long với các phường, làng nghề truyền thống như đúc đồng, làm giấy, kim hoàn còn có tục thờ tổ nghề, người có công khai sáng nghề nghiệp. Tavernier viết: “Ông Tiên sư, tức là ông thần tổ bảo trợ các nghề như nghề kim hoàn, nghề chạm khắc, nghề sơn”.

Lưu bản nháp tự động

Người phụ nữ gồng gánh đi phía sau một chiếc xe kéo. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ vậy, trong các dịp lễ, tết, người ta có những nghi thức thờ cúng, lễ tục riêng. Đó là tục đi chùa dâng hương hoa vào các ngày rằm, đặc biệt trong ngày tết thì lễ cúng càng trở nên long trọng với các tục lệ như đuổi ma quỷ: “Những ngày mồng một Tết lấy vôi vẽ những hình tròn, vuông, tam giác ở trước cửa. Họ bảo rằng những hình đó làm cho ma quỷ phải lánh xa”; hay tục xem chân gà đầu năm mới: “Có người xem bói chân gà để biết điều tốt hay xấu”. Ngoài ra, còn phải kể đến các tục lệ, tín ngưỡng mang tính ma thuật như xem bói, lên đồng.

Y học một thời đi trước phương Tây

Tavernier không ngừng đem đến sự mới lạ và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài. Khi bắt gặp những phong tục, phép trị liệu dân gian, tác giả đã đem đến cho độc giả những khám phá mới.

Tác giả vô cùng kinh ngạc khi những thứ lá cây dễ kiếm, những lát gừng hay đồng bạc trắng lại có thể trở thành những “thần dược chữa bệnh”. Sự tài tình đặc biệt theo Tavernier ở chỗ người ta chỉ sử dụng cỏ cây vào chữa bệnh: “Về các vị thuốc, họ chỉ dùng cỏ, rễ cây mà chính họ đi hái, kiếm về”. Hoặc khi kể một số loại bệnh người Việt có thể chữa được: “Họ có những vị thuốc rất hay chữa bệnh trúng phong, đậu lào và những bệnh khác mà người châu Âu không thể chữa được”.

Lưu bản nháp tự động

Đường phố Hà Nội cuối thế kỷ 19. Ảnh: Tư liệu

Sự khâm phục ấy càng được nhân lên với việc người Việt chữa bệnh trúng phong chỉ bằng việc đánh gió và xông với một ít dược liệu: “Bệnh nguy hiểm nhất ở Đàng Ngoài thường là do gió độc gây ra cho người ta. Vì chỉ trong chốc lát là cấm khẩu, rồi nếu chữa trị không kịp thời thì thế nào cũng chết. Thuốc tốt nhất trị bệnh đó là pha một ít thuốc giải độc vào với rượu, đem đun lên cho bệnh nhân uống càng nóng càng tốt. Nhưng đồng thời phải lấy vải thấm vào nước gừng đun sôi.

Đó là vị thuốc kỳ diệu khỏi làm đau mình mẩy do gió lạnh hay do gió độc gây ra. Muốn được chóng khỏi đau mình mẩy, có khi sau khi đã bôi nước gừng, cần nằm trên một cái giường có dát cách nhau độ bốn ngón tay, ở dưới gầm đặt hai lò than trong đó bỏ một ít hương liệu, khói thơm bốc lên vây quanh người ốm làm cho mồ hôi đổ ra, thế là khỏi”.

Phép dùng lửa để chữa bệnh cũng khiến Tavernier tưởng chừng như không thể tin nổi: “Họ dùng lửa để chữa, nhất là đối với bệnh đậu lào, thứ bệnh rất nguy hiểm ở Pháp. Để chữa bệnh này, các thầy thuốc Đàng Ngoài lấy lõi cây phơi khô, đem tẩm dầu rồi đốt lên mỗi vết đó, đem áp mồi lửa lên từng nốt vết đó sẽ bắn ra như”. Ngoài ra cách chữa bệnh sốt, bệnh lỵ… thể hiện một nền y học truyền thống và phép trị liệu dân gian phát triển trên đất Thăng Long cũng mang đến sự thán phục cho tác giả.

Nét chất phác của con người

Do đặc thù của đời sống và nghề nghiệp nên người Việt ở Thăng Long trong ẩm thực thường rất đơn giản. Bữa ăn thường ngày gắn với những sản phẩm nông nghiệp bình dân, quen thuộc. “Người Đàng Ngoài thường không cầu kỳ trong những bữa cơm. Giới thường dân chỉ ăn cơm với cá khô hay trứng muối, và họ chỉ ăn thịt trong những bữa yến tiệc mà thôi. Chỉ với những vị vương hầu quyền lực, người ta bao giờ cũng dọn thịt cá”.

Lưu bản nháp tự động

Xe rùa chở một cây gỗ khá lớn. Ảnh: Tư liệu

Khi ăn, mọi thứ đều được dọn ra mâm trên những chiếc đĩa nhỏ được trang trí một vài chi tiết. “Tất cả những món ăn dọn ra cho họ được để vào những đĩa nhỏ không quá to như đĩa chúng ta. Những đĩa nhỏ này làm bằng gỗ sơn son thếp màu vàng và có vẽ đủ các loại hoa như những hộp Nhật Bản bán sang nước ta. Tất cả những đĩa nhỏ đó được bày trong một cái mâm to cũng sơn thếp như những đĩa nhỏ mang đi”. “Khi ăn, họ không dùng dao vã dĩa, mà chỉ dùng đũa”. “Họ sử dụng đũa khéo léo cũng như chúng ta dùng dĩa vậy, không bao giờ họ mó tay vào thức ăn”.

Về hoạt động vui chơi giải trí, chèo tuồng là hình thức vui chơi giải trí phổ biến nhất của đại đa số dân chúng. Thông thường chèo tuồng được tổ chức vào ban đêm tại một bãi đất rộng rãi hay một gian phòng đủ lớn mà ở đó được trang trí cầu kỳ. Nội dung những vở chèo tuồng là tái hiện lại bối cảnh, nhân vật lịch sử hay cảnh sinh hoạt thường ngày của người Việt với ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc và tình yêu cuộc sống.

“Diễn viên biết diễn tả biển và sông và những trận thuỷ chiến bằng tàu thuyền, mặc dù họ chỉ có 8 người”. Khi diễn “đào kép mặc quần áo lộng lẫy, mũ của đào là thứ mũ miện đội vừa chít khăn trên đầu, mà có hai dải to bằng ba ngón tay buông thõng xuống đến tận thắt lưng. Cả đào lẫn kép đóng vai rất khéo và múa rất đúng nhịp”.

Những trò giải trí khác, với giới bình dân là đánh đu, đánh cù, đá cầu… còn “với giới quan lại và quý phái là đi câu và đi săn. Họ thích đi câu hơn, vì tất cả sông ngòi đều đầy cá”.