Trong thành phần tên người Việt Nam hiện nay, phần đông đều theo công thức: Tên Họ + Tên Đệm + Tên Chính(1). Tên họ và tên chính thì không có gì phải bàn. Riêng về tên đệm(2), người Việt đã dùng từ bao giờ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì không có sử liệu nào nói về vấn đề này. Chỉ biết rằng, nếu xét tên các nhân vật lịch sử ở thời kỳ dựng nước thì chúng ta thấy hầu hết chỉ có tên họ và tên chính, không có tên đệm(3). Chẳng hạn, các vua Hùng đều không có tên đệm, như Hùng Dương (Lộc Tục), Hùng Hiến, Hùng Lân, Hùng Việp. Thời Hai Bà Trưng, ta có Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, Lê Chân, … Theo nghiên cứu của một số nhà ngôn ngữ học, tên đệm của người Việt Nam chỉ được phổ biến vào khoảng từ thế kỷ thứ 6 trở đi.

Bí kíp để có bài viết tiếng Anh về tính cách người phụ nữ Việt Nam ...

Trong tên đàn ông Việt Nam, từ ngữ nào cũng có thể là tên đệm, nhưng nhất định không bao giờ là chữ Thị. Trong khi đó, tiếng thông dụng nhất là tiếng Văn (文)(4). Có ít nhất ba quan điểm khác nhau giải thích về nguồn gốc của chữ lót “văn” trong tên đàn ông, cụ thể như sau:

1. Xã hội cổ truyền Việt Nam thời xưa tồn tại bốn giai cấp gồm sĩ, nông, công, thương. Sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa. Xưa kia chỉ có con trai mới đi học và được đi thi(5). Vì vậy, mong ước cho con trai mình có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên được thể hiện rất rõ qua việc đặt tiếng văn trong thành phần tên của con của các bậc cha mẹ xưa.

Xã hội Việt Nam ngày trước, đa phần dân gian không được học nhiều, không hiểu hết ý nghĩa tiếng Văn, chỉ biết đại khái tiếng Văn chỉ đàn ông(6), còn tiếng Thị chỉ đàn bà. Khi người Việt muốn nói tên kép của một người nào đó mà không biết tên đệm, chỉ biết tên chính, họ áp dụng ngay nguyên tắc đặt tiếng Văn vào trước tên chính, chẳng hạn như Văn Giang, Văn Sơn. Người nghe mặc nhiên hiểu đó là ông/anh Giang, ông/anh Sơn. Cũng như nói Thị Mẹt, người nghe mặc nhiên hiểu đó là đàn bà.

2. PGS – TS Lê Trung Hoa cho rằng chữ lót văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập là ben (con trai) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Theo đó, ông nêu giả thuyết ngữ âm “ben” cho ra “văn” là có thể chấp nhận.

3. Học giả An Chi đã bác giả thuyết của PGS – TS Lê Trung Hoa và cho rằng chữ lót “văn” chính là “văn” trong “văn thân”, nghĩa là “xăm mình” bằng cách dẫn chứng một đoạn trong Lĩnh Nam Chích Quái như sau: “Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có từ đấy”.

Theo học giả An Chi, câu “Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người” là một câu có tính chất hồi chỉ và nó hồi chỉ “dân trên núi xuống nước đánh bắt cá”. Những người dân này chỉ là đàn ông vì cho đến tận thời nay, ra khơi đánh cá vẫn chỉ là đàn ông mà thôi. Và ông cho rằng xăm mình là một nét đặc trưng của đàn ông người Việt thời xưa và đặc trưng này đã được đưa vào tên họ của họ. Dần dần, ý nghĩa của tục lệ này phai mờ với thời gian nên về sau, chẳng cần có xăm mình gì cả thì con trai sơ sinh vẫn thường được cha mẹ dùng chữ Văn làm tiếng lót khi đặt tên.

Chúng tôi nghiêng về quan điểm đầu tiên hơn. Không xét đến quan điểm của PGS – TS Lê Trung Hoa vì chúng tôi cho rằng từ “ben” mà ra “văn” là khá vô lý, quan điểm của học giả An Chi cũng chưa thực sự tạo sự yên tâm bởi chúng tôi vẫn chưa được thuyết phục ở vài điểm như sau:

(i) Nếu cho rằng từ “văn” trong tên đệm của đàn ông bắt nguồn từ tục xăm mình của người Việt cổ, vậy tại sao ở thời kỳ dựng nước như đã nói ở phần đầu, hầu hết các nhân vật lịch sử (nam) đều không có chữ lót này mà phải đến thế kỷ 6 tên đệm “văn” mới bắt đầu phổ biến?

(ii) Việc lấy câu hồi chỉ của vua để cho rằng ra khơi đánh cá chỉ dành cho đàn ông là hơi khiên cưỡng, mang tính áp đặt. Vì nếu chúng tôi cũng “áp đặt” câu chữ trong Lĩnh Nam Chích Quái vẫn có thể cho rằng những câu cuối của đoạn trích mà học giả An Chi đã dẫn ở trên là lời khẳng định tục xăm mình của dân Bách Việt áp dụng cho cả đàn ông lẫn đàn bà cũng không sai: “Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. (….) Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có từ đấy”. Rõ ràng hai câu trên dùng từ chỉ chung chứ không phân biệt chỉ đàn ông mới xăm/vẽ mình. Vả lại, tục xăm mình cũng có thể được xem là hình thức làm đẹp của người Việt cổ, tại sao chỉ có đàn ông được làm đẹp bằng hình thức này?

Ngoài ra, trong cuốn An Nam Chí Lược – bộ sử xưa nhất do một cá nhân người Việt soạn ra, khi viết về phong tục của người Việt, Lê Tắc cũng dùng từ rất chung khi mô tả rằng “dân [tức dân Bách Việt] hay vẽ mình, bắt chước tục lệ của hai nước Ngô, Việt. Vì thế, Liễu Tư Hậu(7) có thơ rằng: cộng lai Bách Việt văn thân địa(8), nghĩa là cùng đi tới Bách Việt là xứ người vẽ mình. Vì trời nóng sốt, dân ưa tắm ở sông nên họ chèo đò và lội nước rất giỏi”. Có thể thấy, để thành xứ nổi tiếng về “văn thân” (tức xăm/vẽ mình) đến cả một vị quan vừa bị biếm chức khỏi kinh thành Tràng An (Trung Quốc) như Liễu Tông Nguyên (vốn sinh ra ở tận Sơn Tây – Trung Quốc) cũng biết tiếng, rõ ràng dân Bách Việt không chỉ có đàn ông xăm/vẽ mình mà thôi.

Lời chúc hay và ý nghĩa nhất Ngày Gia đình Việt Nam

Trong khi đó ở quan điểm đầu tiên, hầu hết các từ điển mà chúng tôi tham khảo đều định nghĩa từ “văn” chỉ người có học vấn, tức gần như mặc nhiên chỉ người đàn ông ở xã hội cổ truyền Việt Nam – một xã hội trọng nam khinh nữ với câu tục ngữ phổ biến “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Chẳng hạn Hán Việt Từ Điển giản yếu của Đào Duy Anh định nghĩa “văn” là người có học vấn, trái với vũ trong khi Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học) ghi rất rõ rằng “văn” là việc của người trí thức thời phong kiến.

Riêng chữ Văn trong tiếng Hoa có 3 từ gồm: 闻 có nghĩa là nghe – văn tấn (nghe tin tức), tin tức – yếu văn (tin quan trọng), nổi tiếng – văn danh; 汶 có nghĩa là nét gợn – tế văn mộc (gỗ mịn hạt), vân trang trí – vân thạch (đá có vân), 文 có nhiều nghĩa gồm: chữ viết – Chung đỉnh văn (chữ khắc trên đồ đồng cổ), ngôn ngữ – Anh văn, Hán văn, chỉ có hình thức bên ngoài – hư văn, ngạch song lập với võ – văn quan, dáng vẻ thanh tao – văn nhân, một số hiện tượng thiên nhiên – thiên văn, thủy văn,… Chữ Văn trong tên đệm của đàn ông Việt Nam chính là sử dụng từ thứ 3 (文).

Về chữ thị (氏), đây là một từ Việt gốc Hán. Thị có nghĩa là họ (hoặc ngành họ). Sách Lĩnh Nam chích quái mở đầu với truyện “Hồng Bàng thị” nghĩa là họ Hồng Bàng. Thị cũng có nghĩa là là tiếng dùng để chỉ đàn bà. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học) định nghĩa “thị” gồm 3 nghĩa liên quan đến đàn bà: 1. tiếng lót giữa họ và tên nữ để phân biệt với tên nam. 2. từ dùng đặt trước một tên riêng để chỉ hoặc gọi người phụ nữ ở tầng lớp dưới của xã hội cũ. 3. từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh. Mathews’ Chinese English Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ điển Thiều Chửu còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ).

Dân gian có hai khuynh hướng đối với tiếng thị: Khuynh hướng chữ Hán và khuynh hướng chữ Nôm như sau:

1. Khuynh hướng chữ Hán tức theo tinh thần Trung Quốc, chữ Thị đi với tên họ. Cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu. Trong quá trình tiếp biến ngôn ngữ, người Việt xưa kia đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt thị sau họ cha. Ví dụ Cù Thị, người đàn bà lịch sử thời Lữ Gia, không phải tên chính là Thị mà chỉ có nghĩa là người đàn bà họ Cù. Trong các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tên đàn bà được ghi là Trần Thị, Đặng Thị. Ngoài dân gian, trên các bia mộ, người ta thấy: Trần Thị Chi Mộ nghĩa là mộ phần người đàn bà họ Trần. Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) có nàng Tô thị, nghĩa là cô gái con ông họ Tô.

2. Khuynh hướng chữ Nôm, tức theo tinh thần Việt Nam, chữ Thị đi với tên chính. Nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính là một bằng chứng cụ thể. Để chỉ người đàn bà nói chung, dân gian thường nói Thị Mẹt.

Lịch sử và ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam (28-6)

Đến lúc nào đó, cả hai khuynh hướng trên đều chuyển sang họ cha, đến thị rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Chẳng hạn, Đoàn thị Điểm tức là cô Điểm con ông họ Đoàn. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là ông (được tôn kính) họ Trương tên Định. Vậy cứ như đã phân tích, Nguyễn thị A là người đàn bà họ Nguyễn tên A, Trần thị B là người đàn bà họ Trần tên B, …

Cách hiểu nguyên thủy về tiếng thị này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì không còn hiểu được công dụng ban đầu của thị nữa nên người ta mới dùng nó làm tên đệm cho các bé gái khi chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng thị để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc trước đây và hiện nay lại không dùng từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam. Ngoài ra, một điểm khác biệt độc đáo của tên người Việt Nam so với Trung Quốc và một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản) là người Việt luôn xưng hô bằng tên chứ không phải bằng họ.

Những hình ảnh gia đình đẹp, hạnh phúc và ý nghĩa nhất

Tham khảo và trích dẫn

• An Chi – Chuyện Đông chuyện Tây
• Lê Trung Hoa – Họ và tên người Việt Nam – NXB Khoa Học Xã Hội, tái bản 2005
• Viện Ngôn Ngữ Học – Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) – NXB Đà Nẵng, tái bản 2003
• Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển giản yếu – NXB Văn Hóa Thông Tin, tái bản 2005
• Vũ quỳnh, Kiều Phú – Lĩnh Nam chích quái
• Đại Việt Sử Ký toàn thư – NXB Văn Học, 2009

Chú thích

(1) Người Trung Quốc, Hàn Quốc, … cũng theo công thức trên; trong khi ngược lại thứ tự trên, hầu hết tên người phương Tây có công thức: Tên Chính + Tên Đệm + Tên Họ

(2) Còn gọi là tiếng lót, hoặc tên đệm

(3) Theo các nhà sử học hiện đại, cho đến thời đầu công nguyên (tức thời Hai Bà Trưng), người Việt (chưa tính tới người dân tộc thiểu số) vẫn chưa có họ. Họ người Kinh và người Việt gốc Hoa được Hán hóa mạnh kể từ đầu công nguyên trong thời kỳ Bắc thuộc lần 2 trở đi.

(4) Trong khi Văn là tiếng độc quyền của đàn ông Việt Nam thì tại Trung Quốc, Văn cũng được dùng trong tên đàn bà. Nàng Trác Văn Quân, vì nghe nhạc khúc Phụng Cầu Hoàng mà trở thành người tình của Tư Mã Tương Như, là ví dụ điển hình.

(5) Trong lịch sử Việt Nam, ngoại trừ những phụ nữ có quyền hành do là nữ vương (như Hai Bà Trưng, Bà Triệu), vợ vua (hoàng hậu) hoặc mẹ vua (hoàng thái hậu) như nguyên phi Ỷ Lan thời Lý, Trần Thị Dung thời Trần, Nguyễn Thị Anh thời Lê, Từ Dụ thời Nguyễn, …còn lại nữ sĩ (biết văn chương chữ nghĩa) trong dân gian là khá hiếm. Phải đến thế kỷ 18-19 mới xuất hiện tên thi đàn các nữ sĩ nổi tiếng như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. Cả 3 nữ sĩ đều có xuất thân trâm anh thế phiệt nên được dạy học từ nhỏ như nam nhân.

(6) Bằng chứng là dưới thời Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn, trong danh sách 401 binh sĩ được thờ tại đền Tinh Trung ở phủ Diên Khánh, có tất thảy 384 người có tên đệm Văn, 17 người không đệm chữ Văn. Như vậy, tỷ lệ đàn ông thời xưa đệm chữ văn có thể chiếm khoảng 96%.

(7) Cuốn An Nam Chí Lược do Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam dịch năm 1960 và được xuất bản bởi Viện Đại Học Huế năm 1961, ghi là Liễu Tư Hậu nhưng chúng tôi đồ rằng chính xác phải là Liễu Tử Hậu, tức Liễu Tông Nguyên.

(8) Nguyên văn tiếng Hán của câu này là 共來百越文身地, nằm trong bài “Đăng Liễu Châu Thành Lâu, ký Chương, Đinh, Phong, Liên tứ châu thứ sử” – 登柳州城棲寄漳汀封連四州剌史 (Lên lầu thành Liễu Châu, viết gửi bốn thứ sử các châu Chương, Đinh, Phong, Liên). Bài thơ này được Liễu Tông Nguyên sáng tác khi ông bị biếm khỏi kinh thành lần thứ hai, dưới triều Đường Hiến Tông. Bốn vị thứ sử được nhắc tới là Hàn Thái, Hàn Tất, Trần Khiêm, và Lưu Vũ Tích. Tứ châu theo thứ tự của mỗi người là Chương châu, Đinh châu, Phong châu và Liên châu. Liễu bị biếm đi Liễu châu, nơi ông làm bài thơ này. Tất cả những châu này đều nằm ngoài dãy Ngũ Lĩnh, nên được coi là phạm vi của Bách Việt.