Khi đề cập đến thiết kế logo hay thiết kế nhận diện thương hiệu, việc chọn lựa màu sắc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thương hiệu chính xác là một trong những yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công trong hiệu quả kinh doanh. Bạn có thể có sản phẩm tốt nhất trên thị trường, nhưng sẽ vô nghĩa nếu người tiêu dùng không nhận ra và biết đến công ty của bạn.
Không ai có thể phủ nhận một sự thật rằng, thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hiệu quả doanh thu và thành công của bất cứ một doanh nghiệp nào.
Bộ não của con người có xu hướng ghi nhớ nhanh khi được kích thích thị giác và do đó việc lựa chọn màu sắc đúng đắn sẽ giúp thương hiệu dễ dàng được nhớ tới hơn. Trên cả hai mức độ ý thức và tiềm thức, màu sắc truyền tải đi ý nghĩa ẩn đằng sau.
Nhiệm vụ của designer là cần phải khai thác sức mạnh của tâm lý màu sắc để mang lại sự cộng hưởng với các thiết kế của họ (điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thiết kế logo)
Các màu sắc thường được sử dụng trong Logo
Dưới đây sẽ là một số thông tin kiến thức về màu sắc và các loại font chữ khác nhau mà bạn nên biết. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đi đúng hướng để xây dựng được cho mình một thương hiệu phù hợp.
1. Blue – xanh nước biển
Màu xanh nước biển mang ý nghĩa thể hiện sự uy quyền, liêm chính, thông minh, hòa bình và trung thành. Nếu bạn đang bán một dịch vụ thay vì một sản phẩm, đây sẽ là một sự lựa chọn khá thông minh.
Nó đem lại cảm giác tin tưởng cho khách hàng và sẽ càng phù hợp hơn nếu dịch vụ của bạn nhắm vào các doanh nghiệp khác (mô hình B2B). Ví dụ như: Samsung, Paypal, Barclays, Ford,…
2. Green – xanh lá cây
Màu xanh lá cây là màu của sự hài hòa. Nó biểu thị sự tăng trưởng, lạc quan, tự nhiên, thư giãn và tuổi trẻ. Đó chỉ là một trong những lý do tại sao nhiều công ty sáng tạo chọn xanh lá cây làm màu sắc chính trong thiết kế logo của họ.
Nó cũng có xu hướng liên quan đến tái chế và môi trường. Ví dụ như: Lacoste, Ecolight, Land Rover,…
3. Yellow – màu vàng
Màu vàng đòi hỏi sự cẩn trọng khi sử dụng vì nó mang một số ý nghĩa tiêu cực bao gồm cả các dấu hiệu cảnh báo.
Tuy nhiên nó có xu hướng đại diện cho sự ấm áp, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Và là màu sắc được cho là kích thích sự thèm ăn. Ví dụ: McDonalds, IKEA, Ferrari,…
4. Pink – màu hồng
Màu hồng biểu thị sự lãng mạn, mềm mại, dịu dàng, dễ thương và những thứ mang hình dáng của sự tinh tế. Đó là lý do tại sao nhiều công ty hẹn hò sử dụng màu sắc này. Trên hết, nó hoàn hảo để quảng bá các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ví dụ: Barbie, Donut King, Baskin Robbins, Airbnb,…..
>>> Tham khảo Case study rebrand của Airbnb
5. Black – màu đen
Màu đen có xu hướng tạo ra hình ảnh bí ẩn, sức mạnh, kịch tính, thanh lịch, giá trị cao và sức mạnh. Hầu hết các logo sẽ cần một phiên bản màu đen trắng để sử dụng trong nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, xu hướng hiện nay là sử dụng logo đơn sắc và typeface.
Vì vậy, sử dụng màu đen làm màu nhận diện của bạn có thể là một bước đi khôn ngoan. Ví dụ: LEXUS, Chanel, Cadillac, BlackBerry,…
6. Orange – màu cam
Một số thương hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới sử dụng màu cam trong các thiết kế logo và thương hiệu của họ. Nó đại diện cho sự quyết tâm, sức sống, thành công và năng suất.
Bên cạnh đó, màu cam cũng đem lại sự nổi bật và có giá trị riêng khi được đặt lên trên các màu khác. Ví dụ: Timberland, Fanta, Soundcloud,…
7. White – màu trắng
Màu trắng là đại diện cho sự sạch sẽ, tinh khiết, rõ ràng và đơn giản. Trên thực tế, một logo màu trắng sẽ luôn luôn phải đứng trong một màu nền tối để làm nó hiển thị rõ hơn. Ví dụ: Apple, Yamaha, HBO, Uber…
8. Red – màu đỏ
Khi mọi người nhìn thấy màu đỏ trong thương hiệu doanh nghiệp, họ có xu hướng nghĩ về đam mê, sức mạnh, hành động, mong muốn và tình yêu.
Nó cũng được tìm thấy như một màu để kích thích sự thèm ăn, điều này giải thích lí do tại sao màu đỏ được dùng rất nhiều trong nhà hàng và logo sản phẩm thực phẩm. Ví dụ: Coca Cola, KFC, Canon, Doji,…
9. Purple – màu tím
Cuối cùng, màu tím từ lâu đã gắn liền với tâm linh, sự bí ẩn, giàu có, tham vọng và chất hoàng gia. Đó là lý do tại sao một số công ty cao cấp nhất trên thế giới sử dụng nó trong logo của họ.
Nếu doanh nghiệp bạn đang cung cấp các sản phẩm chất lượng, cao cấp, sử dụng màu tím có thể giúp tặng sự tin tưởng của khách hàng, khiến họ đưa ra quyết định mua sắm dễ dàng hơn. Ví dụ: Yahoo, Hallmark, FedEx,…
Nên sử dụng màu đơn sắc hay đa sắc?
Để có được những sự tác động tối đa khi thông điệp được truyền tải từ màu sắc, thông thường chỉ sử dụng một màu duy nhất khi thiết kế logo. Tuy nhiên, có một số biểu tượng đa màu rất thành công như Google, eBay, Windows.
Nó mang hàm ý công ty đang cung cấp nhiều lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ. Việc các vòng tròn Olympic sử dụng nhiều mắc sắc mang theo thông điệp về sự đa dạng, đoàn kết.
Chọn lựa Font chữ cho thương hiệu phù hợp.
Chọn được một font chữ tốt có thể khiến bạn nổi bật so với hàng triệu kiểu chữ khác nhau đang tồn tại. Có hai điều bạn cần lưu ý khi chọn font chữ đó là: Dễ đọc và nổi bất.
Trong quá trình thiết kế logo, designer thường chọn lựa hai nhóm font chữ. Đầu tiên là các loại font dễ đọc như Times, Platino, Bodoni,… Để áp dụng cho việc thiết kế in ấn tờ rơi, catalogue, brochure nội dung trên các website,…
Nhóm Font chữ thứ hai sẽ cá tính và nổi bật hơn. Font này có thể đem lại sự thú vị và trừu tượng hơn để thu hút được sự chú ý của người xem. Vì font chữ này thường không dễ đọc, nên nó thường được sử dụng cho các tiêu đề chính và phụ.
Cũng giống như màu sắc, font chữ cũng có những quy chuẩn nhất định. Có 2 loại font cơ bản mà bạn cần phải biết đó chính là: font chữ có chân (serif) và font chữ không chân (sans-serif).
Font chữ mềm mại sẽ giúp hình ảnh của công ty trở nên thân thiện và dễ tiếp cận hơn, trong khi font góc cạnh thẳng lại mang đến những ấn tượng về tính chuyên nghiệp. Qua những thông điệp mà bạn muốn truyền tải tới đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn hoàn toàn có thể chọn cho thương hiệu màu sắc cũng như font chữ phù hợp.
Việc lựa chọn các màu sắc và font chữ phù hợp với tính cách của thương hiệu là điều đặc biệt quan trọng. Thất bại trong việc này có thể khiến doanh nghiệp của bạn không bao giờ vươn tới những tiềm năng mà mình mong muốn.