Huình Tịnh Của hiệu Tịnh Trai, người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy; nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thuở bé, sang Mã Lai, học chủng viện Pulo – Pinang. Huình Tịnh Của tinh thông cả Hán học lẫn Tây học. Năm 1861, Huình Tịnh Của làm đốc phủ sứ kiêm trưởng phòng phiên dịch tư pháp cho Pháp. Huình Tịnh Của từng mạnh dạn gửi điều trần ra Huế dâng vua Tự Đức, đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán trên toàn quốc, đồng thời xin xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục dân chúng. Bản điều trần không được chấp nhận.

Là một trong những nhân sĩ tiên phong ở nước ta có sáng kiến thành lập nền báo chí Việt ngữ, Huình Tịnh Của còn là một trong những cây bút trụ cột của Gia Định báo. Đây là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ quốc ngữ từ năm 1865, đến năm 1869 thì do Trương Vĩnh Ký trực tiếp điều khiển và Huình Tịnh Của đảm trách cương vị chủ bút. Bên cạnh công tác báo chí, Huình Tịnh Của còn đi sâu nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn hàng chục cuốn sách về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn lẫn khoa học tự nhiên – kỹ thuật. Thời gian qua, một số tác phẩm của ông được các nhà xuất bản trong lẫn ngoài nước in lại.

Bấy lâu, nhiều tài liệu vẫn thống nhất ghi nhận rằng Huình Tịnh Của chào đời năm Giáp Ngọ 1834. Riêng niên điểm Huỳnh Tịnh Của từ trần thì hầu hết sách báo viết thiếu chính xác. Tập 2 Lược truyện các tác gia Việt Nam (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1972; trang 75) đã cho Huình Tịnh Của quy tiên hơi bị… sớm: năm 1897. Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1941), Lịch sử báo chí Việt Nam của Huỳnh Văn Tòng (1973), tập 2 Từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX – XX của Lê Ngọc Bích (2006), cùng nhiều ấn phẩm khác đều khẳng định Huình Tịnh Của mất vào năm 1907. Thực tế nào phải vậy!

Theo công trình nghiên cứu Văn học quốc ngữ Nam kỳ 1865 – 1930 của Bằng Giang (NXB Trẻ, 1992 – tái bản, 1998; trang 73) thì Huình Tịnh Của lâm chung cuối năm âm lịch, hôm Táo công chầu trời: 23 tháng chạp Đinh Mùi. Quy đổi ra dương lịch thì đó là chủ nhật 26-1-1908.

Huình Tịnh Của hay Huỳnh Tịnh Của mới đúng?

“Chuyện giải buồn” của Paulus Của. Saigon, 1886

Tác phẩm với… những điều bất thường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia http://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%E1%BB%B3nh_T%E1%BB%8Bnh_C%E1%BB%A7a cho rằng: “Huỳnh Tịnh Của sáng tác cả thảy khoảng 17 tác phẩm. Có thể xếp chúng thành hai loại: loại biên khảo và loại phiên âm”.

Số lượng tác phẩm mà Wikipedia công bố quá thiếu sót, nếu đối sánh với thư mục mà Bằng Giang lập (sđd) thì tính từ năm 1867 trở đi, Huình Tịnh Của lần lượt công bố 27 đầu sách. Không ít cuốn được in đi in lại nhiều đợt. Hai cuốn sách đầu tay là Phép toán / Arithmétique và Phép đo / Géométrie cùng ấn hành năm 1867.

Vì lắm lý do, các tài liệu lâu nay liệt kê tác phẩm của Huình Tịnh Của chưa đầy đủ. Ấy là điều bình thường. Điều bất thường là trong số sách đã liệt kê, người ta chép sai cả tiêu đề, đến mức độc giả không tài nào hiểu nổi!

Chẳng hạn có tài liệu cho rằng Huình Tịnh Của từng soạn thảo và phổ biến cuốn Gia lễ quan chế. Kỳ thực, đây là 2 cuốn khác nhau, nội dung khác nhau, xuất hiện vào 2 thời điểm cách xa nhau. Cuốn Sách quan chế in năm 1888. Cuốn Gia lễ in năm 1904. Cả 2 cuốn chưa hề in gộp.

Huình Tịnh Của hay Huỳnh Tịnh Của mới đúng?

“Sách quan chế” của Paulus Của. Saigon, 1888

Tập 2 Từ điển bách khoa Việt Nam (sđd) ghi nhận một công trình sưu tập văn học dân gian do Huình Tịnh Của thực hiện mang tên Tục ngữ, cổ ngữ, cách ngôn ra đời năm 1896. Nhan đề chính xác là Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn với niên điểm xuất bản 1897.

A. Brébion – một nhà khảo cứu người Pháp – dày công biên soạn bộ từ điển về tác giả và tác phẩm cổ kim ở Đông Dương: Dictionnaire de Bio-Bibliographie ancienne et moderne de l’Indochine française (Paris, 1935). Từ điển ấy ghi tiêu đề một tác phẩm của Huình Tịnh Của bằng Việt ngữ thế này: Long Châu toàn truyện Bon Cu Su A lạc. Đọc dòng chữ đó, ngay cả dân Việt cũng… bí! Tập 2 Lược truyện các tác gia Việt Nam (sđd) lại chép hơi khác: Long Châu toàn truyện bổn cư sử A. Lạc. Nhà nghiên cứu Bằng Giang xem xong, liền than:

– Thiệt không hiểu nổi!

Mày mò suy đoán, rốt cuộc Bằng Giang phát hiện được rằng chẳng qua đây là cụm từ bổn cũ sửa lại bị… tam sao thất bổn!

Tuy nhiên, theo Bằng Giang thì Huình Tịnh Của có dùng bổn cũ sửa lại với Văn Doan diễn ca (1906) chứ không ghép chung với Long Châu toàn truyện. Cần kiểm tra chi tiết này. Vì chính trong thư mục Huình Tịnh Của do đích thân Bằng Giang lập (sđd, trang 80) lại đề rõ: Long Châu toàn truyện bổn cũ sửa lại.

Trong các tác phẩm của Huình Tịnh Của, nổi bật nhất và được hậu thế biết tới nhiều nhất chính là bộ Đại Nam quấc âm tự vị (tập I: 1895; tập II: 1896).

Tập 2 Địa chí văn hoá TP.HCM (NXB TP.HCM, 1988; trang 152) dẫn nguyên văn lời nhận xét từ tiểu luận cao học ngữ học của Nguyễn Văn Y: “Trước khi quyển tự điển của Huỳnh Tịnh Của ra đời, nước ta chưa có quyển tự điển nào giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt. Hầu hết các bộ tự điển từ thời A. de Rhodes cho đến hậu bán thế kỷ XIX chỉ có thể coi là những cuốn tự vị song ngữ, hoặc Việt – Latinh, hoặc Việt – Pháp, không đáng gọi là tự điển Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, một cuốn tự điển hoàn toàn bằng tiếng Việt thật là cần thiết”.

Huình, Huỳnh, hay Hoàng?

Lắm người phân vân khi thấy nhiều sách báo lâu nay ghi Huình-Tịnh Paulus Của.

Thông thường, ở Việt Nam, các tín đồ Kitô giáo muốn xưng hô họ tên kèm thánh danh thì vẫn quen 2 lối. Hoặc đặt tên thánh trước họ lẫn tên. Hoặc đặt tên thánh trước tên thì không dùng họ. Ví dụ trường hợp nhà thơ Hàn Mạc Tử, khi cần thì gọi Phanxicô Nguyễn Trọng Trí / François Nguyễn Trọng Trí, hoặc Phanxicô Trí / François Trí, chứ chẳng ai gọi Nguyễn Trọng Phanxicô Trí / Nguyễn Trọng François Trí bao giờ.

Thế nhưng đích thân Huình Tịnh Của tự ghi rõ là Huình-Tịnh Paulus Của nơi trang bìa Đại Nam quấc âm tự vị cũng như một số sách khác của ông: Câu hát góp và Chiêu Quân cống Hồ. Tôn trọng ý muốn của chính tác giả, người khác ghi lại danh tính y hệt ở những đoạn trích dẫn là điều hoàn toàn đúng đắn.


“Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình-Tịnh Paulus Của. Tome I. Saigon, 1895

Cũng cần lưu ý thêm rằng Huình Tịnh Của ký danh tính của bản thân không thống nhất trên bìa các cuốn sách. Có cuốn, ông ký Paulus Của hoặc P. Của. Như các sách Maximes et proverbes / Châm ngôn và tục ngữ; Chuyện giải buồn; Sách quan chế; Bạch Viên Tôn Các truyện; Thoại Khanh Châu Tuấn truyện; Ca trù thể cách. Có cuốn, ông còn ký Paulus Của Huình-Tịnh. Như sách Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn.

Tên thánh Paulus là ghi theo tiếng La tinh. Tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy cũng vậy. Việt Nam phiên âm thành Phaolô. Tiếng Ý: Paolo. Tiếng Bồ Đào Nha: Paulo. Tiếng Tây Ban Nha: Pablo. Tiếng Anh và tiếng Pháp: Paul. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Pavlus. Tiếng Rumani: Pavel. Tiếng Ba Lan: Paweł. Tiếng Nga: Павел. Tiếng Ukraina: Павло. Tiếng Hoa: 保羅 được bính âm phát Băo Luó, còn âm Hán-Việt phát Bảo La.

Viết họ mình, ông luôn dùng i chứ chẳng dùng y.

Xét về phương diện ngôn ngữ, Huỳnh và Hoàng là 2 âm của cùng một chữ Hán 黃. Xét về phương diện tông tộc, Huỳnh và Hoàng cùng chung nguồn gốc. Nhưng xét về phương diện xã hội, có ý kiến quả quyết rằng Huỳnh và Hoàng là 2 họ riêng biệt, độc lập với nhau. Vậy nhưng, đích thân Huình Tịnh Của tự tay ký Hoàng-Tịnh Paulus Của trên khá nhiều bìa sách của mình. Ấy là các cuốn Gia lễ; Bác học sơ giai; Quan Âm diễn ca; Văn Doan diễn ca; Lang Châu toàn truyện; Trần Sanh Ngọc Anh; Thơ mẹ dạy con.

Ngày nay, nếu giản lược tên thánh lẫn dấu gạch nối, chúng ta cần ghi Huình Tịnh Của hoặc Hoàng Tịnh Của ắt mới hợp tình, hợp lý, và hợp ý tiền nhân.

Băn khoăn tên đường phố

Tại TP.HCM, trên địa bàn phường 8, quận 3, có con đường mang tên Huỳnh Tịnh Của. Đường chỉ ngắn 180m, chạy từ đường Trần Quốc Toản, qua ngã ba Nguyễn Văn Mai, đến đường Lý Chính Thắng. Vốn hình thành vào đầu thế kỷ XX, thoạt tiên đường được gọi lộ 26. Năm 1906, thực dân Pháp đặt lại tên đường là rue Monceaux. Song dân chúng hồi ấy vẫn quen gọi đường Mới. Ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành đường Huỳnh Tịnh Của và tên đó được giữ nguyên đến bây giờ.


Đường Huỳnh Tịnh Của trên địa bàn phường 8, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Phanxipăng

Điều đáng quan ngại là cùng ở TP.HCM hiện có ba con đường khác nhau đều mang tên Huỳnh Tịnh Của. Ngoài con đường vừa nêu, lại có đường Huỳnh Tịnh Của trên địa bàn phường 9, quận Bình Thạnh; thêm một đường Huỳnh Tịnh Của trên địa bàn phường 12, quận Tân Bình. Do đó, bấy lâu nay, gõ cửa nhầm nhà, hoặc giao hàng lộn địa chỉ là chuyện thường ngày!

Bao năm qua, trong cùng một đô thị mà để tên đường trùng lặp là quá bất hợp lý. Đâu chỉ đường Huỳnh Tịnh Của, cả TP.HCM đang để 52 tên của 104 con đường trùng lặp, gây lắm khó khăn phiền toái đối với cư dân lẫn du khách.

Với đường Huỳnh Tịnh Của, các cơ quan có thẩm quyền ở TP.HCM cần sớm chọn một trong ba con đường để giữ nguyên tên, và đổi tên hai đường kia. Như đoạn trên đã đề cập, nên kẻ lại biển tên đường là Huình Tịnh Của hoặc Hoàng Tịnh Của cho đúng.