Vùng Trọng điểm Nông nghiệp (Agricultural Core) (bản đồ 9) là một khu vực văn hóa dựa trên đặc tính pha trộn tích luỹ dần của các thói quen, các quan điểm và các phản ứng trước các cơ hội truyền thống để sinh tồn và liên hệ với các nhóm ngành khác trong khu vực. Về căn bản, vùng Trọng điểm Nông nghiệp là thị trấn nhỏ và nước Mỹ nông thôn được gia giảm đặc biệt bằng những hình mẫu nông nghiệp của khu vực. Dân chúng trong vùng Trọng điểm Nông nghiệp tỏ ra thận trọng về chính trị và xã hội, tuy nhiên họ độc lập và tin tưởng vào những gì đã chứng tỏ thành công và không bị sức ép quá mạnh buộc phải thay đổi như thường thấy ở các trung tâm đô thị lớn hoặc ở những vùng chuyển tiếp giữa các khu vực. Vùng Trung Mỹ (Middle America) là một từ thông dụng để chỉ khu vực này.
Người dân của vùng Trọng điểm Nông nghiệp tiếp nhận những người di cư đến sinh sống cho tới tận cuối thế kỷ thứ 19, phần lớn trong số họ có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc Âu. Những người di cư vào thời kỳ sau này từ Đông Âu vào các nước thuộc Địa Trung Hải tới, nhận thấy vùng đất nông nghiệp màu mỡ hơn đã bị chiếm giữ, đã định cư ở những đô thị lớn kề cận khu vực Trọng điểm Chế tạo.
Cơ sở môi trường
Những người đến lập nghiệp đi xuyên qua dãy Appalachia và tới với vùng đồng bằng phía đông trong nội địa với mục đích sinh tồn và tìm kiếm kế sinh nhai. Ngoại trừ sự đối kháng của những người Mỹ bản địa ở địa phương và sự hay thay đổi thất thường của tự nhiên, môi trường ở đây tỏ ra thuận lợi. Phần lớn vùng Ohio, Indiana, và hạ lưu Michigan được bao phủ bởi rừng hỗn hợp gồm toàn các loại cây gỗ cứng. Cây thân gỗ được thấy ở đây đã giúp cho những người miền Đông giàu kinh nghiệm nhận biết được những lớp đất tốt nhất nằm ở đâu. Chúng cũng cung cấp cho họ một nguồn nhiên liệu tại chỗ đáng kể và các vật liệu xây dựng. ở gần vùng ranh giới phía tây của Indiana và xa hơn nữa tới vùng Illinois và phía nam Wisconsin những khoảng trống nhỏ và trũng trong các khu rừng ngày càng rộng hơn và nhiều hơn. Ngoại trừ dọc theo các con sông và ở vùng cao hơn, Illinois, Iowa và nhiều nơi ở phía nam Minnesota và phía bắc Missouri, đồng cỏ rộng nhiều chẳng kém gì rừng rậm. Khi những người đến lập nghiệp đặt chân lên vùng bắc – trung tâm và phía tây Iowa, họ đã để lại phía sau vùng đất rừng gỗ cứng cách xa hàng kilômét.
Nói chung, sự xuất hiện của các cây thân gỗ đã cho thấy độ ẩm ở đây là đủ để cây trồng phát triển. Và ngoại trừ góc phía tây bắc của khu vực và một vài vùng ở Michigan và phía tây Wisconsin, toàn bộ vùng Trọng điểm Nông nghiệp hàng năm nhận được một lượng mưa trung bình lớn hơn 75 cm. Rìa phía nam của vùng Trọng điểm Nông nghiệp có thể hy vọng có được lượng mưa trung bình vượt quá 100 cm. Quan trọng hơn, phần lớn lượng mưa này xuất hiện vào khoảng cuối tháng 4 cho đến đầu tháng 11, trong suốt cả mùa trồng trọt. Cũng rất quan trọng đối với việc trồng cây, sự thay đổi của lượng mưa này trong suốt thời kỳ 10 năm hầu như rất ít. Các đợt mưa mùa hè thường xuất hiện dưới dạng những cơn mưa rào dữ dội kèm theo sấm chớp, thỉnh thoảng có đi cùng với mưa đá và gió lớn gây thiệt hại, nhưng ngay cả khi như vậy những người nông dân vùng này dường như vẫn ít bị thiệt hại về kinh tế hơn những người dân ở đồng bằng rộng lớn.
Như bất kỳ khu vực nội địa nào của nước Mỹ, vùng Trọng điểm Nông nghiệp được đặc trưng bởi một dải nhiệt độ rộng. Nhiệt độ mùa đông lạnh giá nhất ở một vĩ độ nhất định thường thấp như nhiệt độ ở những vùng rất xa về phía bắc. Tương tự như vậy, nhiệt độ mùa hè có thể sẽ lên cao tới những mức thường thấy ở những vĩ độ gần phía nam hơn. Chẳng hạn, ở Peoria, Illinois, gần trung tâm vùng Trọng điểm Nông nghiệp, nhiệt độ trung bình vào tháng giêng là -40C, trong khi nhiệt độ trung bình vào tháng 7 là 240C.
Đối với những nhà nông học, nhiệt độ cao của mùa hè kích thích cây trồng phát triển mau chóng; còn đối với một người dân bình thường không làm nghề nông, mùa hè có thể đồng nghĩa với một sự kết hợp đáng sợ của những ngày nóng nực, những buổi tối ấm áp và độ ẩm cao. Mùa đông ở vùng Trọng điểm Nông nghiệp thường kéo dài, ảm đạm và lạnh đến mức khó chịu.
Vì sự pha trộn về khí hậu của vùng Trọng điểm Nông nghiệp rất thích hợp cho việc trồng trọt, sự khác biệt về mặt địa hình của vùng này tương đối ít. Phong cảnh nhấp nhô nhẹ nhàng với một vài vùng rất bằng phẳng hoặc một vài khu vực núi đá vôi rất cao. Vùng địa hình thấp có nghĩa là một phần rất lớn của toàn bộ khu vực có thể được sử dụng cho việc trồng trọt, và các cánh đồng có thể đủ lớn và được quản lý tốt mà không phải chịu một rủi ro do xói mòn nào.
Do máy móc nông nghiệp phát triển, các thiết bị này có thể được sử dụng trong khắp cả khu vực. Những gò đồi rải rác và những dòng suối chảy giữa những vùng cao nguyên kéo dài là những địa điểm tốt để duy trì các vườn cây hoặc các cánh đồng chăn thả. Địa hình cao thấp khác nhau cũng thuận lợi cho việc tưới tiêu đất và trong nhiều trường hợp, nó giúp khoanh vùng các vùng đầm lầy lại thành những khu vực nhỏ.
Cảnh quan chiếm ưu thế trong Vùng Trọng điểm Nông nghiệp phần lớn là kết quả của chính trạng thái đóng băng mà đã từng tạo ra những cảng của Megalopolis. Khi những khối băng khổng lồ trôi dần ra phía ngoài từ trung tâm Canadian Shield, thì những đỉnh đồi được bọc bằng một lớp trầm tích mềm bị phá vỡ do dưới sức nặng và sự di chuyển của các khối băng. Những lớp đất đá vụn bị chuyển dịch theo cách đó đã kết hợp với những mảnh băng, lắng dần xuống và lấp đầy một phần các thung lũng nằm giữa những quả đồi đã bị phạt mất phần đỉnh. Về sau, khi lớp băng bề ngoài tan ra, những gò đất dài, thấp tạo thành từ những khối đất đá vụn đó còn lại, trở thành một vài tuyến có độ cao lớn hơn một chút, để cho con người đến đó ngụ cư. Khối lượng nước khổng lồ được giải phóng từ băng tan đã làm xói mòn nhiều cửa sông lớn như sông Iliinois về phía tây và phía nam của Hồ Michigan, các thung lũng sông Mohawk-Hudson ở phía đông và nam của Hồ Ontarion… Bề mặt nước cao hơn nữa của Great Lakes trong thời kỳ này đã làm ngập lụt những vùng rộng lớn mà bây giờ trở thành những vùng đất khô cằn ở phía nam Chicago, phía nam Vịnh Saginaw ở Michigan và vùng đồng bằng của hồ Đầm lầy Đen (Black Swamp) kéo dài từ Toledo (Ohio) tới Fort Wayne (Indiana).
Tại phía bắc – trung tâm Kentucky là một lòng chảo rộng mà nhiều người cho rằng nó không thuộc về vùng Trọng điểm Nông nghiệp. Tuy nhiên Lòng chảo Bluegrass, hay là vùng Đồng bằng Bluegrass, đã được kéo dài tới tận rìa Cao nguyên Appalachia là vùng có địa hình thấp và có năng suất nông nghiệp cao. Địa hình thấp, uốn lượn của khu vực này chủ yếu là phần còn lại của địa hình đá vôi cacxtơ, được hình thành từ những lớp đá vôi dày. Đá vôi dần dần hòa tan vào dòng chảy và khiến cho nhiều đặc điểm cơ bản của bề mặt bị mất đi. Đá vôi ngầm dưới lòng đất cũng bị tan chảy và tạo thành các hang động có thể dài tới hàng trăm dặm với những cột nhũ thạch đá vôi. Quần thể Hang Mammoth nằm ở phía tây nam của vùng lòng chảo có lẽ là quần thể nổi tiếng nhất trong khu vực này.
Đất ở vùng Trọng điểm Nông nghiệp nói chung tốt hơn nhiều so với mức trung bình, nhưng cũng chưa phải là đất thật tốt. Với ngoại lệ chủ yếu là vùng trung tâm Illinois và nam – trung tâm Wiscosin, các lớp đất ở phía đông của trung tâm Iowa là alfisols, được hình thành theo những điều kiện độ ẩm vừa phải và ở đây thường có các khu rừng tùng, bách hoặc rừng hỗn hợp. Mặc dù lớp đất bề mặt này mỏng, không có đủ mùn, nhưng nó vẫn giữ lại được những khoáng chất quan trọng cho nông nghiệp. Nói chung, các lớp đất được tìm thấy ở khắp phía đông của vùng Trọng điểm Nông nghiệp đòi hỏi phải cày bừa kỹ, chỉ phù hợp với một vài dạng luân canh và cần phải được bón phân để đạt năng suất cao.
Phía tây của khu vực và ở nhiều vùng của Illinois là đất mollisols, là lớp đất màu mỡ nhất trong tất cả các loại đất và phù hợp một cách tự nhiên với việc trồng ngũ cốc. Các lớp đất này được hình thành dưới các lớp cỏ chứ không phải dưới sự bao phủ của rừng. Chúng có các loại khác nhau về màu từ màu nâu sẫm đến màu gần như đen, cho thấy lượng hữu cơ rất cao. Các lớp đất này nằm khá sâu, với phần bề mặt dầy từ 50 đến 150cm.
Những loại đất chủ yếu khác biệt với hai thể loại đất này là đất bồi phù sa, tìm thấy trong những thung lũng sông lớn và ở những vùng nền hồ cũ và đất đầm lầy. Cả hai loại đất này đều có khả năng có độ màu mỡ cao nhưng thường đòi hỏi phải có một sự xử lý đặc biệt.
Môi trường tự nhiên của vùng Trọng điểm Nông nghiệp đem lại những cơ hội rất thuận lợi cho việc chuyên chở, đi lại. Ngay cả trước khi có các tuyến đường sắt và có sự phát triển rộng rãi của hệ thống đường bộ, các đường nối liền sông và hồ trong khu vực đã cho phép vận chuyển hàng hóa một cách dễ dàng và rẻ tới các trung tâm dân cư nằm ở phía đông vùng ven biển và tới các cảng thương mại quốc tế lớn.
Sự di chuyển sớm nhất, dọc theo những tuyến đường thủy lớn hơn là của những người đi lập nghiệp tới vùng này. Vùng phía nam Great Lakes, sông Ohio, Illinois, Wabash, và các con sông của Wisconsin chảy về phía đông của Mississippi, sông Missouri chảy về phía tây tới thành phố Kansas, tất cả đều tạo ra những lộ trình chính cho những người đi lập nghiệp tới và những lộ trình chính cho việc tiếp thị sản phẩm của họ. Vùng phía đông Great Lakes cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng tàu thủy trực tiếp hơn, thông qua tuyến đường Mohawk-Hudson tới thành phố New York. Toàn bộ hệ thống sông nội địa đổ vào hệ thống sông Mississippi, và các tàu, xà lan nhỏ có thể đi lại được trên đó mà rất ít gặp phải những trở ngại.
Thành phố Detroit thuộc Michigan phát triển như một điểm kiểm soát quân sự và là nơi tập trung các sản phẩm nông nghiệp. Thành phố này, với cái tên theo tiếng Pháp có nghĩa là “eo biển hẹp”, nằm tại điểm giao nhau tuyệt vời nhất giữa Ontario, Canada, Michigan và cũng nằm gần lối vào của các hồ ở phía bắc đổ vào Hồ Erie. Tuy nhiên vùng nội địa phía nam Michigan không trù phú về nông nghiệp như vùng phía bắc Ohio, vùng Cleveland, Ohio, vẫn là vùng đông dân hơn cho tới tận sau năm 1910, khi mà các ngành sản xuất ôtô với quy mô lớn đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của Detroit.
Nằm ở Great Bend thuộc sông Ohio, ngay từ năm 1820, Cincinnati (Ohio) đã trở thành trung tâm chính thu thập và vận chuyển bằng đường thủy nông sản từ các vùng đông nam vùng Trọng điểm Nông nghiệp. Thành phố Kansas, Missouri, nằm tại điểm giao nhau giữa các sông Kansas và Missouri, cũng sớm trải qua quá trình phát triển đô thị với việc xử lý khối lượng lớn hàng nông sản trong lúc được luân chuyển trên sông. Thành phố Chicago, nằm tại điểm xa nhất về phía nam của hồ Michigan và chỉ cách thượng nguồn sông Illinois một quãng đường ngắn cũng thuận lợi cho tăng trưởng nhanh. Các cơ hội vận chuyển đường thủy ở vùng này được hỗ trợ bởi những dự án lớn về kênh đào và bởi những tuyến đường bộ được xây dựng ở phía tây và phía nam xuyên qua vùng Trọng điểm Nông nghiệp trù phú, và sau đó về phía đông tới thẳng các thành phố đang phát triển của Megalopolis.
Đáp ứng của nông nghiệp
Khi đường ranh giới định cư dịch chuyển về hướng tây đi xuyên qua vùng Trọng điểm Nông nghiệp từ đầu thế kỷ thứ 19, nó kéo theo một làn sóng trồng lúa mì cung cấp cho các thị trường phía đông. Những khối lúa mì nguyên hạt chưa qua sơ chế không phải là một vấn đề lớn đối với những nhà chuyên chở khi mạng lưới giao thông đường thủy vẫn thông suốt, nhưng các cơ sở xay xát lúa mì đã mau chóng được thành lập tại các điểm trung chuyển (chẳng hạn như Cincinnati trên sông Ohio) hoặc tại những khu vực mà phương thức vận chuyển lúa mì được thay đổi (chẳng hạn như Buffalo, New York, bến đỗ cuối cùng của kênh Erie). Việc trồng lúa mì liên tục trên những lớp đất của khu vực này tỏ ra khó khăn, tuy nhiên, những khu vực trồng trọt hàng đầu đã dịch chuyển về phía tây cùng với sự mở rộng đường ranh giới định cư.
Đối với những người nông dân còn ở lại phía sau, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt nhất đứng sau lúa mì là gia súc gia đình. Việc nuôi bò và lợn phát triển. Việc trồng ngũ cốc làm thức ăn gia súc và nuôi gia súc đem lại lợi ích kinh tế chắc chắn đến mức nó mau chóng thay thế việc trồng lúa mì, trở thành hệ thống nông nghiệp thống trị trong toàn vùng Trọng điểm Nông nghiệp.
Ngô là loại ngũ cốc thỏa mãn một cách đầy đủ nhất sự kết hợp giữa các yêu cầu về môi trường và lợi nhuận kinh tế cao. Rất thích nghi với khí hậu mùa hè ẩm ướt, cây ngô phát triển nhanh chóng trong suốt cả những ngày dài nóng bức lẫn những buổi đêm ấm áp của khu vực. Ngoài ra, năng suất cao còn do các cây có thể mọc sát nhau và mỗi một cây có thể sản sinh ra hai bắp ngô hoặc nhiều hơn. Thêm nữa, lượng lá rất nhiều của mỗi cây có thể được thái ra và trộn thêm các thứ phụ gia để dùng làm thức ăn gia súc.
Nông nghiệp kết hợp với trồng trọt và chăn nuôi gia súc đã đem lại cho những người nông dân ở đây một sự đảm bảo về kinh tế vượt xa bất cứ khu vực nông nghiệp nào khác của Hoa Kỳ.
Một đặc trưng độc đáo của cảnh quan trung tâm vùng Trọng điểm Nông nghiệp là mô hình ruộng hình chữ nhật. 13 bang ban đầu của nước Mỹ mở rộng địa giới bên trong theo một cách thức không có hệ thống, sử dụng hệ thống mốc và giới hạn theo kiểu phân bổ theo lô, dựa vào các đặc điểm địa hình có thể nhìn thấy, các hướng la bàn và đơn vị đo chiều dài. Các kết quả được tạo ra không chính tắc này đã thường xuyên bị giải thích lẫn lộn và gây tranh chấp. Theo Sắc lệnh năm 1785, miền đất phía bắc sông Ohio và phía tây Pennsylvania, được biết tới như là Vùng đất mới Tây Bắc (Northwest Territory), đã được ấn định ranh giới theo đơn vị đo township(1) cho hình chữ nhật chuẩn và theo sự đo đạc đất đai trước khi nó mở cửa cho việc định cư. Tính logíc không thể phủ nhận của hệ thống này vẫn còn thấy rõ qua hệ thống đường bộ chủ yếu là vuông góc của nhiều vùng của Hoa Kỳ giữa Appalachia và Rockies.
Trong khi hệ thống trắc địa và những hiện trạng về sinh thái và kinh tế của vùng Trọng điểm Nông nghiệp đã tạo ra một sự đồng nhất tất yếu cho miền đất này thì vẫn có những phần của vùng Trọng điểm Nông nghiệp nằm ngoài “Vành đai ngô”. ở vùng Wisconsin và miền trung tâm Minnesota, phía bắc của các trung tâm sản xuất ngũ cốc, nơi mà khí hậu đã ngăn không cho ngũ cốc chín, nông dân đã chọn nghề nuôi gia súc lấy sữa như một sự thay thế có lợi. Ngô tươi, các loại ngũ cốc khác như lúa mạch và yến mạch, và những vụ cỏ khô dồi dào đã cung cấp một thứ thức ăn tuyệt hảo cho các bầy gia súc lớn nuôi lấy sữa. Khi nguồn cung cấp sữa tươi đã vượt quá ngay cả nhu cầu lớn về sữa của các thành phố lân cận, lượng sữa này được chuyển thành bơ và phomát để dành cho những chuyến tàu thong thả hơn chuyên tới những thị trường xa hơn. Wisconsin tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng sữa thặng dư của nước Mỹ và chiếm khoảng một nửa sản lượng phomát của nước này.
Một sự mở rộng đặc biệt nữa của các đường ranh giới của vùng Trọng điểm Nông nghiệp diễn ra xung quanh vùng phía tây Great Lakes, nơi có thể trồng được cây ăn trái trên một dải đất hẹp dọc theo bờ Hồ Michigan thuộc Wisconsin và Michigan. Tác dụng điều hòa của vùng hồ đã làm chậm sự ra hoa của cây ăn quả trong mùa xuân, thường đến tận khi kết thúc đợt sương giá cuối cùng, và nó cũng cản trở đợt sương giá lạnh thấu xương đầu tiên đến vào mùa thu. Việc trồng các loại cây anh đào, táo và với mức độ ít hơn là nho, đều quan trọng. Dọc theo vùng bờ Hồ Erie ở phía nam, đặc biệt là một vài vùng ven hồ ở Pennsylvania và phía tây New York, nơi mà sản xuất nho rất quan trọng từ suốt một thế kỷ nay, cũng chịu một ảnh hưởng tương tự.
Những thay đổi trong hình mẫu
Vùng Trọng điểm Nông nghiệp đã là một địa điểm của khá đông người định cư từ năm 1980 và hệ thống trồng ngô kết hợp với nuôi gia súc, đã từng ăn nên làm ra ở phía nam Ohio, đã được dịch chuyển đến phía tây giáp với rìa của Great Plains với một vài điều chỉnh mang tính địa phương. Những cải tiến công nghệ ban đầu như máy gặt (1831), máy cày bằng thép (1937) và các thiết bị khác đáp ứng hoạt động kinh tế hàng đầu này của khu vực đều nhằm đảm bảo cho sự thành công của hệ thống này. Tuy nhiên những thay đổi gần đây hơn đã kích thích một sự điều chỉnh đối với các mô hình địa lý truyền thống.
Một trong những thay đổi tinh tế hơn của các hình mẫu Vành đai ngô là tầm quan trọng ngày càng tăng của cây đậu tương từ những năm 1950. Mãi đến tận năm 1925 mới có chưa đầy 200.000 hecta đậu tương được thu hoạch ở Hoa Kỳ. Cho tới năm 1949, diện tích trồng đậu tương đã tăng lên đến 4,5 triệu hecta và trong 20 năm tiếp theo đó, lên tới 16,1 triệu hecta; trong vùng Trọng điểm Nông nghiệp, đậu tương chiếm trên 10 triệu hecta. Ngày nay trên khắp nước Mỹ cây đậu tương được trồng trên khoảng 20 triệu hecta.
Có một số lý do dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của việc trồng cây đậu tương. Trước hết, là một cây họ đậu, đậu tương có tác dụng cải tạo đất bằng cách làm tăng hàm lượng nitơ trong đất nơi chúng được trồng. Thứ hai, cây đậu tương nói chung có thể trồng được tại hầu hết các vùng phía đông Hoa Kỳ, thậm chí cả ở những vùng chỉ có lượng mưa trung bình hàng năm chưa tới 50 cm nhưng có thể sử dụng hệ thống tưới nước. Thứ ba, hạt đậu tương có thể ăn trực tiếp được hoặc qua xay sát để chế biến thành dầu ăn thực vật và bột đậu tương ít chất béo nhưng rất giàu protein. Bột đậu tương từng được sử dụng chủ yếu làm chất bổ sung thức ăn gia súc, nhưng lượng bột đậu tương được con người đưa vào tiêu dùng ngày càng tăng lên. Và thứ tư là, tình hình thực phẩm và thức ăn gia súc trên thế giới vẫn đang có nhu cầu cao về đậu tương xuất khẩu. Điều này đã giữ cho giá đậu tương tương đối ổn định và là một yếu tố khích lệ đối với nông dân.
Sự kết hợp những ưu thế này đã tập trung một khối lượng lớn việc trồng cây đậu tương vào vùng Trọng điểm Nông nghiệp. Các vụ luân canh truyền thống kéo dài 3 năm và 4 năm dần dần nhường chỗ cho vụ luân canh ngô – đậu tương kéo dài 2 năm. Trong một vài trường hợp ở các vùng phía nam vùng Trọng điểm Nông nghiệp, các dạng cây đậu tương chín sớm có thể được trồng vào cuối mùa xuân, sau khi thu hoạch vụ lúa mì vào mùa đông, giúp cho người nông dân cứ 2 năm thu hoạch được 3 vụ mùa (ngô, lúa mì và đậu tương) mà không năm nào bị giảm sút mạnh về năng suất.
Một tập hợp những thay đổi phức tạp hơn về địa lý của vùng Trọng điểm Nông nghiệp được tạo ra từ những trình độ mới của cơ giới hóa và những lựa chọn về quy mô trung bình của trang trại. Cuộc đo đạc đất đai đầu tiên trong khu vực đã qui định quy mô tối thiểu của trang trại được mua là 64,75 hecta (160 mẫu Anh) và sau đó vào những thời điểm khác nhau, mức tối thiểu được qui định lại bằng 1/2 hoặc 1/4 mức ban đầu. Sau lần mua đầu tiên, tất nhiên, mảnh đất canh tác này có thể được chia thành nhiều mảnh nhỏ và thậm chí được bán theo những lô nhỏ hơn hoặc được ghép vào những trang trại đã có từ trước.
Cho tới năm 1900, qui mô trang trại của những bang thuộc vùng Trọng điểm Nông nghiệp có nhiều dạng khác nhau: khoảng 1/3 số trang trại có qui mô từ 73 hecta đến 202 hecta, 1/3 khác có qui mô từ 40 hecta đến 72 hecta, và phần lớn số còn lại nhỏ hơn 40 hecta. Số đất trong những trang trại có qui mô nhỏ hơn 73 hecta bắt đầu giảm từ sau năm 1935. Cho tới năm 1964, hơn 50% đất nông nghiệp trong những bang này thuộc về những trang trại có qui mô lớn hơn 105 hecta; cứ 5 hecta lại có 1 hecta thuộc về những trang trại lớn hơn 202 hecta, xu hướng này hiện vẫn đang diễn ra.
Những lý do của những thay đổi này về qui mô trang trại là mang tính kinh tế và liên quan tới việc cơ giới hóa các hoạt động sản xuất. Các nông dân vùng Trọng điểm Nông nghiệp đã tận dụng những phát minh về cơ khí để tăng sản lượng trên một giờ công của họ. Những cánh đồng lớn và những vùng địa thế thuận lợi trong khu vực ngay từ buổi đầu cũng như bây giờ, đã cho phép sử dụng các máy nông nghiệp, những máy móc mà không thể vận hành ở những trang trại nhỏ hơn và ở những trang trại vùng gò đồi có xu hướng bị xói mòn.
Tình trạng thiếu lao động do Chiến tranh Thế giới Thứ hai gây ra vào đầu những năm 1940 đã thúc đẩy hơn nữa quá trình cơ giới hóa và các phát minh ngày càng được hướng tới các hoạt động sản xuất với qui mô lớn. Thiết bị 2 và 4 luống nhường chỗ cho thiết bị từ 6 đến 8 luống. Các hoạt động lưu kho và vận chuyển bằng tàu cũng được cơ giới hóa và ngày càng phù hợp với những yêu cầu của những nhà sản xuất với qui mô lớn.
Cùng với những thay đổi về qui mô trang trại, số lượng đất được canh tác trong khu vực cũng dần dần giảm xuống. Năm 1987, tỷ lệ đất thuộc các trang trại ở phần lớn các vùng trong khu vực vào khoảng 80%, riêng phần lớn vùng Iowa và Illinois đạt tới trên 90%. Mặc dù vậy, trong vòng hai thập niên qua vùng Trọng điểm Nông nghiệp đã có không ít khu vực trải qua thời kỳ cắt giảm đất canh tác.
Mặc dù kiểu canh tác hộ gia đình hoạt động riêng rẽ, hoàn toàn tự chủ vẫn còn là phương thức thống trị, nhưng nó đang mau chóng biến mất tại các bang của vùng Trọng điểm Nông nghiệp. Sự giảm sút này còn kết hợp với những nhu cầu về tính hiệu quả ngày càng tăng trong canh tác. Nỗ lực của con người và sự liên kết của các cá nhân vẫn góp phần tạo ra thành công trong quá trình canh tác, nhưng yếu tố qui mô ngày càng trở nên quan trọng.
Do nhu cầu ngày càng cần nhiều đất hơn cho sản xuất, một số nông dân đã nhận thấy rằng việc thuê hoặc thuê mua thêm đất để thực hiện hơn việc trực tiếp mua đất. Một vài người sử dụng đất canh tác khác có thể hoàn toàn chỉ là những người lĩnh canh, họ lựa chọn làm việc cho người chủ đất thông qua một trong một số thỏa thuận. Ngoài ra, 1/3 số những người thuê đất canh tác đi thuê từ những người họ hàng của họ, thường là một cách để chuyển giao đất từ thế hệ này sang thế hệ khác.