LỜI NÓI ĐẦU

Thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy – với những hình-tượng Loa thành, Rùa vàng, nỏ thần, áo lông ngỗng, ngọc trai giếng nước – là một truyện cổ quen thuộc trong tâm-trí người Việt chúng ta.

Khác với thoại-thần là loại truyện bao hàm yếu-tố hoang-đường kì-diệu nhằm thần-hóa các hiện-tượng tự-nhiên, thuyết-truyền là loại truyện trong đó yếu-tố tưởng-tượng và huyễn-diệu gắn liền với thực-tại lịch-sử nhằm thần-thánh-hóa những anh-hùng lực-sĩ xuất-hiện vào cuối thời khuyết-sử và đầu thời lịch-sử.

Vua An-dương, đến sau Lạc-long-quân và các vua Hùng, là nhân-vật Lạc-việt đầu tiên đã rời khỏi miền mờ mịt của dã-sử hoang-đường để bước hẳn vào vùng sáng của những trang sử anh-hùng-ca mà dân Việt đã sống từ hai ngàn năm lẻ.

Tuy nhiên một vài nhà nghiên-cứu như Henri Maspéro vào đầu thế-kỉ này, hay mới đây Giáo sư Nguyễn-phương, người viết quyển Việt-nam thời khai-sinh (Huế, I965) ngờ vua An-dương không phải là nhân-vật có thực.

Do đó, để góp phần làm sáng tỏ một giai-đoạn xa xôi của lịch-sử tổ-tiên chúng ta, tôi muốn dựa trên một số tài-liệu vừa là học-sử, vừa là học-vật-cổ, học-ngữ-cổ và học-phong-tục mà đặt lại đề-xét vua An-dương với nước Âu-lạc (chương I và II).

Sau khi cố gắng qui-định cơ-sở lịch-sử của đề-xét, tôi theo dõi những biến-triển của câu chuyện vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy trong trí tưởng-tượng dân-gian qua các đời: một số biến cố lịch-sử địa-phương lần lần được tô-điểm bằng nhiều tình-tiết, hình-tượng và biểu-trưng mới để trở thành một tác-phẩm văn-nghệ, đưa các nhân-vật đi trên quá-trình từ lịch-sử đến thuyết-truyền (chương III).

Cũng như mọi tác-phẩm văn nghệ, thuyết-truyền là một công-trình ý-nghĩa. Phải chăng thuyết-truyền, vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy phát-dương một bài học dựng nước và giữ nước, định giá sự-nghiệp của người anh-hùng, đề-cao cảnh-giác chống chiến-tranh xâm-lược, phê-phán một quan-niệm hư-ảo về luyến-ái và hạnh-phúc trong thời loạn? Nói khác đi, phải chăng thuyết-truyền vừa minh-chứng tấn bi-kịch một thời vừa nêu lên một số đề-xét nan-giải của con người muôn thuở (chương IV)?

Kho tàng thuyết-truyền Việt-nam từ vua Đế-minh đến vua An-dương, qua vua Rồng xứ Lạc, vua Hùng, vua trời Phù-đổng, thật là phong phú. Ở đây, nhân “đi tìm vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy từ lịch-sử đến thuyết truyền” tôi ước ao tập-trung cố gắng nghiên-cứu suy-tư để chỉ đi sâu vào một truyện cổ mà thôi nhưng có lẽ là truyện kì-thú và phức-tạp vào bậc nhất trong nền văn-chương truyền miệng Việt-nam.

Trong tình-trạng dầu sôi lửa bỏng của nước nhà, tôi tin rằng khảo-luận văn-hóa dân tộc không phải là một cách giải-lao, thoát li hay phản bội, nhưng thiết-yếu là để đóng góp vào công cuộc đề cao tinh-thần dân-tộc và kiến-tạo văn-hóa của hòa-bình ngày mai.

Tôi ghi ơn:

– Các bạn cùng trong nhóm chủ-trương Nhà xuất-bản “Trình Bầy” đã có lòng sáng-suốt khuyến-nâng những công-tác văn-hóa khó khăn nhưng cần-thiết cho giai-đoạn hiện-tại;

– Các chuyên viên Viện Khảo-cổ, quí vị đồng nghiệp Trường Văn-khoa, các bạn và các bậc đàn anh: Giáo-sư Bửu-Cầm, Đào-đăng-Vỹ, Nghiêm-Thẩm, Đỗ-trọng-Huề, Triều-đăng-Chế đã giúp cho tài liệu và ý kiến.

Sau hết tôi xin gửi tất cả tình mến đến em Lục-Hà đã gợi trong tôi niềm tin-yêu sự thật và sự đẹp ở văn-hóa dân-tộc.

B.v. Đồn-đất tháng 7

Phú-nhuận tháng 8-I966.

L.V.H.


CHƯƠNG I : BIẾN-CỐ LỊCH-SỬ VỀ VUA AN-DƯƠNG

  1. Tài-liệu sử Trung-hoa
  2. Tài-liệu sử Việt-nam
  1. Vua An-dương và nước Âu-lạc

Vua An-dương là một nhân-vật lịch-sử hay chỉ là một sản-phầm thuần-túy của dã-sử hoang-đường như Henri Maspéro và Giáo-sư Nguyễn-phương đã quan-niệm? 1

Đề-xét này đáng được nêu ra vì nếu những biến-cố về vua An-dương có xẩy ra vào khoảng cuối thế-kỉ thứ III trước C.N. thì điều đáng chú-ý là sử cổ nước Tầu từ đời “Tam phân” trở về trước (nghĩa là khoảng 400 năm sau vua An-dương) có những ghi chép về Lạc-vương, Lạc-tướng, Lạc-hầu, Âu-lạc, Triệu-đà, Nam-việt nhưng không hề đả động đến triều-đại vua An-dương và câu chuyện Mị-châu, Trọng-thủy. Mãi đến đời Tấn (thế-kỉ II đến thế-kỉ IV) mới thấy ghi chép về các nhân-vật này. Tại sao lại có một sự im lặng kéo dài đến 4 thế-kỉ? Tất cả những tài liệu sử Trung-hoa và Việt-nam có thể giúp ta giải đáp đề-xét về tính-cách lịch-sử của vua An-dương hay không?

I. TÀI LIỆU SỬ TRUNG-HOA VỀ VUA AN-DƯƠNG, MỊ-CHÂU, TRỌNG-THỦY

A. SÁCH GIAO-CHÂU NGOẠI-VỰC KÍ

Sách GIAO-CHÂU NGOẠI-VỰC KÍ (thất truyền), trích dẫn trong sách THỦY KINH CHÚ có chép:

“Ngày xưa, khi Giao-chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng lạc. Nhân-dân theo thủy-triều lên xuống khai khẩn làm ăn trên ruộng ấy, nên gọi là dân Lạc. Có Lạc-vương, Lạc-hầu làm chủ các quận huyện, nhiều huyện lại có đặt ra Lạc-tướng. Lạc-tướng thì có ấn đồng buộc dây tơ xanh. Về sau con vua Thục đem 3 vạn quân đến đánh Lạc-vương, Lạc-hầu, chinh-phục các Lạc-tướng rồi xưng là vua An-dương. Sau đó vua nước Nam-việt là Triệu-đà đem quân đến đánh. Vua An-dương nhờ có thần là Cao-thông xuống giúp chế cho một chiếc nỏ thần bắn mỗi phát chết 300 người. Triệu-đà biết đánh không nổi mới lui quân về đóng ở huyện Vũ-ninh, sai thái-tử tên là Thủy đến hàng, xin làm bề tôi phụng-sự vua An-dương.

“Vua không biết Cao-thông là người thần nên đối xử tàn tệ. Vì vậy Thông bảo vua rằng: “Hễ giữ được nỏ này thì làm vua, không giữ được thì sẽ mất nước!”. Đoạn Thông bỏ đi.

“Con gái vua An-dương là Mị-châu thấy Thủy xinh trai qua lại cùng chàng. Thủy hỏi Châu bảo lấy nỏ của vua cha cho xem. Thủy lén lấy cưa cắt ngang nỏ xong trốn về báo với vua Nam-việt; vua kéo quân đến đánh. Vua An-dương đem nỏ ra bắn, nỏ gẫy liền thua, xuống thuyền dong ra biển. Nay còn thấy nơi cũ của cung-thành vua ở huyện Bình-đạo (thuộc Giao-chỉ). Vua Nam-việt chinh-phục ngay được các Lạc-tướng”. 2

B. SÁCH NAM-VIỆT CHÍ

Sách NAM-VIỆT CHÍ trích-dẫn trong sách CỰU ĐƯỜNG-THƯ ĐỊA-LÝ CHÍ có chép: “Đất Giao-chỉ rất mầu mỡ xưa kia có quận trưởng gọi là vua Hùng (…). Sau đó vua nước Thục đem ba vạn quân đến đánh diệt được vua Hùng. Vua Thục cho con là vua An-dương cai-trị đất Giao-chỉ. Nước ấy nằm phía Đông huyện Bình-đạo thành có 9 lớp, chu-vi 9 dặm, dân-cư đông đúc. Úy Đà từ Phiên-ngung phái quân đến đánh. Vua An-dương có nỏ thần bắn mỗi phát giết vạn người. Triệu-đà giảng hòa với vua An-dương rồi cho con trai là Thủy sang làm con tin. Vua gả Mị-châu cho Thủy. Thủy tìm được nỏ phá hủy đi. Quân Nam-việt kéo đến giết vua An-dương, chiếm đất đai”. 3

C. SÁCH THÁI-BÌNH HOÀN-VŨ KÍ

Sách THÁI-BÌNH HOÀN-VŨ KÍ, phần Nam-việt chí, trích dẫn trong sách KHÂM-ĐỊNH VIỆT-SỬ THÔNG-GIÁM CƯƠNG-MỤC có chép: “Vua An-dương cai-trị Giao-châu. Úy-Đà đem quân sang đánh. Vua An-dương có người thần là Cao-thông giúp đỡ chế ra cái nỏ bắn một phát giết chết quân Nam-việt hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn. Triệu-đà biết rõ duyên cớ liền lui về đóng ở Vũ-ninh rồi cho con là Trọng-thủy sang làm tin xin hòa-hảo với nhau. Về sau vua An-dương đối xử với Cao-thông không được hậu, Cao-Thông bỏ đi. Vua An-dương có con gái là Mị-châu thấy Trọng-thủy đẹp trai liền phải lòng. Về sau Trọng-thủy dụ dỗ Mị-châu đòi xem nỏ thần, Mị-châu đem cho xem. Trọng-thủy nhân đấy bẻ hỏng cái lẫy nỏ rồi lập tức sai người ruổi về báo tin với Triệu-đà. Đà lại đem quân sang đánh úp. Khi quân Triệu kéo đến, vua An-dương đem nỏ ra bắn như trước nhưng nỏ đã hỏng! Quân Thục chạy tan tác. Triệu-đà phá được Thục”. 4

D. SÁCH GIAO-CHỈ-THÀNH KÍ

Sách GIAO-CHỈ-THÀNH KÍ, trích dẫn trong AN-NAM CHÍ-LƯỢC có chép:

“Ngày xưa khi Giao-chỉ chưa có quận huyện người ở nơi này theo nước triều lên xuống mà lấy nước vào ruộng. Kẻ khai-thác những ruộng ấy gọi là dân Lạc. Cai trị dân Lạc là vua Lạc, giúp việc vua Lạc là tướng Lạc, đều có ấn đồng buộc giây tơ xanh. Vua Thục đã từng sai con đem ba vạn quân đến chinh phục vua Lạc chiếm đất đai tự xưng là vua An-dương. Triệu-đà đem quân đến đánh. Bấy giờ vua có người thần là Tuyền-thông xuống giúp chế nỏ thần mỗi phát giết vạn người. Triệu-đà biết không đánh nổi nên đóng quân ở huyện Vũ-ninh sai thái-tử Thủy sang trá hàng để bắt liên lạc về sau.

“Con gái vua An-dương là Mị-châu phải lòng thái-tử Thủy, hai đằng đi lại với nhau. Mị-châu lấy nỏ cho Thủy xem, Thủy ngấm ngầm đánh đổi máy nỏ. Triệu-đà đem quân đến đánh, vua An-dương thua cầm (ngọc) sinh-tê rẽ nước ra bể. Triệu-đà chiếm đất đai. Nay tại huyện Bình-đạo di tích cung thành An-dương vẫn hãy còn”. 5

E. SÁCH QUẢNG-CHÂU KÍ

Sách QUẢNG-CHÂU KÍ chép: “Đất Giao-chỉ có ruộng Lạc (…) đứng đầu các huyện có các Lạc-tướng (…) sau con vua Thục đem binh đánh Lạc-hầu tự xưng là vua An-dương đóng đô ở Phong-khê. Sau vua Nam-việt là Triệu-đà đánh vua An-dương rồi sai hai quan sứ cai trị hai quận Giao-chỉ và Cửu-chân tức là Âu-lạc vậy”. 6

2. TÀI-LIỆU SỬ VIỆT-NAM VỀ VUA AN DƯƠNG, MỊ-CHÂU, TRỌNG-THỦY

Sau khi nước ta được tự chủ, sử sách và truyện-kí của ta xuất-hiện ngày một nhiều; trừ bộ ĐẠI-VIỆT SỬ-KÍ của Lê-văn-Hưu ở thế-kỉ XIII nay đã thất-truyền, các sách khác có chép về vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy xuất-hiện theo thứ-tự thời-gian như sau:

– Thế-kỉ XIII: An-nam chí-lược, Việt-sử lược.

– Thế-kỉ XV: Đại-việt sử-kí toàn-thư.

– Thế-kỉ XVIII: Đại-việt sử-kí.

– Thế kỉ XIX: Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục.

A. SÁCH AN-NAM CHÍ-LƯỢC

Sách AN-NAM CHÍ-LƯỢC của Lê-Tắc, đề-cập đến vua An-dương có chép: “Thành Việt-vương tục gọi là thành Khả-lũ có ao cổ. Người trong nước hằng năm mò ngọc trai về đem rửa ở ao này mầu sắc ngọc trai càng tươi đẹp”.

Sau đó An-nam chí-lược trích-dẫn đoạn nói về vua An-dương của sách Giao-chỉ-thành kí dẫn trên.

B. SÁCH VIỆT-SỬ

Sách VIỆT-SỬ chép: “Cuối đời Chu con vua nước Thục là Phán đánh đuổi vua Hùng, lên làm vua hiệu là An-dương, xây thành ở Việt-thường, không đi lại với nhà Chu nữa. Cuối đời Tần, Triệu-đà chiếm Uất-lâm, Nam-hải, Tượng-quận lên làm vua đóng đô ở Phiên-ngung, nước gọi là Việt, tự xưng là Vũ-vương. Thời đó, vua An-dương được một người thần là Cao-lỗ đến giúp chế cái nỏ liễu bắn một lúc I0 chiếc tên dạy được một vạn quân lính (sử-dụng cung ấy). Vũ-vương biết thế bèn sai con mình là Thủy sang làm con tin xin đi lại hòa hảo. Sau vua An-dương đối xử với Cao-lỗ dần dần bạc bẽo nên Cao-lỗ bỏ đi. Con gái vua là Mị-châu tư-thông với Thủy. Thủy dụ Mị-châu cho xem nỏ thần nhân đó làm gẫy cái máy nỏ rồi cho người về báo cho Vũ-vương. Vũ-vương lại đem quân sang đánh. Quân đến vua An-dương lại ứng-phó như lần trước không dè nỏ gẫy quân lính tan rã. Vũ-vương phá tan quân của vua An-dương. Vua ngậm sinh-tê lội xuống nước, nước rẽ đường cho vua đi. Đất đai thuộc về nhà Triệu”. 7

C. SÁCH ĐẠI-VIỆT SỬ KÝ TOÀN-THƯ

Sách ĐẠI-VIỆT SỬ KÝ TOÀN-THƯ của Ngô-sĩ-Liên và các sử-gia triều Lê chép:

“Về cuối đời vua Hùng, vua có con gái là Mị-nương đẹp mà tươi. Vua Thục nghe thấy thế đến xin cầu hôn. Vua bằng lòng gả cho nhưng Hùng-hầu ngăn cản (…) Vua Thục tức giận trối lại con cháu phải diệt nước Văn-lang và kiêm-tính nước ấy. Đến đời cháu là Thục-phán có dũng-lược bèn đánh nước Văn-lang.

“Nhà Thục: vua An-dương ở ngôi 50 năm. Vua họ Thục tên Phán người đất Ba-thục đóng đô ở Phong-khê nay tức là thành Cổ-loa.

“Năm Giáp-thìn (257 trước C.N.) vua Thục khi đã lấy được nước Văn-lang đổi quốc hiệu là Âu-lạc. Trước kia vua Thục nhiều lần đem quân đánh vua Hùng. Vua Hùng có quân mạnh tướng giỏi nên vua Thục nhiều lần bị thua.

“Vua Hùng bảo: “Ta có thần giúp sức, Thục không sợ à?”. Vì thế mới chểnh mảng việc vũ-bị, không sửa sang gì cả, thích rượu chè làm vui, quân Thục tới sát gần hãy còn say mềm, mới hộc máu ngã xuống giếng chết. Quân của vua Hùng quay mũi giáo đầu hàng vua Thục. Vua bấy giờ mới đắp thành ở đất Việt-thường rộng tới ngàn trượng, xoáy vòng như hình con ốc cho nên gọi là Loa-thành, còn tên gọi là Tư-long-thành, người Đường gọi là Côn-luân-thành, ý nói thành ấy cao lắm. Lúc mới đắp, thành ấy đắp đến đâu lở đến đấy, Vua Thục lo lắm mới chay-tịnh kiêng cữ cầu cúng Trời Đất và các thần Sông Núi rồi lại khởi công đắp thành.

“Năm Bính-ngọ (255 trước C.N.) mùa Xuân tháng Ba chợt có người thần đến cửa thành (…) Sớm hôm sau vua Thục ra ngoài cửa thành quả nhiên thấy con Rùa vàng từ phía Đông bơi trên mặt sông tới tự xưng là giang-sứ, biết nói tiếng người nói chuyện về việc tương-lai. Vua mừng lắm dùng cái mâm vàng đựng con Rùa vàng để mâm ấy ở trong cung điện. Vua hỏi căn-do sao thành đắp cứ lở. Rùa vàng trả lời: Việc thành lở là do tinh-khí sông núi bản thổ, có con vua trước kia nhập vào để báo thù nước (…) Vua liền sai người đào núi, bắt được nhạc khí xưa và xương người đốt thành tro đem đổ xuống sông, yêu khí mới hết hẳn. Từ đó đắp thành không quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng từ giã ra về, trút móng nó để lại cho vua và bảo rằng: “Nước nhà yên hay nguy tự có số Trời đã định nhưng về phần nhân-sự cũng nên đề phòng. Nếu thấy giặc kéo đến lấy cái móng thiêng này làm lẫy nỏ bắn tên về phía giặc thì không còn lo ngại gì”. Vua sai bầy tôi là Cao-lỗ (có chỗ gọi là Cao-thông) lấy móng ấy làm lẫy nỏ thần gọi tên là Linh-quang kim-trảo thần-nỗ.

“Năm Đinh-hợi (2I4 trước C.N.) nhà Tần bắt những kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo, ra làm quân lính thuyền bồng, sai Sử-lộc đào cừ để vận lương đi sâu vào miền Lĩnh-nam cướp lấy đất Lục-lương 8 đặt làm các quận Quế-lâm (Quảng-tây), Nam-hải (Quảng-đông) và Tượng-quận (An-nam). Vua Tần dùng Nhâm-hiêu làm quan úy Nam-hải, Triệu-đà làm quan lệnh Long-xuyên lĩnh những quân phải đưa đi thú là 50 vạn người đóng ở Ngũ lĩnh. Nhân thế, Hiêu và Đà cùng nhau mưu tính xâm-lược nước ta.

“Năm Tân-mão (2I0 trước C.N.) mùa Đông tháng Mười, Nhâm-hiêu và Triệu-đà đem quân tới xâm-lược. Đà đóng quân trên núi Tiên-du ở Bắc-giang 9 cùng đánh với vua Thục. Vua đem nỏ thiêng ra bắn, quân Đà bị thua chạy. Lúc đó Hiêu đem quân thuyền đóng ở Tiểu-giang, có xúc-phạm đến thổ-thần bị bệnh phải về, bảo Đà rằng: “Tần mất rồi ta có thể lập kế đánh Phán có thể dựng thành một nước”.

“Triệu-đà biết vua Thục có nỏ thần, không thể địch nổi rút quân đóng giữ núi Vũ-ninh sai sứ xin giảng hòa. Vua Thục vui vẻ bằng lòng, chia đất từ Bình-giang (nay là sông Thiên-đức, huyện Đông-ngạn, Bắc-ninh) trở về phía Bắc do Đà cai trị, trở về phía Nam do vua cai-trị. Đà cho con là Trọng-thủy vào làm túc-vệ hầu vua, xin cầu hôn con gái Vua là Mị-châu, Vua Thục bằng lòng gả cho. Trọng-thủy dụ Mị-châu cho xem trộm cái nỏ thiêng rồi ngầm bẻ cái lẫy nỏ và thay bằng cái khác. Xong mượn cớ về Bắc thăm cha mẹ, báo việc ấy cho Đà biết.

“Năm Quí-tị (208 trước C.N.) Nhâm-hiêu bị bệnh rồi mất. Đà thay Hiêu đem quân đánh vua Thục. Vua không biết lẫy nỏ đã mất cứ ngồi đánh cờ, cười rằng: Đà không sợ cái nỏ thần của ta hay sao?

“Quân Đà đến sát gần vua lấy nỏ ra thì đã gẫy liền bị thua, chạy về phía Nam. Đến bãi biển, đường cùng không có thuyền bè, vua cầm ngọc văn-tê bẩy tấc đi vào trong biển, nay gọi là ngọc tê rẽ nước. Tục truyền rằng Dạ-sơn ở xã Cao-xá về Diễn-châu chính là chỗ vua Thục đi vào biển”. 10

D. SÁCH ĐẠI-VIỆT SỬ-KÍ

Sách ĐẠI-VIỆT SỬ-KÍ xuất-bản đời Tây-sơn chép giống như Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục, đoạn sau có thêm: “Lại còn ngoại-sử chép: mẹ Trọng-thủy là họ Trình người Đường-thâm ở Giao-chỉ, làng ấy đổi tên gọi là Đà-tôn nay ở Đường-thâm thuộc Chân-định (tức Trực-định, tỉnh Thái-bình) nay có đền thờ Triệu-đà, họ Trình cũng được thờ phụ”. 11

E. SÁCH KHÂM-ĐỊNH VIỆT-SỬ THÔNG-GIÁM CƯƠNG-MỤC

Sách KHÂM-ĐỊNH VIỆT-SỬ THÔNG-GIÁM CƯƠNG-MỤC của Quốc-sử-quán triều Nguyễn nói về vua An-dương tương đối đầy đủ hơn các sách khác, có chép:

Trước kia vua Hùng có con gái là Mị-nương. Vua Thục nghe tin sai sứ đến cầu hôn. Vua muốn gả cho, nhưng Lạc-hầu can rằng: “Ý nó muốn toan tính ta đấy, chẳng qua mượn tiếng cầu hôn đó thôi”. Thành thử việc đó thôi hẳn, Vua Thục căm giận lắm dặn con cháu sau thế nào cũng phải diệt nước Văn-lang.

Đến bấy giờ cháu là Thục-phán có sức mạnh và mưu-lược nhiều lần đem quân đánh vua Hùng. Vua Hùng quân giỏi tướng mạnh hễ ra đánh quân Thục thua liền. Vua nói: “Ta đây có thần lực Thục không sợ ư?”

Rồi cứ lễ mễ chè chén để mua vui không lo đến việc vũ-bị. Quân Thục kéo đến, vua Hùng hãy còn say mềm chưa tỉnh. Kịp khi giặc đến gần, bức bách gấp rồi vua thổ ra huyết gieo mình xuống giếng; còn quân thì quay giáo đầu hàng. Nước Văn-lang mất.

Sử cũ chép vua họ Thục, húy Phán, người đất Ba-thục. Năm Giáp-thìn (257 trước C.N.) vua lấy được nước Văn-lang đổi hiệu nước là Âu-lạc đóng đô ở Phong-khê (bây giờ là thành Cổ-loa huyện Đông-ngàn, tỉnh Bắc-ninh) 12

Năm Bính-ngọ (255 trước C.N.) tháng Ba mùa Xuân đắp xong Loa thành. Thành ở Phong-khê, rộng đến nghìn trượng xoáy tròn như hình trôn ốc nên gọi là Loa-thành lại gọi là thành Tư-long.

Theo An-nam chí-nguyên của Cao-hùng-Trưng. Loa-thành ở huyện Đông-ngàn xoáy tròn chín vòng như hình trôn ốc, kiểu làm do vua An-dương sáng-tạo, lại gọi là thành Khả-lũ. Chỗ đóng đô của vua vốn là đất Việt nên người sau gọi là Việt-vương-thành. Người Đường gọi là thành Côn-luân ý nói thành ấy cao lắm. Trong thành còn nền cung vua An-dương ngày trước.

Năm Đinh-hợi (2I4 trước C.N.) bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ 13 muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu-úy là Đồ-thư làm tướng, Sử-lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương đi sâu vào cõi Lĩnh-nam, cướp lấy đất Lục-lương, đặt ra Quế-lâm, Nam-hải và Tượng-quận để đầy những kẻ phải đi thú.

Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng; lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng đánh nhau với người Tần, giết được hiệu-úy Đồ thư.

Nhà Tần dùng Nhâm-hiêu làm chức úy quận Nam-hải và Triệu-đà làm chức lệnh huyện Long-xuyên, sai đem 50 vạn dân bị tội đầy sang thú ở đất Ngũ-lĩnh. Hiêu và Đà mới âm-mưu làm việc cát-cứ kiêm-tính.

Năm Tân-mão (2I0 trước C.N.) Triệu-đà sang xâm-lược đóng quân ở núi Tiên-du (Bắc-ninh), vua Thục đem quân chống cự. Bấy giờ Nhâm-hiêu đóng Chu-sư 14 ở Tiểu-giang mắc bệnh trở về giao cả quân cho Triệu-đà. Đà dời quân doanh đến núi Vũ-ninh. Vua Thục cắt đất cho Đà từ sông Bình-giang trở về Bắc để giảng hòa. Hai bên đình-chiến rút về.

Sử cũ chép:

“Triệu-đà sang xâm-lược đánh nhau với vua Thục. Vua đem nỏ thần ra bắn. Đà thua chạy (…) biết vua có nỏ thần không địch nồi bèn lui giữ núi Vũ-ninh sai sứ đi xin hòa. Vua Thục mừng, chia đất cho Đà (…) Đà cho con là Trọng-thủy sang làm con tin nhân tiện cầu hôn; vua gả con gái là Mị-châu cho Trọng-thủy. Sau Trọng-thủy dụ dỗ Mị-châu cho xem trộm cái nỏ thần ngầm đổi mất lẫy nỏ, rồi nói thác là về Bắc thăm cha mẹ. Lúc từ-biệt, Thủy dặn Mị-châu: “Mai sau ta lại sang, muôn một mà hai nước bất-hòa thì có dấu tích gì để xét nghiệm, khiến chúng ta lại có thể gặp nhau không?”. Mị-châu nói: “Thiếp có cái chăn gấm bằng lông ngỗng đi đâu cũng thường mang theo, nếu đến những chỗ đường rẽ thiếp sẽ nhổ lông ngỗng ấy mà rắc xuống để làm ghi thì sẽ biết chỗ thiếp ở”. Trọng-thủy trở về báo với Triệu-đà. Đà quyết tâm sang xâm lược (…) 15

“Năm Quí-tị (208 trước C.N.) Triệu-đà sang xâm-lược (…) vua Thục không ngờ lẫy nỏ hỏng rồi liền thua chạy, cho Mị-châu cưỡi ngựa cùng chạy về phía Nam. Trọng-thủy cứ nhận dấu lông ngỗng mà đuổi theo. Vua Thục đến bãi biển hết đường chạy, nhẩy xuống biển chết. Nhà Thục mất.

“Đền vua Thục ở núi Mộ-dạ, xã Hương-ái, huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ an.

“Nhà Thục từ vua An-dương khởi lên năm Giáp-thìn (257 trước C.N.) đến năm Quí-tị (208 trước C.N.) mất nước, tổng cộng 50 năm”. 16

F. SÁCH LỊCH-TRIỀU HIẾN-CHƯƠNG LOẠI CHÍ

Sách LỊCH-TRIỀU HIẾN-CHƯƠNG LOẠI CHÍ của Phan-huy-Chú chép:

“Vua An-dương tên là Phán, người ở Ba-thục. Cuối đời nhà Chu, ông đem binh sang thôn-tính nước Văn-Lang đổi quốc-hiệu là Âu lạc, đóng đô ở Phong-khê, đắp Loa-thành. Khi đắp xong có con Rùa vàng trút móng trao cho và dặn rằng: “Hãy dùng cái móng này làm lẫy nỏ bắn được giặc không lo gì”.

“Vua sai bề tôi là Cao-lỗ lấy móng ấy làm lẫy nỏ, đặt tên là Kim-quang thần-nỗ. Đến cuối Tần, Triệu-đà sang xâm-lấn, vua lấy nỏ bắn Đà thua chạy. Đà mới xin đi lại hòa hảo và sai con là Trọng-thủy sang làm con tin. Vua gả con gái cho. Trọng-thủy trộm phá lẫy nỏ rồi thay cái khác vào. Sau Đà lại sang; vua giương nỏ bắn thì lẫy đã bị gẫy. Quân tan vỡ vua phải chạy xuống biển, thế là nhà Thục mất. Vua ở ngôi 50 năm”. 17

G. CƯƠNG-MỤC

CƯƠNG-MỤC chép: “Năm Kỉ-hợi (939) Ngô-quyền tự xưng vương, đóng đô ở Cổ-loa”.

3. ĐỀ-XÉT LỊCH SỬ VUA AN-DƯƠNG VÀ NƯỚC ÂU-LẠC

A. HIỆN-HỮU VÀ NGUỒN-GỐC VUA AN-DƯƠNG

Các tài-liệu Trung-hoa và Việt-nam dẫn trên nói rằng vua An-dương nguyên là Thục-phán là con vua Thục (theo sử Tầu và Việt-sử-lược) hay cháu vua Thục (theo Toàn-thư, Cương-mục, Lịch-triều hiến-chương). Sử Việt-nam lại nói rằng vua An dương vốn là người đất Ba-thục.

Đề-xét được đặt ra là: có Thục An-dương không? Nhà Thục này có liên quan đến nước Thục và vua Thục ở miền Tứ-xuyên thời Chiến-quốc không? Phải chăng Thục-phán đã cất quân từ miền Ba-thục (Quí-châu và Vân-nam) đến đánh nước Văn Lang?

Về cuối đời Chu, sử Tầu có đến vua nước Thục, Các sách Hoa dương quốc chí của Thường-cứ, Sử-ký của Tư-mã-Thiên, Lịch đại thông giám tập lãm và Thủy-Kinh-Chú của Lịch-đạo-Nguyên 18 cho thấy rằng thời Chiến-quốc ở tỉnh Tứ-xuyên có nước Thục, đến năm 3I6 trước C.N. bị nước Tần diệt. Vua Thục, thái-tử và tướng tá đều bị giết cả, nhưng nhân-dân Thục rất mực anh-dũng không thần-phục Tần, vẫn cứ tiếp tục kháng Tần. Tướng Tần phải nhiều lần đánh dẹp đất Thục. Số người Thục không phục Tần không phải là ít, phải di-chuyển xuống phía Nam trong số đó con cháu tướng tá cùng tàn quân vua Thục chạy xuống miền Nam hay lên Đông Bắc kiến-lập một nước mới vẫn gọi là Thục.

Dựa trên các sử liệu trên, Trần-tu-Hòa, trong quyển Việt-nam cổ-sử cập kì dân-tộc văn-hóa chí nghiên cứu đã dựng lên giả-thuyết rằng:

Vũ-dương nay là đất Tứ-xuyên miền trung-lưu sông Mân-giang; theo tình-hình chạy tránh quân Tần và theo điều-kiện địa-lý thì triều-đình và thái-tử nước Thục tất phải chạy theo sông Mân-giang về phía Nam và thái-tử có lẽ chết ở hạ-lưu sông ấy. Sau khi thái-tử chết thì dư-chúng của nước Thục trong ấy có con nhỏ hay con di-phúc của vua Thục vẫn theo sông Mân-giang mà chạy về Nam. Bấy giờ nước Sở đã chiếm cứ đất Kiếm-điền (tức Quí-châu và Vân-nam). Có lẽ con vua Thục và bộ chúng đã trốn tránh trong miền ấy thuộc nước cừu-địch của nước Tần để mong chờ cơ-hội khôi-phục. Sau đó 36 năm nước Tần lại chiếm đất Kiềm-trung của Sở. Trang-Kiểu là tướng nước Sở bèn chiếm lãnh đất Điền-trì tự xưng là Điền-vương. Nhưng chỗ con vua Thục ẩn thân thuộc miền Tường-kha là đất nghèo và độc địa lại ở gần phạm-vi thế-lực nước Tần cho nên con cháu vua Thục có lẽ đã hướng về Nam mà phát-triển vào miền khí-hậu ôn-hòa, sản-vật giầu thịnh rồi cuối cùng chiếm được nước Văn-lang. 19

Dựa trên giả-thuyết của Trần-tu-Hòa và trên một thuyết-truyền về nguồn gốc dân tộc Tày ở Cao-bằng nói về Thục-phán trước khi lập nước Âu-lạc 20, Đào-duy-Anh ức-đoán rằng con cháu vua nước Thục đã di cư dần dần từ Tứ-xuyên đến Quí-châu Vân-nam (Ba-thục) cuối cùng đã vào miền biên-giới phía Bắc Việt-nam theo đường sông Lô rồi tràn sang miền thượng-lưu sông Gầm, sông Cầu và Hữu giang. 21

B. VAI-TRÒ VUA AN-DƯƠNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM-LƯỢC TẦN

Các sách Hoa-dương quốc-chí, Hoài-nam-tử Sử-kí và Cương-mục chép rằng vào khoảng năm 2I4 trước C.N. nhà Tần sai Đồ-Thư và Sử-Lộc xâm-lược miền Lĩnh-nam đặt quận Quế-lâm (tức là đất Quảng-tây), quận Nam-hải (Quảng-đông) và quận Tượng (Giao-chỉ). Người Việt bấy giờ đều rủ nhau vào núp trong rừng, không chịu phục Tần, lại ngầm bầu người tài giỏi lên làm tướng đánh nhau với Tần giết được hiệu-úy Đồ-Thư.

Vị tướng tài giỏi đó là ai?

Chúng ta có thể suy đoán rằng Người ấy chính là vua An-dương, người đã từng thắng Triệu-Đà lúc bấy giờ là hiệu úy của nhà Tần.

Có lẽ con cháu vua Thục ở đất Ba-thục sau khi tiến vào miền Bắc-việt đã đánh thắng một số bộ-lạc rồi chiếm ở một khoảng đất trên lưu vực sông Hồng. Theo giả-thuyết Đào-duy-Anh, khoảng đất này ở giữa địa-bàn của người Thái và địa bàn người Việt. Con cháu vua Thục nhóm họp đảng chúng thành một bộ-lạc như các bộ-lạc xung quanh rồi cũng tự xưng là vua Thục để nhớ lại nghiệp cũ của cha ông mà tự an ủi.

Vua Thục ấy hẳn là có ý dòm ngó đất Mê-linh (nước Văn-Lang) và thèm thuồng cái ngôi lãnh-tụ bộ-lạc liên-hiệp Lạc-việt của vua Hùng. Thuyết-truyền Việt-nam đã biến hóa cái tham-vọng ấy thành câu chuyện cầu hôn của vua Thục. Được một vài đời, đến Thục-Phán thì gặp cuộc xâm-lược của quân Tần. 22

Theo sách Hoài-nam-tử, thì trong thời quân Tần xâm lược Lĩnh-nam người ta mới nói đến Tây-âu chứ chưa nói đến tên Âu-lạc. Đến bức thư Triệu-đà tạ tội với Hán-văn-đế chép trong sách Sử-kí (quyển II2) thì mới thấy nói đến nước Âu-lạc. Tôi cũng nghĩ như Đào-duy-Anh rằng nước Âu-lạc do vua An-dương dựng lên trong cuộc kháng-chiến chống quân Tần.

Khi quân Tần tiến vào đất Lạc-việt, các Lạc-tướng biết thế không chống nổi nên phải đem dân chúng lánh vào rừng. Sau đó chắc có những cuộc hội-nghị của các Lạc-tướng do vua Hùng điều khiển để bàn kế kháng-chiến. Cứ theo giả-thuyết Đào-duy-Anh, Thục-Phán bấy giờ cũng là một tù-trưởng như các Lạc-tướng khác. Trải qua mấy đời kinh-dinh, bộ-lạc của Phán đã trở thành một bộ-lạc quan-trọng chiếm cả một vùng rộng trên sông Hồng và sông Lô mà sau này nhà Hán sẽ đặt làm huyện Tây-vu. Trong hội-nghị chắc Thục-Phán tỏ ra mình là người có tài-trí, lại là người căm-thù sâu sắc quân Tần cho nên được cử làm lãnh-tụ chống quân Tần. 23

Các sách Sử-kí và Hoài-nam-tử cho thấy rằng sau khi lánh vào rừng rậm, người Việt bắt đầu dùng chiến-thuật du-kích quấy rối quân Tần giết hại rất nhiều. Theo Đào-duy-Anh, vũ-khí người Việt dùng bấy giờ chắc là những thứ mác đồng (đào được nhiều ở Đông-sơn) là thứ mác đặc-biệt của người Lạc-việt, những thứ giáo đồng, lao đồng, dao găm và kiếm ngắn, rìu chiến, và nhất là những nỏ bắn với tên đồng (đào được ở Thanh-hóa, ở Cổ-loa v.v…) 24

Người Việt bấy giờ quen ở rừng rú như các dân-tộc thiểu-số của các miền thượng-du và cao-nguyên Việt-nam ngày nay, cho nên suốt nhiều năm kháng-chiến không núng chí. Sử-kí chép rằng: “(Vua Tần) sai hiệu-úy là Đồ-Thư xuống miền Nam đánh Bách-việt, sai Giám-sát là Sử-Lộc đào kênh vận lương để vào sâu trong đất Việt. Người Việt bỏ trốn không đánh. Lâu ngày quân Tần thiếu lương. Người Việt ra đánh quân Tần thua to. Bèn sai hiệu-úy là Đà đem quân đóng giữ đất Việt. Đương buổi ấy nhà Tần ở phía Bắc thì bị họa với người Hồ, ở phía Nam thì bị khổ với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng tiến không được, thoái cũng không được trải mười năm trời, đàn ông thì phải mang giáp, đàn bà thì phải chuyên chở, khổ sở vô cùng”. 25

Đoạn sách này của Tư-mã-Thiên đã tả đúng cái tình-cảnh nguy-khốn của quân Tần bị người Việt kháng-cự. Sách Hoài-nam-tử của Hoài-nam-vương Lưu-An là sách ghi chép đúng-đắn nhất về cuộc xâm lược của quân Tần, chép rằng: “Trong 3 năm quân lính phải mặc áo giáp và dương nỏ luôn. Giám-sát nhà Tần tên là Lộc bắt quân lính đào kênh để chở lương mà đi đánh người Việt giết được quân trưởng Tây-âu là Địch-hu-Tống. Nhưng người Việt bỏ vào rừng sâu, ăn ở với cầm thú không chịu làm nô-lệ cho người Tần. Họ chọn người kiệt-tuấn cử lên làm tướng ban đêm ra đánh phá tan quân Tần, giết được hiệu-úy Đồ-Thư. Quân Tần chết và bị thương đến mấy chục vạn. Nhà Tần bèn phái những người bị đầy đến để phòng bị”. 26

Tất cả những sử-liệu này cho phép ta kết-luận rằng “nhờ cuộc kháng-chiến trường-kì bền bỉ của nhân dân Lạc-việt, dưới sự chỉ-huy khôn khéo của Thục-Phán (…) nhân-dân Lạc-việt đã hoàn toàn thắng-lợi mà bảo toàn tự-do và phần nào cũng đã xúc-tiến cuộc bại vong của nhà Tần”. “Sau cuộc đại thắng, Thục-Phán được tất cả các tù trưởng phục tòng đã thừa thế lấn át uy-quyền vua Hùng, nắm lấy trong tay cả quyền lãnh-tụ quân-sự và quyền lãnh-tụ chính-trị” 27 tiến đến việc thành-lập một triều vua mới.

C. NƯỚC ÂU LẠC VÀ NGƯỜI ÂU LẠC

Sử Việt-Nam và sử Trung-Hoa (sách Sử kí và Quảng-châu kí) đều chép rằng Thục-Phán bao gồm nước Văn-lang của vua Hùng mà dựng nước Âu-lạc. Phân-tích tên Âu-Lạc ta thấy nó có hai thành-phần ý nghĩa: chữ Âu chắc là do chữ Tây-âu và chữ Lạc chắc là do chữ Lạc-việt. Hai danh từ Tây-âu và Lạc-việt đều có chép trong các sách Hoài-nam-tử, Hậu-hán-thư, Dư-địa-chí (của Cố-dã-Vương) v.v… Chúng ta có thể ức đoán với Đào-duy-Anh rằng sau khi thắng vua Hùng, Thục-Phán gồm các bộ-lạc người Tây-âu đã theo mình từ trước (ở Cao-bằng, Quí-châu, Vân-Nam) và các bộ-lạc người Lạc-việt mới chiếm được mà dựng nước, như thế là “Thục-Phán đã nâng quyền tù-trưởng của một liên hiệp bộ-lạc lên làm chính-quyền của một nhà nước phôi-thai. Cái tên Âu-lạc phải là phản-ánh sự hợp-nhất của hai thành-phần Tây-âu và Lạc-việt” và “nước Âu-lạc là nhà nước đầu tiên của chúng ta bắt đầu được xây dựng với hai thành-phần chủng-tộc Âu và Lạc sinh-tụ trên cả giải đất miền Bắc nước Việt-nam từ Hoành-sơn cho đến miền Nam tỉnh Quảng-tây”. 28

Nếu chúng ta theo những tên huyện đời Hán mà gọi các bộ lạc của nước Âu-lạc thì chúng ta có: Bộ-Lạc Tây-vu, Mê-linh, Long-biên, Liên-lâu, Chu-diên, Bắc-đái, Kê-từ, An-định, Câu-lậu, Khúc-dương, Võ-công, Dư-phát, Tư-phố, Cư-phong, Vô-biên, Đô-lung, Hàm-hoan. 29

Về vị-trí và tầm quan trọng của các bộ-lạc này Đào-duy-Anh đã nêu ra giả thuyết sau đây:

“Bộ-lạc Tây-vu là bộ-lạc căn-bản của Thục-phán, có lẽ nguyên trước chỉ là ở miền thượng-lưu sông Lô bao gồm cả miền thượng-lưu sông Gầm và sông Chảy tức miền Hà-giang và miền Bắc Tuyên-quang ngày nay. Sau khi Thục-phán thắng được vua Hùng mà dựng nước Âu-lạc thì Thục-phán có lẽ đã mở rộng bộ-lạc căn-bản của mình đến giáp sông Thao và sông Đuống. Như thế thì Thục-phán đã lấn đất của bộ-lạc nào. Hẳn là của bộ lạc Mê-linh là bộ lạc căn-bản của vua Hùng.

“Có lẽ ở thịnh-thời thì bộ-lạc căn-bản của vua Hùng rộng hơn huyện Mê-linh đời Hán nhiều. Về phía Bắc chúng ta có thể lấy chỗ đã phát-hiện được cái thạp đồng Đào-thịnh (cách phía Bắc thị trấn Yên-bái chừng 20 cây số) để làm cái mốc mà suy đoán rằng bộ-lạc của vua Hùng là bộ-lạc lớn nhất của người Lạc-việt trùm đến cả miền Bắc Yên-bái. Có lẽ bộ-lạc ấy bao gồm một phần tỉnh Yên-bái, miền Nam tỉnh Tuyên-quang, tỉnh Phú-thọ, tỉnh Sơn-tây và tỉnh Vĩnh-phúc ngày nay.

“Đồng bào Mường hiện ở các tỉnh Yên-bái (huyện Trấn-yên), Phú-thọ (các huyện Thanh thủy, Yên-lập, Thanh sơn, Lâm-thao) và Sơn-tây (các huyện Bất-bạt, Tùng-thiện, Thạch-thất, Quốc-oai) là di-duệ của những người Lạc-việt chiếm ở những miền ấy từ thời vua Hùng. Thuyết-truyền của họ còn ghi nhớ vua Hùng là tổ tiên của họ.

“Trung-tâm của bộ lạc Mê-linh bấy giờ có lẽ là miền Phú-thọ là nơi hiện nay còn có đền thờ vua Hùng ở làng Hi-cương, huyện Sơn-vi. Đến khi Thục-Phán đã thắng được vua Hùng và lấn đất của vua Hùng để mở rộng bộ-lạc căn-bản của mình thì bộ-lạc căn-bản của con cháu Hùng-vương bị giáng xuống hàng Lạc-tướng đã bị thu nhỏ vào phạm-vi của huyện Mê-linh đời Hán mà trung-tâm-điểm là thành Mê-linh ở làng Hạ-lôi, huyện Yên lãng, tỉnh Vĩnh-phúc ngày nay.

“Ngoài ra bộ-lạc Long-biên cũng là một bộ-lạc lớn ở miền Đông Bắc. Chúng ta sẽ thấy rằng huyện Long-biên đời Hán bao gồm cả một phần tỉnh Bắc-ninh, một phần tỉnh Bắc-giang, một phần tỉnh Lạng-sơn cùng với các tỉnh Thái-nguyên và Cao-bằng ngày nay – có lẽ cả một phần các phủ Tứ-thành, Tư-minh và Điền-châu, tỉnh Quảng-tây nữa. Cư-dân chủ-yếu của miền ấy hiện nay là người Tày (ở Trung-quốc là người Choang) và người Kinh mà tổ-tiên xưa là người Tây-âu và người Lạc-việt. Hai thành-phần ấy không có thể cùng là thành-viên của một bộ-lạc. Chúng tôi tưởng rằng những miền mà cư dân hiện nay là người Tày và người Choang vốn là địa bàn của một bộ-lạc người Tây-âu, còn phần đất tương-đương với miền Bắc-ninh và miền dưới của tỉnh Bắc-giang mà cư dân ngày nay chủ-yếu là người Kinh thì là địa bàn của một bộ-lạc khác của người Lạc-việt.

“Ở thời vua Hùng cái phần đất cư dân Lạc-việt ấy có lẽ là thuộc bộ-lạc căn-bản của vua Hùng, đến đời vua An-dương thì nó bị tách ra rồi đến đời Hán nó đã được hợp với bộ-lạc Tây-âu ở miền Đông Bắc mà thành huyện Long-biên. 30

“Về biên-giới và phạm-vi nước Âu-lạc, ta có thể chấp-nhận những kết-luận như sau của Đào-duy-Anh: Nước Âu-lạc đại-khái tương đương với miền Bắc nước ta hiện nay và (…) chúng ta sẽ thấy quận Giao-chỉ lấn sang một phần đất tỉnh Quảng-tây đến phía Nam sông Tả-giang như thế thì biên-giới phía Bắc nước Âu-lạc cũng phải lấn vào miền Nam tỉnh Quảng-tây ngày nay. Biên-giới phía Nam thì đến Hoành-sơn, biên-giới phía Tây thì không được rõ rệt như thế (…) có thể là tương-đương với con đường giới-tuyến đại-khái hiện nay giữa địa-bàn của đồng bào Mường (trong các tỉnh Yên-bái, Phú-thọ, Sơn-tây, Hòa-bình, Thanh-hóa, Nghệ-an) với địa-bàn của những nhóm đồng-bào thuộc giống Thái”. 31

D. TRIỀU-ĐẠI VUA AN-DƯƠNG TRÊN NƯỚC ÂU-LẠC KÉO DÀI BAO NHIÊU NĂM?

Các tài-liệu sử Việt-nam đều chép vua An-dương trị-vì 50 năm từ năm 257 đến 208 trước C.N.

Dựa trên tài-liệu sử Trung-hoa (Sử-kí, Hoa-dương quốc chí…) Trần-văn-Giáp nêu giả thuyết rằng vua An-dương chỉ làm vua trên đất Tượng-quận hay đất cũ của vua Hùng được 5 năm: trước năm 2I0 cho đến năm 206 trước C.N. là năm đầu đời Hán tức là sau năm Triệu-Đà tự-lập làm Nam-việt-vương 32. Giả thuyết này dựa trên mấy sự-kiện:

a) Đến trước năm 2I0 trước C.N. (năm Tần-thủy-Hoàng chết) nước Tần tuy vẫn còn nhưng trong nước đã có phần rối-loạn, thiên hạ muốn phản lại Tần. Trong khi đó Thục-phán thừa-cơ đem quân đánh lấy Tượng quận là đất của Tần để trả thù Tần và kiến-lập lại nước Thục. Vì thế Tần sai Nhâm-hiêu và Triệu-đà đem quân đánh Thục lấy lại Tượng-quận. Nhưng rồi vì Tần suy, Hiêu và Đà mưu đồ lập một nước mới. Đà đánh Thục không phải một trận mà thắng ngay: Trước tiên Đà bị thua sau phải giảng hòa giao-hảo. Do đó có việc chia đất và cầu-hôn. Mãi về sau Đà phải dùng mưu kế lừa gạt mới đánh được vua An-dương.

b) Về việc Tần xâm-lược Lĩnh-nam để đặt thành Tượng-quận sử Tầu không nói rõ trên đất ấy lúc đó có ai thống trị. Khi các quận Quế-lâm, Nam-hải và Tượng được đặt ra, người Việt bỏ vào rừng ẩn núp đánh du-kích chống lại Tần. Sử Tầu không nói rõ người Việt ấy là ai, người của vua Hùng hay vua An-dương; nếu lúc ấy vua An-dương đang trị vì nước Âu-lạc thì không lẽ gì quân Tần đến đánh đất Việt đặt ra quận huyện mà vua “vẫn cứ chễm chệ làm vua như thường?” 33

Trong cuộc Nam chinh của quân Tần, sách sử không nói gì đến nước vua Thục và nước Âu-lạc trước bức thư của Triệu-đà tạ tội với Hán-văn-Đế chép trong Sử-kí (quyển II2). 34

Vì tất cả những lí-do trên, tôi đồng ý với Đào-duy-Anh và Trần-văn-Giáp rằng nước Âu lạc do vua An-dương dựng lên sau khi thành công trong cuộc kháng Tần. Năm 2I4 nhà Tần xâm lược miền Lĩnh-nam; 3 năm sau, theo sách Hoài-nam-tử quân Tần bị thua nghĩa là vào năm 2II, rất có thể là năm đầu tiên của triều đại vua An-dương. Sử ta chép rằng 2I0 Triệu-đà bị thua vua An-dương và xin giảng hoà và năm 208 đến lượt vua An-dương thua và mất nước. Nếu tính từ 2II đến 208 hay theo Trần-văn-Giáp đến 206 trước C.N. thì rõ ràng vua An-dương đã làm vua trên đất Âu-lạc trong khoảng 4, 5 năm mà thôi.


CHƯƠNG II : DI-TÍCH KHẢO-CỔ VÀ TRUYỀN-THỐNG PHONG-TỤC

  1. Làng Cổ-loa ngày nay.
  2. Thành Cổ-loa, kinh-đô nước Âu-lạc.
  3. Phong-tục và tín-ngưỡng về vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy.

Biến-cố lịch-sử về vua An-dương không những được ghi trong sử-sách mà còn để lại nhiều di-tích trên mặt đất và trong lòng đất: làng Cổ-loa, thành Cổ-loa, những phát-hiện học-vật-cổ giúp chúng ta minh-định thêm cơ-sở lịch-sử của đề-xét vua An-dương, đồng thời những đề-tài như: nguồn-gốc và hành-trạng của Thục-phán, tên thành Cổ-loa, Rùa vàng, nỏ thần, tên Mị-châu, ngọc trai, áo lông ngỗng, ao Trọng-thủy đều để lại ít nhiều dấu vết trong thuyết-truyền, trong tín-ngưỡng hay trong tập-quán xưa nay của dân Việt ta hay của các dân-tộc anh em sống trên đất-nước ta.

I. LÀNG CỔ-LOA

Cho đến cuối thế-kỉ XIX làng Cổ-loa (Xem bản đồ I) thuộc huyện Đông-ngàn tỉnh Bắc-ninh; trong nửa đầu thế-kỉ XX, thuộc huyện Đông-anh tỉnh Phúc-yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh-phúc, cách Hà-nội I7 cây số trên đường đi Hà-nội − Phúc-yên, chỗ giáp giới tỉnh Bắc-ninh và Vĩnh-phúc gần ngã ba sông Hồng và sông Đuống.

Ở đây còn di-tích một cái thành lớn mà truyền-thống nhân-dân ta gọi là Loa-thành.

Trên diện-tích Loa-thành, đất ruộng của làng Cổ-loa chiếm phần lớn (4/5), còn lại là đất ruộng của làng Thu-cưu và một phần đất ruộng của các làng Lương-quán, Gia-lộc và Dục-tú (làng này thuộc Bắc-ninh). 35

Trong các làng này chỉ có Cổ-loa mới thờ vua An-dương làm Thành-hoàng. Làng Cổ-loa gồm I2 xóm: xóm Ngõ-bãi, xóm Thượng, Xóm Giung, xóm Tiên, xóm Hương-nhai, xóm Gia, xóm Viên-lợi, xóm Lan-trĩ, xóm Trai, xóm Mít và hai xóm chính: xóm Chợ, xóm Chùa, với 4.000 dân (I.400 có tên trong sổ đinh), nguồn lợi chính là nghề trồng lúa, chè, trầu và nghề làm gạch ngói.

Thành Cổ-loa có 3 lớp tường đất. Trước cổng làng có cầu gạch bắc ngang con suối tục truyền là nơi Rùa Vàng hiện ra trước vua An-dương. Sau hai bức tường của thành ngoài, có cổng làng ở phía Nam vòng tường thành trong cùng, đưa vào xóm Chùa và xóm Chợ (Xem bản đồ 2). Bên ngoài cổng làng là chợ Cổ-loa. Qua khỏi cổng làng đi thẳng tới trước mặt có đình Cổ-loa, bên trái đình có đền và mộ Mị-châu nấp dưới bóng một cây đa cổ-thụ.

Sân đình sâu 25 mét, hai bên có hành-lang, mặt đình dài 30 m. Đình vừa là trường học, nhà công của làng và nhà thờ Thành-hoàng. Sườn đình dựng theo lối cổ, đơn-sơ, cân-xứng và uy-nghi. Trong hậu-cung có để bài vị của vua An-vương. Sau lưng đình là chùa (Xem bản đồ 3)

Trước đền Mị-châu có nhà ở của thủ-từ; qua một sân nhỏ hẹp vào trong đền có bài vị Mị-châu và ở hậu-cung có tượng đá. Hậu-cung này gọi là mộ Mị-châu. Tượng đá, tục truyền chính là thân-thể Mị châu biến-dạng, na ná giống hình một thiếu-phụ cụt đầu ngồi xếp bằng để hai tay lên gối. Nhân-dân Cổ loa nói rằng tượng “bà Chúa” không có đầu vì “Ngài” (vua An-Dương) đã chặt mất rồi. 36

Muốn đi đến đền vua An-Dương (Xem bản đồ 4) phải trở ra lối cổng làng, rẽ về phía tay mặt, cách cổng làng 200 m. Trước đền có 4 cột đá lớn, qua một khoảng sân bằng đá lát, có tam quan ngoại với tầng cấp với 2 lan-can hai bên bằng hình rồng đẽo liền một khối đá, rồng có tay cầm bộ râu cằm rất đẹp và uy-nghi. Qua một quãng đường lát đá hoa cương (hai bên đường có 2 hố tròn gọi là mắt rồng) có tam-quan nội cũng có tầng cấp với lan-can hình rồng. Sau tam-quan nội là sân đền (I5x20m) lát đá. Hai bên có hành-lang.

Trước sân là đền, tiền-tế có hình vuông, hậu-cung hình chữ H nằm. Đền nhỏ hơn đình, mặt trước dài I3 m. Trong tiền-tế có đồ thờ và đặc biệt có một cặp ngựa gỗ thếp vàng làm thời Vĩnh-thịnh (I706-I7I9). Trước các cột kèo của đền có treo nhiều hoành-phi và câu-đối.

Ở giữa hậu-cung trên bàn có bài-vị dưới hình thức ngai rồng, hai bên có đôi hia khổng lồ và mão vương.

Bên mặt và bên trái hậu-cung có bài-vị thái-thượng-hoàng, thái-hậu và hoàng-hậu (không tên tuổi) mỗi bài-vị là một cái ngai nhỏ sơn son thếp vàng.

Bài-vị của vua làm bằng gỗ bạch-đàn. Trước bài vị có tượng vua bằng đồng cao bằng người thật mặc áo long-cổn, đội mũ bình-thiên, tay cầm hốt.

Bên trái của sân đền, có đàn tịch-điền, trên đàn ở giữa có xây chiếc miếu nhỏ, đẹp, với bốn mái đôi góc cong vểnh lên trời gọi là miếu Rùa. Trong miếu có 4 tấm bia lớn bằng đá hoa-cương và một đài kỉ-niệm bằng cẩm-thạch hình lăng-trụ ghi truyện Rùa vàng và bản văn những đạo chiếu-chỉ các đời vua miễn thuế má, tạp-dịch cho dân Cổ-loa để chuyên lo việc thờ cúng vua An-dương. chiếu-chỉ cổ nhất ban hành vào năm I606 đời Lê-kính-tôn, những Chiếu-chỉ khác vào đời Vĩnh-tộ (I620), Phúc-thái (I649) Cảnh-trị (I673), Chiêu tổ Khang vương (I686), Vĩnh-thịnh (I708) Long-đức (I735) và Vĩnh-hựu (I743).

Theo lời kể của các kì-mục Cổ-loa thì đến đời Quang-trung (I788-I792), dân làng hết được hưởng đặc-quyền này.

Trước đền, cách I00m về phía tay trái có hồ nước hình hơi tròn với đường kính 80m, thời vua An-dương gọi là hồ Liên-trì, nay gọi là hồ Trọng-thủy. Giữa hồ có giếng hình tròn đường kính 40m bờ giếng xây bằng gạch rộng 3m, tục-truyền là nơi Trọng-thủy đã trầm mình sau khi chôn cất Mị-châu. Vì nước giếng rửa ngọc trai trở nên trong sáng nên gọi là giếng ngọc (ngọc-tỉnh). Trong suốt thời Bắc-thuộc và các thời Ngô, Đinh, tiền Lê nước ta có lệ triều cống cho Trung-hoa một hũ nước múc ở giếng ngọc. Đến đời Lý (I009-I225) tục này mới gián đoạn, nhưng về sau, đời Lê trung-hưng khi Nguyễn-công-Hãng đi sứ sang Tầu, nhà Thanh còn đòi Việt-Nam “trong lệ cống phải có hũ nước để rửa ngọc trai lấy ở cái giếng Loa-thành”. 37

Hội đền vua An-dương cử hành mỗi năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài I0 ngày. Hội đền Mị-châu bắt đầu ngày mồng 9 cùng tháng.

Trong thời-gian hội vua, mỗi ngày có tế tại đền rồi có đám rước vua từ đền về đình là nơi để thờ tạm bài vị.

Ngoài đền tại Cổ-loa, có một đền chính khác thờ vua, tục gọi là đền Cuông dưới chân núi Mộ-dạ (Dạ-sơn) xã Hương-ái, huyện Đông-thành (Nghệ-an), Núi Mộ-dạ tục gọi là rú đền Cuông là nơi có rất nhiều chim công mà người ta cho là thiêng không ai dám bắn. 38

Ở làng Yên-hoà (miền Nam Thanh-hoá) có một đền Mị-châu tục gọi là đền công-chúa Ngọc, cạnh đền có suối ngọc (ngọc-khê) và giếng ngọc tục truyền là nơi Trọng-thủy tự tận. Ngoài ra ở một số tỉnh khác ở miền Bắc (Bắc-ninh, Nam-định, Phúc-yên…) còn có một số đền khác thờ vua An-dương và Mị-châu. 39

Làng Cổ-loa không thờ Trọng-thủy. Đền Trọng-thủy ở tại một làng cách Cổ-loa I5 cây số. Triệu-đà cũng có đền thờ chính tại làng Đồng-sâm (xưa gọi là Đường-thâm), tỉnh Thái-bình. 40

BẢN ĐỒ I : SƠ ĐỒ LÀNG VÀ THÀNH CỔ LOA (VĨNH PHÚC)

BẢN ĐỒ II : SƠ ĐỒ XÓM CHỢ VÀ XÓM CHÙA

BẢN ĐỒ III : HOÀNH ĐỒ ĐÌNH VÀ ĐỀN TẠI CỔ LOA (VĨNH PHÚC)

BẢN ĐỒ IV : ĐỀN VUA AN-DƯƠNG

2. LOA-THÀNH, KINH-ĐÔ NƯỚC ÂU-LẠC

A. DI-TÍCH HỌC-VẬT-CỔ

Loa-thành nằm trong biên-giới làng Cổ-loa gồm có 3 vòng tường, đắp bằng đất. Vòng tường trong cùng hình chữ nhật bề dài 500m, bề ngang 350m, bao quanh cung-điện của vua, nay là nơi tọa-lạc của ngôi chùa, ngôi đình Cổ-loa và đền mộ Mị-châu. Vòng tường thứ hai hình thể không đều, chu vi dài đến 6,5 cây số, diện-tích hơn I cây số vuông, có lẽ là nơi tập trận của quân lính vua An-dương vì ở phía Bắc xóm Chợ thấy có một mô đất ngày nay bị san gần phẳng, trên đó có một ngôi miếu nhỏ, ở mặt cửa miếu có ghi chữ “Ngự xạ đài”.

Vòng tường thứ ba hình trái xoan, chu-vi dài I0 km là tuyến phòng-ngự chính của Cổ-loa. Từ Đông sang Tây bề dài là 2,8 km, từ Bắc xuống Nam 2 km. Phía Nam dưới chân thành có con suối chảy quanh.

Ở phía Nam vòng tường này, gần chợ Cổ-loa có một lối vào thành gọi là cửa Nam. Ở phía Tây vòng tường thứ nhì có cửa Tây và ở phía Đông có cửa Đông. Phía Bắc, theo địa-lý, là hướng xấu nên không có cửa. Những cửa thành ngày nay không còn, nhưng chỉ còn 3 ngôi miếu gạch ghi dấu vết xưa.

Ba lớp tường thành lớp nọ cách lớp kia khoảng 200 m, tường hình thang, đáy nhỏ (phần trên) dài 4m, đáy lớn (phần dưới) 20m, chiều cao tối đa là I2 m, dân làng nói là “cao bằng ba ngọn tre”. 41

So sánh Loa thành với những thành cổ khác của nước ta như Luy-lâu (Bắc-ninh), Hồ-thành và An-trường (Thanh-hóa), Bezacier đã kết luận rằng hoành-đồ của các thành này bao giờ cũng theo một công-thức chung: thành gồm có 3 lớp tường, lớp thứ nhất ở trong cùng, hình vuông hay hình chữ nhật, gọi là “thành vua”, giữa có xây cung vua. Bên ngoài lớp “cấm thành” này có hai lớp thành khác hình trái xoan là hai tuyến phòng-ngự cấm thành. Ở giữa hai lớp thành này là miền đất dùng làm nơi tập trận 42. Kiểu hoành-đồ này, cũng như hình “loa” (ốc) của lớp thành thứ nhì và thứ ba phỏng theo các nguyên-tắc chiến-lược ghi trong sách địa-lý của Trung-hoa.

B. GIẢ-THUYẾT HỌC-NGỮ-CỔ VỀ NGUỒN-GỐC TÊN GỌI LOA-THÀNH VÀ THÀNH CỔ-LOA

Sách An-nam chí-lược của Lê-Tắc và sách An-nam chí-nguyện của Cao-hùng-Trưng chép rằng Loa-thành còn có tên là thành Khả-lũ. Dumotier và Đào-duy-Anh nhận-định rằng Khả-lũ với Cổ-loa và đồng âm mà có lẽ Khả-lũ là do Cổ-loa đọc trại ra 43. Vậy Cổ-loa nghĩa là gì?

Theo Đào-duy-Anh, Cổ-loa không có nghĩa là Loa-thành xưa, mà có lẽ là do phiên-âm chữ Kẻ-Loa của dân-gian mà ra. Giả-thuyết Đào-duy-Anh dựa trên những lập-luận học-ngữ-cổ sau đây:

Muốn tìm ý-nghĩa chữ cổ, ta có thể so sánh tên Cổ-loa với những tên Cổ-bôn và Cổ-định. Cổ-bôn là tên một làng ở Thanh-hoá, tục gọi là Kẻ Bôn khi đặt tên chữ đã trở thành Cổ-bôn. Cổ-định là tên một làng khác ở Thanh-hóa tục gọi là Kẻ Nưa (ở làng ấy có núi Nưa), khi đặt tên chữ trở thành Cổ-ninh, sau đổi là Cổ-định.

Đối-chiếu chữ Cổ-loa với lai-lịch chữ Cổ-bôn và Cổ-định, ta có thể đoán rằng tên Cổ-loa hẳn là do tên nôm cũ Kẻ Loa mà ra. Trong tiếng ta, lệ lấy chữ Kẻ ghép với một chữ khác để gọi tên một làng, và chữ thứ hai này thường chỉ một đặc-điểm về địa lý hay kinh-tế của làng ấy, ví-dụ ở Thuận-hoá có làng Kẻ-Trài; Quảng-bình có Kẻ-Hạ; Hà-đông có Kẻ-Mọc (Nhân-mục), Kẻ-Trôi (Lôi-xá), Kẻ-Đơ (Cầm-đa), Kẻ-Vẽ (Ngạc-vĩ), Kẻ-Noi (Nội-duệ); Sơn-tây có Kẻ-Thốn (Thuấn-nội), Kẻ-Thày (Lật-sài), Kẻ-So (Sơn-lộ), Kẻ-Bún (Phúng-thượng), Kẻ-Mía (Cam-giá); Hưng-yên có Kẻ-Xuôi (Thụy-lôi); Hải-dương có Kẻ-Sặt (Tráng-liệt), và những tên làng quen thuộc khác ở Bắc-việt như Kẻ-Mộc, Kẻ-Noi, Kẻ-Vẽ, Kẻ-Chợ (Hà-nội) v.v…

Từ-tùng-Thạch, trong quyển Việt-giang lưu-vực nhân-dân sử cho rằng chữ “Cổ” là chữ phiên âm một tiếng mà dân tộc Choang thường dùng để ghép với một chữ khác làm tên đất, ví dụ tỉnh Quảng-đông có Cổ-đỗ, Cổ-lâu, Cổ-đâu, Cổ-đường; tỉnh Quảng-tây có Cổ-trúc, Cổ-định, Cổ-lạc, Cổ-luyện, Cổ-đinh v.v… Có địa-phương lại đem chữ “Cổ” phiên thành chữ “Quả”: thôn Quả-la được sách Phủ chí chép là Cổ-la. Có địa phương phiên chữ “Cổ” thành chữ “Quá”, “Cô” hay “Ca”.

Chữ “cổ” trong tiếng Choang nghĩa là cái. Từ-tùng-Thạch cho rằng ở Việt-nam xưa cũng thường dùng chữ “cổ” để đặt đứng đầu các tên đất, và ở miền các nước Việt, nước Ngô (các tỉnh Chiết-giang và Giang-tô) có rất nhiều những tên có chữ “câu” – gần với âm “cổ” – đứng đầu như núi Câu-khúc, núi Câu-vô, núi Câu-dư, huyện Câu-dung, nước Ngô xưa gọi là Câu-Ngô, nước Việt có vua tên Câu-Tiễn… Từ-tùng-Thạch nêu những ví-dụ đó để chứng-minh mối quan-hệ giữa người Choang với người Việt xưa và nay.

Chúng ta đã thấy rằng chữ “cổ” trong các tên Cổ-bôn, Cổ-ninh là chữ “kẻ” mà phiên thành chữ Hán, mà chữ kẻ có nghĩa là người, là cái, tương tự với nghĩa chữ cổ ở miền Lưỡng Quảng.

Do đó chữ Cổ-loa có lẽ là do phiên âm chữ “Kẻ Loa” của dân gian mà “Kẻ Loa” tức là người làng có Thành Loa. Nhưng chữ Loa-thành không phải là của dân gian mà là chữ Hán (loa: ốc).

Cái tên Loa-thành xuất hiện ở sách Lĩnh-nam chích-quái của ta có lẽ cũng có từ trước, từ thời nhà Tống do người Tầu đặt ra để gọi thành xưa của vua An-dương mà tục-truyền cho là hình xoáy ốc vì thấy nó có vòng trong vòng ngoài nên tưởng tượng là nhiều vòng như trôn ốc. Do tên Loa-thành của người Tầu đặt, dân gian mới gọi tên làng là Kẻ Loa, thành là thành Kẻ Loa, rồi Kẻ Loa về sau được phiên âm chữ Hán là Cổ-loa. Lê-Tắc khi ở Trung-hoa viết An-nam chí-lược viết Khả-lũ là phiên-âm chữ Kẻ-Loa theo tiếng Tầu: người Tầu có khi phiên chữ “Cổ” thành chữ “Ca” hay “Quá”, “Quả” thì Lê-Tắc phiên chữ “Kẻ” thành “Cổ”, “Cổ” thành chữ “Khả” cũng là hợp lí. 44

C. THÀNH CỔ-LOA QUA CÁC ĐỜI

Loa thành và Kiển-thành – Từ vua An dương qua Mã-viện đến Ngô-quyền.

Sử sách dẫn ở chương I cho biết rằng Loa-thành xây ở Phong-khê. Hai trăm năm mươi năm sau An-dương, thời Mã-viện lại có Kiển-thành cũng xây ở Phong-khê. Đại-việt sử-kí toàn-thư, cho rằng thành ấy có hình như cái kén cho nên mới đặt tên như vậy.

Sách xưa nhất chép về Kiển-thành là An-nam chí nguyên ở thế kỉ XV: Sau khi đánh được hai bà Trưng, Mã-viện chia Tây-bình (Tây-vu) làm hai huyện Phong-khê và Vọng-hải rồi xây Kiển-thành và Vọng-hải-thành để giữ hai huyện, vết-tích nay còn tại huyện Yên-lãng. 45

Đến thể-kỉ XIX, Đại-nam nhất-thống-chí thời Tự-đức có nhắc đến Kiển-thành và nói thêm rằng hiện nay di-tích không còn thấy nữa. 46

Tại sao một thành do Mã-viện xây không được nhắc-nhở đến trong sử sách Tầu cũng như trong An-nam chí-lược? Phải chăng Kiển-thành hay Loa-thành chỉ là một?

Đào-duy-Anh đã đặt giả-thuyết sau đây: “Vua-An-dương sau khi lập nước Âu-lạc đã xây thành ở địa-điểm làng Cổ loa ngày nay; sau khi nước Âu-lạc bị nhà Hán chinh-phục (…) Mã-viện có lẽ nhân thành cũ là căn-cứ lợi hại của nghĩa quân Lạc-việt đã xây thêm và đặt tên mới để giữ huyện Phong-khê mới lập. Có lẽ khi nhà Hán mất rồi và sau khi huyện Phong-khê bị bỏ (…) thì uy danh Mã-viện và của Kiển-thành đã phai lạt mà mất hẳn; trong tâm trí nhân dân Việt-nam chỉ ghi nhớ uy-danh của vua An-dương với chuyện xây Loa-thành (…). Có lẽ di-tích thành Cổ-loa ngày nay có lộn cả di-tích Kiển-thành do Mã-viện xây và di-tích cũ của thành vua An-dương”. 47

Đến đầu thế-kỉ X Ngô-quyền lại sửa sang Cổ-loa lại để làm kinh-đô cho nhà Ngô trong 27 năm (939-965). Như vậy, chính thành vua An-dương đã xây như thế nào, trước khi có sự thêm thắt sửa chữa của Mã-viện rồi của Ngô-quyền thì chúng ta còn phải chờ nhiều cuộc khai quật của học-vật-cổ mới có thể biết rõ được.

3. PHONG-TỤC VÀ TÍN-NGƯỠNG VỀ VUA AN-DƯƠNG – MỊ-CHÂU – TRỌNG-THỦY

Những tài-liệu học-dân-tộc, học-phong-tục và học-tín-ngưỡng sau đây sẽ bổ-túc cho các tài-liệu học-sử, học-vật-cổ và học-ngữ-cổ nêu trên để củng-cố cho cơ-sở lịch-sử của đề-xét vua An-dương, đồng thời tô điểm cho thuyết-truyền vua An-dương – Mị-châu – Trọng-thủy bằng một số mầu sắc hiện-thực.

A. TUNG-TÍCH HÀNH-TRẠNG THỤC-PHÁN TRƯỚC KHI LÀM VUA NƯỚC ÂU-LẠC, QUA THUYẾT-TRUYỀN CỦA DÂN-TỘC TÀY

Tại miền Cao-bằng ngày nay, dân-tộc Tày – mà chúng ta đã thấy mối liên-hệ với dân-tộc Choang, dân-tộc Lạc-việt và dân-tộc ta – có lưu hành một thuyết-truyền về nguồn-gốc các bộ-lạc ở Lĩnh-nam trong đó Thục-Phán đã đóng vai trò chủ-yếu. Thuyết-truyền này chứng-minh nguồn-gốc chung của văn-hóa Lĩnh-nam ở cuối thời khuyết-sử đồng thời bổ-túc cho lịch-sử và thuyết-truyền Việt-nam:

“Từ thuở xưa khi người ta vừa mới biết ánh sáng, biết ăn chín, biết che thân, biết phát rừng trồng lúa, biết đào mương lấy nước, biết dựng nhà che mưa nắng thì người ta cũng tụ-tập thành bản mường, nhưng mỗi mường ở độc-lập một phương.

“Về sau người ta tụ-tập đông hơn, nhiều mường họp lại thành xứ, mỗi xứ có một chúa trông coi. Các xứ họp lại thành bộ, đứng đầu là vua chủ-trương mọi việc, đặt chữ cho dân, vỗ về dân khiến họ làm ăn yên ổn. Vua tốt thì dân nhờ, vua ác thì dân nổi loạn, vua mạnh thì bờ cõi yên lành, vua không được dân phục thì phải nhường ngôi cho người khác.

“Ở phía Nam nước Tầu, đầu Tả giang, về gần nước Văn-lang có bộ Nam-cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục-chế tức vua An-trị đứng đầu đóng đô ở Nam-bình (Địa-danh đại-tự-điển của Trung-hoa cho rằng châu Nam-bình hiện nay ở trên lãnh-thổ Việt-nam).

“Châu Nam-bình do 9 xứ hợp thành. Các xứ cứ ba năm triều cống vua Thục một lần. Chín xứ ấy là: Thạch-lâm, Hà-quảng, Bảo-lạc, Thạch-an, Phúc-hòa, Thượng-lang, Quảng-nguyên, Qui-sơn, Thái-ninh (tức là phủ Thái-bình tỉnh Quảng-tây). Từ lúc vua An-trị lên ngôi, nhân-dân yên ổn, chín xứ đều thần-phục cho nên dần dần trở nên hùng-cường. Nước Trung hoa mấy lần xâm-lăng đều bị đánh lui, rồi từ đấy không dám quấy nhiễu nữa, hai bên kết tình giao-hảo.

“Thục-Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục-Phán mới lên I0 tuổi, cháu họ là Thục-Mô tạm lên cầm quyền. Chín chúa nghe tin ấy tưởng Thục-Mô cướp ngôi bèn kéo quân về bao vây kinh-đô. Thục-Mô sợ phải giao quyền lại cho Thục-Phán, các chúa mới chịu yên. Thục-Phán còn nhỏ sợ bị các chúa lấn át, nói rằng: Nay trong bộ có I0 xứ, chín chúa giữ 9 xứ, còn lại một xứ cho vua, như vậy thì đâu có phải là vua. Nay hãy thi tài, ai có tài hơn người mà thắng tất cả mọi cuộc thì ta xin nhường ngôi để cai-trị cả bộ. Các chúa nghe theo. Thục-Phán bèn tổ chức I0 cuộc thi tài:

  1. Đấu võ
  2. Làm nghề tốt, việc nhanh
  3. Sang Trung-hoa lấy trống rồng
  4. Bắn cung trúng lá đa
  5. Làm một nghìn bài thơ
  6. Nhổ mạ Phiêng-pha (gần Tinh-túc) cấy ruộng Tổng-chúp (Cao-bằng)
  7. Đóng thuyền rồng
  8. Đẽo đá làm cuốc
  9. Nung vôi gạch xây thành
  10.  Mài lưỡi cầy thành kim

“Trong các cuộc thi ấy Thục-Phán đều dùng kế mĩ-nhân để phá không cho chúa nào thắng được nên cuối cùng Phán được các chúa tôn làm vua. Thục-Phán ra sức củng-cố cơ-đồ nước Nam-Cương, làm cho dân giầu nước mạnh.

“Bấy giờ nước Văn-lang láng giềng đang suy-yếu, nhân dân xiêu-tán đói-rét, quân lính lười-biếng, các tướng chỉ thích rượu thơ. Thục-Phán nhớ lại đời vua trước đất nước nhiều lần bị nước Văn-lang uy-hiếp, cho rằng nay đã đến lúc phục thù, bèn cất quân sang đánh. Vua Hùng nhu-nhược bại-vong. Thế là nước Văn-lang bị gồm làm một với nước Nam-cương. Thục-Phán đặt tên nước là Âu-lạc, đóng đô ở Loa-thành. Từ đó bốn phương yên ổn”. 48

B. ĐỀ TÀI RÙA VÀNG VÀ SỰ CÓ MẶT CỦA RÙA THẦN TRONG THOẠI-THẦN, THUYẾT TRUYỀN VÀ DÃ-SỬ VIỆT-NAM

Thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu, Trọng-Thủy được chép trong sách Lĩnh-nam chích-quái dưới nhan đề là “Truyện Rùa vàng” như muốn nhấn mạnh trên tầm quan-trọng của con vật này. Thật ra đề-tài Rùa, và nhất là Rùa thần là một đề-tài rất quen thuộc trong nền văn-chương truyền miệng, trong dã-sử và trong tín-ngưỡng Việt-nam.

a) Con rùa trong thoại-thần Việt-nam

Trong kho tàng thoại-thần Việt-Nam, thần biển đội lốt rùa. Sau đây là thoại-thần biển kể theo dân miền biển ở Thanh-hóa: “Hồi xưa có một vị thần đội lốt một con rùa. Thân hình thần rất to lớn, to lớn không thể nào ước lượng được. Thần nằm yên lặng một nơi ở ngoài biển Đông rất xa xôi, không ăn uống, không làm lụng, không ngủ. Có thể nói thần không to lớn thêm mà cũng không chết đi. Thần chỉ có mỗi một công việc là hô-hấp để sống. Mỗi lần hít vào thì nước biển tuôn vào họng, mỗi lần thở ra thì khối lượng nước đó lại ụa ra hết. Thần thở khi nhẹ khi mạnh nhưng rất đều. Cứ mỗi lần hô-hấp như thế thì biển có hiện tượng thủy triều dâng lên rút xuống. Thần yên lặng nhưng cũng có đôi khi mỏi mệt, phải cựa quậy. Mà mỗi lần vùng vẫy là có gió to bão nước lớn dâng tràn ngập mọi nơi, người trên mặt đất vẫn gọi là sóng của thần hay sóng thần”. 49

b) Con rùa trong thuyết-truyền Việt-nam

Trong “Truyện Rùa vàng” chép ở sách Lĩnh-nam chích-quái ta thấy Con Rùa vàng từ phía Đông bơi trên mặt sông tới tự xưng là giang-sứ, biết nói tiếng người, nói chuyện về việc tương-lai, hiện ra trước vua An-dương. Đây là lần đầu tiên, nhưng không phải là lần độc nhất mà rùa thần giúp vua chúa xây dựng nên sự nghiệp.

– Truyện Rùa Vàng giúp vua Lí-Thái-Tôn (I028-I054), khôi phục ngai vàng: Đầu thế-kỉ XI, sau khi vua Lí-thái-Tổ mất, các em vua Lí-thái-Tôn toan cướp ngôi vua. Vua chạy trốn và ẩn-núp trong một cái động ở Tuyên-quang. Rùa Vàng hiện lên trong giấc ngủ của vua, hứa giúp vua khôi phục lại ngôi báu. Sau khi đã thành-công, vua nhớ ơn phong cho Rùa Vàng tước hiệu Mô-sơn Minh-phúc Đại-vương và hiện nay tại làng Nghiêm-sơn tỉnh Tuyên-quang có miếu thờ Rùa Vàng. 50

– Truyện Rùa vàng và Hồ hoàn-kiếm: Vào đầu thế-kỉ XV giặc Minh đặt ách đô-hộ ở Việt nam thi-hành nhiều điều bạo-ngược. Thấy vậy Long-quân quyết-định cho người Việt mượn thanh gươm thần để giết giặc và người được thanh gươm là Lê-Lợi.

Sau khi đuổi được giặc Minh, một hôm vua Lê-thái-Tổ cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh thành. Long-quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi thuyền vua ra giữa hồ tự nhiên có con rùa to lớn nhô mình lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng lên và thấy lưỡi gươm thần đeo bên mình tự nhiên cử động Rùa Vàng không chút sợ sệt, nhô hẳn lên mặt nước và tiến về phía thuyền vua, ngóng cổ nói: “Bệ-hạ hoàn gươm lại cho Long-quân”.

Nghe nói thế vua bỗng hiểu ra và thò tay rút gươm khỏi bao. Chỉ một lát, thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía Rùa Vàng; nhanh như cắt, đầu rùa ngước lên hé miệng đớp lấy ngang lưỡi gươm. Cho đến khi cả gươm và rùa lặn xuống người ta thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước xanh.

Từ đó hồ Tả-vọng mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn-kiếm ở giữa có tháp thờ Rùa Vàng gọi là tháp Rùa. 51

°°°

So sánh thuyết-truyền vua An-dương với một số thuyết-truyền khác miền Nam nước Tầu, miền Đông Bắc Ấn-độ, và miền Ấn-độ chi-na, Przyluski đã đi đến kết-luận rằng các thuyết-truyền này đều có một đề-tài chung là: một trong những lực-lượng linh thiêng phù trợ cho anh-hùng hào-kiệt là lực-lượng xuất-phát từ cõi nước, dưới hình thức cá, rồng, rắn nước hay rùa. Và đề-tài này là một đề-tài đặc-biệt chỉ thấy trong thuyết-truyền các dân tộc sống gần sông biển ở vùng Đông-Nam-Á chứ không thấy có trong thuyết-truyền Trung-hoa hay Ấn-độ là những dân tộc sống ở lục-địa. 52

  1. c) Con rùa trong dã sử Việt-nam

Đề tài rùa thần còn thấy trong dã-sử Việt-Nam thời thượng cổ. Sách Cương-mục tiền-biên của Kim-lý-Tường và sách Thông-chí của Trịnh-Tiểu chép: Đời Đường Nghiêu (2357 trước C.N.) nước Việt-Thường hai lần sứ dịch sang chầu dâng con rùa thần, có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn 3 thước, trên lưng có văn-khoa-đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch Rùa (Qui-lịch). 53

Nhìn chung, thoại-thần, thuyết-truyền và tích cổ Việt-Nam nói nhiều về rồng và rùa. Rùa vừa là vật ở cạn ở nước tuy chậm chạp nhưng sống lâu, có sức mạnh, được dân chúng coi là vật thiêng biết tiên-tri. Trong tín-ngưỡng bình dân, rùa là một trong 4 vật linh (tứ-linh): long, li, qui, phụng. Trong các ngôi đình và ngôi đền, hai bên án-hương thường có cặp phụng hay cặp hạc chầu, đứng trên lưng rùa.

C. NỎ THẦN VÀ TÀI SỬ-DỤNG CUNG NỎ CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA

Thuyết-truyền kể rằng thần Rùa Vàng cho vua An-dương một cái móng làm lẫy nỏ.

Ở Cổ-loa tục truyền rằng sau khi hoàn thành nỏ thần vua An-dương bắn thử 4 phát tên đi rất xa, phát thứ tư đến tận làng Kim-nỗ, cách Cổ-loa I5 cây số. Rõ ràng thuyết-truyền địa phương ca ngợi tài bắn cung nỏ của dân Lạc-việt. 54

Sử sách Tầu có ghi chép rõ ràng về điểm này:

– Sách Thủy-kinh-chú ghi lại lời tâu của Mã-viện gởi Hán-quang Võ-đế (25-57): “(…) Thần đem hơn vạn người Lạc-việt quân quen chiến đấu, có hơn hai nghìn người cung khỏe tên sắc bắn một lần mấy phát, tên bắn ra như mưa, trúng ai nấy chết”. 55

– Sách Bắc-vật-chí chép: “Giao-châu-di gọi là người Lý (một tên gọi khác của người Việt). Cung của người Lý dài vài thước, tên dài hơn một thước, dùng đồng tốt làm đầu mũi tên, đầu mũi tên có bôi thuốc độc, tên trúng vào người nào người ấy tất chết”. 56

– Ở Quảng-đông, Quảng-tây cũng có lưu-hành một thuyết-truyền khác về nỏ thần, chép trong Việt-kiệu-thư: “Người Đông-man xưa ở nước Nam-việt (chỉ nước Âu-lạc đã bị nước Nam-việt áp phục) về thời Tần rất mạnh; về phép dùng nỏ thì lại càng giỏi lắm, mỗi phát tên bằng đồng xuyên qua hơn chục người. Triệu-đà lo sợ. Vua Man có con gái là Lan-trân đẹp và xinh, lại giỏi nghề làm nỏ. Triệu-đà sai con sang ở rể, không đầy 3 năm học được phép chế nỏ và phá nỏ rồi đem quân đến đánh bắt vua Man đem về”. 57

Gần đây, năm I959, một kho tên đồng được phát hiện ở ngay chân thành Cổ-loa, nặng đến gần I00 cân (khoảng I vạn chiếc tên) là một trong những kho tên giầu nhất thế giới. Tên đồng đào được nhiều nơi tại Bắc-việt và miền Bắc Trung-việt (Vĩnh-phúc, Thanh-hóa, Núi Sỏi…) 58

Tuy chưa có căn-cứ vững chắc để định niên-đại cho những mũi tên này vào thời vua An-dương, nhưng phát-hiện đó đã góp phần khẳng-định tài-năng chế tạo cung nỏ của dân Việt trong thời cổ. 59

Nỏ là một sự kiện văn-hóa vật-chất đặc-biệt của một số dân tộc: theo P. Huard và M. Durand, dân tộc Trung-hoa và Mông-cổ quen sử-dụng cung tên còn nỏ và ống thổi là hai thứ khí giới cổ-truyền của các dân-tộc Đông-Nam-Á không chịu ảnh hưởng Trung-hoa. 60

Ở Việt-nam nỏ là khí giới cổ-truyền của những dân-tộc thiểu-số miền Bắc-việt cũng như miền Tây-nguyên. Trong cuộc thi võ-nghệ tổ-chức dưới thời đại quân chủ ở nước ta có nghề bắn nỏ. Sách Lịch-triều hiến-chương loại-chí của Phan-huy-Chú chép: “Trong phép thi võ-nghệ thì bắn cung là một nghề, bắn nỏ là một nghề, dùng mộc là một nghề, ba nghề đều đỗ thì được cấp toàn bổng. Ai không đỗ thì bị giảm bổng theo bực. Bộ binh thì chuyên nghề bắn cung, thủy binh chuyên nghề bắn nỏ, ba năm tổ chức thi cung nỏ một lần”. 61

Trong nghệ-thuật quân-sự Trung-hoa việc sử-dụng nỏ là điều hiếm có, mặc dù người Tầu biết đến nỏ (có lẽ mượn của các dân “man di”). Sử sách Trung-hoa ít nói đến nỏ. Trong sách Tam-quốc-chí diễn-nghĩa có ghi truyện nỏ liên-châu. Khổng-Minh (Gia-cát-Lượng) lúc sắp chết trối lại với Khương Duy: “Ta có phép bắn nỏ liên-châu chưa từng dùng đến bao giờ, phép chế tên bắn nỏ ấy mỗi cái tên dài 8 tấc, mỗi cái nỏ bắn luôn I0 cái tên, ta đã vẽ đồ bản, ngươi theo đúng phép chế tạo mà dùng”. 62

Nhưng về sau không thấy Khương-Duy sử dụng khí giới này. Đoạn này, tuy trích từ một quyển tiểu-thuyết lịch-sử, chứng-minh rằng nỏ khá xa lạ với nghề võ ở Trung-quốc trong khi ấy nỏ rất thịnh hành ở nước ta.

D. TÊN MỊ-CHÂU VÀ VAI TRÒ CỦA NGỌC TRONG XÃ HỘI CỔ

Theo sự nghiên-cứu của Trần-quốc-Vượng thì Mị-châu là một tên gọi rất có ý-nghĩa. Về chữ “Mị”, ta biết rằng, theo Lĩnh-nam chích-quái (Truyện Hồng-Bàng) các con gái vua Hùng đều gọi là “mị nương” (hay mệ nàng). Mị-nương là tên chung, và gần đây con gái các quan lang Mường vẫn được gọi là “bà nàng”, “cô nàng”), Tiếng Việt có mệ, nàng, nường, cô nương, cô nàng. Nhiều tục-ngữ ca-dao ta nói đến “nõ-nường” (hay nọ-nàng) và nhiều làng miền Bắc có tục thờ nõ-nường (dương-vật và âm-vật). Như vậy, về mặt học-nguồn-tiếng, nường chỉ “cái ấy” của đàn bà. Ở thời cổ và cả đến ngày nay người ta gọi con trai hay con gái theo cái giống: ở nông thôn có tục đặt tên cho con là thằng cu, cái đĩ (có khi dùng tiếng tục hơn), ở Thanh-hóa, Nghệ-an người ta vẫn gọi đôi vợ chồng nào đó là anh cò, chị cò hay ông dái, bà dái nếu họ sinh con trai đầu lòng và anh hĩm, chị hĩm, ông bẹp, bà bẹp nếu họ sinh con gái đầu lòng.

Vậy tên mị hay mị-nương không phải là tên riêng; ban đầu nó dùng để chỉ con gái nói chung, về sau tên đó chuyên chỉ con gái nhà giầu hay quí-tộc, như con nhà lang của dân Mường chẳng hạn. Sách Quế-hải ngu-hành-chí (phần Man-chí) chép rằng vợ các tù-trưởng dân-tộc Choang ở Quảng-tây xưa kia đều gọi là “mị-nương” 63. Sách Lĩnh-ngoại đại-đáp chép rằng phương ngôn Quảng-tây gọi mẹ là “mễ nang” 64. Rõ ràng mị-nương hay mễ-nang chỉ là tên phiên âm của tiếng Việt cổ, tương tự chữ mệ-nàng trong tiếng Việt-Mường hiện đại.

Tóm lại chữ mị trong Mị-châu không phải là tên đệm cũng không có nghĩa là đẹp đẽ, thùy mị, đáng yêu. Nó là tên chung chỉ đàn bà, tương đương với các chữ cô, ả, nàng… ngày nay. Chỉ có chữ Châu là tên riêng.

Châu nghĩa là ngọc (ngọc châu, châu báu). Trong thuyết truyền có nói đến việc máu Mị-châu biến thành ngọc. Đây là một ví-dụ về việc nhân cái nghĩa của một tên riêng mà xây dựng một số tình-tiết của cốt truyện, như ta thường thấy trong nhiều truyện dân-gian Việt-nam.

Việc vua An-dương đặt tên cho con gái mình là Châu cũng phản-ánh một tục cổ của người Việt. Sách Thuật-dị-kí chép: “Tục người Việt cho ngọc châu là quí nhất vì vậy khi sinh con gái người ta thường đặt tên là nàng Châu, sinh con trai thì đặt tên là cậu Châu” 65. Tục này gắn liền với một sự-kiện sinh-hoạt quan-trọng của dân Việt xưa. Thủy-kinh-chú chép rằng: “Xưa đất Giao-chỉ có nhiều sản vật quí, ngọc minh cơ, lông trả, sừng tê (…)” 66. Nhà Tần vì hám đất Việt có nhiều ngọc nên muốn xâm-lược để cướp lấy. Thời đó một phần nhân-dân Việt chuyên làm nghề khai thác ngọc. Đất Hợp-phố thuộc Giao-chỉ (nay là bán đảo Hợp-phố thuộc Quảng-đông) có chợ ngọc, các lái buôn nước Tầu và nước ngoài qua lại Giao-chỉ mua bán ngọc rất đông. Thời Bắc thuộc dân ta phải cống ngọc cho nhà Hán, nhà Đường… Có lúc ngọc ở Hợp-phố bị vét sạch mãi sau mới xuất hiện lại. Vì thế có điển-tích văn-chương “châu về Hợp-phố”. Thời Minh, nhân dân ta phải mò ngọc để nộp cho quân xâm lược. Và ngày nay các cuộc khai-quật khảo-cổ cũng phát-hiện được nhiều ngọc trong các ngôi mộ cổ của ta.

Xem đó ta thấy người Việt cổ có lối đặt tên người khá đặc-biệt, khác với lối đặt tên người kiểu Trung-hoa. 67

Thuyết-truyền kể rằng Mị-châu chết rồi, trai sò ăn phải máu nàng, máu biến thành ngọc. Nay ở núi Mộ-dạ (Nghệ An) có đền vua An-dương, gần đó có bãi Bạng-cáp hay bãi Sò là nơi có những đống vỏ trai chồng chất cao 4, 5 thước, người ta lấy đem phơi nắng để làm gạch làm đá tảng hay đắp thành hình voi ngựa để cúng vào các miếu đền. 68

E. ÁO LÔNG NGỖNG CỦA MỊ-CHÂU VÀ TỤC KIÊNG ĂN THỊT NGỖNG Ở CỔ-LOA

Thuyết-truyền kể rằng Mị-châu có chiếc áo lông ngỗng thường khoác trên mình. Nàng hẹn với Trọng-thủy rằng sẽ rắc lông ngỗng trên đường làm dấu tìm nhau khi loạn lạc. Và dấu lông ngỗng đã đưa hai cha con vua An-dương đến bước đường cùng.

Ngày nay hằng năm đến ngày hội đền Mị châu (mồng 9 tháng Giêng) nhân dân vùng Cổ-loa vẫn kiêng giết thịt ngan, ngỗng.

Người Việt xưa có tục dùng lông ngan, ngỗng làm chăn, áo. Sách Bắc-hộ-lục chép: “Từ Ung-châu trở xuống phía Nam, các tù-trưởng cường-hào phần nhiều hay luyện lông ngỗng làm chăn, ấm và mềm không kém gì bông vải cả” 69. Sách Lĩnh-biểu lục-di cũng chép: “Các nhà tù trưởng ở Lĩnh-nam phần nhiều hay chọn những lông nhỏ của ngan ngỗng đem chần cùng bông vải để làm chăn (…) Tục nói rằng lông ngỗng mềm và ấm nhưng tính lạnh nên làm chăn đắp cho trẻ con để phòng chứng sài giật” 70. Sách Lĩnh-ngoại đại-đáp chép: “Người Man mùa đông lấy lông ngỗng, bông vải, mùa hè lấy tơ chuối, tre, gai, đay để may dệt làm áo”. 71

Trên các trống đồng, thạp đồng và nhiều vật cổ bằng đồng khác đào được ở Bắc-việt, thuộc niên-đại một vài thế-kỉ trước và sau Công-nguyên ta thấy nhiều hình người hóa trang bằng lông chim: đội mũ, mặc áo bằng lông chim.

Như vậy, sách sử và tài liệu học-vật-cổ đều khẳng-định tục may chăn áo bằng lông ngan, ngỗng của người Việt xưa, và chiếc áo lông ngỗng của Mị-châu, cũng như nhiều hình-tượng khác của thuyết-truyền đều dựa trên cơ-sở hiện-thực minh-chứng qua truyền-thống tập-tục của ta. 72


CHƯƠNG III : TỪ LỊCH SỬ ĐẾN THUYẾT-TRUYỀN

  1. Thuyết-truyền theo “LĨNH-NAM CHÍCH-QUÁI”
  2. Thuyết-truyền theo “THIÊN-NAM NGỮ-LỤC”
  3. Thuyết-truyền của địa phương Cổ-loa

Câu chuyện vua An-dương xẩy ra trong lịch-sử vào cuối thế-kỉ III trước Công-nguyên nhưng phải đợi đến cuối thế-kỉ XIV sau Công-nguyên mới thấy thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy được ghi chép đầy đủ nhất, dưới hình-thức phổ-quát nhất trong sách Lĩnh-nam chích-quái, với những hình tượng quen: Loa-thành, rùa vàng, gà trắng, nỏ thần, giếng nước, ngọc trai. Đến thế-kỉ XVII, sách Thiên-nam ngữ-lục, cũng là một tác-phẩm sưu-tập thuyết-truyền và tích-cổ dân-gian như Lĩnh-nam chích-quái nhưng viết bằng thơ lục-bát, ghi lại một hình-thức khác của thuyết-truyền, ít phổ-biến hơn nhưng mang nhiều chi-tiết độc-đáo. Còn nhân-dân vùng Cổ-loa thì họ có thuyết-truyền khác với hai hình-thức vừa kể trên, một thuyết-truyền gắn liền với tích-thần, với di-vật tín-ngưỡng, và tập-tục địa-phương.

I. THUYẾT-TRUYỀN VUA AN-DƯƠNG, MỊ-CHÂU, TRỌNG THỦY THEO SÁCH “LĨNH-NAM CHÍCH-QUÁI”

Sách LĨNH-NAM CHÍCH-QUÁI, Truyện Rùa vàng chép:

Vua An-dương nước Âu-lạc là người ở Ba-thục, họ Thục tên Phán nhân việc tổ-tiên cầu hôn với con gái vua Hùng là Mị-nương không được nên sinh ra hàm oán, Phán muốn hoàn-thành ý-chí tổ-tiên nên cử binh đánh vua Hùng, diệt nước Văn-lang cải hiệu là Âu-lạc, đắp thành ở đất Việt-thường, thành đắp xong lại sập. Vua mới lập đàn trai giới cầu đảo 3 tháng.

Ngày mồng 7 tháng 3 bỗng thấy một cụ già theo phương Tây mà đến thẳng cửa thành vừa đi vừa than rằng: “Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong”.

Vua bước vào cung lạy và khóc rằng: “Tôi đắp thành này đã xong lại đổ hao tổn công sức mà rồi không thành là tại sao?”

Ông già đáp: “Ngày nào có sứ-giả Thanh-giang cùng đắp với vua thì thành ấy mới xong. Nói đoạn cáo từ”.

Rạng ngày vua đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con Rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại. Rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là sứ-giả Thanh-giang, biết rõ lẽ trời-đất âm-dương quỉ-thần. Vua mừng nói rằng: “Điều đó ông già đã báo cho ta rồi”.

Bèn sai lấy mâm vàng để Rùa lên rước vào trong thành, mời ngồi trên điện hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được.

Rùa vàng nói: “Ở đây có tinh-khí núi sông, con vua trước phụ vào để báo thù nước. Lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu-tinh ẩn ở núi Thất-diệu, trên núi có con quỉ, vốn là hồn của một nhạc công chôn cất ở đấy. Cạnh núi có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ. Chủ quán tên là Ngộ-không có một đứa con gái và một con gà trắng là dư-khí của quỉ thần. Hễ có người khách nào qua lại đấy ngủ nhờ thì quỉ tinh hoá ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc nó lại hóa ra cái thư sai chim cú ngậm thư bay lên tâu với Thượng-đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, vua lập tức thu lấy tất nhiên thành đắp mới xong”.

Rùa vàng bảo vua giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vua để Rùa trên ngưỡng cửa. Chủ quán nói: “Quán này có yêu tinh, đêm thường giết hại người. Lang quân không nên ở lại. Vả bây giờ trời cũng chưa tối nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa”.

Vua cười rằng: “Sinh tử có số mệnh, quỉ tinh làm gì được ta”. Mới ngủ lại đó. Trong đêm có quỉ tinh đến ngoài kêu rằng: “Ai ở trong nhà phải mở cửa ra mau”.

Rùa vàng mắng rằng: “Cửa đóng thì mày làm gì nào?”

Quỉ tinh phóng hỏa tan ra vạn trạng muôn hình để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào nhà được.

Đến lúc gà gáy quỉ tinh đều chạy tan. Rùa vàng bảo vua đuổi theo đến núi Thất-diệu, quỉ tinh rút về hết cả. Vua trở lại quán trọ. Sáng ngày chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy vua ngồi đó nói cười như không có gì cả. Chủ quán bước tới vái lạy nói rằng: “Lang quân được như thế là thánh-nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh”.

Vua bảo: “Hãy giết con gà trắng của nhà ngươi mà tế thì quỉ tinh sẽ tan hết”.

Chủ quán giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào ra chết. Vua lập tức bảo người đào núi Thất-diệu, được một số nhạc khí cổ và hài-cốt sai đốt thành tro quẳng ra sông.

Lúc bấy giờ trời đã gần chiều. Vua cùng Rùa vàng leo lên núi Việt-thường, quỉ tinh hóa ra chim cú ngậm thư bay lên cây chiên đàn. Rùa vàng hóa ra con chuột bò theo sau lưng cắn chân chim, thư rơi xuống đất. Vua lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi. Từ đó quỉ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.

Thành xây nửa tháng thì xong, rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc nên gọi là Loa-thành, còn gọi là thành Tư-long, người đời Đường gọi là thành Côn-lôn, lấy lẽ rằng nó cao lắm. Rùa vàng ở lại 3 năm rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần thành đã xây được, nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”.

Rùa vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã-tắc an nguy đều do mệnh trời, vua có thể tu đức mà kéo dài thời vận. Song vua ước muốn ta có tiếc chi”.

Bèn tháo vuốt đưa cho vua mà nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”.

Dứt lời trở về biển Đông. Vua sai Cao-lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy gọi là Linh-giang Kim-qui Thần-cơ.

Về sau Triệu-vương là Đà cử binh Nam xâm cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn không dám đối chiến, bèn xin hòa. Vua cả mừng hẹn rằng phía Bắc sông Tiêu-giang thuộc Triệu-đà cai-trị, phía Nam thì vua cai-trị. Không bao lâu Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị-châu cho con trai Đà là Trọng-thủy. Trọng-thủy dỗ Mị-châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm cái lẫy nỏ giả thay vuốt Rùa vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha. Nói rằng: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể rứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?”

Đáp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết, thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu nhau”.

Trọng-thủy mang lẫy-thần về nước. Đà được lẫy cả mừng bèn cử binh sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói: Đà không sợ nỏ thần sao?

Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, lẫy thần đã mất bèn bỏ chạy. Vua đặt Mị-châu ngồi đằng sau ngựa rồi cùng nhau chạy về phương Nam. Trọng-thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ bể đường cùng, không có thuyền qua bèn kêu rằng: Trời hại ta, sứ Thang-giang ở đâu mau mau lại cứu.

Rùa vàng hiện lên mặt nước thét lớn: Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó. Vua bèn tuốt kiếm chém Mị-châu. Mị-châu khấn rằng: Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung-hiếu mà bị người lừa dối thì chết sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù.

Mị-châu chết ở biển, máu chẩy xuống nước trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu.

Vua cầm sinh-tê bẩy tấc, rùa vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống bể. Đời truyền rằng nơi đó là đất Dạ-sơn, tổng Cao-xá, phủ Diễn-châu.

Quân Đà kéo tới đây không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị-châu. Trọng-thủy ôm xác vợ đem về táng ở Loa-thành, xác biến thành ngọc-thạch. Mị-châu đã chết, Trọng thủy thương tiếc vô cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị châu bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò ngọc trai lấy nước giếng này mà rửa thì trong sáng, nhân kiêng tên Mị-châu cho nên gọi ngọc minh-châu là đại-cửu và tiểu-cửu. 73

2. THUYẾT-TRUYỀN VUA AN-DƯƠNG, MỊ-CHÂU, TRỌNG-THỦY THEO SÁCH “THIÊN NAM NGỮ-LỤC”

Sách THIÊN-NAM NGỮ-LỤC, Thục-kỉ An-dương-vương, chép:

Thuở ấy vua An-dương, người đất Ba-thục là một đấng anh hùng có tài lực. Vua thấy cơ nghiệp họ Hùng đổ nát liền từ Vân-nam cất quân đến đóng ở bãi Cầu-sa (Đông-ngàn). Vua Hùng thì cự-địch ở ngã ba Việt-trì. Vua An-dương bàn mưu với hai tướng là Cao-lỗ và Lạc-hầu, định làm bè lẻn đem quân sang sông để công-phá quân vua Hùng.

Trong khi chờ đợi thi hành mưu-kế đó thì vua An-dương cho đắp thành để làm nơi căn-cứ. Công việc xây thành có tướng trời phù-trợ nhưng lại bị tinh gà trắng quấy rối: hễ nó thấy tiên-nữ đến đắp thành là nó gáy te-te để bầy tiên ngỡ sáng bay về thượng thiên. Thấy vậy vua An-dương phải trai giới để cầu sự giúp đỡ của trời đất. Thần Rùa vàng hiện lên nói lí do vì sao thành không xây được và bầy cách trừ tinh gà trắng. Trước khi biến đi Rùa vàng lại còn cho vua một cái vuốt để giữ nước. Vua sai Cao-lỗ đem vuốt làm lẫy nỏ; nỏ được gọi là nỏ Linh-quang, dùng nó mà bắn tên thì hiệu-lực ghê gớm:

“…Lửa cháy hào quang ngất trời

Bể sôi sục sục, non dời mênh mênh”

Nghĩa là nỏ thần của vua có sức tác động mạnh mẽ đến cả núi cao biển cả.

Vua An-dương đem quân tiến đánh vua Hùng. Vua Hùng chỉ chống đánh mặt trước, không ngờ mặt sau cũng bị tập kích phải nhảy xuống giếng sâu. Vua An-dương từ khi thắng trận định đô ở Cổ-loa, các nơi đều về qui-tụ. Vua trị vì được 50 năm thì có Triệu-đà sang gây hấn. Triệu-đà vốn là thuộc tướng của Nhâm-hiêu; nhân khi Tần suy và Nhâm-hiệu già cả Triệu-đà rắp tâm chống Tần, đánh vua An-dương để gây cơ nghiệp. Vì sợ nỏ thần của vua nên Triệu-đà phải bàn bạc với tả hữu. Con là Trọng-thủy liền hiến kế: vua Thục có con gái là Mị-châu đương tuổi dậy thì, ta nên cho người cầu hôn. Tôi xin vào ở rể, làm con tin để mưu đánh bại vua An-dương. Triệu-đà y theo kế ấy, cho người đến nói với vua An-dương. Vua ưng-thuận, ý cũng muốn cho hai nước hòa-hảo.

Mị-châu yêu Trọng-thủy, hết đạo thờ chồng. Còn Trọng-thủy thì là đứa gian-hùng, giả vờ chiều chuộng Mị-châu rất khéo léo, hết sức tỏ lòng yêu vợ. Năm sau Mị-châu sinh được một con trai, vua An-dương rất yêu quí cháu, định sau này sẽ để lại cơ nghiệp cho cháu.

Tin con gái, vua giao cho Mị-châu trông giữ nỏ thần. Trọng-thủy thấy vua sống lâu, nóng lòng muốn lập công với cha bèn làm cái lẫy giả, rồi nói ngon nói ngọt với Mị-châu, những là mừng cho vợ chồng sum họp, mừng cho con trai lớn sẽ thay ông, cần phải giữ gìn cẩn thận cái nỏ thần, nên để cho Trọng-thủy cũng được trông nom nỏ thần. Mị-châu tin chồng, đem nỏ cho Trọng-thủy xem. Trọng-thủy liền tráo lấy lẫy thiêng rồi lại giả đò dặn Mị-châu phải gói nỏ lại cất giữ kĩ-lưỡng. Đêm hôm ấy Trọng-thủy giả nằm chiêm bao thấy đất Phiên-ngung có việc binh đao, rồi lại bảo người tâm phúc phao tin là có người ở bên Phiên-ngung đến báo rằng Triệu-đà bị quân Tần đến tấn công, cần có Trọng-thủy về để cùng coi giữ. Mị-châu tin là thật và nghĩ rằng: Cha chồng cũng như cha sinh, phải để Trọng-thủy về, nhưng chỉ mong chong chóng biết được tin lành dữ. Trọng-thủy nói: Tôi về chắc lâu, xin đừng quên nghĩa vợ chồng, tôi sẽ đem con về, nếu sau này ra sao thì nó cũng được đất Quảng-đông. Sáng hôm sau Trọng-thủy vào xin vua An-dương để về, nói rằng: Nếu thua sẽ xin quân cứu viện. Vua tiễn tặng bạc vàng.

Trọng-thủy về đến sông Đại-bàng, đêm nằm ngủ bỗng thấy vuốt rùa vụt rơi xuống sông. Thực là của trời, trời lấy. Triệu-đà thấy con về, bàn với chư tướng: Hán đã thay Tần, Hán chưa kịp dòm ngó tới ta. Vua An-dương thì tuổi đã già, Cao-lỗ, Lạc-hầu có hiềm khích với nhau và có ý hại nhau. Nay là lúc thời-cơ đã đến, đấng nam-nhi sinh ra ở đời thấy cờ đến tay thì phải phất, nếu không thì sẽ đề lỡ mất cơ-hội lập nghiệp.

Bèn đem mười vạn quân thẳng tới Cổ-loa. Thư cấp báo đến vua Thục. Vua mắng Trọng-thủy là đứa nghịch-thần. Trong khi đó Trọng-thủy lại khôn ngoan cử người can-đảm lẻn vào dinh Thục nói với Mị-châu rằng: Nghe tin cha bị nạn vội về, không ngờ Triệu-đà nghe lời súc-siểm khởi quân đánh Thục, lại sợ Trọng-thủy thương vợ bỏ trốn về Thục nên đã giam một nơi. Trọng-thủy rất nhớ vợ và nhắn nàng hễ quân chạy đến đâu thì rắc lông ngỗng làm dấu để Trọng-thủy có thể theo tìm được. Mị-châu thương cảm trả lời: Xin Trọng-thủy cứ giữ cho trọn đạo phu-thê, còn riêng về nàng thì nàng xin cứ hết lòng. Thục mà thắng thì nàng cũng mừng cho cha, ví bằng Triệu mà thắng thì cũng xin cậy nhờ ở chút con trai. Cũng không biết làm sao cho vẹn cả hai chữ hiếu-trung được. Xin cứ theo dấu lông ngan mà tìm.

Quân Triệu áp đến bên sông. Trong triều vua Thục, Cao-lỗ và Lạc-hầu không hòa với nhau, vua Thục nghe lời Lạc-hầu giết mất Cao-lỗ. Lúc đương trận vua An-dương mắng Triệu-đà là phản-bội và đem nỏ Linh-quang ra bắn, nhưng nỏ đã mất công-hiệu.

Vua phải cùng con lên ngựa chạy. Vời trông lại lâu đài cung các mà ngậm ngùi thương cảm. Thật là: Được Hùng cũng dễ mà thua Triệu cũng không kém dễ dàng. Riêng Mị-châu thì lo không biết có gặp lại chồng con không.

Cha con chạy về phía biển Nam, ngồi than khóc với nhau; kịp khi quân Trọng-thủy theo vết lông ngan đuổi đến nơi vua Thục bèn chạy ra bờ bể. Thần Rùa vàng hiện lên bảo rằng chính con gái vua là người nống chồng mà làm hại cha, giặc ở sau lưng chứ còn đâu nữa. Mị-châu kêu khóc tự cho là oan và nguyện nếu có chết thì thịt sẽ thành đá và máu sẽ thành hạt châu. Vua An-dương giết con xong thì được Rùa vàng rước về thủy-cung. Giống trai ở biển sau ăn phải máu Mị-châu đều kết hạt minh-châu trong ruột.

Trọng-thủy đến nơi thấy xác vợ liền lăn khóc rồi ấp thây vợ đưa về táng ở làng Cổ-loa. Lạ thay táng đã một tháng mà da thịt còn tươi thơm. Trời cho kim-đồng ngọc-nữ rước xác Mị-châu về thiên-cung, xác biến thành ngọc-thạch.

Trọng-thủy thương tiếc vợ, tuy vậy trời cũng không dung người vô đạo nên làm cho Trọng-thủy bỗng trẫm mình ở giếng sâu. Sau này hạt châu rửa nước giếng này có trong sáng ra là cũng chỉ vì chút duyên cũ vợ chồng, thế thôi. 74

3. THUYẾT-TRUYỀN VUA AN-DƯƠNG, MỊ-CHÂU, TRỌNG-THỦY THEO LỜI KỂ CỦA NHÂN-DÂN CỔ-LOA

Từ khởi-điểm, câu chuyện vua An-dương cho đến cái chết của Mị-châu, những nét chính của thuyết-truyền địa-phương Cổ-loa và của thuyết-truyền kể theo Lĩnh-nam chích-quái đều giống nhau.

Nhưng trong đoạn cuối cùng và cũng là đoạn quan-trọng nhất của thuyết-truyền, nhân-dân vùng Cổ-loa đã có một cái nhìn bất ngờ về chung quả mối tình đôi lứa Mị-châu – Trọng-thủy và đã giải-thích cái chết của Trọng-thủy một cách nghịch thường.

Nhân dân Cổ-loa kể rằng sau khi Mị-châu bị vua cha chém đầu, Trọng-thủy đến bờ biển không tìm thấy xác nàng. Xác đã hóa đá trôi ngược dòng giạt vào thành Cổ-loa báo mộng cho dân làng khiêng về thờ. Khiêng đến chỗ có đền và mộ Mị-châu hiện nay tảng đá rơi xuống không chịu cho mang đi nơi khác. Nhân-dân lập đền thờ, nhưng không hiểu sao tảng đá ngày càng to thêm, phải khấn vái mãi mới giữ nguyên hình như ngày nay: một tượng đá rất lớn na ná giống hình một người đàn bà không đầu ngồi xếp bằng, để hai tay lên đầu gối. Đó là thi hài “bà Chúa”, không còn đầu vì “Ngài” (chỉ vua An-dương) đã chặt mất rồi!

Oan hồn “bà Chúa” nhập vào tượng đá đêm đêm hiện lên dưới bóng cây đa, ta-oán cha con Triệu-đà.

Còn Trọng-thủy, sau khi đã chôn cất Mị-châu, Trọng-thủy không hề hối hận, không tự-tử mà trái lại Trọng-thủy mở tiệc ăn mừng chiến-công ngay tại thành Cổ-loa. Giữa lúc vui vẻ say sưa thấy Mị-châu hiện hình ca hát giữa hồ Liên-trì, Trọng-thủy bèn chạy ra, Mị-châu biến xuống hồ, Trọng-thủy nhẩy theo và chết đuối; hồn Mị-châu sai âm binh ném xác ra sông Nguyệt-đức dạt đến một làng cách Cổ-loa I5 cây số và dân làng này vớt xác lên lập đền thờ.

Làng Cổ-loa và làng thờ Trọng-thủy tuyệt-giao với nhau từ hơn hai ngàn năm nay, và ở Cổ-loa có tục hễ đã gả con gái cho người các làng ngoài thì cấm cả chú rể lẫn cô dâu không được trở về làng vì họ sợ tái diễn tấn trò phản-phúc theo kiểu Trọng-thủy.

Lập-trường của nhân-dân Cổ-loa đối với các nhân vật được biểu lộ rõ rệt trong cách kể lại thuyết-truyền địa-phương: nhân-dân sùng-kính vua An-dương mà gọi là “Ngài”, thương xót Mị-châu mà gọi là “Bà Chúa”, và nói thêm rằng dù sao Mị-châu cũng là người nước ta, còn Trọng-thủy chỉ là một người ngoài, với tâm-địa phản-phúc đáng khinh-ghét nên nhân-dân gọi là “thằng”. 75

Điều đáng chú ý là, mặc dù khẳng-định rằng chính hồn Mị-châu đã dìm Trọng-thủy chết đuối, nhân-dân Cổ-loa vẫn công-nhận tình-tiết ngọc trai giếng nước.

Rõ ràng là thuyết-truyền của địa-phương Cổ-loa kết-thúc bằng một mâu-thuẫn căn-bản: Mị-châu chết oan đã không tha-thứ cho Trọng-thủy, nhưng hình ảnh ngọc trai giếng nước có vẻ như muốn nói rằng dù sao thì mối oan tình cũng đã được minh-giải, đền-bồi.

°°°

Từ lịch-sử đến thuyết-truyền, câu chuyện vua An-dương, Mị-châu – Trọng-thủy đã biến-thái rất nhiều. Lịch-sử chỉ ghi lại những sự-kiện. Thế rồi, đến sau lịch-sử và từ trong lòng lịch-sử, thuyết-truyền nói lên tiếng nói phê-phán của người đời sau. Thuyết-truyền đã đánh-giá tâm-lí và hành-động của các nhân-vật, và đổi lịch-sử thành ý-nghĩa, đưa biến-cố lên hàng bài học kinh-nghiệm.

Thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu – Trọng-thủy là toàn bộ những phản-ứng tâm-lí tập-thể của dân-tộc ta đối với một sự-nghiệp và một mối tình.

Những phản-ứng đó có thể thay đổi theo thời-đại, có thể mang sắc-thái địa-phương hay mặc một tầm-thước có tính cách phổ-quát.

Nếu ta so-sánh hình-thức của thuyết-truyền theo Lĩnh-nam chích-quái, theo Thiên-nam ngữ-lục và theo truyền-thống Cổ-loa, ta thấy:

I) Thiên-nam ngữ-lục và truyền-thống Cổ-loa có một lập-trường tương-tự, lập-trường yêu nước, bài-ngoại và đề-cao tự-hào dân-tộc thể-hiện qua cái nhìn phê-phán nghiêm-khắc đối với Triệu-đà và Trọng-thủy, qua sự sùng-kính thương-cảm hai cha con vua An-dương.

2) Truyền-thống Cổ-loa, và phần nào Thiên-nam ngữ-lục, có nhiều giá-trị về tính lịch-sử và tính tâm-lí tập-thể; nhưng đứng về mặt giá-trị tư-tưởng và giá-trị nghệ-thuật, thuyết-truyền kể theo Lĩnh-nam chích-quái sâu-sắc, tế-nhị và thấm-nhuần tính nhân-đạo hơn.

Thiên-nam ngữ-lục và truyền-thống Cổ-loa đã thêm vào câu chuyện vua An-dương, Mị-châu – Trọng-thủy nhiều tình-tiết có khi rất hợp-lí, hợp tình: ví dụ Thiên-nam ngữ-lục kể rằng Mị-châu, Trọng-thủy lấy nhau sinh con trai, vua An-dương quí cháu vô cùng, hứa sẽ nhường ngôi cho cháu, hoàn cảnh đó khiến vua và Mị-châu tự nhiên dễ mất cảnh giác đối với Trọng-thủy.

Truyền-thống Cổ-loa kể rằng Trọng-thủy bị hồn Mị-châu dìm chết đuối, điều rất hợp lẽ với nhãn-quan ác giả ác báo, quả báo nhãn tiền của dân gian. Nhưng rốt cuộc lập-trường và cái nhìn của dân gian cũng như của Thiên-nam ngữ-lục tạo nên những nhân vật thiếu tính-cách nhất-trí. Tính cách Trọng-thủy không nhất trí, tính cách Mị-châu cũng không nhất trí: trước thì Trọng-thủy chỉ là tên sở-khanh sau lại trở nên người tình tha-thiết. Còn Mị-châu vừa thương cha vừa yêu Trọng-thủy nhưng lại có những lời lẽ bắt cá hai tay rất nhỏ mọn, hèn hạ:

“Thục thành thời cũng mừng vua
Triệu thành thời cũng cậy nhờ chút con
Hiếu trung đôi lẽ chửa khôn
Trai còn chẳng trọn huống gan đàn bà”. 76

Vì lí-do ấy nên hai hình-thức thuyết-truyền này không được phổ-biến rộng rãi trong dân gian.

Tóm lại, hình thức thuyết-truyền theo Lĩnh-nam chích-quái, vượt trên những ràng buộc của phản-ứng tâm-lí tập-thể cũng như của mầu sắc lịch-sử địa-phương, được cấu-tạo theo những định-luật đặc-biệt của hình-thức nghệ-thuật, do đó đã tránh khỏi mâu-thuẫn tâm-lí và tư-tưởng mà Thiên-nam ngữ lục và truyền thống Cổ loa đã vấp phải.

Làm thế nào qui-định được một cốt truyện thống-nhất và dứt-khoát dựa trên đó để tìm hiểu ý-nghĩa của thuyết-truyền?

Đề-xét ấy có lẽ đòi hỏi sự dung hòa giữa ba yếu tố:

a) mầu sắc lịch-sử
b) phản-ứng tâm-lí tập-thể
c) tính-cách tượng-trưng và khái-quát của sáng-tạo nghệ-thuật.

Sự dung-hoà đó hình như đã được thực-hiện một cách khá thoả đáng qua những hình-tượng và tình-tiết của thuyết-truyền ghi lại trong Lĩnh-nam chích-quái, bao hàm một cốt truyện thống nhất gồm có những điểm chính như sau:

  1. Vua An-dương đã thành công trong việc xây Loa thành và chế-tạo một thứ khí-giới có hiệu lực chống giặc ngoại xâm, nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa vàng.
  2. Triệu-đà dùng Trọng-thủy để hoàn-thành mưu-kế khuynh-đảo từ bên trong, và Trọng-thủy đã giả đò yêu để thực hiện mộng đế-quốc của cha.
  3. Tình chân-thật của Mị-châu đã cảm-hóa Trọng thủy, đưa Trọng-thủy từ chỗ yêu giả dối đến yêu chân-thật, tha-thiết. Mâu-thuẫn giữa con người chính-trị và con người tình-cảm trong Trọng-thủy bắt đầu từ đó: kế-hoạch lông ngỗng nói lên nỗi dằn vặt khổ tâm của Trọng-thủy với niềm hi-vọng cuối cùng tìm lại và bảo-vệ Mị-châu.
  4. Mối tình thắm thiết của đôi lứa đi đến một chung-cục bi-thảm bằng hai cái chết: một vì oan, một vì hối hận.
  5. Hình-tượng Rùa vàng rẽ nước đưa vua đi, đúc kết bài học về sự-nghiệp người anh-hùng.
  6. Hình-tượng ngọc trai rửa trong nước giếng mở gút cho thuyết-truyền và đúc-kết bài học về chuyện tình bi-đát-hóa bằng một nỗi oan-khiên với một niềm hối-hận.

Những tình tiết trên đây in rõ trên nền một hậu-cảnh tâm-lý và lịch-sử nhất-định: Thái-độ vừa nghiêm-khắc vừa khoan-hồng của nhân-dân Việt-nam đối với Trọng-thủy, lòng sùng-kính vua An-dương, niềm thương xót Mị-châu.


CHƯƠNG IV : Ý-NGHĨA CỦA THUYẾT-TRUYỀN VUA AN-DƯƠNG, MỊ-CHÂU – TRỌNG-THỦY

  1. Sự-nghiệp vua An-dương
  2. Cuộc tình Mị-châu – Trọng-Thủy
  3. Từ thuyết-truyền đến tượng-trưng

Dựa trên cốt truyện thống-nhất của thuyết truyền vua An-dương, Mị-châu – Trọng-thủy để theo sát tâm-lí các nhân-vật chính-diện qua quá-trình hành-động của họ, ta thấy thuyết-truyền bao-hàm hai tấn bi kịch lớn: một bi-kịch chính-trị – lịch-sử, một bi-kịch tâm-lí – xã-hội; và nhân-dân Việt-Nam, khi sáng-tạo và chỉnh-lí thuyết-truyền qua các thế-hệ, dưới các hình-thức khác nhau, đã dùng hình-tượng và biểu-trưng nghệ-thuật để nói lên tiếng nói phê-phán và tinh thần nhân-bản của mình.

I. SỰ NGHIỆP VUA AN-DƯƠNG

Tính-chất bi-hùng bàng bạc trong câu chuyện vua An-dương dựng nước và mất nước.

Qua hình-tượng Loa-thành, nỏ thần và sự bại-trận tạm thời của Triệu-đà, nhân-dân ta có ý định ghi lại một thời lịch-sử oanh-liệt vẻ-vang của Tổ-quốc, ghi lại những kì-công rực-rỡ của tổ-tiên để ngợi ca sức sống của dân-tộc, sức mạnh của non sông.

Thuyết-truyền vua An-dương không phải là một truyện cổ riêng lẻ, cá-biệt mà nằm trong cả một hệ-thống thuyết-truyền anh-hùng-ca bắt đầu từ gốc gác “con Rồng cháu Tiên” của họ Hồng-Bàng, qua các chiến công của vua Rồng xứ Lạc, vua trời Phù-Đổng, lực-sĩ Lí-ông-trọng đến các tích-cổ lịch-sử như truyện Bà Trưng, Bà Triệu, Bố-Cái Đại-vương, Mai-hắc-Đế, Triệu-quang-Phục… nhằm ngợi ca sức lớn mạnh và sự trưởng-thành của dân-tộc trước nạn ngoại-xâm, đề-cao lòng tự-hào, ý-chí bất-khuất của dân-tộc. Qua việc xây thành chế nỏ, người đương thời và người sau muốn ca ngợi những kì-công và thành-tựu của dân-tộc trong việc bảo-vệ bồi đắp non sông đất nước. 77

Nhưng rồi vua An-dương bại trận và mất nước. Nhân-dân ta cũng muốn bầy tỏ thái-độ và ý-kiến trước biến-cố lịch-sử trầm-trọng đó. Do khiếu-năng nhậy-cảm sắc-bén đối với vận-mạng mất còn của tổ-quốc, một khiếu-năng được biểu-lộ rất sớm ngay từ thời thượng-cổ, nhân-dân muốn giải-thích lí-do thất-bại của vua An-dương. Vua An-dương “mất nước không phải vì nhân-dân ta hèn yếu, hoặc vì quân địch mạnh; cũng không phải vì nhân-dân ta kém tài giỏi hoặc vì quân địch có nhiều vũ-khí lợi hại hơn. Vua An-dương thua – tức cũng là nhân-dân ta thua – chỉ vì nhẹ dạ, chủ-quan, tự-mãn. Còn địch hơn không phải vì địch có chính-nghĩa mà là nhờ vào xảo trá, lừa dối, nghĩa là địch thắng bằng con đường phi-chính-nghĩa”. 78

Như vậy, qua tấn bị-kịch, mất nước đầu tiên của lịch-sử ta, nhân-dân đã ca ngợi thành-công của sự-nghiệp hiển-hách vua An-dương rồi giải-thích lí-do thất-bại của người anh-hùng với ý-hướng rõ ràng là giải-thích để ca ngợi và đề cao người anh-hùng hiếu hòa ấy trước mưu mô hèn hạ, tâm địa xảo trá của bọn ngoại xâm.

Nhưng nhân-dân không phải chỉ ca ngợi đơn-thuần mà không phê phán. Vua An-dương có tội với dân-tộc, tội thiếu cảnh-giác đến nỗi làm mất nước tan nhà: gả con cho con giặc, nhận con giặc về ở rể trong cung, con đã làm lộ bí mật quốc-gia mà vẫn không biết, giặc đã đến bên thành mà còn ngồi ung dung đánh cờ, như thế là chủ-quan, tự-mãn, ỷ lại vào những sức lực bên ngoài và như thế mất nước là phải lắm: “Tội mất nước trước hết phải kết án vua An-dương (chứ không phải Mị-châu) cũng như tội cướp nước trước hết phải hỏi đền Triệu-đà (chứ không phải Trọng-thủy)”. 79

Vì thiếu ý-thức cảnh-giác chống tính nhẹ dạ, thiếu thận-trọng trong những vấn-đề cơ mật của quốc-gia, chống tính chủ-quan tự-mãn, ỷ vào sức mạnh sẵn có mà không lo giữ gìn bồi đắp thêm cho sức mạnh ấy ngày càng vững chãi cho nên vua An-dương đã để cả một sự-nghiệp lớn lao như thế tan biến thành mây khói vì một phút sa-cơ thất-thế. 80

Tác giả sách Đại-nam quốc-sử diễn-ca đã phê phán vua:

Nghe thần rồi lại tin con

Cơ mưu chẳng nhiệm thôi còn trách ai? 81

2. CUỘC TÌNH MỊ-CHÂU – TRỌNG-THỦY

Lồng trong tấn kịch bi-hùng vua An-dương dựng nước và mất nước là chuyện tình bi-đát éo-le của Mị-châu – Trọng-thủy.

Mị-châu là một công-chúa đẹp đẽ tuyệt vời lại là người đàn bà vẹn toàn đức hạnh:

“Dốc bề trọn đạo tam-tòng
Chẳng đua quyền quí chẳng lung gian tà
Vẹn thời sau trước nết na
Thái-Khương ấy tiết, Hằng-Nga ấy lòng”. 82

Chính vì thế mà Mị-châu đã cảm hóa được Trọng-thủy và gợi nơi Trọng-thủy một mối tình tha thiết chân thực.

Nhưng sau vua An-dương thì Mị-châu là người có tội với nước. Được cha tin cậy phó cho giữ nỏ thần, nàng đã làm lộ bí mật quốc-gia. Nàng không chủ tâm cố ý, nhưng tội nàng thật tầy đình. Rùa vàng đã chỉ vào giữa mặt nàng mà mắng là “giặc”.

Tác giả Thiên-nam ngữ-lục đã để nàng minh oan bằng những lời não nùng đau đớn:

“Tôi sinh phận gái vốn hòa nết ngay
(…) Ai ngờ phải chước gian-hùng
Đa đoan cho thiếp thác cùng sự oan
Trông ơn trời đất thứ khoan
Thịt nguyền nên đá máu nguyền nên châu”

Và trời đất đã làm chứng cho tấm lòng thẳng ngay của nàng; trai sò ăn phải máu nàng:

“Tự nhiên thoắt hóa minh-châu dị-kì”. 83

Và kẻ sĩ đời sau đã làm thơ biểu-dương nàng đại-ý nói lòng trung cần thờ vua sáng như nhật-nguyệt, niềm kính tin theo chồng sánh được với càn-khôn. Một người đàn bà vừa đáng mến lại vừa đáng giận, “đáng giận bao nhiêu thì lại đáng thương bấy nhiêu!” 84

Còn Trọng-thủy là người như thế nào? Thuyết-truyền kể theo Thiên-nam ngữ-lục và truyền-thống Cổ-loa cho Trọng-thủy chỉ là một tên gián-điệp, một tên sở-khanh, bản-chất xảo trá phản phúc. Trọng-thủy “không phải là người dám hi-sinh tình yêu cho danh-dự như Rodrigue” 85, mà là một tên gián-điệp muốn bắt cá hai tay, vừa hiếu sắc lại vừa đầy tham-vọng.

Đối với lập-trường nghiêm-khắc như thế, Trọng-thủy không còn có chút gì là đáng thương xót cả. Ngay đến cái chết của gã cũng có thể hiểu như là hậu-quả sự dầy vò cắn rứt lương-tâm chứ không phải cái chết chung-tình: nếu Trọng-thủy tự tử chết ngay khi trông thấy xác Mị-châu, hoặc ngay sau khi chôn cất Mị-châu xong thì cái chết đó mới biểu-hiện phần nào lòng chung thủy và tình vợ chồng. Đằng này vẫn muốn sống nhưng vì bị lương-tâm dầy vò cắn rứt khi tưởng thấy hình bóng Mị-châu nên gã phải đâm đầu xuống giếng để giải-tỏa ám-ảnh và ảo-ảnh không chịu nổi ấy. Chết như vậy là đáng kiếp. Thiên-nam ngữ-lục kết-luận đanh thép rằng trời không dung người vô đạo.

Nhìn Trọng-thủy theo nhãn-quan ấy là một cách nói lên lập-trường yêu nước, căm thù tội ác xâm-lược của một nhân-vật đã làm thiệt hại cho dân-tộc đất nước mình. Đó là lập-trường dễ hiểu và hợp-lí của nhân-dân Cổ-loa. Tác-giả Thiên-nam ngữ-lục đã kế-thừa tinh-thần yêu nước và lòng căm-thù oán ghét đó.

Đi từ quan-điểm lịch-sử đến quan-điểm nghệ-thuật, ta có thể phê-phán Trọng-thủy không phải như là một nhân-vật lịch-sử nữa mà như một nhân-vật sáng-tạo bởi thuyết-truyền. Định-luật sáng-tạo nghệ-thuật muốn rằng chúng ta không nên giản-dị-hóa những khía cạnh phức-tạp, những tâm-tình sâu kín, những bản-năng thường còn của con người. Chúng ta không thể khoác cho Trọng-thủy một mặt nạ vô-nhân-đạo hoàn toàn. Dưới mặt nạ đó, còn có thể có những gì rất “người”, những mâu-thuẫn, xung đột, ray rứt, giằng co bi đát giữa thiện-ác, tốt-xấu, hay-dở mà thân-phận làm người phải trải qua.

Trọng-thủy qua sáng-tạo của nghệ-thuật vừa là tên gián điệp lợi hại vừa là con người chung tình tha-thiết. Điều đó không có gì là tuyệt đối mâu-thuẫn: Con người vốn có nhiều bộ mặt, nhiều khía cạnh nghịch-thường và bất-ngờ.

Lúc đầu từ nhà ra đi rõ ràng Trọng-thủy chỉ là tên gián-điệp, một người con vâng lệnh cha, một bề tôi phụng mệnh vua lấy danh nghĩa bề ngoài là đi ở rể để thực-hiện kế-hoạch ăn cắp nỏ thần.

Nhưng rồi, từ chỗ giả đò yêu, Trọng-thủy đã đi đến chỗ yêu chân-thành tha thiết. Đây mới là đầu mối của mọi ngang trái: “Yêu Mị-châu nhưng vẫn không quên lệnh cha lệnh chúa nên vẫn tàn nhẫn đánh lừa Mị-châu để ăn cắp nỏ thần. Sức mạnh gì đã thúc-đẩy Trọng-thủy hành-động như thế? (…) Đó có thể là chữ hiếu chữ trung, có thể là tham-vọng bá vương cha truyền con nối về sau. Mâu thuẫn đó chính là tấn bi-kịch của Trọng-thủy (…) Đấu tranh gay gắt nhất là lúc đã đánh cắp được nỏ thần và đến từ-biệt Mị-châu lần cuối để ra về. Bên nợ nước, bên tình riêng! Trọng-thủy biết rất rõ là sau khi mình về nước thì mọi việc sẽ ra sao”. 86

Những đau khổ dằn vặt ấy cuối cùng đã đưa Trọng-thủy đến hối hận, lấy cái chết để tự trừng phạt mình.

Như vậy Trọng-thủy là một nhân-vật phức-tạp, đa-diện, không phải chỉ đơn giản là một tên gián-điệp lại càng không phải là một tên bội bạc. Trọng-thủy vừa đáng lên án vừa đáng xót thương.

Thuyết-truyền đã bi-đát-hóa mối tình lứa đôi thắm thiết ấy bằng hai cái chết. Có người cho đó là dấu hiệu của tình yêu chung thủy, sống chết có nhau.

Thực-sự ở đây có sự ca ngợi tình yêu chung thủy hay không?

Nguyên-nhân khách-quan của sự đổ vỡ hạnh-phúc lứa đôi chính là mưu-mô xâm-lược, là chủ-trương chia rẽ dân-tộc thù hằn dân-tộc do Triệu-đà đề-xướng và do Trọng-thủy thi-hành. Ngày nào trên thế-giới còn tư-tưởng xâm-lược, còn chính sách đế-quốc thì bi-kịch Mị-châu-Trọng-thủy vẫn còn xẩy ra. Cái chết của họ mang ý-nghĩa phản-kháng chiến-tranh vì chiến tranh làm đổ vỡ tất cả mọi sự, và mọi người đều là nạn nhân kể cả những người đã gây nên chiến-tranh thù-hận.

Mặt khác, bi-kịch tình yêu cũng đã xẩy ra vì nguyên-nhân chủ-quan là những nhược-điểm, những tội lỗi của bản thân Mị-châu Trọng-thủy ngay trong quan-niệm yêu đương của hai người.

Trọng-thủy đã quan-niệm tình yêu một cách quá ích-kỉ: vừa muốn được người yêu vừa muốn cướp nước người yêu. Trọng-thủy đã mù-quáng khi cho rằng tình yêu và xâm-lược là hai sự việc không dính líu gì nhau nhưng trong thực-tế chính cái này đã làm cái kia tan vỡ: “Trọng-thủy không nhận-thức được quan-hệ giữa hạnh-phúc cá-nhân và vận-mệnh xã-hội như thế nào. Trọng-thủy muốn tách tình yêu ra ngoài thời-cuộc”. 87

Còn Mị-châu, không những nàng không có ý-thức cảnh-giác chống ngoại-xâm mà nàng còn thiếu cả ý-thức chính-trị, không phân biệt nổi bạn và thù ngay cả lúc quân thù vất mặt nạ xuất đầu lộ diện: khi Trọng-thủy đã rõ rệt trở thành kẻ thù của cha, của nước, nàng vẫn rắc lông ngỗng để mong gặp lại người yêu. Nghĩa là dù tổ-quốc bị dầy-xéo, dân-tộc đang lâm nguy, nàng vẫn có thể yêu Trọng-thủy và đi tìm hạnh-phúc. Cũng như Trọng-thủy, nàng ước mơ xây-dựng hạnh-phúc lứa đôi bên lề thực-trạng bi-đát của thời-cuộc, nàng không thấy rằng cứu-cánh của tình yêu liên quan một cách mật-thiết đến vận-mệnh dân-tộc. “Vì muốn bảo-vệ tình yêu nàng đã vô-tình làm hại tổ-quốc và như thế cũng làm tan vỡ tình yêu. Vô tình nàng đã phạm tội lớn: phản nước, phản cha. Và nàng đã chết để đền tội. Cái chết của Mị-châu cũng là một hình thức phê-phán của nhân-dân đối với Mị-châu về tội lỗi của nàng đối với tổ-quốc, nhược-điểm của nàng trong tình yêu”. 88

3. TỪ THUYẾT-TRUYỀN ĐẾN TƯỢNG-TRƯNG

Còn lại hai hình-tượng cuối cùng và ý-nghĩa nhất của thuyết-truyền, đưa thuyết-truyền lên hàng một biểu trưng về tình yêu nước và tình nhân-đạo: rùa vàng rẽ nước đưa vua An-dương xuống thủy-cung; ngọc trai Mị-châu rửa trong giếng nước Trọng-thủy trở nên trong sáng.

Đây là sự phát-xét cuối cùng của công-luận dân-tộc.

Vì vua An-dương chủ-quan, cả tin, thiếu cảnh-giác nhiều lần nên đã thất bại. Nhưng vua không chết. Trước sau vua vẫn là người anh hùng, có công lao đối với dân-tộc, và người anh hùng phải là thần-thánh của dân-tộc, bất-diệt trong trí nhớ và niềm tin của dân-tộc. Tinh-thần đại-nghĩa và chính-trực của vua tồn-tại mãi với non sông.

Còn Mị-châu – Trọng-thủy có tội thì phải đền tội, có oan phải được minh oan; vì cả hai đều là nạn nhân của chiến-tranh, của căm thù, cho nên cái phần trong trắng ngây thơ trong con người của họ phải được đền bồi.

Không phải nhân-dân Việt-nam ca tụng tình yêu chung-thủy của hai người, ngay trong lãnh-vực tình yêu họ đã vấp phải những nhược-điểm căn bản và đã gây nên tội lỗi tầy trời.

Thật ra, xét cho cùng hình ảnh ngọc trai, giếng nước chỉ là tiếng nói của lòng nhân-đạo: Trọng-thủy gây tội ác vì ích-kỉ, mù quáng, tham-vọng nên Trọng-thủy đã đền tội. Vậy nhân-dân Việt-nan rộng lượng thứ tha cho Trọng-thủy và muốn rằng cả Mị-châu nữa, Mị-châu cũng phải khoan-hồng với Trọng-thủy. Cái chết vì hối-hận của Trọng-thủy kết-tinh thành nước giếng, rửa cho tấm lòng chân-thật của Mị-châu thêm trong sáng để thanh-minh với đời.

Sâu xa hơn nữa, hình-tượng đẹp nhất của thuyết-truyền ngụ ý rằng lứa đôi đã không được sống hạnh-phúc trọn vẹn trên đời thì họ đành biến thành ngọc trai – nước giếng để mãi mãi gắn bó trong sạch bên nhau. Sống là tranh-đấu để cho quan-niệm của mình được ưu-thắng dù lắm khi phải trả với giá rất đắt, nhưng chết rồi là trở về trong sự bình-đẳng tuyệt-đối. Dưới cõi âm, linh hồn đôi lứa đã thông-cảm, giao-hòa, tha thứ, giải oan cho nhau… Đó là bài học tuyệt vời cho người đời sau vậy.

LỜI NÓI CUỐI

Thông qua thành-công và thất-bại của vua An-dương; thông qua cuộc tình duyên bi-thảm của đôi lứa Mị-châu, Trọng-thủy, thuyết-truyền đã ca ngợi và đề-cao dân-tộc Việt-nam ta, một dân tộc anh-hùng mà nhân-đạo, đồng thời nêu ra bài học dựng nước và giữ nước trong ý-thức đề-cao cảnh-giác chống chiến-tranh xâm-lược và phản-kháng chiến-tranh nói chung, nhân danh con người.

Thuyết-truyền cũng đưa đến ý-niệm phê-phán những con người mơ hồ về lập-trường chính-trị giữa thời quốc biến, nhất là phê-phán sự vô-ý-thức trong thái-độ tách rời yêu đương ra khỏi thời-cuộc xã-hội, phê phán ảo-tưởng nguy-hại của những ai rắp tâm xây dựng hạnh-phúc riêng tư ở ngoài vận-mệnh mất còn của đất nước.

Thuyết-truyền cho thấy cái nhìn và tiếng nói phê-phán vừa nhẹ-nhàng, tế-nhị, vừa sâu-xa thấm-thía của công-luận dân-tộc. Không phải là cái nhìn hoài-nghi và tiếng nói “đạo-đức” của nhà nho: “Thiên tải thượng thị gia phi, thùy năng biện chi, qui trảo nỗ cơ truyền ngoại sử; ngũ luân trung, phu dữ phụ quả thục thâm dã, bạng thai Tỉnh thủy độc thâm tình” (Ngàn đời sau, làm sao biện minh được (vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy) ai phải ai trái, chỉ biết rằng chuyện móng rùa và lẫy nỏ còn truyền ở ngoại sử; trong năm giềng mối của đạo người, cha cùng chồng ai thân hơn ai? Chỉ biết rằng ngọc trai rửa nước giếng nói lên mối tình sâu xa).

Ai phải ai trái, ai là thân ai là sơ, ai thù ai bạn, công-luận dân-tộc đã phê-phán rõ ràng qua thuyết-truyền vua An-dương, Mị-châu – Trọng-thủy: Đó là những bài học có tính cách muôn thuở mà chúng ta có thể tiếp-thu qua bi-kịch tình yêu lồng trong một bi-kịch về vận mệnh tổ-quốc, bi-kịch mất nước đầu tiên trong lịch-sử Việt-nam mà cũng là một trong những bi-kịch xưa nhất của lịch-sử loài người.

Sách: Đi tìm An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ: từ lịch sử đến truyền thuyết
Xuất bản năm 1966.


SÁCH BÁO THAM KHẢO

– ĐỖ-HỮU-TẤN, Nên khai-thác và đánh giá truyện Mị-châu như thế nào? “Nghiên-cứu Văn-học” số 5, I96I, tr. 79-8I.

– HUARD, P. et DURAND, M., Connaissance du Viêt-nam, Paris – Hànội, I945.

– LÊ-PHƯƠNG-ANH, Nhận-định về truyền-thuyết Mị-châu, Trọng-thủy, “Nghiên-cứu Văn-học” số 4, I96I, tr. 80.

– LE BRETON, H., Monuments et lieux historique du Thanh-hóa, Revue Indochinoise, No de Janvier – Juin I92I, tr. I90-I9I.

– LÊ-NGÔ-CÁT và PHẠM-ĐÌNH-TOÁI, Đại-nam quốc-sử diễn-ca, Nxb Sông Nhị, I952, tr. 53.

– LÊ-VĂN-LAN, PHẠM-VĂN-KÍNH, NGUYỄN LINH, Những vết-tích đầu tiên của thời-đại đồ đồng thau ở Việt-nam, Nxb Khoa-học, I963, tr. I46-I80.

– LÊ-TẮC, An-nam chí lược, bản dịch của Ủy-ban phiên-dịch sử-liệu Việt-Nam, viện Đại-học Huế, I960.

– MASPERO, H., Toung Pao, tập XXIII, năm I924, tr. 373-393.

– NGUYỄN-ĐỔNG-CHI, Lược-khảo về thần-thoại Việt-nam, Nxb Văn-Sử-Địa, I956, tr. 77-78; Kho tàng truyện cổ-tích Việt-nam, tập II, Nxb Khoa-học, I963, tr. I69-I7I.

– NGUYỄN-PHƯƠNG, Việt-nam thời khai sinh, Phòng Nghiên-cứu-sử, Viện Đại-học Huế, I965; Lịch sử Lạc-Việt, “Bách-khoa Thời-đại” số I96-200.

– NHIỀU TÁC GIẢ, Lịch-sử chế-độ phong-kiến Việt-nam, tập I, I960.

– PHẠM-ĐÌNH-HỒ và NGUYỄN-ÁN, Tang-thương ngẫu-lục, bản dịch của Nguyễn-hữu-Tiến, Nxb Văn-hoá, I960, tr. 30.

– PHAN-HUY-CHÚ, Lịch-triều hiến-chương loại-chí, bản dịch của Tổ-biên-dịch Viện sử-học Việt-nam, Nxb Sử-học, I960, tập I, “Nhân-vật Chí”, tr. I54.

– PHAN-NHÂN, Vấn-đề khai-thác truyện-cổ dân gian và cải-biên truyền-thuyết Mị-châu – Trọng-thủy, “Nghiên-cứu Văn-học”, số 9, I96I, tr. 80.

– PRZYLUSKI, J., La princesse à l’odeur de poisson et la Nagi dans les traditions de l’Asie Orientale.

– QUỐC-SỬ-QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục, bản dịch của Ban NCVSĐ, Nxb Văn-Sử-Địa, I957, tr. 63.

– SONG-BÂN, Nên hiểu truyện Mị-châu thế nào cho đúng, “Nghiên cứu Văn-học”, số tháng I, I96I, tr. 8I.

– TRẦN-NGHĨA, Truyền-thuyết Mị-châu, Trọng-thủy qua các thời-đại, “Nghiên-cứu Văn-học”, số tháng 4, I962, tr. 32.

– TRẦN-VĂN-GIÁP, Một vài ý-kiến An-dương ngọc-giản và vấn-đề Thục An-Dương-Vương, tập san Nghiên-cứu văn-sử-địa, đặc san về “Thẻ ngọc An-Dương”, số 28, tháng 5-I957, tr. 64-68.

– TRẦN-THẾ-PHÁP, Lĩnh-nam chích-quái, bản dịch Lê-hữu-Mục, Nxb Khai-trí I96I, tr. 7I-74; hay bản dịch của Nguyễn-ngọc-san và Đinh-gia-Khánh, Nxb Văn-hóa, I958, tập I, tr. 77-I02.

– TRẦN-QUỐC-VƯỢNG, Bàn thêm về truyền-thuyết Mị-châu – Trọng-thủy (Xét về phương-diện Dân-tộc-học), tạp chí Văn-học, số tháng I, I965, tr. I0I.


Chú thích: 

1:  Henri Maspéro trong T’oung Pao, tập XXIII, năm I924, trang 373-93.

Nguyễn-Phương trong Việt-Nam thời khai sinh, Phòng nghiên-cứu-sử, Viện Đại-học Huế, I965, hay trong loạt bài Lịch-sử Lạc-việt, trong “Bách khoa Thời-đại” từ số I96 đến 200 (tháng 3-5/I965).

Xem thêm loạt bài Góp ý với tác-giả “Lịch-sử Lạc-việt”: Di-tích Lạc-Việt trong xã-hội Việt-nam của Bùi-hữu-Sủng trong “Bách-khoa Thời-đại” từ số 20I đến 204 (tháng 5-7/I965).

2:  Giao-châu ngoại-vực-kí, dẫn trong Trần-Nghĩa, Truyền-thuyết Mị-châu Trọng-thủy phát-triển qua các thời-đại, “Nghiên-cứu Văn-học” số tháng 4/I962, tr. 32.

3:  Nam-việt chí, dẫn trong Trần-Nghĩa, như trên, tr. 32.

4:  Thái-bình hoàn-vũ-kí, dẫn trong Việt-sử thông-giám cương-mục, Tổ-biên-dịch Ban NCVSĐ, nxb Văn-sử-địa, I957, tr. 63.

5:  Giao-chỉ thành-kí, dẫn trong Lê-Tắc, An-nam chí-lược, bản dịch của Ủy-ban phiên-dịch sử-liệu V.N, Viện Đại-học Huế, I960.

6:  Quảng-châu kí, dẫn trong Đào-duy-Anh, Cổ-sử, Việt-nam, Chuyên-san Đại-học Sư-phạm, I956, tr. 62, chú-thích (I).

7:  Việt-sử lược, dẫn trong Trần-Nghĩa, bài đã dẫn, tr. 34.

8:  Lục-lương: Người Lĩnh-nam ở miền núi tính mạnh dạn bướng bỉnh; vậy lục-lương nghĩa là đất miền núi của những người táo tợn (theo Đại-việt sử-kí của Lê-văn-Hưu).

9:  Đại-việt sử-kí toàn-thư, dẫn trong Trần-văn-Giáp, Một vài ý kiến về An-dương ngọc-giản và vấn đề Thục An-dương-vương, tập san Nghiên-cứu Văn-sử-địa, đặc-san về “Thẻ ngọc An-dương”, số 28, tháng 5/I957, tr. 64-68.

10:  Đại-việt sử-kí toàn-thư, dẫn trong Trần-văn-Giáp, Một vài ý kiến về An-dương ngọc-giản và vấn đề Thục An-dương-vương, tập san Nghiên-cứu Văn-sử-địa, đặc-san về “Thẻ ngọc An-dương”, số 28, tháng 5/I957, tr. 64-68.

11:  Đại-Việt sử-kí, dẫn trong Trần-văn-Giáp, nt, tr. 68-72.

12:  Hiện nay Cổ-loa thuộc huyện Đông-anh tỉnh Vĩnh-phúc, giáp giới Bắc-ninh.

13:  Thứ ngọc trai không tròn gọi là “cơ”.

14:  Chu sư: Toán quân điều-khiển các thuyền chiến mà chiến-đấu.

15:  Đến đây Cương mục dẫn một đoạn trong sách Thái-bình hoàn-vũ-kí, dẫn trên.

16:  Quốc-sử-quán triều Nguyễn, Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục, bản dịch của Ban NCVSĐ, sđd, tr. 56-64.

17:  Phan-Huy-Chú, Lịch-triều hiến-chương loại chí, bản dịch của Tổ biên dịch Việt sử-học, nxb Sử-học, I960, tập I, “Nhân vật chí”, tr. I54.

18:  Dẫn trong Trần-văn-Giáp, Một vài ý-kiến về An-dương ngọc-giản… bđd, tr. 50-62.

19:  Trần-tu-Hòa, Việt-Nam cổ-sử cập kì dân-tộc văn-hóa chí nghiên-cứu, dẫn trong Đào-duy-Anh, Đất nước Việt-Nam qua các đời, nxb Khoa-học, I964, tr. I9.

20:  Xem bản văn thuyết-truyền này ở chương II, mục 2: “Phong-tục và tín-ngưỡng về vua An-dương, Mị-châu, Trọng-thủy”.

21:  Đào-duy-Anh, Đất nước… sđd, tr. I9-2I.

22:  Maurice Durand, Comptes Rendus, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, L II, I, I964, tr. 24I-242 và tr. 293-299.

23:  Đào-duy-Anh, Cổ-sử Việt-nam, sđd, tr. 64-66.

24:  Đào-duy-Anh, nt, tr. 65.

Lê-văn-Lan, Phạm-văn-Kính, Nguyễn-Linh, Những vết-tích đầu tiên của thời-đại đồ đồng thau ở Việt-nam, nxb Khoa-học, I963, tr. I46-I80.

25:  Sử-kí của Tư-mã-Thiên, dẫn trong Đào-duy-Anh, Cổ-sử Việt-nam, sđd, tr. 59-60.

26:  Hoài-nam-tử của Lưu-An, dẫn trong Đào-duy-Anh, nt, tr. 59.

27:  Đào-duy-Anh, nt, tr. 66-67.

28:  Đào-duy-Anh, Đất nước… sđd, tr. 2I-22.

29:  Đào-duy-Anh, Đất nước… sđd, tr. 22.

30:  nt, tr. 22-23.

31:  nt, tr. 23.

32:  Trần-Văn-Giáp, Một vài ý-kiến về An-dương ngọc-giản… bđd, tr. 6I.

33:  nt, tr. 6I-62.

34:  Đào-duy-Anh, Cổ-sử Việt-nam, sđd, tr. 66.

35:  Những mô tả dưới đây về làng Cổ-loa dựa trên khảo sát của René Despierres, Cổ-loa, capitale du royaume Âu-lạc, XXXVè Cahier de la Société de Géographie de Hanoi, Hànội I940, tr. 39-56.

36:  Lịch-sử chế-độ phong-kiến Việt-nam (Nhiều tác tác-giả) tập I, I960, tr. 25, chú thích (3).

37:  Phạm-đình-Hổ và Nguyễn-Án, Tang-thương ngẫu-lục, bản dịch của Nguyễn-hữu-Tiến, nxb Văn-hóa, I960, tr. 30.

38:  Phan-huy-Chú, Lịch triều hiến-chương loại-chí, sđđ, t. I, tr. 6I.

  1. 39: Le Breton, Monuments et lieux historiques du Thanh-hóa, Revue Indochinoise, N° de Janvier-Juin I92I, tr. I90-I9I.

40:  Trần-văn-Giáp, Một vài ý kiến về An-dương ngọc giản… bđđ, tr. 40.

Song-Bân, Nên hiểu chuyện Mị-châu thế nào cho đúng? “Nghiên-cứu Văn-học” số tháng I, I96I, tr. 8I.

  1. 41: Bezacier, Conception du plan des anciens citadelles – capitales du Nord Việt-nam, Journal Asiatique, t. CCXL, 2, I952, tr. I86-I88.
  1. 42: Despierres, Cổ-loa… sđđ, tr. 39-42.
  1. 43: Dumoutier, Etude historique et archéologique sur Cổ-loa, Capitale de l’ancien Royaume de Âu-lạc, Paris, Ernest Leroux I893, tr. 9.

Đào-duy-Anh, Đất nước Việt-nam… sđd, tr. 24-25.

44:  Đào-duy-Anh, nt, tr. 24-25.

45:  Đào-duy-Anh, nt, tr. 25.

46:  nt, tr. 25.

47:  nt, tr. 27.

48:  nt, tr. I9-20.

49:  Nguyễn-đổng-Chi, Lược-khảo về thần-thoại Việt-nam, nxb Văn-sử-địa, I956, tr. 77-78.

50:  Bonifacy, La province de Tuyên Quang, Revue Indochinoise, N° du Juillet-Décembre, I922, tr. I67.

51:  Nguyễn-đổng-Chi, Kho-tàng truyện cổ tích Việt-nam, tập II, nxb Khoa học, I963, tr. I69-I7I.

  1. 52: Przyluski, La princesse à l’odeur de poisson et la Nagi dans les traditions de l’Asie-Orientale trong Etudes asiatiques, E.F.E.O., I925, G. Van Oest éd., tome II, tr. 265-284.

53:  Việt-sử thông-giám cương-mục, sđd, tập I, tr. 55.

54:  Lịch-sử chế-độ phong-kiến Việt nam (Nhiều tác giả) sđd, tập I, tr 25, chú thích (2).

55:  Thủy-kinh-chú, dẫn trong Trần-quốc-Vương, Bàn thêm về truyền-thuyết Mị-châu Trọng-thủy, (Xét về phương-diện Dân-tộc-học), tạp-chí “Văn-học”, số tháng I/I965, tr. I0I.

56:  Bắc-vật-chí, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, nt, tr. I0I.

57:  Việt-kiệu-thư, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, nt, tr. I0I.

58:  Lê-văn-Lan, Phạm-văn-Kính, Nguyễn-Linh, Những vết-tích đầu tiên của thời-đại đồng thau ở Việt-nam, nxb Khoa-học, I963, tr. I75-80.

59:  Trần-quốc-Vượng, Bàn thêm về truyền-thuyết Mị-châu Trọng-thủy, bđd, tr. I0I.

  1. 60: Huard và M. Durand, Connaissance du Việt-nam, Paris-Hanoi, I954.

61:  Phan-huy-Chú, Lịch-triều hiến-chương loại-chí, tập IV, nxb Sử-học, I962, sđd, tr. 26, 33.

62:  Tam-Quốc-Chí diễn-nghĩa, bản dịch Nghiêm-xuân-Lãm, nhà in Tân-dân thư-quán, Hà-nội, quyển 5, hồi thứ I04, tr. 54.

63:  Lĩnh-ngoại đại-đáp, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. 99.

64:  Quế hải ngu-hành-chí, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. 99.

65:  Thủy-kinh-chú, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. I00.

66:  Thuật-dị-kí, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. I00.

67:  Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. 99-I0I.

68:  Phan-huy-Chú, Lịch-triều hiến-chương loại-chí, sđd, t. I, tr. 6I-62.

69:  Bắc-hộ-lục, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. I00.

70:  Lĩnh-biểu-lục di, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. I0I.

71:  Lĩnh-ngoại đại-đáp, dẫn trong Trần-quốc-Vượng, bđd. tr. I0I.

72:  Trần-quốc-Vượng, bđd, tr. 99-I0I.

73:  Trần-thế-Pháp, Lĩnh-namchích-quái, bản-dịch Lê-hữu-Mục, nxb Khai-trí I96I, trang 7I-74; hay bản dịch của Nguyễn-ngọc-San và Đinh-gia-Khánh, nxb Văn-hóa, I960, tr. 58-6I.

74:  Thiên-nam ngữ-lục, bản phiên-âm của Nguyễn lương-Ngọc và Đinh-gia-Khánh, nxb Văn-hóa, I958, tập I, tr. 77-I02.

75:  Lịch-sử chế-độ phong-kiến (Nhiều tác giả), sđd, tập I, tr. 25, chú thích (I), (2), (3), (4) và Song-Bân, Nên tìm hiểu truyện Mị-châu thế nào cho đúng?, bđd, “Nghiên-cứu Văn-học” số tháng I/I96I, tr. 80-8I.

76:  Thiên-nam ngữ-lục, sđd, tập I, tr. 92.

77:  Phan-nhân, Vấn-đề khai-thác truyện dân gian và cải-biên thuyết Mị-châu Trọng-thủy. “Nghiên-cứu Văn-học” số 9/I96I, tr. 77.

  1. 78: tr. 77.

79:  Lê-phương-Anh, Nhận-định về truyền-thuyết Mị-châu – Trọng-thủy, “Nghiên-cứu Văn-học” số 4/I96I, tr. 80.

80:  Phan-nhân, bđd, tr. 78.

81:  Lê-ngô-Cát và Phạm-đình-Toái, Đại-nam quốc-sử diễn-ca, n.x.b. Sông Nhị, I952, tr. 53.

82:  Thiên-nam Ngữ-lục, sđd, tập I, tr. 80.

83:  nt, tr. 96-97.

84:  Lê-phương-Anh, bđd, tr. 8I.

85:  Song Bản, Nên hiểu truyện Mị-châu thế nào cho đúng, bđd, tr. 83.

86:  Song Bản, Nên hiểu truyện Mị-châu thế nào cho đúng, bđd, tr. 83.

87:  Lê-phương-Anh, bđd, tr. 82.

88:  Đỗ-hữu-Tấn, Nên khai-thác và đánh giá truyện Mị-châu như thế nào, “Nghiên-cứu Văn-học”, số 5/I96I, tr. 79-8I.