Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh trong một công trình nghiên cứu về kho tàng Folklore Việt Nam cho biết, theo quan niệm của  người Việt xưa, thì  không có con đường giáo dục ban đầu nào hữu hiệu hơn con đường thông qua tình cảm của trẻ. Nhận thức được điều đó, người xưa đã để lại rất nhiều bài đồng dao và trò chơi trẻ em mang đậm chất giáo dục trẻ nên người.

Có thể nói đồng dao và trò chơi trẻ em là những di sản quý báu mà người xưa để lại cho nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Mãi đến nửa sau thế kỷ XX, nó vẫn tồn tại và phổ biến ở nhiều tỉnh thành của cả nước.

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng; bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em. Nói chung, đồng dao trong các trò chơi trẻ em ở các vùng miền đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác một vài tiếng địa phương. Nhiều nhà giáo dục đã có nhiều nghiên cứu và cho rằng đây là những kho tàng rất đáng lưu ý, đó là cách giáo dục “không sách không thầy” đã được biểu lộ một cách tương đối rõ ràng.

Trò chơi trẻ em có thể chia các loại: Trò chơi vận động (như Dung dăng dung dẻ; Chơi khăng;  Đánh đáo…); trò chơi học tập (Đánh thuyền, Chơi ô quan); trò chơi mô phỏng (Đi chợ; Làm nhà; Phụ đông chổi; Đồng ếch…); trò chơi sáng tạo (Xếp thuyền; Đánh trận; Chơi  thả diều…) .Cả kho tàng ấy là phương tiện giáo dục về Đức, Trí, Thể, Mỹ cho con em, làm phát triển nhân cách, tâm lý, thể lực và trí lực trước mắt cũng như định hướng cho tương lai.

Lưu bản nháp tự động

Lòng yêu ghét, niềm đam mê…, là những điều rất cần cho trẻ em ngay từ lúc còn nằm nôi. Đầu tiên là tình mẹ con; mối tình thiêng liêng tràn trề, thân thương qua những câu hát lời ru đưa con vào giấc ngủ; bài hát cho con tập đứng, tập đi. Dần dần đưa trẻ đến những tình cảm đối với sự vật gần gũi nhất; những con gà, con chó, cái chổi, con dao…luôn được nhắc đến trong các bài hát, câu ca, truyền cho trẻ đang tuổi ngây thơ hồn nhiên một cảm thông nồng nhiệt. Dần dần, rộng ra một chút, trẻ bước ra ngoài cửa ngõ, gian phòng, nội dung đồng dao lại hướng dẫn trẻ làm quen với thiên nhiên, vạn vật…Một thứ đến với trẻ một cách tự nhiên, gần gũi; cùng với trẻ hiểu biết nhau, trao đổi với trẻ tâm tình, quà cáp. Ai cũng cảm thấy buồn cười và thú vị khi thấy một em bé đút hạt xôi vào miệng con dế mèn; hoặc hái những cánh hoa kết thành áo cho con cào cào để thực hiện đúng lời hứa hẹn: “Cào cào giã gạo tao xem, tao may áo đỏ áo đen cho mày”. Lớn lên vài tuổi, các em phải theo cha mẹ ra đồng, cùng người lớn tham gia sản xuất. Lúc này, tình cảm của trẻ được chú ý bồi dưỡng qua đồng dao và trò chơi dân gian mà trẻ tự mình tổ chức chơi với nhau.Vẫn từ những tình yêu hồn nhiên trước đây với con sâu cái kiến, trẻ được tiếp cận thêm với con chim, cánh cò, con trâu, con nghé…Các bài Gọi mẹ, Gọi nghé của  mục đồng, cũng như các bài về chim, về lá, về quả, về hoa… đã toát lên một tình cảm yêu mến thiên nhiên, một tình yêu lao động gắn kết đậm đà chan chứa:

Nghé hành, nghé hẹ/Nghé chẳng theo mẹ/Thì nghé theo đàn,/Nghé chớ đi càn/Kẻ gian nó bắt/Nó cắt mất tai/Nó nhai mất đầu/Còn đâu mà theo mẹ/Nghé ơ…. Nghé ơ…ơ…” hay “Cây cam cây quýt /Cây mít cây hồng /Ta trồng ta ăn /Ta lo ta liệu /Ai trồng thiếu /Thì trồng thêm.”

Bên cạnh đó, đồng dao cũng truyền cho trẻ nhiều kiến thức gần gũi, thực tế dù chưa phải là hệ thống. Thế giới hiện tượng bày ra trước mắt các em ngày càng nhiều, vì thế đồng dao chỉ dừng lại ở những “nét bề ngoài” làm cho trẻ dễ nhận biết, dễ phân biệt nhất; hoặc giúp trẻ chú ý đến nét riêng để quan sát sự vât: 

Thứ nhất đầu đàn /Là trái đu đủ /Xẻ ra dính mủ /Là trái mít ướt /Cái đầu xương xước /Giống nó trái thơm /Cái đầu chôm bôm /Là trái bắp nấu…”

Hoặc :

Đòn gánh có mấu/ Củ ấu có sừng…

Hay nét đặc biệt ở màu sắc

“Sa sả là giống đàn anh/Đầu đội mũ tía áo xanh, bụng đà…”

Hay chỉ cho trẻ nhận biết công dụng của đồ vật:

Con trâu cày xiên/ Cái liềm ngoặc lúa…”; cũng có thể nêu môi trường, lề thói của giống vật này để phân biệt với giống vật kia: “Chàng làng lót ổ bụi tre/chèo bẻo lót ổ mái đình”.

Có khi đồng dao dạy cho trẻ chơi chữ để trẻ luyện óc quan sát:

No lòng phỉ dạ là con cá cơm/Không ướp mà thơm là con cá ngát/Liệng bay thấm thoát là con cá chim/Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối…”. 

Đồng dao cũng dạy cho trẻ lòng biết ơn những người làm ra của cải hay phương tiện cho ta thụ hưởng :

Ăn một bát cơm/Nhớ người cày ruộng/Ăn đĩa rau muống/Nhớ người đào ao/Ăn một quả đào/Nhớ người vun gốc/Ăn một con ốc/Nhớ người đi mò/Sang đò/Nhớ người chèo chống/Nằm võng/Nhớ người mắc dây/Đứng mát gốc cây/Nhớ người trồng trọt …”  

Hoặc gây cho trẻ có ý niệm về sự cần thiết của lao động :

Mười ngón tay/Ngón đi cày/Ngón tát nước/Ngón cầm lược/Ngón chải đầu/Ngón đi trâu/Ngón đi cấy/Ngón cầm bay/Ngón đánh cờ/Ngón chèo đò/Ngón dò biển/Tôi ngồi đếm/Mười ngón tay

Trong một số trò chơi ta còn thấy có nhiều yếu tố rèn luyện trí lực qua việc tính nhẩm  phép cộng, phép trừ. Trong trò Đánh chuyền, từ “chuyền chuyền một” cho đến “chuyền chuyền mười”, từ “5 lên 6” hay “4 lên 7” rõ ràng là một cách dạy rất sinh động để củng cố tri thức về con số cho trẻ. Các trò chơi như Chơi ô ăn quan tập cho trẻ biết tính nhẩm về phép chia, phép trừ, quan sát chiều xuôi chiều ngược để động não. Luyện tập trong trò chơi lại hoàn toàn tự lực, chỉ có bạn không có thầy. Phải nói rằng đó là những sáng kiến với rất nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, việc rèn luyện thể lực diễn ra tự nhiên trong nhiều trò chơi khác nhau; ví dụ như trò chơi Đánh chuyền đã nói ở trên có những động tác như: “Nâng lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua, ra thay chống ..” đều có tác dụng luyện gân và các cơ ở cổ tay, cánh tay và khuỷu tay cho trẻ. Trò chơi Đánh khăng ít nhiều là một môn thể thao toàn diện, luyện toàn bộ các cơ trong thân thể, một chặng chơi tương ứng với một sự vận động của các bộ phận toàn thân, có một lời hô tương ứng nhịp nhàng: Lưng, cổ, cửa sổ, vác gươm… để  kết  thúc cuối cùng là chạy nhảy, đuổi bắt.

Về môn chạy nhảy, trò chơi trẻ em khá phong phú và mỗi trò có một yêu cầu khác nhau như trò Chạy quanh cột nhà là chạy quanh vòng tròn; trò Một quan năm tiền là vừa chạy vừa vượt qua chướng ngại vật; trò Thả mồi đớp bóng, cho chóng mà lên tập cho trẻ các động tác trong bơi lội. Đối với trẻ mục đồng, trò chơi Cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh xưa là một trò chơi rất sinh động và sáng tạo.

Từ đó ta thấy việc giáo dục qua đồng dao và trò chơi trẻ em rất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Mặc dù chỉ là những câu, những lời chắp vá, gặp đâu nói đó, không có đề tài tập trung, đang nói chuyện này nhảy sang chuyện khác, chỉ cốt cho có vần có điệu, nhưng có như thế mới làm cho trẻ thích thú, vì nó phù hợp với đặc điểm trí lực của các em. Sức chú ý của các em chưa tập trung, tư duy trẻ khác hẳn người lớn, vì thế cần cho trẻ tiếp thu ngoại vật bằng ấn tượng chứ không phải bằng lý luận. Bên cạnh đó, nó luyện cho trẻ óc tưởng tượng, coi mọi vật đều có tri giác, trẻ hồn nhiên nói chuyện với cỏ cây, hoa lá, đồ vật, loài vật chung quanh mình trong ý nghĩ là những trao đổi đầy cảm thông, hòa hợp và thân thiện. Chỉ có trí tưởng tượng dồi dào mới thấy được “Con sên biết lên công chúa; con ve ve biết ăn cá hố đến dài mồm; con cua cắp giỏ theo hầu”, và “ông Trăng biết xuống chơi cho có bầu có bạn…”