Buổi sơ khai, danh từ chỉ đờn bà con gái đều giống nhau hết thảy, và còn tồn tại đến ngày nay:

Miền Dưới: Wahinê                  = Đờn bà

Đa Đảo: Hina (Đảo Marquises)      = Đờn bà

Đa Đảo: Véhini (Đảo Alor)       = Đờn bà

Nhựt Bổn: Himê                       = Con gái

Việt Nam: HĨM                         = Con gái

Thái: Hi-in                                  = Phụ nữ

Lào: Mê-nhin                             = Phụ nữ

(Tự điển Nhựt định nghĩa HIMÊ là công chúa, nhưng sách Tây lại bảo rằng HIMÊ là con gái. Chúng tôi để danh từ HIMÊ trong biểu đối chiếu với sự dè dặt.)

Việt Nam đã bỏ mất nghĩa của HĨM và cho nó một nghĩa thô tục là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Thế thì có lẽ Nhựt cũng đã biến nghĩa danh từ HIMÊ của họ. Sách Tây mà chúng tôi nói đến, nghiên cứu các tác phẩm cũ của Nhựt, còn tự điển là sách mới in. Trong vòng mấy trăm năm nay, Nhựt ngữ đã bị thay đổi hết, tiến từ sự bất biến đến có đủ các thứ biến y như Âu châu.

Nét duyên của người con gái Hà thành xưa

Trường hợp Việt Nam đánh mất danh từ HĨM có lý do đạo đức và luân lý, chớ không phải là quên nghĩa cũ như trường hợp Thằng Cu, Cái Đĩ. Cái lý do luân lý ấy rất là ngộ nghĩnh…

Ta cứ hình dung ra một bà mẹ hồi cổ thời, bà ấy dạy con: „Mầy nên che cái con gái của mầy lại”. Bà mẹ đó ăn nói rất tốt vì bà tránh phải thốt ra một tiếng thô tục. Dĩ nhiên là trong câu của bà, hai tiếng CON GÁI là HĨM, bởi danh từ con gái chưa xuất hiện.

Nhưng ăn nói như vậy chừng hai trăm năm là danh từ HĨM bị hoen ố rồi nên lại phải tạo ra danh từ mới để diễn ý niệm con gái. Nhưng con gái vẫn chưa xuất hiện, nhưng chúng tôi không đủ tài liệu để kể ra hàng chục danh từ có nghĩa là con gái trải qua 8 ngàn năm lịch sử của dân ta, nhưng đại khái là cứ vài trăm năm thì một danh từ con gái bị hoen ố chính vì cái câu đó, thế nên ta cứ phải thay đổi mãi, mà vua Hùng Vương, bà Trưng bà Triệu ăn nói khác ta ngày nay, chớ không phải y hệt như ta được đâu.

Luật Swadesh về thời hạn một ngàn năm cho 20% danh từ, không thể đúng với loại danh từ này, chúng chỉ thọ 200 năm là cùng. Cách đây một trăm năm, người Pháp nói LE PETIT COIN. Nhưng rồi họ phải bỏ, nói W.C. W.C là tiếng Anh, lại viết tắt thì tưởng nó thọ lâu lắm! Nhưng bây giờ thì họ không dám dùng W.C nữa mà nói TOILETTE.

Tuy nhiên, thật ra thì không phải thay đổi danh từ thuở ta chưa có luân lý. Có lẽ chỉ phải thay đổi từ các đời Hùng Vương đến nay thôi.

Ta thử tìm biết danh từ CON GÁI của thời Hùng Vương 16, 17, 18 xem nó ra sao.

Người Khả Lá Vàng là người của thời đó và hiện còn sống sót họ nói: SALU GUÔI = Con trâu gái.

GUÔI không phải là hình thức đầu của GÁI. Nó chỉ có nghĩa là CÁI hồi cổ thời.

Thế nghĩa là vào thời đó, ta dùng Gái để chỉ GIỐNG CÁI của loài thú chớ chưa chỉ loài người.

Nhưng GÁI mà ta dùng ngày nay thì rõ ràng là của một nhóm Lạc bộ Mã kia là người Mường. Nhưng các nhóm Lạc bộ Mã khác như Chàm và Nam Dương thì nói khác.

 

Mường:             On Kai   = Con gái

Bình Trị Thiên:                Con cấy    = Con gái

Mãi cho đến ngày nay mà Bình Trị Thiên vẫn còn câu ca dao:

Con trai họ Võ thì lấy
Con cấy họ Võ thì đừng

Trong khi Lạc bộ Trãi chỉ có 36 phương ngữ ở khắp nơi, từ Đại Hàn đến Nhựt, Việt, nhưng đã thống nhứt rồi, ít lắm cũng ở ngoài đồng bằng, thì Lạc bộ Mã có quá nhiều phương ngữ. Ở Nam Dương có 350, ở Phi Luật Tân có 400. Điên được chớ chẳng chơi!

Người Mường chỉ là một nhóm nhỏ trong Lạc bộ Mã thế mà ông H. Maspéro đã tìm thấy 17 phương ngữ Mường khác nhau! Vậy Mường đã cho ta vay KAI mà ta đọc là CẤY để chỉ CON GÁI, còn thấy được trong ngôn ngữ Mường ngày nay và trong ca dao Bình Trị Thiên ngày nay. Lúc Chúa Nguyễn ly khai, hẳn dân ta nói con CẤY ở toàn quốc, tức từ Bình Định tới Lạng Sơn, chớ không phải riêng chúa Nguyễn ở Bình Trị Thiên mới nói như vậy.

Câu ca dao nầy ít có người biết. Nhưng một người bạn ở miền Trung đã cho chúng tôi cái câu đó.

Và ở đây có sự lộn lẹo thật buồn cười:

Cấy, Kai         = Gái (Đáng lý phải = Cái)

Guôi        = Cái ( đáng lý phải = Gái)

Nhưng sau đó có sự điều chỉnh. Người ta bỏ KAI của Mường là khách trọ, dùng GUÔI của Khả Lá Vàng.

Ta trở về với Lạc bộ Trãi là Khả Lá Vàng, nhưng có biến nghĩa. GUÔI là Cái của họ, được ta hiểu là GÁI, còn KAI là GÁI của Mường bị hiểu là Giống Cái.

Ảnh hưởng của bọn Mã, to lắm chớ không phải vừa vì tĩnh từ của họ lấn át cả tĩnh từ của ta, mặc dầu ta đã phản công, nhưng dấu vết còn sót lại mãi cho đến nay ở Bình Trị Thiên.

(Nhưng đất Bình Trị Thiên tuy đã bị Mã hóa ở tĩnh từ CẤY, nhưng lại oanh liệt ở tĩnh từ ĐAM.

Buổi mai, em xách cái oi
Em xuống dưới ao
Em bắt con đam
Đem về bỏ trong cái thỏng
Hắn kêu cái rỏng
Hắn kêu cái rảng
Hắn kêu một tiếng: chàng ơi!
Chàng nay an phận tốt đôi,
Bỏ em lẻ bạn, mồ côi một mình.

ĐAM là CUA, được khắp Cao Nguyên dùng, nhưng ở đồng bằng thì chỉ có Bình Trị Thiên là còn bảo vệ nó, còn toàn quốc đã bị danh từ của bọn Lạc bộ Mã là danh từ KOJOR, mà ta biến thành CUA, tràn ngập hết.

Ta bị tràn ngập cho đến đỗi đa số người Việt không còn biết con đam là gì nữa cả, khi nghe đọc bài ca dao cổ trên đây mà chúng tôi chép lại của một nhà sưu tầm ca dao Trung Việt.)

Nhưng sự điều chỉnh xảy ra vào thời nào thì không thể biết. Chỉ biết rằng điều chỉnh xong rất lâu mà Kai và Cấy cứ tồn tại ở xứ Mường và ở Bình Trị Thiên.

Ta hạ bệ KAI của khách trọ là tổ tiên người Mường, từ địa vị NGƯỜI GÁI xuống địa vị CON CÁI. Đó là ngữ nguyên thật đúng của GÁI và CÁI.

Gái = chỉ thú vật của Khả Lá Vàng            → chỉ người của ta.
Kái = chỉ người của Mường                        → chỉ thú của ta.

Còn MÁI là tĩnh từ của đại khối mà dân tộc nào cũng có, nhưng Việt Nam hỗn xược cho nó cái nghĩa là giống cái của loài cầm, các nhóm Mã Lai khác, dùng để chỉ người.

Nhưng NÁI thì ta không hỗn xược mà chính Thái đã tự hạ mình:

Miền Dưới:             Pơnita    = giống cái của người và thú, cầm thú.

Việt Nam:   Nái      = giống cái của heo

Churu:        Ana     = _”

Rôglai:         Ana     = _”

Thái:            Nai      = Đàn bà có chồng

Nhưng không chắc lắm là Thái tự hạ. Không có ai vô cớ mà tự hạ. Có lẽ các dân tộc khác tự tôn mà thôi, và xưa kia NÁI chỉ đàn bà có chồng, bằng chứng còn thấy được trong từ ngữ Việt Nam: NÁI XỀ. Thái giữ được, các dân khác biến bậy về nghĩa. Ta cũng giữ được, nhưng chỉ để nói đùa. NÁI XỀ là phụ nữ có con quá đông, nhan sắc bị tàn phá, trông bắt ớn.

ĐỰC thì hơi rắc rối. Ta sẽ thấy rằng ÔNG, BÀ là tiếng Mông Cổ mà cả Tàu lẫn Ta đã vay mượn thì ĐÀN ÔNG, ĐÀN BÀ không thành vấn đề nữa. Chỉ còn ĐỰC và TRỐNG mà thôi.

Lạc bộ Mã và Lạc bộ Chuy nói khác hết.

Có người cho rằng ĐỰC do TƯA của Thái mà ra. Nhưng chúng tôi chỉ thấy Thái học danh từ của Lạc bộ Mã, còn Lạc bộ Mã thì chưa hề học danh từ của Thái. Trong Thái ngữ có:

Tưa phu     = Đực người

Phu chai    = Người đực

Đực người hay người đực gì cũng đồng nghĩa.

Nhưng Mường là Lạc bộ Mã thì có Đưa = Trai. Mà Mường là một nhóm Lạc bộ Mã (độc nhứt có ĐƯA). Các nhóm Lạc bộ Mã khác như Nhựt Bổn, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Anh Đô Nê Xia, không thấy có).

Xin lặp lại là Lạc bộ Mã dưới thời Chiến Quốc, văn minh đã cao lắm rồi, còn Thái thì cho đến ngày nay vẫn còn thiếu danh từ để diễn ý.

Ngôn ngữ Thái và Cao Miên đầy dẫy danh từ của Lạc bộ Mã vì khi con dân của Sở, Ngô, Việt di cư thì dĩ nhiên là họ tạt vào rất đông đảo ở nước Tây Âu hùng cường. Còn Cao Miên thì lại học với Phù Nam, sau khi đã diệt quốc Phù Nam. Vì thế mà Thái mới vay mượn Tưa của Lạc bộ Mã.

Ta, ta vay mượn ĐƯA của Lạc bộ Mã, y như Thái, nhưng ta không biến ĐƯA thành TƯA mà biến ĐƯA thành ĐỰC.

Thế rồi cũng lại có sự điều chỉnh y hệt như ở trường hợp Cái, Gái, vì người Khả Lá Vàng nói:

Kuan Salu trùi = Con trâu đực.

Vì Khả Lá vàng là Lạc bộ Trãi nên rồi họ được ưu tiên và Mường phải lép vế vì Mường không thẳng dòng. Thế là Đưa, có nghĩa là Trai, bị hạ bệ xuống làm ĐỰC còn TRÙI có nghĩa là ĐỰC, được tôn lên làm Trai.

Không nên ngộ nhận rằng ta đã biến CHAI của Thái làn TRAI, vì CHAI của Thái là biến thể của Licay và có nghĩa y hệt như Licay: đực, lực lưỡng, thủ lãnh, đàn ông.

Mỗi lần người Thái Lan sang Sài Gòn chơi túc cầu hoặc võ Ănglê, ta thường nghe họ khuyến khích bồ nhà: Chai yô! Chai yô! Chai của họ không phải chỉ là Đực mà còn có nghĩa là mạnh. Chai yô! Có nghĩa như là: Tiến mạnh lên!

Nhưng không vì họ cho nó nhiều nghĩa mà tĩnh từ trai là của họ. Chính ta đã lấy của Khả Lá Vàng rồi biến nghĩa, cũng như ta đã lấy Đok là con khỉ của đồng bào Thượng để biến thành KHỈ ĐỘT, vì thường thì sự vay mượn nội bộ xảy ra dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng e là có sự ngộ nhận trong danh từ PHU của Việt Nam, có mặt trong từ ngữ MỘ PHU. Người ta nói đó là tiếng Tàu.

Còn ngờ! Sao cái gì cũng của Tàu hết vậy?

PHU của Tàu chỉ có nghĩa độc nhứt là đàn ông, còn ta thì ta mộ cả phụ nữ để làm phu nữa. PHU của Thái thì mang cả hai nghĩa: nam và nữ.

Bà con Nam:             Yạt ti phu chai

Bà con nữ:     Yạt ti phu hiin

Thế là PHU của ta do PHU của Thái mà ra.

TRỐNG, ở nông thôn Bắc Việt được phát âm là SỐNG. Nông thôn thủ cựu và SỐNG là hình thức cổ của Trống. Nhưng cái gì biến thành SỐNG? Chỉ một nhóm Thượng Việt độc nhứt là người Khả Tu mới có tĩnh từ nầy dưới hình thức GÔNG để chỉ giống đực của gà. SỐNG thành hình sau khi vua Hùng Vương thống nhứt các bộ lạc. Và cũng xin cứ nói đi nói lại mãi rằng không phải là Hùng Vương đã vay mượn GÔNG của Khả Tu mà bộ lạc Khả Tu và bộ lạc Ađuôk của Hùng Vương có chung tĩnh từ GÔNG. Các bộ lạc khác, phải học theo, sau khi cuộc thống nhứt thành công.

VỢ thì nhứt định là chung vốn với Thái, họ nói là YAR, nhưng CHỒNG thì không giống ai cả và chúng tôi cũng nghi là tiếng Mông Cổ vì ÔNG thêm CH vào là hóa ra đàn ông quan trọng và thân.

(Xin nhắc đến tĩnh từ CÁI thứ nhì, trong Bố Cái Đại Vương. Đó là tĩnh từ có nghĩa là đực, là đàn ông, là lực lưỡng, là lãnh tụ, chẳng dính líu gì tới Cái là giống cái hết thì ta không xét tới nó ở đây. Chỉ biết là tất cả các dân tộc Mã và Trãi đều có tiếng Cái thứ nhì đó.)

Nhưng CHỒNG do ÔNG của Mông Cổ, mọc thêm cái đầu CH chỉ là giả thuyết. Lạc bộ Mã ở Nam Dương gọi CHỒNG bằng ba danh từ, cả ba đều có thể biến thành CHỒNG: RÔ ĐÔNG (Mã Lai Pahang) – BAGÔNG (Mã Lai Perala) – KAMGÔNG (Anh Đô nê xia).

Một chi tiết ngộ nghĩnh: trên thế giới chỉ có chủng Mã Lai gọi Chồng là NHÀ. Vậy Chồng đồng danh từ với Nhà trong các nhóm. Thí dụ Chàm và các phụ chi Chàm như Rađê, Giarai đều gọi Chồng là THANG là SANG, vì họ lại đồng hóa cái Thang với cái Nhà bởi nhà đời xưa cao cẳng, muốn leo lên loại nhà đó phải nhờ cái thang.

Vậy nơi các nhóm đó, cả ba danh từ Thang, Chồng và Nhà là một.

Chàm:   Thang          = Chồng, Nhà, Thang

Giarai:   Sang   = Chồng, Nhà , Thang

Rađê:     Sang   = Chồng, Nhà, Thang

Chu ru :            Sang            = Chồng, Nhà, Thang

Cái thang là danh từ riêng của Lạc bộ Mã :

 

Nam Dương:       Tanga : cái Thang

Việt Nam:            Thang

Việt Nam:            Nhà sàn = nhà có thang.

Chàm và phụ chi:     Thang, Sang = Thang, Nhà, Chồng

Nhựt Bổn:            Tanna = cái kệ, tức cái món giống cái thang vì có nhiều bực.

Nhựt Bổn là Lạc bộ Mã đa số, nhưng họ lại biến THANG thành cái KỆ, rồi thì họ phải tân tạo danh từ Nhà. Nhà của họ là UCHI, vì đó là thói quen của chủng Mã Lai, gọi cái nhà bằng bất cứ danh từ nào, thì cũng gọi chồng bằng danh từ đó.

Sự kiện này có thể biến thành luật chủng tộc học được. Hễ dân nào gọi chồng là NHÀ TÔI thì nhứt định dân đó thuộc chủng Mã Lai, không có ngoại lệ bao giờ hết.

Ngôn ngữ học lại phục vụ chủng tộc học được một cách chắc chắn, đó là điều bất ngờ.

Nếu Nhựt không biến Thang thành Kệ thì nhứt định chồng của các bà Nhựt Bổn là TANA, chớ không là UCHI