Nghiên cứu về người Việt đã trở thành một chủ đề chính của giới khoa học trong nửa thế kỷ nay. Sự phát hiện nhiều nền văn minh khác Hoa Hạ ở phía nam Hoàng Hà đã đưa dẫn các nhà nghiên cứu tìm hiểu về thế giới Việt (Yue) phương nam.

Tộc Việt khởi nguồn không phải là một tộc danh mang ý nghĩa đơn vị sắc tộc (ethnic) có cùng nguồn gốc huyết thống mà là một danh xưng rộng được người Hoa Hạ sử dụng để gọi chung các nhóm tộc phân bố từ vùng lưu vực sông Dương Tử đi về phía nam. Các nhóm tộc này có rất nhiều và vì vậy theo cách dùng từ của Hoa Hạ đã xuất hiện khái niệm “Bách Việt” (Pái Yue) – chỉ số nhiều. Đây cũng là cách chỉ số nhiều của cư dân Đông Sơn khi nảy sinh ra truyền thuyết bà Âu Cơ sinh trăm trứng nở ra trăm con.

Danh xưng Bách Việt để chỉ chung các bộ tộc gắn kết với nhau về khía cạnh dân tộc học giữa các nhóm Việt khác nhau. Điểm nổi bật và bao trùm nhất được các nhà nghiên cứu đồng ý, đó là đặc tính trồng lúa nước của người Việt. Trồng lúa nước dẫn đến sự ra đời các xã hội (làng xóm) định cư theo các địa vực thích hợp với phát triển lúa nước, bộ dụng cụ làm ruộng lúa, sản xuất và chế biến lúa nước. Sau hết là hệ thống ngôn ngữ và lễ hội dân gian cùng gắn bó với lúa nước. Sự khác biệt của những người Việt trồng lúa nước đã tạo ra những phân định sau này với các nhóm tộc khác ở phía tây nam thượng nguồn sông Dương Tử như người Di, Bộc. Các nhóm này ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa chăn nuôi du mục và trồng ngũ cốc khô cạn (ý dĩ, kê, mạch…). Nhà nhân chủng học C.B. Laptev đã cho rằng lịch sử tộc Việt bắt đầu với làng trồng lúa Hà Mẫu Độ có độ tuổi từ 6-7 ngàn năm trước.(1) Phân bố của các nhóm trong khối Bách Việt theo đặc tính văn hóa khảo cổ lúa nước đó là ở trung và hạ lưu sông Trường Giang, ở lưu vực các dòng sông Đông Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam gồm lưu vực Sông Hồng, Sông Mã và Sông Cả.

Hình 1. Rìu đồng tìm thấy ở huyện Chủng, tỉnh Triết Giang (1), ảnh do tác giả chụp ở Viện Bảo tàng Triết Giang. Dễ dàng nhận ra đó là rìu Đông Sơn. Một chiếc rìu gần như tương tự (2) phát hiện ở khu mộ Đông Sơn/Sa Huỳnh (Gò Quê, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Rìu Đông Sơn có kiểu dáng hoặc trang trí tương tự (3) và (4). Sưu tập KQC. 

Trong lịch sử, người Ư Việt vùng cửa sông Trường Giang đã từng tạo lập một nhà nước Việt từ rất sớm, khoảng nửa đầu thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên. Nước Việt này nổi danh với ông vua Câu Tiễn nếm mật nằm gai để đổi bại thành thắng đưa nước Việt Cối Kê của mình vươn lên hàng bá chủ chư hầu nhà Chu. Đây cũng là vùng nổi danh thủy chiến với những vũ khí sắc bén và độc đáo: kiếm, qua, giáo và rìu chiến được chạm khảm danh xưng Việt Vương Câu Tiễn chi bảo kiếm. Vùng đất Triết Giang, địa bàn chính của Việt Vương Câu Tiễn sau này gắn với địa danh Đông Việt hay Đông Âu trong khối Bách Việt.

Phía nam Triết Giang, trên lưu vực Sông Mân đổ ra biển ở Phúc Kiến (Fujian) là vùng phân bố của những người trồng lúa Mân Việt. Trải dài theo lưu vực các sông nhánh chảy từ Ngũ Lĩnh đổ vào các hồ hay đổ thẳng vào sông Trường Giang là nơi phân bố của khối Dương Việt mà trung tâm của khối nằm ở vùng Trường Sa (Hồ Nam).

Hình 2. Một số đồ đồng đặc trưng của người Bách Việt vào khoảng trước sau Công nguyên tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau tại Hoa Nam (Trung Quốc) và nhất là Bắc Bộ (Việt Nam). Ảnh: Sưu tập KQC.

Đây là một khối Việt lớn và rất quan trọng trong vận trình chung của toàn khối Bách Việt. Bởi lẽ nó nằm ở giữa Hoa Nam có trách nhiệm gắn bó và chuyển giao giữa thế giới Việt với thế giới các tộc phi Hoa Hạ khác ở về phía tây (Sở, Bộc, Ba, Thục, Dạ Lang…). Về phần nguồn gốc tổ tiên người Việt ở phía nam lại mang đậm tính truyền thuyết, thần thoại bắt đầu từ Kinh Dương Vương ở hồ Động Đình, có liên quan mật thiết đến khối Dương Việt này. Địa bàn của người Lạc Việt bao trùm toàn bộ vùng nam Ngũ Lĩnh gồm lưu vực sông Tây Giang, Châu Giang, Lô Giang, Thao Giang (Sông Hồng), Đà Giang, Mã Giang, Lam Giang.

Đối với lịch sử Bách Việt thì từ khoảng giữa thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên diễn ra hai hiện tượng nổi bật: trước hết, nhiều nhóm Việt nổi lên trở thành các nhà nước tham gia vào các hoạt động chiến tranh và phát triển trong khu vực. Trong đó rõ rệt nhất là nước Ngô của dòng họ nhà Phù Sai, nước Việt của dòng họ nhà Câu Tiễn (thời Xuân Thu-Chiến Quốc)(2) và sau này, nước Nam Việt của dòng họ Triệu (thời Tần Hán). Những tiểu quốc khác thuộc thế giới Bách Việt trong thời kỳ hậu Chiến Quốc có thể kể ra như Đông Âu (Đông Việt), Tây Âu (sau nhập với Văn Lang thành Âu Lạc), Mân Việt và có thể cả Điền, Ai Lao và Dạ Lang nữa. Sau này, có một làn sóng di chuyển dân cư rất rõ ràng từ khối Bách Việt xuống phía nam. Sự hình thành nhà nước Âu Lạc là một chứng tích rõ rệt nhất của sự chuyển dịch và hợp quần của một bộ phận khối Việt Tây Âu ở thượng nguồn Sông Lô, Sông Hồng xuống hạ và trung lưu các dòng sông này, nhập cùng với nhóm Lạc Việt bản địa tạo nên nhà nước Âu Lạc do Thục Phán An Dương Vương đứng đầu. Để giải thích họ “Thục” của An Dương Vương, sách sử cho rằng ông là dòng dõi nhà Thục, ám chỉ nguồn gốc Quý Châu, Tứ Xuyên của vị thủ lĩnh Tây Âu này. Gần đây xuất hiện bằng chứng khảo cổ học liên quan đến sự hiện diện của văn hóa Ai Lao (Bảo Sơn, Vân Nam, Trung Quốc) tại Yên Bái và thậm chí đến tận Đồng Nai (Việt Nam).

Bản đồ Đông Dương và Hoa Nam với các bộ tộc Bách Việt phía nam sông Dương Tử. Phía bắc là địa bàn của người Hoa Hạ. Sau khi Lưu Bang lập nên nhà Hán, người Hoa Hạ được gọi là người Hán.

Điều này góp phần giải thích ghi nhận trong truyền thuyết cũng như thư tịch về mối quan hệ giữa Thục Phán với Ai Lao. Trước đây, do nhận thức về bản chất văn hóa Bách Việt còn yếu kém nên nhiều người nhầm lẫn rằng công cuộc chuyển dịch đó đơn giản chỉ là sự bành trướng của văn hóa Hán. Nhưng từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 và nhất là gần đây nhờ những bằng chứng khảo cổ nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, trong đó có không ít học giả Trung Quốc, đã nhận rõ những yếu tố văn hóa Việt độc lập. Như vậy cho phép ta tách ra trong văn hóa Đông Sơn các giai đoạn phát triển sớm-muộn và đặc tính khu vực khác nhau. Trong đó, nhiều yếu tố văn hóa mà trước đây thường được các nhà nghiên cứu gọi là “phong cách Hán”, thực chất chính là các yếu tố Bách Việt phương bắc, hình thành do giao lưu cọ sát giữa các nền văn minh Bách Việt sớm với các nền văn minh Hoa Hạ trước Hán.(3) Đồng thời khi giao lưu hoặc di chuyển xuống phía nam họ đã mang theo và vô tình lan truyền những yếu tố văn hóa Hoa Hạ.(4) Từ đó pha trộn với các nền văn hóa Bách Việt thuần túy phương nam (Đông Sơn, Điền…) tạo ra một dạng hình văn hóa mới, thường được giới nghiên cứu gọi là các dạng hình của văn hóa “Lĩnh Nam” hay văn hóa Yi, Yueh. Sự xuất hiện các dạng hình văn hóa Lĩnh Nam đó gắn với quá trình bành trướng văn hóa Hoa Hạ thông qua cục diện thời Chiến Quốc.

Ở Việt Nam tác động văn hóa nói trên bắt đầu đậm nét từ khi nhà Tần đem quân xâm chiếm và đặt quận huyện ở Lĩnh Nam (221-208 trước Công nguyên) và nhất là khi nước Nam Việt mất vào tay nhà Hán (111 trước Công nguyên). Từ đó xuất hiện sự biến dạng ở bộ đồ đồng Đông Sơn cả về số lượng và nghệ thuật – đặc biệt trong bộ vũ khí, đồ trang sức, đồ lễ nghi. Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tán thành sử dụng thuật ngữ “Giao Chỉ” thay cho Đông Sơn nhằm làm rõ đặc tính Đông Sơn trong giai đoạn này.(5)

Hình 3. Hai thạp Giao Chỉ trong sưu tập KQC.

Quả là sức ép từ các đời đế chế Trung Nguyên đã đóng vai trò không nhỏ trong việc đẩy dần quý tộc, thủ lĩnh Bách Việt đi dần về phía nam. Nền văn hóa Bách Việt phương bắc, tức những nơi cận kề tiếp giao trực tiếp với văn hóa Trung Nguyên đương nhiên ít nhiều in dấu ấn Hoa Hạ. Trên thực tế, kể từ sau thế chiến 2, nhiều hội nghị khoa học và công trình nghiên cứu đã nhận rõ những dạng hình văn hóa giao lưu mang tính trung gian giữa hai nền văn minh: lúa ở phương nam (Bách Việt – Trường Giang) và kê mạch ở phương bắc (Trung Nguyên – Hoàng Hà) như Hoài thức (Huai style), văn hóa Sở, văn hóa Ngô-Việt, văn hóa Nam Việt… Vì vậy cần nhận thức rõ rằng, sự lan tỏa của văn hóa Bách Việt xuống phía nam là một hiện tượng văn hóa độc lập và không phải lúc nào cũng gắn với sự bành trướng của các đời đế quốc Trung Hoa cổ đại, nhất là ở những thiên niên kỷ I, II trước Công nguyên, trước khi nhà Tần nam chinh.

Ví dụ, vào năm 316 trước Công nguyên, nước Tần đánh chiếm Ba Thục ở vùng Tứ Xuyên ngày nay, lập ở đây hai quận thuộc Tần. Nơi đây đã từng có nền văn minh rực rỡ với văn hóa Tam Tinh Đôi và Kim Sa trong suốt thời Thương, Chu. Vì thế, quận phía bắc chịu ảnh hưởng đậm nét của Tần, quận phía nam vẫn gần như còn nguyên do các quý tộc Thục cai quản. Trước nguy cơ mất dần quyền lực, một số quý tộc Ba Thục đã liên kết với các thủ lĩnh Điền, Việt ở phía nam tạo lập ra những trung tâm văn hóa mới. Khảo sát con đường di chuyển của các vũ khí Ba Thục trong đó điển hình nhất là qua và kiếm, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra hai nhánh phát triển của nền văn minh Ba Thục xuống phía nam. Một hướng tây nam vào Vân Nam và một hướng nam tiến vào Quý Châu, Quảng Tây tác động vào Dạ Lang và khối Tây Âu. Những ảnh hưởng từ Tứ Xuyên này không tác động trực tiếp đến văn hóa phương nam mà qua các nền văn hóa trung gian.

Biến động lớn trực tiếp tác động đến thế giới Bách Việt Lĩnh Nam là sự kiện xảy ra trong khoảng những năm 221-214 trước Công nguyên, khi nhà Tần cử 50 vạn quân nam chinh. Đó thực sự là cuộc bành trướng mở rộng lãnh thổ của một đế quốc Hoa Hạ xuống phương nam. Những người tham gia cuộc nam chinh đó là binh sĩ, tướng lĩnh Hoa Hạ mà Triệu Đà, Nhâm Ngao là những người như vậy. Khi này chưa thể có khái niệm Hoa Bắc, Hoa Nam, bởi lẽ phương nam vào thời Chiến Quốc chưa tồn tại thực sự những cộng đồng Hoa tộc. Thay thế vào đó, chỉ có khái niệm Bách Việt, Lĩnh Nam (vùng núi phía nam) hoặc Giang-Hà (phía bắc gọi sông là Hà, phía nam gọi sông là Giang). Cuộc giằng co của các thủ lĩnh Việt với quân Tần đã được nhắc đến rất rõ trong thư của Hoài Nam tử Lưu An gởi Hán Văn Đế vào đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên. Có lẽ trong hoàn cảnh bị o ép bởi quân Tần, các thủ lĩnh Tây Âu đã liên kết với các thủ lĩnh Lạc Việt để thành lập nhà nước Âu Lạc. Sau nhiều năm giành giật, đến năm 214 trước Công nguyên, các thủ lĩnh người Tây Âu, Lạc Việt ở vùng đất mà sau này trở thành ba quận của nhà Tần hoặc buộc phải đầu hàng quân Tần để thành quan lại của Triệu Đà hoặc phải chạy về phía tây và phía nam tạo nên những trung tâm quý tộc Đông Sơn miền núi. Tình trạng này càng rõ nét hơn khi Triệu Đà dùng áp lực quân sự thâu tóm Âu Lạc vào khoảng những năm 180-179 trước Công nguyên.(6)

Hình 4. Bên trái là bộ kiếm của văn hóa Kele (Quý Châu, Trung Quốc) và bên phải là một trong số trên 50 thanh kiếm cùng loại đã phát hiện ở vùng núi Thanh-Nghệ Việt Nam. (Ảnh bên trái của TS Nguyễn Việt. Kiếm bên phải trong sưu tập KQC).

Giả thuyết trên còn được củng cố bởi một số bằng chứng khảo cổ học về những kiếm lưỡi sắt cán đồng và nồi đồng kiểu văn hóa Khả Lạc ở vùng Quý Châu (Trung Quốc). Miền núi hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là nơi phân bố những di vật khảo cổ học thời Đông Sơn có liên quan đến văn hóa Dạ Lang. Vùng này cũng đồng thời gắn với đền thờ An Dương Vương và tàn dư tộc người liên quan đến Dạ Lang, Văn Lang được ghi chép trong sách sử đời Hán. Những chứng cứ đó đã làm hé mở khả năng theo dõi con đường di chuyển của những thủ lĩnh Âu Lạc, những người đã không chấp nhận lệ thuộc Nam Việt, tìm đường đi về phía nam. Đây cũng là một trong những con đường di chuyển của trống đồng Đông Sơn vào Tây Nguyên, Nam Bộ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.(7)

Biến động chính trị tạo nên một làn sóng di chuyển Bách Việt về phía nam nữa là cuộc hành quân của Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức nhà Tây Hán xâm chiếm và giải thể nhà nước Nam Việt vào năm 111 trước Công nguyên. Cuộc hành quân này đã lôi cuốn cả quân đội Dương Việt cũ ở Trường Sa quận và Dạ Lang vào cuộc. Như đã biết, tuy Triệu Đà lập ra nhà nước Nam Việt nhưng chính trị và văn hóa Nam Việt thực chất là một nền chính trị độc lập và một nền văn hóa phi Hán.(8) Danh sách phong thưởng đối với những quan tướng Nam Việt theo nhà Hán trong Tiền Hán thư cho thấy một số quý tộc Nam Việt thuận theo nhà Hán, nhưng một số khác đã đưa gia quyến, bộ tộc chạy về phía nam, như trường hợp Lữ Gia và Triệu Kiến Đức. Hai vị này đã bị những người theo nhà Hán bắt và giết chết.

Biến động chính trị lớn tiếp theo liên quan đến di tản của các thủ lĩnh Việt tộc về phía nam là cuộc hành quân của 10 vạn quân do Phục Ba tướng quân Mã Viện nhà Đông Hán xuống Giao Chỉ, đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43 sau Công nguyên. Cuộc chống trả của nghĩa quân Hai Bà Trưng diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Hồng. Sau khi thất bại, nhiều thủ lĩnh Lạc Việt chạy vào vùng núi Cửu Chân cùng Đô Dương, thủ lĩnh Lạc Việt ở Cửu Chân chống Hán. Cuộc hành quân của Mã Viện đã vào tận Cửu Chân đẩy tàn quân Hai Bà Trưng lùi sâu vào miền núi phía tây và phía nam đất Thanh-Nghệ.

Thực tiễn lịch sử trên cho phép nhìn nhận các tàn tích văn hóa Đông Sơn, pha trộn với những những tàn tích đồ đồng Sở, Ngô, Việt, Ba Thục, Điền, Dạ Lang. Ngay cả một số đồ Trung Nguyên thực thụ (như trường hợp chiếc tước thời Xuân Thu trong sưu tập KQC). Sự pha trộn này ở mỗi vùng nhất định và từng giai đoạn cụ thể như là dấu tích lan tỏa của văn hóa Bách Việt dưới sức ép quân sự-chính trị của các đời đế quốc Trung Hoa chứ không phải đơn giản là ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Hán.

Hình 5. Chi tiết trang trí trên phần tay cầm kiếm Tây Âu. Sưu tập KQC.

Sau đây chúng ta sẽ từng bước dõi theo dấu vết của các cuộc di chuyển này. Theo chúng tôi, bằng chứng không thể chối cãi về sự giống nhau giữa những thanh kiếm chôn theo người chết ở khu mộ Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc) với những thanh kiếm đào được ở vùng núi Thanh-Nghệ mà sưu tập KQC đang sở hữu bốn chiếc. Đây là loại kiếm lưỡi sắt, thảng hoặc cũng có lưỡi đồng. Điểm khác biệt lớn nhất với các loại kiếm khác là ở phần chuôi đúc bằng đồng có chốt hãm để giữ phần lưỡi sắt hay đồng tra vào sau. Dưới đốc của phần cán đồng này phổ biến trang trí một hình thuyền cong với những hình người thể hiện bằng cách đúc thủng lỗ. Các hình thuyền này khá mỏng và gắn với đốc kiếm bằng hai hay ba trụ đỡ. Phần tay cầm bằng đồng thường có những hình kỷ hà chìm sâu như gấm hoa.

Theo thống kê, cho đến nay trên đất Trung Hoa rộng lớn mới chỉ phát hiện được chưa đến 20 chiếc, trong đó phần lớn từ các mộ táng ở Khả Lạc. Một vài chiếc khác được thông báo tìm thấy rải rác ở Vân Nam và Quảng Tây. Những kiếm này hiện cũng chưa từng thấy ở vùng Bắc Bộ Việt Nam nhưng lại thấy rất nhiều ở vùng miền núi Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Nghệ An. Vùng tập trung nhất là khu vực thượng lưu Sông Hiếu, thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An). Theo thống kê, người ta đã phát hiện ở Việt Nam khoảng 50 thanh kiếm loại này. Vậy lý do gì đã dẫn đến phân bố kiểu kiếm như vậy ở hai vùng cách xa nhau hàng ngàn cây số?

Câu trả lời có thể nhắc lại tóm tắt ở đây rằng những thanh kiếm đó chính là bằng chứng của những thủ lĩnh Tây Âu Lạc đã tham gia cuộc nam tiến dưới trướng của An Dương Vương Thục Phán sau khi bị Nam Việt gây sức ép.

Trong số những địa điểm tập trung đồ đồng liên quan đến những người Đông Sơn gốc Tây Âu Lạc đó, cho đến nay mới chỉ có duy nhất địa điểm Làng Vạc là được khảo cổ học nghiên cứu kỹ lưỡng. Ba đợt khai quật khảo cổ học ở đây cho thấy tại vùng đồi núi thượng nguồn Sông Hiếu khá hoang vu và xa các trung tâm Đông Sơn đương thời bỗng trở thành một khu mộ táng chôn cất nhiều thủ lĩnh, quý tộc Đông Sơn Âu Lạc. Các ngôi mộ này có niên đại kéo dài từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên.(9) Một vùng khác cũng tập trung đồ đồng Âu Lạc, đó là vùng bán sơn địa thượng nguồn Sông Chu, Sông Mã của tỉnh Thanh Hóa, như Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Xuân. Kiểu mộ táng và đồ đồng chôn theo ở đây khá giống với vùng Làng Vạc. Đặc biệt sự tồn tại những thanh kiếm và nồi đồng mang phong cách văn hóa Khả Lạc càng củng cố thêm giả thuyết cho rằng chủ nhân những khu mộ này có liên quan đến tàn quân Âu Lạc, Nam Việt và có thể cả tàn quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng nữa.

Hình 6. Nồi đồng mang phong cách văn hóa Kele phát hiện nhiều ở xung quanh Hà Nội và miền Tây Thanh Hóa, được coi như bằng chứng liên quan đến nguồn gốc Thục của thủ lĩnh Tây Âu Thục Phán. Sưu tập KQC.

Rải rác ở vùng núi Bắc Trường Sơn thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh Tây Trường Sơn của Lào cũng đã phát hiện nhiều trống đồng kích thước lớn, có cóc trên mặt trống. Đây là loại trống thuộc phong cách trống Hữu Chung và các trống ở Indonesia. Chiếc trống lớn đường kính 115cm hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là thuộc loại trống khai quật được ở vùng này. Sưu tập KQC cũng có một số chiếc như vậy, trong đó chiếc lớn có đường kính mặt 105cm. Niên đại của các trống này được cho là ở khoảng thế kỷ 1 trước và sau Công nguyên. Có thể chúng liên quan đến tàn quân Lạc Việt trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Dấu vết di chuyển của những người Âu Lạc này còn đi xa hơn nữa về phía nam. Nếu theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, những lưỡi kiếm ngắn chuôi tông đặc có dáng hình phần lưỡi như lá mía mang đặc trưng “kiếm kiểu Thục” của văn hóa Đông Sơn, thì phân bố của loại “kiếm” này hiện cũng tập trung ở vùng đất Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi. Khảo sát kỹ vị trí của các “kiếm” lá mía này trong khu mộ Sa Huỳnh ở Gò Mả Vôi (Quảng Nam), người ta thấy chúng quay mũi lên trên phía đầu người chết, như các kiếm trong mộ Khả Lạc chứ không cùng chiều với các mũi giáo hướng mũi nhọn xuống dưới.

Khu mộ táng Sa Huỳnh ở Gò Quê (Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một di tích Đông Sơn – Sa Huỳnh ven biển. Bộ đồ tùy táng trong các ngôi mộ vò và mộ đất ghi nhận dấu ấn đậm nét của những người Âu Lạc đến từ vùng miền núi Thanh- Nghệ. Đồ tùy táng kim loại trong khu mộ này có tới 90% là đồ đồng Đông Sơn hoặc mang phong cách Đông Sơn, như rìu, dao găm, giáo, “kiếm lá mía”, thắt lưng, tấm che ngực… Trong số đó chiếc thạp đồng mang kiểu trang trí hoa văn Đông Sơn nhưng thay vì có một chân đế hình vành khuyên như các thạp Đông Sơn điển hình thì chiếc thạp này lại có bốn mấu nổi như cách làm đáy nồi của văn hóa Khả Lạc. Chiếc thạp này cùng với hàng chục lưỡi “kiếm lá mía” được xem như những dấu hiệu của tàn dư Tây Âu.

Những chiếc rìu có họng tra cán hình thang lồi đặc trưng cho đồ đồng Tây Nguyên và Đồng Nai tồn tại bên cạnh đồ đồng Đông Sơn ở Gò Quê gợi ý những người Đông Sơn Âu Lạc đã đến đây chung sống với những người Sa Huỳnh từ vùng Kon Tum Tây Nguyên theo dòng thượng nguồn sông Trà Bồng đi xuống.(10) Nơi được coi như quê hương gần nhất của những người Gò Quê chính là vùng phân bố dày đặc trống đồng Đông Sơn phong cách Tây Âu ở Đắk Lắk.

Sự tập trung trống đồng ở Tây Nguyên(11) là một hiện tượng rất có ý nghĩa trong việc dõi theo con đường di chuyển của những thủ lĩnh Âu Lạc. Tất nhiên, bên cạnh một số trống còn giữ khá nguyên vẹn tính chất Đông Sơn gốc, đa phần trống Tây Nguyên bắt đầu pha trộn những yếu tố bản địa của vùng miền núi cao nguyên này. Phát hiện trống ở Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương và gần đây ở Bit Meas, Prohear (Campuchia) cũng như những trống cùng phong cách Bắc Trường Sơn và Tây Nguyên từ trước đó ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia đặt ra một cách nhìn khác về sự phân bố trống đồng ở Đông Nam Á. Đó không phải chỉ đơn thuần là con đường giao lưu buôn bán, mà còn thực sự là dấu vết của những cuộc thiên di lớn của người Bách Việt diễn ra trong những thế kỷ trước sau Công nguyên.

Hình 7. Chi tiết mặt trống thường đào thấy ở miền núi phía tây Thanh Hóa, Nghệ An hay Tây Nguyên giống như trống thấy trong hang Ong Bah (Thái Lan). Sưu tập KQC.

Khi bàn về hiện tượng săn đầu người trong văn hóa Đông Sơn tôi đã từng nhắc nhiều đến hình ảnh người hóa trang đứng cách điệu với hai tay dang rộng nắm hai biểu tượng đầu người. Hình ảnh này từng bắt gặp ở trên trống mà các nhà khảo cổ học Đan Mạch công bố phát hiện ở Thái Lan(12) cũng như trên một trống Đông Malaysia,(13) Đông Indonesia. Hình tượng này rất hiếm gặp trên các trống phát hiện ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Trái lại rất thường gặp trên các trống Tây Nguyên.(14) Trong số trống Tây Nguyên thuộc sưu tập KQC cũng gặp nhiều hình tượng người như vậy. Có thể dùng hình người này như một tiêu chí phân định cho một loại hình địa phương riêng biệt. Loại hình này, bằng con đường nào thì chưa rõ đã từ Tây Nguyên có mặt ở những vùng xa hơn đến tận những đảo Đông Indonesia.

Các hình nai, chim, voi, ngựa, hổ rất độc đáo xưa nay mới chỉ thấy trên những trống Đông Sơn muộn ở Indonesia như Kur, Sangeang thì nay thấy chúng ở nhiều đồ đồng Đông Sơn Giao Chỉ phát hiện ở vùng miền Tây Thanh- Nghệ vào đến Tây Nguyên. Sưu tập KQC sở hữu một số thạp, liễm đồng trang trí bởi những hình voi, ngựa, hổ rất gần gũi với những hình trên trống miền Đông Indonesia đó. Phong cách nghệ thuật trang trí các hiện vật trên được gọi là phong cách “Đông Sơn Tây Âu”(15) như muốn ám chỉ con đường lan tỏa trực tiếp của những người Bách Việt từ vùng núi cực Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam đi về phương nam sau những biến động chính trị trong vùng kể từ nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Minh chứng sinh động nhất của cuộc di chuyển này có thể tìm thấy ở hiện tượng mộ thùng bằng gỗ khai quật ở Phú Chánh (Bình Dương, miền Nam Việt Nam). Những mộ này thường chôn theo trống đồng Đông Sơn, dụng cụ dệt vải kiểu Tây Âu – Điền, gương đồng Tây Hán muộn và rất nhiều vỏ cau bên trong.(16) Tôi tán thành quan điểm của Nguyễn Việt cho rằng chủ nhân những mộ táng này có liên quan chặt chẽ đến làn sóng nam tiến của những người Âu Lạc.(17) Những chiếc vò bằng gỗ ở Phú Chánh vẫn phảng phất chiếc quan tài độc mộc mà người Âu Lạc ưa dùng đồng thời cho thấy những ảnh hưởng của truyền thống mộ vò trong văn hóa Sa Huỳnh.

Một đặc trưng xuyên suốt trong nghệ thuật đúc đồng Tây Âu – Lạc Việt là cách dùng khuôn sáp và ảnh hưởng rõ nét của nghệ thuật đan lát với nghệ thuật đúc đồng và trang trí trên đồ đồng. Các quai trống làm từ khuôn in các sợi bện xoắn thừng như hình bông lúa, các vết in trên cán kiếm, trên các vòng ống bằng đồng như in từ chính các đồ đan lát. Đây là một dòng nghệ thuật chảy từ vùng Ba Thục qua Tây Âu dọc Sông Hồng xuống đồng bằng Bắc Bộ và phủ khắp miền Tây Thanh-Nghệ. Có thể nói nghệ thuật này trở thành đặc trưng đỉnh cao Đông Sơn ở Làng Vạc, in hằn đến tận đồ đồng thời Champa, Tây Sơn ở Tây Nguyên, thậm chí có thể lan tỏa đến cả truyền thống Bản Chiềng lưu vực Sông Mun (Thái Lan). Những chuông voi hình đầu trâu và chuông lục lạc trong sưu tập KQC cũng như chiếc chuông hình bầu dục có hình người rất độc đáo của sưu tập Bảo tàng Barbier-Mueller đều như được chế từ nguyên bản một vật mẫu bằng mây tre. Chất liệu bằng sắt pha ít đồng vẫn giữ nguyên được vệt in xoắn của các sợi thân cây rất mịn màng, tinh tế.

Hình 9. Chuôi kiếm của những thủ lĩnh Dạ Lang thời Hán ở vùng núi Thanh-Nghệ vẫn mang đậm truyền thống làm khuôn in từ những đồ đan lát. Sưu tập KQC.

Điều đáng nói cuối cùng trong bài này là bộ sưu tập hàng ngàn chiếc qua đồng phát hiện ở miền Đông Nam Bộ trong đó có những chiếc qua lớn, trang trí vô cùng cầu kỳ và tinh xảo. Việc phát hiện một số lượng lớn qua đồng ở Nông trường Long Giao (Đồng Nai) đã được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và kiểm chứng.(18) Từ đó, loại hình qua ở miền Đông Nam Bộ có tên chung là “qua đồng Long Giao”. Thực ra trước khi phát hiện kho qua đồng ở Long Giao, khảo cổ học đã từng khai quật được lẻ tẻ loại qua này ở Dốc Chùa (Đồng Nai), Bầu Hòe (Ninh Thuận). Chúng nằm trong khung niên đại một vài thế kỷ trước sau Công nguyên. Gần đây ở khoảng vùng đồi núi tiếp giáp giữa Đồng Nai, Phan Thiết và Bà Rịa-Vũng Tàu dân chúng đã phát hiện một kho qua đồng lớn lên đến hàng ngàn tiêu bản. Trong đó, ngoài một số ít qua lớn trang trí đẹp còn lại là những qua trơn trang bị cho lính chiến đấu. Sưu tập KQC cũng có 14 chiếc thuộc loại qua Long Giao nói trên. Những tiêu bản qua lớn không thực sự tiện dụng trong chiến đấu, lại được trang trí đầy khắp phần cán và đốc cho thấy chúng có thể chỉ là đồ nghi lễ trong một phủ đệ quý tộc, thủ lĩnh nào đó.

Hình 10. Qua đồng dùng trong nghi lễ Bầu Hòe (trái) và qua đồng Long Giao (phải), hai qua lớn với hoa văn tinh xảo dùng trong nghi lễ, qua nhỏ nhất không hoa văn dùng làm vũ khí. Sưu tập KQC.

Nhưng sự đồng đều và rất có hiệu quả trong chiến đấu của hàng ngàn chiếc qua đồng còn lại cho thấy đây chính là vũ khí lợi hại của một đội quân có tổ chức và tính thống nhất cao. Có ý kiến cho rằng chúng có thể là sản phẩm thương mại. Nhưng quan sát bó vải bọc bên ngoài các cụm lưỡi và vết hằn cán gỗ cho thấy chúng được chôn cất như là một kho vũ khí chứ không phải kho hàng cho mục đích thương mại. Hơn nữa không thấy các qua này trong những mộ táng đương thời.

Hình 11. Một số qua đồng kiểu Long Giao và Bầu Hòe tìm thấy ở miền Đông Nam Bộ trong sưu tập KQC. Mặc dù hình dáng có khác nhưng hoa văn lại hoàn toàn giống nhau.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Việt(19) những qua đồng kiểu Long Giao chịu ảnh hưởng phong cách qua đồng văn hóa Ngô Việt chỉ thấy phát hiện ở vùng Điền Nam – Tây Âu (thượng du Sông Hồng) và ở miền Đông Nam Bộ. Trong khi đó, những người Tây Âu di chuyển xuống đồng bằng Sông Hồng lại không ưa dùng loại qua Ngô Việt đó mà là loại qua Ba Thục. Bằng con đường nào đó, những thủ lĩnh Tây Âu ưa chuộng dùng qua kiểu Ngô Việt trang trí tinh xảo, cầu kỳ mang đậm phong cách Điền Nam – Tây Âu đã theo đường biển đổ bộ vào vùng đồi núi ven bờ biển Đồng Nai – Phan Thiết – Vũng Tàu tạo lập ở đây một trung tâm văn hóa đồng thau mà qua đồng là một sản phẩm nhiều đến mức chưa bao giờ thấy trong lịch sử Trung Hoa cũng như lịch sử toàn vùng Đông Á và Đông Nam Á. Những nghiên cứu trong tương lai có thể xác lập ở đây một dạng hình nhà nước sớm mà khu mộ cự thạch ở Dầu Giây, Hàng Gòn có thể thuộc về những thủ lĩnh nhà nước có đội quân dùng các qua đồng đó.

Hình 12. Hai hộp đồng dẹt hình chữ nhật phát hiện ở Đồng Nai cùng qua đồng kiểu Long Giao (Sưu tập KQC) và bình đồng dẹt phát hiện ở Campuchia (Bảo tàng Barbier-Mueller Thụy Sĩ, ảnh Nguyễn Việt).

Phát hiện hai hộp đồng dẹt hình chữ nhật làm theo kiểu da khâu của người du mục và 6 đôi chũm chọe cùng phong cách nghệ thuật trang trí với các lưỡi qua Long Giao ở gần Phan Thiết(20) hé mở mối quan hệ xa hơn với những chiếc bình dẹt kích thước lớn phát hiện ở Campuchia, Thái Lan, Indonesia.(21)

Loại hộp đồng dẹt hình chữ nhật này, theo chủ nhân nhà hàng Trống Đồng, nơi đang trưng bày một chiếc tương tự, được phát hiện ở vùng núi Yên Bái cùng với các đồ đồng Đông Sơn Tây Âu khác. Phát hiện ra mối quan hệ giữa qua đồng Long Giao với những bình dẹt nổi tiếng nhưng đầy bí ẩn ở vùng Nam Đông Dương và Indonesia cùng với hệ thống nhạc chuông tròn có hình đầu trâu kích thước lớn, dường như chỉ dùng cho nghi lễ vương triều ở vùng Tây Ninh, Bình Phước (Việt Nam) và Đông Bắc Campuchia. Phát hiện này cho thấy bóng dáng một nhà nước hùng mạnh đã từng bị lãng quên ở vùng này trước khi được sử sách ghi nhận trở lại với vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo.

Hình 13. Các loại hình lục lạc thuộc phong cách Đông Sơn-Bản Chiềng với kỹ thuật khuôn sáp in hoa văn đan lát và những vòng tròn đồng tâm xoắn kép. Sưu tập KQC.

Ngoài ra người ta còn thấy mối liên hệ rộng hơn của những người gốc gác liên quan đến truyền thống đúc đồng Tây Âu với những quý tộc đã được chôn cất trong mộ chum đá ở “Cánh Đồng Chum” bên Lào. Bởi sợi dây liên hệ giữa hình mặt người trên đầu có đội mũ ba chỏm nhọn phát hiện trên một chum đá rất giống với hình mặt người có ba chỏm nhọn (ở chân đỡ của một đồ nấu ba chân bằng đồng, dưới đáy có hình mặt trời, phát hiện ở Quảng Ngãi).(22) Cả hai cùng một phong cách nghệ thuật, kỹ thuật với các chuông nhạc tròn nói trên. Những người đội mũ ba đỉnh nhọn này từ lâu đã được coi như điển hình cho thần thánh và shaman trong văn hóa Sở thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Mối liên hệ từ những hình đầu trâu, vòng xoắn như vậy còn cho phép tạo một bình tuyến văn hóa giữa các khu mộ trống đồng Bit Meas, Prohear (Campuchia), Tây Nguyên với thời đại đồng-sắt ở lưu vực Sông Mun, nơi phân bố văn hóa Bản Chiềng (Thái Lan).

Công việc gom nhặt những đồ rơi vãi của di dân Bách Việt về phía nam mới chỉ bắt đầu. Tuy vậy đã có thể nhận ra cuộc di chuyển đó không phải chỉ một đợt mà kéo dài trong hàng ngàn năm. Cũng không phải chỉ theo một tuyến độc nhất mà chắc chắn sẽ tỏa theo nhiều con đường khác nhau với ba trục chính: Mekong, Trường Sơn và Biển Đông. Nhờ sách vở và bộ sưu tập tôi nghiệm thấy truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã phần nào dựa vào thực thể hiện hữu. Bọc trứng nở trăm con, chính là các bộ lạc Việt tộc rải rác ở phía nam sông Dương Tử. Văn Lang quê hương nước Việt, bắc giáp Động Đình Hồ, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp biển là vùng đất rộng lớn bao trùm cả Hoa Nam và Bắc Việt Nam. Cư dân thời tiền sử ở Bắc Bộ đã không phải là một bộ tộc thuần chủng. Thời sơ sử, do di dân, văn hóa Đông Sơn lại đươc pha trộn thêm với các bộ tộc anh em phía bắc làm cho nền văn hóa bản địa thêm phong phú. Càng ngày tôi càng hiểu rõ nguồn gốc của tôi hơn và cảm thấy gần gũi thân thiết với dòng tộc Bách Việt rộng lớn của mình. Tất cả những điều trên đã được kiểm chứng khoa học và giải thích. Nhờ kiểm tra bộ gen (DNA)(23) của chính mình, được biết, tôi cùng nguồn gốc với một nửa số dân hiện đang sống trên đất Trung Hoa. Họ cũng như tôi, chính là những hậu duệ của tổ tiên Bách Việt thời xa xưa.


CHÚ THÍCH

  1. Laptev, B., 2006, Tiền sử lịch sử các dân tộc Việt: Khảo cổ học từ sơ kỳ thời đại đá  mới đến sơ kỳ đồ sắt ở hạ lưu sông Trường Giang và Đông Nam Trung Hoa, Mat-xcơ-va.
  2. Nhiều nhà nghiên cứu xếp cả các nhà nước Sở, Ba, Thục vào thế giới Bách Việt. Có nhiều cơ sở khảo cổ học ủng hộ quan điểm này. Cũng như sau này, vào thời hậu Chiến Quốc có thể xếp cả nước Điền vào khối Bách Việt vậy. Cách trình bày ở trên phần nào còn chịu sự chi phối của cách phân định theo sử cũ, khi tách Sở, Thục, Ba, Điền sang nhánh phía tây (Tây Di, Tây Nam Di).
  3. Văn hóa Hán thực sự chỉ xuất hiện từ sau khi đế quốc Hán thay thế đế quốc Tần vào năm 207 trước Công nguyên. Với thời gian khoảng 400 năm tồn tại, nhà Hán đã thực sự xác lập một dân tộc gắn liền với một lãnh thổ quốc gia, trật tự xã hội và một nền văn hóa Hán kèm theo hệ thống ngôn ngữ, văn tự, văn hóa nghệ thuật. Thuật ngữ Hán không dùng cho các hiện tượng lịch sử trước đó, như Hạ, Thương, Chu, Xuân Thu, Chiến Quốc, Tần… Để phân định về tộc người thì nhóm cư dân Trung Nguyên nói chung thường được mệnh danh là Hoa Hạ, trong đó có nhiều nhóm tộc nhỏ hơn sau này trở thành các tiểu quốc chư hầu, như Ngụy, Triệu, Hàn, Tần, Tề, Lỗ… Trung tâm vận động của Hoa Hạ được coi như vùng Hà Nam và phụ cận, nơi xuất hiện các kinh đô cổ Ân Khư, Lạc Dương, Tràng An. Văn hóa Hán hiện đang là một đề tài nghiên cứu quốc tế lớn được Viện Khảo cổ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ trì, bắt đầu từ năm 2002, cứ hai năm lại tổ chức một hội nghị quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam cũng thường xuyên tham dự các hội nghị này.
  4. Xem thêm Ma Chengyuan (ed.), 1997, Ngô Việt địa khu thanh đồng khí nghiên cứu luận văn tập, Bảo tàng Thượng Hải, Nxb Nhục mộc. Sái Xuyên Minh (ed.), 2006, Ngô Việt văn hóa đích Việt Hải đông truyền và lưu bố, Nxb Học lâm, Thượng Hải.
  5. Baptiste, P., 2008, De la culture de Dong Son a la domination chinoise: aspects de l’art du bassin du fleuve Rouge. Nguyễn Việt, 2008, “Nouvelles recherches sur la culture de Dong Son” trong Art Ancien du Vietnam, Collection Baur, Geneva, tr. 11-29. Barbier-Mueller J.P., 2008, Le Vietnam et la Civilisation de Dong Son – Un Introduction Historique. Nguyễn Việt, 2008, “Les Objets en Bronze Emblematiques de la Culture de Dong Son” trong Le profane et de Divin: Arts de L’Antiquite, Fleurons du Musee Barbier- Mueller, Hazan,
  6. Tiến sĩ Nguyễn Việt đã từng công bố chiếc thạp đồng khắc minh văn cho thấy có thể nó là của cải thuộc Triệu Đà khi ông còn làm Huyện lệnh Long Xuyên (khoảng 214 đến 208 trước Công nguyên). Điều lý thú là chiếc thạp này được xác nhận đào được ở vùng Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cùng với nhiều trống thạp khác. Hai chiếc thạp tương tự hiện bày ở Bảo tàng Thanh Hóa và Bảo tàng Barbier-Muller (Geneva, Thụy Sĩ). Một chiếc nữa chôn trong mộ Nam Việt Vương ở Quảng Châu, Trung Quốc.
    Không thể có chuyện mộ Triệu Đà chôn ở Thanh Hóa được. Vậy vì sao lại phát hiện thạp Triệu Đà ở đó? Điều giải thích hợp lý nằm ở câu chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên: Triệu Đà dùng của cải dụ dỗ, áp phục Tây Âu Lạc… Rất có thể chiếc thạp đồng này nằm trong số “của cải” đã được dùng để “áp phục” các thủ lĩnh Tây Âu Lạc vào năm 180-179 trước Công nguyên. Khi di chuyển xuống phía nam, các thủ lĩnh Tây Âu Lạc đã mang theo và chôn ở miền Tây Thanh Hóa. Cũng tương tự như chiếc thạp “sinh đôi” với thạp này chôn trong mộ Triệu Muội – cháu ruột Triệu Đà, có thể là đồ do Triệu Đà trao tặng mà có. Sưu tập KQC cũng may mắn có một số tiêu bản có nguồn gốc gần gũi với nơi đã phát hiện những chiếc thạp nói trên. Đó là chiếc thạp đồng có thuyền Đông Sơn và hình tượng một “thầy phù thủy” rất giống với hình trên một số đồ đồng và đồ sơn then nước Sở thời Chiến Quốc. Ngoài ra còn một số liễm ba chân mang đậm nét Đông Sơn Tây Âu thời Giao Chỉ, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc liễm có hình ba người gánh hươu và đồ nấu. Hình người gánh hươu buộc chân chổng ngược cũng đã từng xuất hiện trong đồ họa nước Sở.
  7. Xem thêm Nguyễn Việt, 2010, Dấu vết văn hóa Dạ Lang ở Việt Nam, đã dẫn.
  8. Tây Hán Nam Việt quốc khảo cổ cập Hán văn hóa, Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế tại Quảng Châu, tháng 11/2008.
  9. Imamura, và Chử Văn Tần (ed.), 2006, The Site of Lang Vac, Tokyo-Hanoi.
  10. Nguyễn Việt, 2011, “Gò Quê – một đảo Đông Sơn giữa biển Sa Huỳnh”, tạp chí Cẩm Thành, số 64, tr. 17-28.
  11. Có rất ít thông tin chính thức về phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên. Tuy nhiên theo những nguồn thông tin không chính thức thì trống ở Tây Nguyên tập trung trong một số khu mộ ở Kon Tum và Đắk Lắk. Bản thân tôi đã được thông báo về một khu mộ táng ở vùng Đắk Lắk với các trống Đông Sơn để ngửa, bên trong có xương người (xem thêm Kiều Chẩn, 2006, trong tạp chí Xưa và Nay). Trống Tây Nguyên ước có đến hàng trăm chiếc trong đó có nhiều chiếc trang trí phong cách khá lạ.
  12. Sorensen P, 1988, Archaeology excavation in Thailand, Scandinavian Institute of Asian
  13. Kempers, , 1988, The kettledrums in Southeast Asia, MQRSEA, vol 10, tr. 557, plate 15.05.
  14. Nguyễn Đình Sử (ed.), 2010, Kho báu trống đồng cổ Việt Nam, tập 1&2, Hà Nội. Các trống 587, 590, ..
  15. Nguyễn Việt, 2010, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, đã dẫn.
  16. Phạm Đức Mạnh, 2008, Trống đồng kiểu Đông Sơn (Heger I) ở miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Bùi Chí Hoàng, 2010, Khảo cổ học Bình Dương, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  17. Nguyễn Việt, 2010, The traces of Da Lang culture in Vietnam, đã dẫn.
  18. Khảo cổ học Đồng Nai, Nxb Đồng Phạm Đức Mạnh, 1985, “Qua đồng Long Giao (Đồng Nai)”, trong Khảo cổ học, số 1, tr. 37-68.
  19. Nguyễn Việt, 2011, Qua đồng Long Giao – Phân bố, loại hình, hoa văn, chức năng và nguồn gốc, CESEAP Publication Series No
  20. Sưu tập KQC trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh năm
  21. Glover, , 2008, “Bronzes en marge de la culture de Dong Son” trong Art Ancien du Vietnam, Collections Bauer, Geneva, tr. 31-45.
  22. Nguyễn Việt và Lâm Dzũ Xênh, 2013, “Về một chiếc chậu đồng ba chân phát hiện ở Quảng Ngãi” trong Khảo cổ học, số 6/2013.
  23. Certificate of Y chromosome DNA testing by the Genographic project of National Geographic August 1st 2006, Chan Kieu Haplogroup O (M175).