Bây giờ, chỉ cần rẽ qua một vài hiệu sách cỡ vừa thôi, vào quầy sách từ điển, ta cũng phải giật mình kinh ngạc vì một số lượng lớn đủ loại từ điển bày trên giá. To nhỏ, dày mỏng, bìa cứng bìa mềm, giấy nội giấy ngoại… đều có cả. Có lần, thử rẽ vào hiệu sách ở 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tôi cũng rát ngạc nhiên là ở một trung tâm chủ yếu phát hành sách giáo khoa mà loại hình từ điển cũng đa dạng đến thế. Riêng từ điển tường giải (giải thích một thứ tiếng, ở đây chủ yếu là tiếng Việt) tôi cũng đã thấy một danh sách khá dài:

1. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng;
2. Từ điển tiếng Việt, Bùi Quang Tịnh, Bùi Thị Tuyết Khanh, NXB Văn hoá Thông tin;
3. Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Thị Thu Hằng, Chu Anh Tuấn…, NXB Từ điển Bách khoa;
4. Từ điển tiếng Việt, Ban biên soạn chuyên từ điển New Era, NXB Văn hoá Thông tin;
5. Từ điển tiếng Việt, Hùng Thắng, Thanh Hương, Hoàng Cầm…, NXB Thống kê;
6. Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Văn Xô chủ biên, NXB Thanh Niên;
7. Từ điển tiếng Việt, Phan Thanh, NXB Mũi Cà Mau;
8. Từ điển tiếng Việt thông dụng (Như Ý chủ biên), NXB Giáo dục;
9. Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nguyễn Minh Hoàng, NXB Thống kê;
10. Đại từ điển tiếng Việt (Như Ý chủ biên), NXB Văn hoá Thông tin;
11. Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, Ngọc – Xuân – Quỳnh, NXB Từ điển Bách khoa;
12. Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, Nguyễn Phúc, NXB Từ điển Bách khoa…
v.v.

Từ điển chính tả lại sai... chính tả | Văn hóa | Báo điện tử Tiền Phong

Còn các loại từ điển đa ngữ (đối chiếu hai hoặc nhiều thứ tiếng) thì nhiều vô kể. Ở đây chỉ là đối chiếu Việt – Anh và Anh – Việt, Việt – Pháp và Pháp – Việt đã không thể nào thống kê hết. Và số NXB tham gia công bố cũng chiếm tới mức kỉ lục (Văn hoá Sài Gòn, Văn hoá Thông tin, Thế giới, Từ điển Bách khoa, Thống kê, Khoa học xã hội, Đại học Sư phạm, Thanh Niên, Đà Nẵng, Phương Đông, Đồng Nai, Giao thông Vận tải, Thông Tấn, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh,…). Về nội dung từ điển cũng rất đa dạng. Không chỉ là đối chiếu từ ngữ thông dụng mà mở rộng sang các địa hạt hẹp hơn: hoá học, tin học, kinh tế học, văn học, văn hoá học… Thực đúng là trăm hoa đua nở, trăm nhà đua… từ điển.

Việc đa dạng hoá và xã hội hoá công việc xuất bản là một xu hướng bình thường và đáng khuyến khích. Nhờ cơ chế mở và thoáng mà năm vừa qua, sự hồi sinh của Văn hoá đọc đang là một hiện tượng đáng ghi nhận (là 1 trong 10 sự kiện văn hoá tiêu biểu được bầu chọn trong năm 2006). Tuy nhiên, với loại hình từ điển, chúng ta cần phải xác định một thái độ hết sức thận trọng.

Từ điển chính tả tiếng Việt” sai chính tả do phát âm và không hiểu nghĩa từ  ngữ

Vì sách công cụ là một công trình tổng hợp tri thức theo một hệ thống nhất định. Bất luận cuốn từ điển nào cũng phải được biên soạn theo cấu trúc vĩ mô và vi mô (hệ thống, các tiểu hệ thống, các nhóm từ, các từ…). Nhà từ điển học nổi tiếng thế giới L. Zgusta đã từng nói: “Sách công cụ không đơn thuần là những tri thức đơn lẻ, sắp theo một thứ tự tuỳ tiện. Sách công cụ phải được biên soạn theo những quan điểm nhất định. Phải xuất phát từ những nền tảng lí luận khoa học”. Từ điển cũng là loại sách có độ tin cậy cao, tri thức được sử dụng và bảo lưu trong một thời gian dài, có khi rất dài (từ thế kỉ này sang thế kỉ khác). Do đó, chúng ta không thể biên soạn và xuất bản loại sách này theo kiểu cho ra một mặt hàng theo kiểu “hàng chợ” để phục vụ nhu cầu của cơ chế thị trường.

Nhu cầu thị trường đúng là cần, rất cần. Hiện tại chúng ta có tới trên 24 triệu người đang độ tuổi đi học (từ mẫu giáo tới đại học). Ngoài ra, số lao động có liên quan tới học tập, nghiên cứu, tìm hiểu cũng không nhỏ. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào lí do “cầu” đó mà chúng ta “cung” miễn sao cho đủ e rằng chúng ta đã rơi vào tình trạng “có gì ăn nấy”. Tôi không dám vơ đũa cả nắm mà nói rằng tất cả các cuốn từ điển trôi nổi trên thị trường hiện nay đều kém cả. Nhưng tôi dám quả quyết mà nói rằng có không ít cuốn từ điển mà chất lượng của chúng rất thấp. Ngay từ điển tiếng Việt, có cuốn thiếu từ nghiêm trọng, chỉ dẫn từ sai lung tung và giải nghĩa từ thì quá ư lộn xộn [đầu trâu là hai đơn vị từ (đầu và trâu) chứ không phải một đơn vị từ (trong từ điển).

Từ điển chính tả... sai chính tả - Giáo dục Việt Nam

Nó khác với đầu trâu mặt ngựa là một đơn vị thành ngữ; bạn vàng sao lại giải nghĩa là “bạn tình” được (Nếu là từ cũ thì phải chú và phải bổ sung nghĩa mới chứ)? Nếu dùng kết hợp nhiệt kế, vôn kế, ampe kế,… thì những chỗ khác không dùng cấu trúc đồng hồ đo độ nở, đồng hồ đo độ giãn, đồng hồ đo gió (nở kế, giãn kế, phong kế),… Làm như vậy là phá vỡ tính đồng bộ trong tiểu hệ thống của những đơn vị cùng trường nghĩa…]. Cách phân định từ loại thì rất tuỳ tiện, không chuẩn xác và hầu như không có ví dụ ngữ cảnh. Chuyển chú không có hoặc có nhưng chưa hợp lí. Vấn đề chính tả cũng rất cần phải chuẩn hoá [i hay y, s hay x, có đưa các tổ hợp phụ âm tl, lx, str… vào không…]. Các nhà biên soạn từ điển nên biết và nên cập nhật các văn bản nhà nước hay của ngành giáo dục để thống nhất, tránh hiện tượng bị “vênh”, không phù hợp so với quy định trong nhà trường và các cơ quan công quyền…

Chính vì vậy, chúng ta phải thấm nhuần một quan điểm có tính nguyên tắc: Người biên soạn từ điển phải là người có chuyên môn làm sách công cụ tra cứu. Không phải cứ người giỏi tiếng Anh là biên soạn từ điển đối chiếu Anh – Việt giỏi. Và cũng không phải là người am hiểu bản ngữ tiếng Việt sâu sắc thì làm từ điển tiếng Việt sẽ “siêu”. Đó chỉ là một yêu cầu quan trọng nhưng chưa đầy đủ. Bởi quy trình làm từ điển khá phức tạp: thiết kế bảng từ, hệ thống phân loại bảng từ, nêu cấu trúc định nghĩa hay cấu trúc mục từ, làm tư liệu, biên soạn… Có nhiều cuốn từ điển mà chỉ riêng xây dựng luận cứ khoa học biên soạn đã phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Lại cần một số lượng cán bộ và cộng tác viên đông đảo. Một cuốn từ điển thông dụng bao hàm nhiều lĩnh vực: văn hoá, sử học, triết học, xã hội học, toán học, điện tử… Mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi sự cộng tác của các chuyên gia… Nếu không có họ, chắc chắn là các mục từ đưa vào sẽ không đầy đủ và định nghĩa thiếu chuẩn xác.

Từ điển chính tả”... sai chính tả: NXB đình chỉ phát hành sách để xử lý |  Báo Dân trí

Có nhiều bạn đọc phàn nàn là họ phải bỏ ra một số tiền lớn để “rước” về những cuốn từ điển dày cộp rồi rốt cuộc phải đem xếp xó. Hiện tại, có không ít từ điển song ngữ xuất bản do thiếu cân nhắc, biên soạn vội vàng và hiệu quả sử dụng không cao. Chuyện như vậy không hiếm. Điều đáng tiếc là đa số độc giả rất khó phân biệt được chất lượng các cuốn từ điển nếu chưa có một năng lực thẩm định nhất định. Hoặc là họ cứ nhắm mắt sử dụng do quá tin vào sách. Hoặc là họ cứ dùng, dùng mãi rồi mới nhận ra là mình đã trót mua phải một cuốn từ điển mắc quá nhiều sai sót. Cái giá phải trả không chỉ bằng tiền mà nhiều khi còn lớn hơn thế. Bởi tác hại của một cuốn sách công cụ luôn được tính theo cấp số nhân. Thiết tưởng, các cơ quan xuất bản nên có sự đầu tư và dành sự quan tâm vào mảng sách này bằng việc yêu cầu các NXB trước khi xuất bản từ điển phải qua khâu thẩm định chặt chẽ. Phải chăng, nên có quy định chức năng xuất bản sách này cho một số NXB chứ không phải là nhà xuất bản in cũng được? Phải loại bỏ các cuốn từ điển làm ăn nóng vội, biên soạn thiếu căn cứ khoa học. Đặc biệt là loại bỏ ngay các cuốn từ điển xào xáo, sao chép của người khác. Tiếc là, hiện tượng “đạo từ điển” của ta đã có (mà khá nghiêm trọng) nhưng chưa có vụ việc nào được xử lí triệt để