Viện Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Á Đông Guimet là một trong những nơi có nhiều cổ vật Á Đông nhất thế giới. Riêng bộ sưu tập Nhật Bản gồm có hơn 10.000 hiện vật và bộ Trung Quốc khoảng 20.000 hiện vật. Bộ Việt Nam gồm có những hiện vật miền Trung bộ và đất Cham Pa tương đối ít hơn nhiều nhưng chỉ với những hiện vật nầy nước ta đã có thể tự hào có một nền văn hóa từ lâu đời.


Emile Guimet (1836-1918)

Viện bảo tàng mang tên Guimet nêu danh nhà sáng lập ông Emile Guimet. Sinh ngày 2 tháng sáu 1836 tại Lyon, ông là con ông Jean-Baptiste Guimet, người sáng chế ra bột chất sơn Guimet dùng trong kỹ nghệ nhuộm, và một bà mẹ họa sĩ. Hồi nhỏ ông đã thích vẽ, chạm, làm đồ gốm, máu nghệ sĩ sau nầy sẽ có ảnh hưởng lớn lên đời ông. Lớn lên ông điều khiển một ban hợp ca, sáng tác những bài hát và thành lập một đoàn ca nhạc. Năm 1860, ông kế nghiệp cha, mở rộng xưởng, chỉ 18 năm sau xưởng trở thành nhà máy có 150 nhân công, sản xuất 1000 tấn bột sơn. Đồng thời, ông điều khiển công ty Henry Merle sau đổi thành công ty Péchiney có tiếng ngày nay…Tài chánh dồi dào, văn hóa tràn đầy, ông dành thì giờ rảnh để đi đây đi đó. Ông bắt đầu đi du lịch Tây Ban Nha, Hy lạp, Thổ Nhi Kỳ, Rumani, Bắc Phi rồi vào khoảng 1865-1866 qua Ai Cập là mục tiêu xa xăm rất được ưa thích hồi ấy. Đứng trước những nền văn hóa, tôn giáo, luân lý, triết lý,…mới lạ của nước nầy, ông kiếm sách tìm hiểu và dần dần muốn đem so sánh với những nước khác. Ông bỏ công học hỏi những ngôn ngữ xưa, đam mê ngành khảo cổ học. Ông đi tìm gặp những dân tộc địa phương và tìm kiếm những di tích trên bờ Địa Trung Hải. Những bài báo tường trình những chuyến đi của ông được nhiệt liệt hưởng ứng và ông trở nên một bộ mặt quan trọng trong hoạt động văn hóa địa phương. Được bầu vào viện Hàn lâm Lyon năm 1867, ông lần lượt cho xuất bản Về dụng cụ tang lễ ascia của người Ai Cập (1872), Người Ả Rập và người Kalibi: mục đồng và nhà nông (1873). Ông qua Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, lùng khắp Á Đông, châu Mỹ, thực hiện một vòng quanh thế giới những năm 1876-1877 với họa sĩ Félix Régamey. Mỗi lần ông bỏ tâm nghiên cứu văn minh người bản xứ. Tự giới hạn vào một ý niệm duy mỹ, ông bỏ thì giờ đi tìm gặp những nghệ nhân, đàm đạo với những nhà tu Phật giáo. Về Pháp ông được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh lần lượt hiệp sĩ (1877) rồi sĩ quan (1895). Ông cưới một người vợ đầu năm 1868, Lucie Saulaville. Bà nầy rủi ro chết sớm, cùng năm ấy ông cưới cô em khi vừa ở Viễn Đông về. Năm 1878, ông tổ chức ở Lyon một hội nghị những nhà Đông phương học. Đồng thời ông dự cuộc Triển lãm Quốc tế và trưng bày những hiện vật đem về trong những cuộc du hành và cho xuất bản cuốn Du hành Nhật Bản (1878-1880) sau nầy được dịch ra Nhật ngữ (1982).

Ông muốn thành lập một nơi để trưng bày thường trực những hiện vật ấy. Ông nói những công trình nầy như là câm đối với ông, tuy ông biết chúng có nhiều chuyện nói với ông, có điều ông không biết hỏi. Viện Bảo tàng Vạn vật học được khánh thành ngày 30 tháng chín 1879 với sự hiện diện của ông bộ trưởng bộ Giáo dục và Mỹ thuật Jules Ferry. Dành cho các nền văn hoá Á Đông và vùng Địa Trung Hải, với một thư viện đầy đủ, viện là một trung tâm học hỏi và khảo cứu những tôn giáo cổ. Rất ý thức về tính quan trọng của ngôn ngữ, ông góp phần vào sự thành lâp một trường sinh ngữ nhưng không được hoàn toàn hưởng ứng như ông mong muốn. Song song với chức vụ giám đốc công ty Péchiney, cùng với anh bạn họa sĩ Régamey, ông đi diễn thuyết khắp nơi đồng thời viết báo để quảng bá tư tưởng Á Đông. Nhiều bài báo trong tờ Illustration khen ngợi ông. Bên phần ông thì cho xuất bản tập san Lịch sử các tôn giáo (bắt đầu 1880) và tập san Biên niên của viện để phổ biến những công tác của viện. Nhưng trước sự thờ ơ của tòa thị chính, ông hiến toàn bộ sưu tầm cho nhà nước rồi qua ngày 20 tháng mười một 1885 cho mở cửa viện Bảo tàng Guimet tại công trường Iéna ở Paris với sự hiến diện của ông tổng thống Sidi Carnot, trước sự hoan hỉ của công chúng. Ông làm phó chủ tịch năm 1900, cùng thành lập là Louis-Emile Berty làm chủ tịch. Ông nầy còn là chủ tịch hội Pháp-Nhật có trụ sở ở viện Bảo tàng Louvre, thư viện ở Nhà Nhật Bản, cư xá sinh viên đại lộ Jourdan. Trong những năm 1893-1894, viện đón nhận những buổi cúng lễ Phật giáo. Từ 1900 bắt đầu có những buổi diễn thuyết về Trung Quốc và Nhật Bản. Vào thời buổi nầy, tính đam mê ngoại lai đang thịnh hành, dân chúng hết lòng hưởng ứng và đua nhau lại viện xem những màn giải trí, chẳng hạn màn vũ điệu Mata Hari. Ông còn đi một chuyến qua Cận Đông năm 1903 và Sardaigne năm 1909 rồi dồn hết nghị lực vào công tác Đông phương học, tham dự những hội nghị, viết lách những thiên bình luận. Emile Guimet mất ngày 12 tháng mười 1918, để lại nhiều sách đặc biệt về xứ Nhật Bản đã gây nhiều ấn tượng trong trí óc ông như Chào Kaganawa (1876) được dịch ra Nhật ngữ (1977), Du hành Nhật Bản đã thấy, mỗi cuốn có hình vẽ của Félix Régamey minh họa. Về Ai Cập, ông có cuốn Nhật ký một khách du lịch (1867), về Algérie những Thư từ (1877). Trong hồ sơ của ông còn có một biên bản về Công tác khoa học ở Viễn Đông (1878) và một tuồng opéra Tai-Tsoung năm màn (1894) dựa lên đời sống của vị nầy.

Ở Paris, những cuộc du hành của Louis Delaporte ở Xiêm La và Cao Mên đã đem về viện Bảo tàng Đông Dương ở Trocadéro, thành lập năm 1882, một bộ sưu tầm mỹ thuật khmer. Cuối thế kỷ XIX, viện Bảo tàng Louvre mở một phòng hiện vật mỹ thuật, phần lớn Trung Quốc và Nhật Bản, sau nầy trở thành Phòng Mỹ thuật Á Đông. Bên phần viện Bảo tàng Guimet ngày càng giới hạn trong phạm vi các tôn giáo xưa, trưng bày những cổ vật được Charles Varat đem về từ Hàn Quốc, những bộ sưu tầm được Jacques Bacot đem về từ Tây Tạng. Năm 1927, nhân nhập vào Sở các Viện Bảo tàng của Pháp, viện Guimet lần lượt đón nhận những bộ sưu tầm được Paul Pelliot và Edouart Chavannes đem từ Trung Quốc và Trung Á về, thừa hưởng những cổ vật ở Viện Bảo tàng Đông Dương, những kho hiện vật của Phái đoàn khảo cổ Pháp ở Afghanistan, những khám phá của ông giám đốc viện hồi đó là Joseoh Hackin. Bắt đầu từ 1938, viện Guimet trưng bày những cổ vật khơ me và trở nên lững lẫy về những bộ sưu tập trong lãnh vực Ấn học. Năm 1945, trong một cuộc chỉnh đốn các viện bảo tàng ở Pháp, viện Guimet trao tặng cho viện Louvre những hiện vật Ai Cập và đón nhận những hiện vật Á Đông. Bắt đầu từ đây, viện Guimet trở thành một trong những viện bảo tàng Á Đông lớn nhất thế giới. Sau Emile Guimet đến nay, nhiều khảo cứu viên chuyên gia về Á Đông tiếp tục điều khiển viện: René Grousset, Joseph Hackin, Jeannine Auboyer, Jean-François Jarrige, Vadime Elisseeff, trong số những vị được biết nhiều, đặc biệt Philippe Stern, một nhà khảo cổ có tiếng ở Việt Nam và Cao Mên. Họ sửa sang, chỉnh đốn, làm giàu thêm những bộ sưu tập, thư viện hình ảnh nhờ những nhà hảo tâm biếu tặng, đồng thời mở rộng các phòng làm việc, kho tích trử, thành lập với sự cộng tác của Bernard Frank Đền chư thần Phật giáo trình bày một số hiện vật chính ngay Emile Guimet đem từ Nhật Bản về. Từ 1993 đến 1996, hai kiến trúc sư cha con Henri và Bruno Gaudin, dựa lên tiến triển của ngành bảo tàng học và những đòi hỏi trình bày mới, đã thực hiện một cuộc sửa sang rộng lớn, đưa ánh sáng vào các phòng, sắp đặt lại các cổ vật, làm sao cho khách dễ hiểu tương quan giữa những nền văn hóa truyền thống Á Đông, từ đấy dễ có một buổi thăm viếng yên tĩnh, vui tươi và hữu ích. Thích ứng với sự phát triển trong ngành bảo tàng học, nhiệm vụ của một viện bảo tàng phải nới rộng ra thành trung tâm khảo cứu, ngày nay viện tổ chức thường xuyên những cuộc biểu diễn liên quan đến những văn hóa Á Đông : toàn bộ phim ảnh, độc tấu và hòa nhạc, tuồng hát và nhảy múa.

Trước khi viện Guimet được mở lại sau ba năm đóng cửa để sửa sang, tôi mừng thầm nghe nói gian Việt Nam sẽ được mở rộng và nhiều hiện vật sẽ cho đem từ kho ra làm cho phong phú thêm. Thật ra, gian chẳng lớn hơn trước bao lăm. Tôi còn đuợc nghe những ông quản lý các viện bảo tàng nói là hai ông kỷ sư chỉ nghĩ đến ánh sáng và vị trí các hiện vật, ít chú trọng về mặt khảo cổ và lịch sử, nên họ phải tranh thủ nhiều mới có được một cách sắp đặt có lý mà khách thấy ngày nay. Gian Việt Nam nằm giữa hai gian Thái Lan và Cao Mên, gồm có hai phòng : phòng cổ vật Việt (bài nầy) và phòng cổ vật Chăm (Chim Việt Cành Nam (67 10.07.2017)

Phòng cổ vật Việt

So với gian những nước Á Đông khác, gian Việt Nam tương đối nhỏ với ít hiện vật hơn. Phòng cổ vật miền Trung còn nhỏ hơn phòng Champa. Giữa phòng, một trống đồng đánh dấu thời xa xăm của lịch sử đất Việt. Một phía phòng, thẳng ngay trước mắt khách bước vào bất chấp từ bên nào, trên một bệ gỗ, chế ngự hai tượng Quan Âm. Bên cạnh là phía trưng bày những đồ sành, đồ gốm. Đối diện bệ gỗ là một bức tường dành cho những hiện vật khảo cổ. Tường bên cạnh độc nhất một mẫu nhà tang.

Biểu trưng văn hóa đoạn cuối thời đại đồ đồng bước qua thời đại đồ sắt ở Việt Nam là văn minh Đông Sơn trong châu thổ sông Hồng vào giữa thế kỷ thứ nhất Công nguyên. Đặc tính của văn minh ấy là xuất hiện những tổ chức bộ lạc ít nhiều liên lạc với nhau mà những đồ đồng, đặc biệt những trống đồng biểu hiện quyền lực chính trị và tôn giáo. Trong thực tế, những trống nầy liên quan đến những nghi lễ ruộng đất phì nhiêu, trong nghi thức tang lễ. Chúng thường được chôn trong mả những tù trưởng hay biếu tặng cho những người khách đem đi xa trong vùng Nam Á : tôi đã được mục kích những trống loại nầy ở Vân Nam cũng như ở Nam Dương. Chiếc trống gọi là Trống sông Đà – trong viện gọi Trống Moulié – (64-78 cm) nầy gồm có một mặt hình tròn vang âm, đặt trên một cái đế eo ở giữa với bốn cái quai. Một cái hình sao nằm chính giữa mặt hình tròn, chạy quanh là những hình tròn đồng tâm với những hình trang trí nổi thấp mỏng trình bày những hoạt cảnh liên quan đến lễ nghi đất đai. Có những chiến sĩ, đầu mang lông, tiến đến nhà người chết, một cái nhà sàn ở trên có một cái trống đồng nhận lúa giả trong một cảnh cạnh bên. Có những con đò chở linh hồn người chiến sĩ được trang hoàng với đầu và đuôi chim,…


Trống đồng sông Đà

Hai tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lớn cở con người, đều bằng gỗ sơn nhiều màu mạ vàng, được tạc vào những thế kỷ XVII-XVIII. Trong tượng thứ nhất, đức Quan Âm có tám tay, mỗi tay thể hiện một ấn quyết khác nhau, không có tùy vật, đứng thẳng, trên áo ngắn, dưới áo dài sát đất, mang nhiều đồ trang sức lộng lẫy. Ngắm tượng nầy, khách có thể nghĩ đến tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ra đời ở Việt Nam thời Lý Trần. Theo kinh điển của phái Mật tông, trong quá khứ xa xôi, Quan Âm được nghe Thiên quan Vướng Tĩnh Chú Như Lai giảng về Đại Bì Tâm Đà La Ni sau đó đã xuất hiện thành người nghìn mắt để thấy khắp thế gian và nghìn tay để cứu vớt chúng sinh. Tượng thứ nhì là đức Quan Âm tọa sơn, hai tay thể hiện giáo hóa ấn và vô úy ấn, chân trái xếp lại, áo rộng, vai có khăn choàng, trên đầu phủ khăn, đồ trang sức tương đối ít hơn. Với điệu bộ khoang thai, tư thế uy nghi đánh dấu thời điểm tuyệt đỉnh của nghệ thuật Phật giáo, tượng có thể đã được đặt ở một chùa lớn quanh Hà Nội (trên bảng ghi Liên Trí Tự). Tượng được nhân tính hóa loại nầy thường xem như đã phát xuất từ một truyền thống đời Bắc Tống (960-1126) bên Tàu. Cả hai tượng đều được ông Gustave Dumoutier biếu tặng năm 1889. Cùng sắp trên bệ còn có hai chân đèn bàn thờ bằng sành, sơn màu xanh cobalt, tráng men, làm tại Bát Tràng năm 1579, đặt hai bên một lư hương. Có bảng ghi tên người cúng cùng gia đình cho chùa Thánh Ân Tự năm Đinh Sửu (tức 1637 hay 1697). Lúc trước bộ ba nầy thuộc bộ sưu tầm của bà Henri Maspéro, quả phụ nhà khảo cứu về Trung Quốc.


Quan Âm tám tay                                                                          Quan Âm tọa sơn


Chân đèn và ly hương

Bức tường kế cạnh là một tủ kính, khách lần lượt xem đươc những đồ cổ. Hai chân đèn Bát Tràng bằng sa thạch trắng, hình dung hai con lân, sơn màu xanh cobalt, tráng men, đồ trang trí đổ khuôn không men. Đây là quà biếu tặng của bà Hélène Maspéro năm 1953 để kỷ niệm ông chồng. Một cái dĩa đường kính 37 cm, bằng sa thạch xám, có đường viền màu be, nền sô cô la, minh họa trang trí dồi dào bằng cobalt oxyt, tráng men, thêm vào, sau khi nung hai lần lửa lớn, những nét điểm xuyết men đỏ và lục, ở đáy dĩa một con cá hóa rồng hình dung một cuộc Việt hóa tranh ảnh Trung Quốc biến thái. Được sáng tạo vào thời kỳ Lê Mạc, thế kỷ XVI, cái dĩa nầy thuộc vào loại đồ gốm được sản xuất nhiều chỉ để xuất khẩu, vào lúc cuộc trao đổi thương phẩm giữa Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây trở nên sôi động, Việt Nam trong một thời gian tìm một chân đứng khó lòng giữ lâu. Cũng là đồ sành sứ, cùng màu sắc xanh cobalt, tráng men, còn có hai cái dĩa niên đại thế kỷ XV, dưới đáy có hình hai con cá, hay một con cò, một cái chén lớn, một cái bình. Hai cái chén bằng sa thạch, tráng men màu lục nhạt (céladon), niên đại các thế kỷ XIII-XIV ; cái kia bằng sành sứ, trang trí màu xanh cobalt, niên đại thế kỷ XV. Một cái ấm nước rửa tay hình con voi quỳ xuống, trên lưng có hai người nài, kiểu kendi, bằng sa thạch, có men màu, niên đại thế kỷ XVI. Ba cái cái ấm bằng sa thạch xám, tráng men, một cái trang trí bằng cobalt xanh, niên đại thế kỷ XIV, là đồ biếu tặng của bà Corinne de Menonville năm 2001 ; cái thứ hai bằng sa thạch tráng men màu lục nhạt, niên đại các thế kỷ XIII-XIV ; cái thứ ba bằng sa thạch tráng men trong suốt, cùng niên đại các thế kỷ. Một bình vôi bằng sa thạch, tráng men trong suốt và lục, niên đại thế kỷ XIV, thuộc bộ sưu tầm Huet 1952. Hai cái chum có nắp, một cái bằng sa thạch, màu ngà, trang trí có đường rạch hình nổi màu nâu sắt, niên đại các thế kỷ XII-XIV ; cái kia bằng sa thạch trong suốt, niên đại các thế kỷ XII-XIII. Ba cái chum (một cái là chum tang) có nắp bằng sa thạch, tráng men màu ngà, trang trí có đường rạch hình nổi màu nâu sắt, hai cái hình cây hoa, một cái hình cọp, rất đẹp, niên đại các thế kỷ XI-XIII và XII-XIV. Phía trên tường, những trang trí mái nhà bằng gạch nung, hình con phụng, niên đại đời Lý các thế kỷ XI-XII, do bà Hélène Maspéro biếu tặng ; hình con rồng, niên đại nhà Lê các thế kỷ XVII-XVIII, do Trường Viễn đông của Pháp gởi về.


Diã                                                                                                        Bình vôi


Ấm có nắp                                                                                   Chum tang

Hai tường còn lại dành cho những vật khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn, hầu hết do Orlov Janse thu lượm trong thời gian 1934-1937 : những mũi giáo (8,1,7)(**) và bằng đồng thanh, niên đại những thế kỷ III-II và IV-I trước CN ; những cái chuông văn hóa Đông Sơn II-III bằng đồng thanh, niên đại các thế kỷ VI-I trước CN, tìm ra Thanh Hóa (3,4) ; một cái chậu bằng đất nung Đông Sơn II-III, niên đại thế kỷ I trước CN, tìm ra ở Thanh Hóa (5) ; hai cái chân đèn, một cái hình dung một người ngồi, tay mặt cầm một cái gậy ( ?) lớn, không rõ cử chỉ tay trái (6), một cái hình dung một người cởi con vật được xem như rồng, thời đại Giao Chỉ, niên đại những thế kỷ I-III (18) ; dao găm và mũi giáo bằng đồng thanh Đông Sơn II-III, niên đại các các thế kỷ VI-I trước CN, tìm ra ở Thanh Hóa, do Albert Pouyanne biếu tặng (1,7,8) ; một cái lưỡi cuốc (9) ; bốn lưỡi rìu, văn minh Đông Sơn II-III, niên đại các thế kỷ VI-I trước CN, tìm ra được ở Thanh Hóa (hình 2,10,11,12), hai lưỡi rìu hình chân bằng đồng thanh,văn minh Đông Sơn, niên đại các thế kỷ VI-I truớc CN, tìm ra ở Thanh Hóa (15,16), hai cái chậu đồng thanh, văn minh Đồng Sơn II-III, niên đại các thế kỷ VI-I trước CN (14,17), một cái trống tí hon (13).


Mũi giáo                                                                      Chuông

Bên cạnh những cổ vật Đồng Sơn nầy là một tủ kính trình bày một số hiện vật sáng tạo lai tạp, ảnh hưởng của hai dòng mỹ thuật Đông Sơn và Trung Quốc, niên đại đầu kỷ nguyên Công giáo, tìm ra trong vùng biên thùy Việt-Trung. Một cái hủ bằng đất nung, trang trí vẽ, thời đại Nam Việt niên đại những thế kỷ II-I trước CN (1) ; một cái chậu, một cái hủ bằng sa thạch, tráng men trong suốt, thời đại Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra trong mộ phần ở Lạch Trường, Hậu Lộc, Thanh Hóa (2-3) ; bốn cái đèn dầu cùng thời đại, tìm ra cùng chỗ, một cái bằng đồng thanh (4), một cái bằng sắt (5), hai cái bằng đồng thanh có hình tựa như rồng (6) hay có hình người ở giữa (7) ; một cái đèn dầu (viện gọi là đồ bày mẫu hàng) quai tròn lớn có trang trí hai hình người và bốn con chim, rất đẹp, bằng đồng thanh, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra ở Thanh Hóa (12) ; những đồng tiền Trung Quốc, tìm ra được trong mộ phần ở Thung Thôn, Thanh Hóa, một đồng loại wushu đời Hán (8), hai đồng loại wang mang đời Tân, triều Vương Mãng từ năm 9 đến năm 23 (9,10) ; một cái gương soi bằng đồng thanh, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra trong mộ phần ở Bìm Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa (11) ; một cái lư trầm ba chân bằng đất nung, có nhiều chỗ trổ trong rất thoáng, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra ở Quảng Xương, Thanh Hóa (13) ; hiếm có là một vòng tay, phong cách Đồng Dương, niên đại các thế kỷ VI-I trước CN, tìm ra được ở Nghệ An (?).

Vòng tay                                                                                          Đèn dầu
     
Trong tủ kính kế cạnh, những hiện vật có nhiều ảnh hưởng Trung Quốc. Một cái hủ ba chân bằng đồng thanh, thời cuối văn hóa Đồng Sơn, niên đại những thế kỷ II-I truớc CN (2); một cái mâm bằng đồng thanh thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra ở Thanh Hóa (3); những búa gõ cửa bằng đồng thanh, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra ở Động Tác, Đông Sơn Thanh Hóa (4,5,6). Ba cái hủ bằng sa thạch, một cái tráng men màu be, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra trong mộ phần Hoành Chung, Thanh Hóa (9), hai cái bằng sa thạch, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra trong mộ phần Bìm Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa, tráng men màu be (7,8), một cái ba chân, bằng sa thạch, tráng men trong suốt với những vạch lục, tìm ra trong mộ phần ở Lạch Trường, Hậu Lộc, Thanh Hóa (10). Trong cùng tủ kính sắp riêng còn có những đồ sa thạch khác, tráng men, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III. Hai cái hủ lian và pou, tìm ra ở Thanh Hóa (1,2) ; một cái hộp, ba cái hủ mà hai có hình nón cụt, tìm ra trong mộ phần Lạch Trường, hậu Lộc, Thanh Hóa (3,4,5,10) ; chậu và chén tìm ra cùng nơi (6,7) ; bình và hủ tìm ra ở Hoành Chung, Thanh Hóa (8,9). Đặt riêng một bên là một mẫu nhà tang bằng đất nung, xây thành công sự bảo vệ, thời Giao Chỉ, niên đại các thế kỷ I-III, tìm ra ở Bìm Sơn Hà Trung, Thanh Hóa.

Nói chung, trừ hai tượng hình đức Quan Âm và cặp chân đèn trên bệ tương đối mới, niên đại những thế kỷ XVII-XVIII, tất cả các hiện vật khác trong phòng đều thuộc văn minh Đông Sơn, thời Giao Chỉ, những thế kỷ xung quanh đầu Công nguyên. Trừ một vài trường hợp, hầu hết tất cả các cổ vật đều được bảo quản tốt, có nhiều đồ vật rất đẹp đã đạt đến một tầm mức mỹ thuật khá cao. Làm sao không tự hào được khi thấy ông ta cha cách đây hai ngàn năm đã biết sáng tạo những đồ vật mà bây giờ ta còn ngắm nghía với tất cả thán phục của kẻ hậu thế !

Chú thích

(*) Ảnh chọn lựa tiêu biểu
(**) Những số ghi trong tủ kính. Tài liệu viện báo tàng.