Việc đồng hồ được chỉnh nhanh hơn để tận dụng ánh sáng Mặt Trời mùa hè tại các nước Âu Mỹ và điều chỉnh lại vào mùa đông, bắt nguồn từ cách đây hơn 100 năm.

Theo Telegraph, ý tưởng này do Benjamin Franklin, nhà phát minh và chính trị gia người Mỹ khởi xướng. Trong thời gian làm đại sứ Mỹ tại Pháp, ông đã viết bài luận “Dự án kinh tế tiết giảm chi phí ánh sáng” cho Tạp chí Paris vào năm 1874.

Trong bài luận này, ông cho rằng người dân Paris có thể giảm thời gian sử dụng nến bằng cách dậy sớm hơn vào buổi sáng, tận dụng ánh sáng ban ngày để làm việc.


Bản đồ các nước áp dụng DST ngày nay. (Đồ họa: Telegraph).

William Willett là người đã giới thiệu ý tưởng về giờ mùa hè (DST) tại Anh vào năm 1907. Ông đã xuất bản cuốn sách “Lãng phí ánh sáng ban ngày” trong nỗ lực vận động mọi người dậy sớm bằng cách thay đổi đồng hồ quốc gia.

Willett đề nghị 8 lần thay đổi giờ trong một năm, 4 lần chỉnh nhanh 20 phút vào mỗi Chủ nhật của tháng 4, và 4 lần chỉnh ngược lại vào mỗi Chủ nhật của tháng 9. Tổng cộng là chỉnh nhanh và chậm 80 phút.

Tuy nhiên, sau đó Willett bị cúm và mất vào năm 1915, một năm trước khi Đức áp dụng ý tưởng đổi giờ của ông vào ngày 30/4/1916. Anh sau đó cũng áp dụng việc đổi giờ từ ngày 21/5/1916, cách đây hơn 100 năm.

Đây là thời kỳ đang diễn ra Thế Chiến I (1914 – 1918), khi Anh và Đức ở hai phía chiến tuyến. Một đề xuất có thể làm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế, giảm lượng than tiêu thụ trong nước, tăng nguồn cung cho các hoạt động sản xuất và chiến tranh như vậy rất đáng được thử nghiệm.

Việc chỉnh giờ trên đồng hồ cơ thời đó cũng có chút rắc rối, do không thể vặn đồng hồ quay ngược mà không làm hỏng hệ thống cơ khí. Khi kết thúc thời gian ánh sáng ban ngày (DST), phải chỉnh lại giờ bằng cách vặn nhanh thêm 11 giờ.


Benjamin Franklin, người đề xuất ý tưởng DST. (Ảnh: Telegraph).

Để tưởng nhớ Willett, một đồng hồ Mặt Trời gần Petts Wood, ngoại ô đông nam London, đã được đặt theo tên ông. Ở đó còn có một con đường tên là đường Willet.

Ngày nay, DST được thống nhất là một giờ. Các nước thành viên Liên minh châu Âu đổi giờ đồng bộ DST gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Bulgaria, cùng với hầu hết các nước châu Âu khác, như Na Uy và Thụy Sĩ. Một vài nước khác, gồm Nga, Iceland, Gruzia, Armenia và Belarus không đổi giờ.

Tại Mỹ, hầu hết các bang bắt đầu DST vào lúc hai giờ sáng ngày 13/2. Áp dụng DST ngày nay mang lại các lợi ích như tiết kiệm năng lượng, giảm tai nạn giao thông, thúc đẩy du lịch và khuyến khích mọi người ra khỏi nhà tập thể dục.