Dù có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị vẫn có những nét rất riêng, có thể coi là độc nhất vô nhị.
Hồ Ngưng Thúy là một hồ nước hình bán nguyệt. Có ba chiếc cầu bắc qua hồ là cầu Đông Hòa (phải), Chánh Trung (giữa) và Tây Định (trái). Hai đầu cầu Chánh Trung có cổng đồng, kiểu dáng tương tự cánh cổng sau hồ Nhuận Trạch.
Bên kia cầu là một quả đồi có Bửu Thành bao quanh, bên trong là nơi đặt thi hài của nhà vua.
Từ cổng Bửu Thành có thể nhìn toàn cảnh khu lăng với hai trụ biểu cao vút nổi bật ở hai bên lầu Đức Hinh.
Chếch về phía trước lăng vua Thiệu Trị còn có lăng Hiếu Đông của thân mẫu nhà vua, bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.
Nằm ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, lăng Thiệu Trị (Xương Lăng) là nơi an nghỉ của vua Thiệu Trị (1807 – 1847) – vị vua thứ ba triều đại nhà Nguyễn. Toàn bộ công trình được thiết kế thành hai trục: Trục lăng nằm bên phải và trục tẩm (khu vực điện thờ) nằm bên trái.
Trục tẩm có hồ Điện ở phía trước, một yếu tố phong thủy thường gặp trong các lăng mộ vua chúa nhà Nguyễn. Sau hồ Điện có một nghi môn bằng đá cẩm thạch được trang trí bằng pháp lam khá rực rỡ và sinh động.
Sau nghi môn là các khoảng sân từ thấp đến cao, có bậc cấp dẫn lên nơi cao nhất là Hồng Trạch Môn.
Hồng Trạch Môn là cánh cổng có dạng vọng lâu, kiến trúc mang nhiều nét tương đồng với Hiển Đức Môn ở lăng Minh Mạng và Khiêm Cung Môn ở lăng Tự Đức sau này.
Sau Hồng Trạch Môn là điện Biểu Đức, công trình trung tâm của khu tẩm điện.
Điện Biểu Đức là nơi thờ cúng bài vị của vua Thiệu Trị và Hoàng hậu Từ Dụ.
Trên những cổ diêm ở bộ mái của điện Biểu Đức và Hồng Trạch Môn có hơn 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị về văn học và giáo dục.
Các công trình phụ thuộc như Tả, Hữu Phối Điện (trước), Tả, Hữu Tùng Viện (sau) quây quần chung quanh điện Biểu Đức càng tôn thêm vẻ cao quý của chính điện.
Bên kia hồ Điện có hòn Bàu Hồ làm bình phong cho khu vực điện thờ.
Nếu trục tẩm điện có hồ Điện thì trục lăng có hồ Nhuận Trạch án ngữ phía trước.
Ngay sau hồ Nhuận Trạch là một nghi môn bằng đồng đúc theo kiểu “long vân đồng trụ” dẫn vào sân Bái Đình rộng lớn.
Hai bên sân Bái Đình có hàng tượng đá tái hiện hình ảnh các quan văn võ, các loài vật dùng để cưỡi như ngựa, voi.
Đây được coi là những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ 19 ở Huế.
Từ sân Bái Đình có các bậc cấp dẫn lên Bi Đình (nhà bia), một công trình dạng phương đình, khá giống Bi Đình ở lăng Minh Mạng.
Trong Bi Đình là tấm bia “Thánh đức thần công” do chính tay vua Tự Đức viết để tri ân vua cha. Bia được dựng ngày 19/11/1848.
Công trình kế tiếp của trục lăng là lầu Đức Hinh, ngự trên một quả đồi thấp hình mai rùa. Ngày nay công trình đã sụp đổ, chỉ còn lại phần nền và bậc cấp. Theo các hình ảnh tư liệu xưa, lầu Đức Hinh mang dáng dấp như Minh Lâu ở lăng Minh Mạng.
Sau lầu Đức Hinh là hai vườn hoa nằm đối xứng hai bên, tương tự hai vườn hoa sau Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Kế tiếp là hồ Ngưng Thúy án ngữ trước tòa Bửu Thành, nơi đặt mộ vua.