Nếu thế giới sử dụng cùng một múi giờ, các quốc gia sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, nhưng đổi lại sẽ có những khu vực phải đón bình minh không có ánh mặt trời.

Các múi giờ trên được phân chia ra theo từng khu vực địa lý dựa trên tính toán của ánh mặt trời chiếu lên bề mặt Trái Đất từ Tây sang Đông.

Có thể dùng 24 đường kinh tuyến chia bề mặt Trái Đất ra làm 24 phần bằng nhau, giúp cho chênh lệch giờ giữa các múi giờ là 1 giờ.

Tuy nhiên đấy chỉ là trên lý thuyết còn thực tế các múi giờ cụ thể được xây dựng dựa trên các thỏa ước địa phương, có yếu tố quan trọng của việc thống nhất lãnh thổ quốc gia. Do vậy trên bản đồ thế giới, có thể thấy rất nhiều ngoại lệ, và chênh lệch giờ giữa một số vùng không theo kinh tuyến.

Một số nước đã bù thêm các múi giờ của họ khoảng 30 phút và thậm chí 45 phút. Ấn Độ, Venezuela, Iran, Nepal và New Zealand là một trong những nước như vậy. Hay như Nga có 11 múi giờ khác nhau trên toàn lãnh thổ rộng lớn của mình.

Chỉ riêng năm ngoái đã có năm quốc gia tiến hành thay đổi múi giờ theo những lợi ích mà họ đang theo đuổi. Trong đó có cả Triều Tiên khi vặn ngược lại nửa giờ để giới thiệu múi giờ riêng của mình – Giờ Bình Nhưỡng.


Thực tế có 40 múi giờ khác nhau trên thế giới.

Đối với khách du lịch, thị trường tài chính, các chính phủ hoặc các ngành nghề liên quan đến việc đi lại, hoạt động trên khắp thế giới, đôi khi những múi giờ như vậy tạo nên sự phiền phức đôi khi là nhầm lẫn.

Hiện nay đang có một chiến dịch loại bỏ các múi giờ quốc tế để tiến tới trở thành một múi giờ duy nhất dựa trên chuẩn Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC).

Việc hướng tới hình thành một múi giờ chung trên toàn thế giới sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục việc ngày của các nước không giống nhau hay các thứ trong tuần rơi vào những ngày khác nhau của năm. Ví dụ như Mỹ đang trong ngày 20 của tháng Tám trong khi ở châu Á đã có thể đã sang ngày 21 v.v..

Năm 2004, Giáo sư kinh tế Steve Hanke và Giáo sư Richard Henry, một nhà thiên văn học đến từ Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland đã đề xuất giảm số ngày trong một năm xuống còn 364 và lấy số ngày bỏ đi đó tạo thành một tuần nhuận, và khoảng 5 hoặc 6 năm sẽ có một tuần nhuận bù thêm vào năm tiếp theo.

Năm 2004, giáo sư Richard Henry đã lần đầu tiên đề xuất cải cách lịch hiện tại để trở nên “tuần hoàn” hơn. Theo đó một ngày của năm này sẽ rơi vào cùng một ngày, cùng một tuần của năm sau.

Ông đề xuất một tuần nhuận sẽ được thêm vào khoảng thời gian giữa tháng sáu và tháng bảy mỗi 5 hoặc 6 năm.


Hệ thống lịch theo đề xuất của Steve Hanke và Richard Henry.

Năm 2011, Giáo sư Steve Hanke đã sửa đổi bằng cách chuyển tuần nhuận xuống cuối năm.

Với việc thay đổi như vậy, chúng ta hẹn giờ các ngày nghỉ lễ như Giáng Sinh luôn vào ngày chủ nhật giúp giảm thiểu số ngày làm nghỉ lễ quá nhiều cho các doanh nghiệp.

Theo đề xuất của hai nhà khoa học, cả thế giới sẽ sử dụng múi giờ chung của đài thiên văn Greenwich Mean Time, tức là theo giờ London, nước Anh với múi giờ bằng 0.

Việc biến toàn bộ cuộc sống sinh hoạt chung một múi giờ duy nhất toàn cầu như vậy cũng sẽ tạo sự thay đổi đáng kể đối với thời gian làm việc ở nhiều nơi trên thế giới.

Ví dụ, ngày làm việc ở New York sẽ không còn là từ 9h sáng đến 5h chiều nữa mà thay vào đó sẽ trở thành 14h đến 22h.

Trên bờ biển phía Tây của Mỹ, một ngày mới sẽ bắt đầu vào lúc 4h sáng trong khi ở Sydney, Australia, ngày mới sẽ bắt đầu lúc 1 giờ chiều.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post , Giáo sư Hanke và Giáo sư Henry cho rằng múi giờ đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Họ nói: “Ngày nay, Internet đã xóa mờ đi khái niệm thời gian và không gian. Múi giờ có thể tạo ra sự nhầm lẫn cho khách du lịch khi di chuyển qua các nước khác nhau trong việc nhận biết giờ bay”.

Giáo sư Hanke và Giáo sư Henry cho rằng, múi giờ hoàn toàn là do con người xây dựng nên nhằm mục đích trùng khớp với thời gian chiếu sáng ban ngày.

Trên trang web của mình các nhà khoa học này cho biết việc đưa thế giới vào vào một múi giờ chung không có nghĩa là giờ làm việc của người dân phải thay đổi.

Mỗi khu vực sẽ vẫn làm việc trong “giờ riêng” của họ theo thời gian chiếu sáng ban ngày, chỉ có giờ vẫn là chung.


Múi giờ hoàn toàn là do con người xây dựng nên nhằm mục đích trùng khớp với thời gian chiếu sáng ban ngày.

Các khu vực bị ảnh hưởng sự khác biệt về độ dài ngày và đêm theo các mùa có thể điều chỉnh tiến lên hoặc lùi về một giờ như bình thường.

Như vậy, ở một số khu vực sẽ không còn đón bình minh vào buổi sáng sớm mà có thể vẫn đang vào ban đêm.

Hanke và Henry mong muốn rằng đề xuất này sẽ trở thành hiện thực vào ngày 01/01/2018.

Đây không phải là những giải pháp đầu tiên trong nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn trong việc chênh lệch múi giờ giữa các khu vực trên thế giới mà được cho là gây cản trở cho nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, thông tin trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.

Mặc dù vậy đề xuất này vẫn còn vấp phải các ý kiến phản đối bởi hiệu quả lợi ích chưa nhìn thấy rõ nhưng đã có nhiều những bất cập có thể dễ dàng nhìn thấy. Đó là sự xáo trộn về cuộc sống ngày và đêm và khả năng thay đổi trên quy mô thế giới là vô cùng khó.