Mùa đã gặt xong, còn lại cánh đồng chơ vơ gốc rạ. Chiều chiều, vài con trâu bò lác đác trong thời công nghiệp hóa thong thả gặm nỗi niềm hoài niệm. Lũ trẻ thơ thẩn chơi nơi gốc đa đầu làng trong ưu tư miên man bởi tác động của mùa hè covid. Thảng hoặc, ta bắt gặp hình ảnh mịt mù khói trên đám ruộng nhà ai đang đốt rơm, làm sạch cỏ để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Không dưng mà lòng bỗng nao nao thương xưa rơm rạ quê nghèo.

Quê nghèo xưa, ấy là thuở người nông dân đang chân lấm tay bùn, hai sương một nắng để làm ra một hạt lúa vàng bao giọt mồ hôi. Quê nghèo xưa, ấy là khi con trâu vẫn đầu cơ nghiệp, sớm tối khó nhọc cày bừa cùng người nông dân trên đồng cạn dưới đồng sâu. Quê nghèo xưa, ấy là khi cuộc sống hiện đại vẫn chưa về tới ngõ, con người cấy trồng và biết ơn cây lúa đã chắt từ phù sa đất nghèo để hiến dâng tinh túy tất cả từ gốc đến ngọn.

Biến rơm rạ thành có ích

Thuở ấy, khi trên cánh đồng lúa chín vàng, trĩu hạt; lúa được gặt mang về bằng đủ thứ nông cụ hiện đại theo thời gian từ hái, liềm rồi đến xén. Người ta tách hạt lúa khỏi bông cũng bằng đủ thứ từ thô sơ đến hiện đại như đập, trục, máy tuốt đầu ngang, đầu dọc… Phần thân dưới cây lúa ở lại với cánh đồng được gọi là rạ. Nhiệm vụ cắt rạ thường được giao cho bọn con nít. Đứa khéo tay thì chụm đứng thành từng chụm, đứa không chụm được thì để nằm. Rạ phơi khô đem về với bao nhiêu công dụng: đánh tranh lợp nhà, lót dưới giường để ủ ấm mùa đông, để đun nấu, bỏ chuồng gia súc để làm phân…

Phần thân trên cây lúa sau khi tách hạt gọi là rơm. Người ta chất từng xe rơm đầy ra rải dọc đường làng hoặc bờ đê dọi nắng cho mau khô. Sau đó, họ chọn những cây tre, bạch đàn… dài thẳng làm cọc trụ để xây nên những cây rơm cao vút. Hương đất, hương lúa, cả vị mặn mòi của những giọt mồ hôi vẫn đọng lại trên rạ rơm để người xa quê cũng nhớ thương mà náo nức khi mùa về mà tháng thốt “Lúa gặt rồi – còn để lại rơm thơm/ Trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…” (Thơ: Lê Huy Mậu). Rơm tích trữ để thức ăn cho trâu bò. Ngày xưa, rơm còn là vật liệu trộn với bùn non, trát lên những thanh tre đan bốn bức vách nhà cho kín trên bền dưới để rồi có câu thành ngữ “Nhà tranh vách đất”.

Rơm (của thời trục lúa) được bà ta, mẹ ta chọn những sợi to dài làm nên những chiếc chổi (như chổi lông gà bây giờ) với đủ thứ công dụng để rồi nên câu hát “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm…” (Hà Đức Hậu). Không hiểu có phải vị đất, vị quê không mà kể cả ngày nay, khi làm thịt gia súc, gia cầm; thui bằng rơm nấu lên, cảm giác vẫn ngon hơn là khò bằng lửa gas. Ngày xưa, nhìn trước cổng sau vườn nhà ai có đống rơm to cũng xem như là một biểu hiện của sự sung túc. Đống rơm ấy là nơi trai gái quê hò hẹn tránh sự phát hiện của người lớn hay đám bạn để rồi nên duyên vợ chồng.

Đống rơm còn là chiến trường của những ngày lũ trẻ không ngủ, bày trò đánh trận giả náo động cả trưa hè. Những đứa trẻ quê ngày ấy, giờ tứ tán phương xa, có nhớ lần nghịch dại chơi trò nấu ăn để rồi cháy cả đống rơm khiến bao người vất vả xách từng xô nước, làm đổ cây, cào rơm ra mới dập tắt ngọn lửa. Kỷ niệm ấy có thảng thốt trong giấc mơ để rồi “Bao năm xa quê/ Vẫn phảng phất hương bưởi nồng nàn đầu ngõ/ Nhớ đống rơm con ngủ vùi ấm hơn cả nệm êm” (Trần Nguyệt Ánh)…

Làm nông thời 4.0; máy móc thay thế dần cho mọi công đoạn. Con trâu không còn phải kéo cày đầu cơ nghiệp nên dần vắng bóng trên cánh đồng làng. Rơm rạ chỉ còn một số ít nhà có nhu cầu sử dụng mà thôi. Nhà nào kinh doanh chăn nuôi gia súc hoặc làm nấm sạch thì đi chở rơm về; còn không máy gặt đập liên hoàn nhả rơm ngay trên ruộng, chờ khô người ta sẽ đốt làm tro chờ tái sinh mùa vụ mới. Không dưng, lòng tự nhiên chợt nhớ thảng thốt những buổi ngày xưa đi học, gò lưng đạp xe trên con đường dằng dặc rạ rơm ngày mùa; chợt tiếc nuối cái mùi rơm thơm no ấm, nhớ vị đất bãi đồng quê để rồi chợt ao ước được trở về trong nồng ấm rơm rạ quê hương…