Người ta thường nói kết hôn nhanh thì ly hôn cũng nhanh. Đó là nói họ không có sự chuẩn bị tốt. Mà chuẩn bị tốt nhất chính là học cách làm người…

Một số tộc người thiểu số ở Trung Nguyên xưa, thiếu nữ trước khi kết hôn, gia đình nhà gái sẽ làm cho cô một căn nhà nhỏ, dành riêng để hướng dẫn cô một số tri thức cần thiết trước khi về làm dâu nhà chồng. Ở Nhật Bản thì có trường học dành cho cô dâu, chuyên dạy các cô gái trước khi kết hôn làm cần làm thế nào để trở thành một người vợ tốt. Còn các cô gái hiện nay trước khi kết hôn không có ai quản, cũng chẳng có ai dạy…

Nói về hạnh phúc của người phụ nữ, trước tiên nói về chữ Hiếu. Dù là một thiếu nữ hay một người phụ nữ đã lập gia đình thì đầu tiên họ là một người con. Nếu biết làm một người con như thế nào thì sẽ biết làm một người vợ như thế nào, làm một người mẹ như thế nào.

Thế nào là “Hiếu”

Là một người con, đặc biệt là con gái thì trước tiên cần phải làm được Hiếu. Chữ Hiếu (孝) này phần trên là nửa chữ Lão (老), tức là người già; nửa dưới là chữ Tử (子), tức là con, con cái. Ngôn ngữ truyền thống xưa còn được gọi là ngôn ngữ Thần truyền, bởi vậy khi tạo ra mỗi một chữ thì người ta đã đưa nội hàm tốt đẹp vào trong đó. Những chữ này có nguồn gốc thế nào? Tại sao lại đọc như vậy? Tại sao lại viết như thế? Nó đều vô cùng có ý nghĩa.

Chữ Hiếu (孝), phía trên được tạo thành bởi nửa chữ Lão (老) – người già, phía dưới là chữ Tử (子) – con cái. ‘Thánh chữ’ Thương Hiệt (倉頡) – nhân vật thần thoại được suy tôn là thánh tổ của chữ Hán đã sáng tạo ra thể chữ Thần truyền vô cùng ý nghĩa, chỉ một chữ này ông đã bảo cho chúng ta biết những điều gì?

Nói tiếp về chữ Hiếu, phía trên là chữ ‘lão’ – người già, người lớn tuổi ở trên, giống như Trời trông coi bảo hộ cho con cái. Ở dưới là chữ ‘tử’ – con, là con cháu thì cần tôn kính người già, người lớn tuổi ở trên. Như vậy con cái, con trẻ cần thực sự đặt người già, người có tuổi, cha mẹ lên trên để hiếu kính, hiếu thuận.

Các cô gái trẻ chúng ta cần chú ý chữ này. Chúng ta có người ở xa nhà, dù thế nào thì cũng nên mỗi tuần gọi điện về nhà một lần nhé, hiếu thuận mà!…

Thế nào là “Kính”

Chúng ta không những cần phải Hiếu mà còn phải Kính. Chữ Kính này cũng không đơn giản đâu. Khổng Tử nói một câu như thế này: “Chó ngựa cũng có thể nuôi dưỡng, không kính thì lấy gì phân biệt đây?”.

Đó chính là nói chúng ta ở nhà nuôi một con mèo, nuôi một con chó, chúng ta phải cho nó ăn no, cũng không thể để cho nó bị rét, có người còn cho nó mặc áo. Thế thì chúng ta đối xử với cha mẹ mình, có phải để cha mẹ ăn no, không bị lạnh là được rồi phải không? Nếu như thế thì có gì khác biệt với đối xử với vật nuôi? Vậy đối xử với cha mẹ có thể giống như đối xử với vật nuôi trong nhà không? Không thể được. Vì vậy cần phải tôn kính, thực sự đặt cha mẹ lên trên.

Có cô gái ăn nói rất có duyên, nói chuyện điện thoại với bạn trai cũng vậy, với ai cũng vậy, rất dịu dàng nhỏ nhẹ. Nhưng khi nói chuyện điện thoại với mẹ là có thể thấy ngay: gắt gỏng bực tức. Hoặc cha mẹ có nói vài câu thì không chịu được, nói: “Mẹ lắm chuyện thế này làm gì!”…

Không nên cư xử như thế, chúng ta cần phải tôn kính. Cổ ngữ có câu “Tương kính như tân” – Luôn kính trọng lẫn nhau như thuở ban đầu. Giống như quy luật trọng khách, đối với cha mẹ mình cũng cần tôn kính.

Thế nào là “Thuận”

Còn một từ nữa là “Thuận”. Ngày nay nói về hiếu thuận thì đa số người ta chỉ còn biết đến Hiếu mà không biết đến Thuận nữa. Thuận ý nghĩa là gì, là thuận theo, tức là cha mẹ nói gì thì mình làm nấy, đó mới gọi là thuận theo. Do đó trong “Đệ tử quy” (Phép tắc người con) có dạy:

Cha mẹ gọi, trả lời ngay.
Cha mẹ bảo, làm lập tức.
Cha mẹ dạy, phải kính nghe.
Cha mẹ trách, phải tiếp nhận.
(Kiến Thiện dịch)

Nguyên văn:

Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn.
Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn.
Phụ mẫu giáo, tu kính thính.
Phụ mẫu trách, tu thuận thừa.

Chúng ta hiện nay ai có thể thực hiện đầy đủ 100% cả 4 điều này? Có hay không? Khi cha mẹ gọi thì có lập tức đến không? Khi cha mẹ dạy thì có kính cẩn lắng nghe không? Khi cha mẹ trách mắng thì có thực sự nghe theo không? Có thực sự khó làm được không? Là rất khó, nhưng như thế này mới gọi là Thuận, chữ Thuận này chính là: thuận theo cha mẹ.

Là một cô con gái thì càng nên thuận theo cha mẹ như thế này. Mọi người nghĩ xem, các cô gái hiện nay có phải thường xuyên không thuận theo cha mẹ, rõ ràng sai rồi cũng không thừa nhận, còn nói: “Mặc kệ con, phiền quá!”… Có người còn in chữ lên áo phông kiểu như: “Đừng làm phiền, mặc kệ tôi”.

Đây là một thực trạng phổ biến ở xã hội hiện đại. Thử hỏi bạn có những người con như thế này, các thầy cô giáo có những học trò như thế này thì làm sao có thể dạy bảo được đây? Những đứa trẻ này lớn lên sẽ ra sao? Do đó Hiếu Thuận chính là văn hóa truyền thống.

Văn hóa truyền thống chính là đem những thứ tốt đẹp truyền thừa lại. Giả sử trong một lớp học, các học sinh ai muốn gì thì làm nấy, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, thế thì lớp học này chẳng thể nào quản lý được, cũng chẳng thể gọi là lớp học. Thế thì cần phải có trật tự. Trật tự này người xưa gọi là Lễ, tức là học trò phải tôn kính thầy cô. Vậy khi chúng ta yêu cầu các học sinh tôn kính thầy cô thì các thầy cô cần phải tôn kính ai? Cần tôn kính cha mẹ, tôn kính hiệu trưởng, tôn kính đồng nghiệp, tôn kính láng giềng…

Chúng ta tôn kính người khác thì người khác mới tôn kính chúng ta. Do đó muốn con trẻ hiếu kính, hiếu thuận thì chỉ khi chúng ta tự lấy mình làm gương, khi đó con cái, học sinh của chúng ta mới có thể noi theo giống như chúng ta được.

Chúng ta vừa đàm luận về “Đệ tử quy”: ‘Cha mẹ gọi, trả lời ngay’, ‘Cha mẹ dạy, phải kính nghe’. Khi cha mẹ gọi điện đến, bạn vừa nhận điện thoại liền nói: “Phiền quá, lát nữa con gọi lại”, rồi ‘cộp’ một cái đặt điện thoại xuống. Con bạn trông thấy rồi, thế thì trẻ sẽ học “Đệ tử quy” hay học theo thái độ nhận điện thoại của bạn đây?

Chúng ta thường thấy chuyện như thế này, có bậc phụ huynh phàn nàn rằng đứa trẻ này nói thế nào đi nữa cũng không chịu nghe lời. Bạn nói xem tại sao nó không nghe lời? Chính bạn còn không làm được, đứa trẻ nhớ hôm đó bà ngoại nói bạn cũng không nghe, chẳng phải trẻ đã học theo bạn đó sao? Thực ra học “Đệ tử quy” khó không phải là do trẻ, trẻ tự học rất dễ, nhưng vì người lớn đều làm như thế này nên trẻ cũng làm như thế mà thôi.

“Đệ tử quy” còn dạy ‘Sáng phải thăm, tối phải viếng’ (nguyên văn: ‘Thần tắc tỉnh, hôn tắc định’). Hiện nay rất nhiều nơi dạy “Đệ tử quy” trọng điểm đặt ở đọc và thuộc. Chúng ta dạy trẻ “Đệ tử quy” cần phải giảng chi tiết tường tận, tại sao? Bởi vì hiện tại đã mất đi hoàn cảnh đó rồi.

Ví dụ dạy ‘Sáng phải thăm, tối phải viếng’. Hiện nay có lẽ ở nông thôn còn khá một chút, trẻ con ở thành phố đã mất đi môi trường đó rồi. Trước kia người có tuổi một chút thì sáng dậy sớm, họ nhất định phải đến thỉnh an cha mẹ, buổi tối cũng phải thỉnh an, cho dù là trẻ khi đó có người chưa học “Đệ tử quy” thì cũng làm như vậy, vì đó là một tập tục hàng ngày. Cả ngày họ thấy cha mẹ làm như thế này, lớn lên họ cũng làm như thế. Đó chính là học theo, bắt chước, bởi vì trẻ con là luôn đang học tập.

Văn hóa truyền thống rất có đạo lý. Cha mẹ chúng ta hiếu thuận với ông bà, chúng ta học theo, bắt chước, thì cũng hiếu thuận với cha mẹ như thế, và con cái cũng học theo chúng ta. Có bậc phụ huynh nói, đứa trẻ này sao lại không nghe lời như thế này. Vậy thì chúng ta có nghe lời ông bà của đứa trẻ không? Không phải cha mẹ trẻ nói không đúng, mà là bản thân cha mẹ không làm được thì khi dạy trẻ chúng cũng không nghe. Do đó chúng ta cần nhấn mạnh về Hiếu Thuận, Hiếu Kính.

Thế nào là “Cảm ân”

Mọi người cũng biết câu thành ngữ ‘Thốn thảo xuân huy’, nó có nguồn gốc từ bài thơ “Du Tử Ngâm” rằng:

‘Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người’.
(Trần Trọng Kim dịch)

Nguyên văn:

‘Thùy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy’.

Thốn thảo là cây cỏ nhỏ mùa xuân, thốn thảo quá bé nhỏ yếu ớt, mà mặt trời mùa xuân quá to lớn, quá hùng vĩ. Mặt trời cho từng cây cỏ nhỏ, bao gồm cả những cây đại thụ tất cả ánh nắng xuân. Cây cỏ nhỏ sở dĩ trưởng thành là do nó hấp thụ rất nhiều nước và ánh sáng. Có thể nói rằng sinh mệnh của nó đều là do mặt trời trao cho, đúng không? Không có ánh sáng mặt trời này thì không có sinh mệnh của nó. Sau khi nó trưởng thành có thể báo đáp được ân huệ của mặt trời đã dành cho nó hay không? Thực sự là không thể nào báo đáp nổi. Do đó mới nói:

‘Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người’…

Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, do đó chữ Hiếu này là cơ sở của đức hạnh. Đó cũng chính là điều cần dạy trẻ về chữ hiếu, cần có cái tâm biết yêu thương người khác, có cái tâm biết cảm ân. Tại sao phải cảm ân? Nếu các cô gái trước khi trở thành người vợ mà biết được đạo lý làm người thế nào mới có cuộc đời tốt đẹp, thế thì quả thực là phúc khí.

Chúng ta nói về “Bách thiện hiếu vi tiên”, người xưa cũng nói “không nuôi con không biết lòng cha mẹ”. Chúng ta trước khi lên 3 tuổi thì việc gì cũng không nhớ, điều chúng ta nhớ được hầu hết là những việc sau tuổi lên 5 . Điều đó có nghĩa là chúng ta trước tuổi lên 3 thì cha mẹ đối với chúng ta như thế nào thì chúng ta cũng không có ấn tượng. Đương nhiên chúng ta cũng trông thấy những cha mẹ khác đã chăm sóc con cái vất vả như thế nào. Nhưng đến khi bạn có con, bạn mới có thể thực sự thể nghiệm được nỗi vất vả trong đó.

Đầu tiên là mang thai, 10 tháng mang thai rất mệt, giống như một người phải mang vác 2 người. Ngoài ra còn có những bà mẹ thời kỳ đầu mang thai có phản ứng, thai nghén. Đây là một loại thống khổ nhưng rất hạnh phúc. Mặt khác, người mang thai chân phù nề, thường xuyên nhức đầu chóng mặt, tại sao? Bởi vì trong thời kỳ mang thai, một người ăn cung cấp dinh dưỡng cho 2 người, hơn nữa dinh dưỡng phần nhiều được ưu tiên cấp cho thai nhi, do đó các bà mẹ mang thai 10 tháng thật không dễ dàng chút nào.

Mọi người đều biết khi sinh nở rất đau đớn, rất khó chịu. Tại sao họ phải chịu đứng nỗi thống khổ như vậy? Là vì đứa con. Đương nhiên được làm một người mẹ thì rất hạnh phúc, nhưng trong quá trình đó người mẹ rất thống khổ. Thời xưa một số người vào dịp sinh nhật của mình thì tuyệt thực 3 ngày. Họ cho rằng vì ngày sinh nhật của mình mà chính là ngày chịu nạn của mẹ.

Trẻ em ngày nay sinh nhật, nào là đòi bánh sinh nhật hoặc đòi món quà gì, quà gì… Các thầy cô cũng nên bảo cho trẻ biết, ngày sinh nhật đó, trước tiên cần cảm ân, cảm tạ mẹ đã đưa con đến với thế giới này. Các thầy cô thường ngày cũng cần phải dạy trẻ cảm ân, dạy trẻ biết nói lời cảm ơn cha, mẹ, ông, bà…

Thanh Hà
Theo Đồng Hân – zhengjian.org