Ngày nay, túi khí được xem là trang bị an toàn không thể thiếu trên xe hơi. Vậy túi khí là gì và vì sao nó lại cần thiết đến như thế trên xe hơi?
Lần đầu tiên túi khí bên thành xe và túi khí bảo vệ vai người lái được đưa vào danh mục tùy chọn năm 1995 trên mẫu xe Volvo 850. Ba năm sau đó, Chính phủ liên bang Mỹ yêu cầu trang bị túi khí kép phía trước bảo vệ hai người ngồi hàng ghế đầu cho tất cả các dòng xe ô tô chở người. Năm 2006, Honda tiếp tục đưa túi khí trang bị cho dòng xe mô tô.
Các nhà sản xuất ô tô đã trang bị nhiều hệ thống túi khí đặt bên trong xe hơiẢNH: TOYOTA
Ngày nay, với sự phát triển về công nghệ và sự chú trọng về tính an toàn, các nhà sản xuất ô tô đã cho ra đời nhiều hệ thống túi khí đặt quanh xe tại các vị trí như: túi khí trước, túi khí bên, túi khí rèm, túi khí đầu gối, túi khí trung tâm phía sau, túi khí dây đai an toàn hay thậm chí cả túi khí trên trần xe.
Hệ thống túi khí trước trên xe hơiẢNH: TAKATA
Túi khí phía trước được xem là phổ biến nhất trên xe hơi hiện nay và là trang bị bắt buộc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Túi khí trước được bật nổ từ phía dưới bảng táp lô trước mặt người lái và hành khách trong những vụ va chạm trực diện để ngăn ngừa hành khách va đập vào các chi tiết của nội thất. Ở những va chạm trực diện tốc độ thấp, hệ thống túi khí tiên tiến cung cấp những mức độ bảo vệ khác nhau bằng cách bơm phồng túi khí với áp suất ít hơn hoặc không kích hoạt túi khí phía trước.
Hệ thống túi khí sườn và túi khí đầu gối cũng được trang bị bên cạnh túi khí trước trên xe Lexus LX570 ẢNH LEXUS
Loại túi khí phổ biến thứ hai là túi khí gắn bên sườn xe chỉ hoạt động khi có va chạm ở bên sườn thân xe, khi đó túi khí sườn sẽ bảo vệ đầu và vai tránh được chấn thương. Túi khí sườn thường có ba loại chính: túi khí bảo vệ khu vực ngang ngực, túi khí bảo vệ khu vực ngang đầu và loại cuối cùng là kết hợp bảo vệ hai khu vực trên.
Cục an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) ước tính trong những va chạm bên sườn xe có ít nhất một người tử vong và 60% những nạn nhân đó mất mạng do bị chấn sọ não. Khi so sánh những chiếc xe không trang bị SAB với những chiếc xe có trang bị, NHTSA cũng ước tính rằng mỗi năm có tới 976 người được cứu sống nếu có túi khí sườn và 932 người sẽ gặp tai nạn nghiêm trọng nếu thiếu đi túi khí này.
Hệ thống túi khí trên dây đai an toàn do Ford phát minhẢNH FORD
Ngoài túi khí trước và túi khí sườn, một vài loại túi khí khác cũng được trang bị trên xe hơi nhưng ít phổ biến hơn như túi khí đầu gối, túi khí rèm phía sau, túi khí trung tâm, túi khí trên dây đai an toàn, túi khí trên trần xe.
Tại Việt Nam, đa số các mẫu xe hơi đều có trang bị tối thiểu một túi khí trước cho người lái. Tùy vào nhà sản xuất mà mỗi mẫu xe sẽ được trang bị thêm các hệ thống túi khí bên phụ, túi khí sườn, túi khí đầu gối hay túi khí trên dây đai an toàn.
Khi nào túi khí trên xe hơi sẽ bung?
Không phải khi va chạm, tất cả các túi khí đều phải bung
Ngày nay, túi khí được xem là trang bị an toàn không thể thiếu trên xe hơi. Vậy túi khí là gì và vì sao nó lại cần thiết đến như thế trên xe hơi?
Nguyên lý hoạt động của túi khí về cơ bản khá đơn giản. Bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn (va chạm xảy ra) sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng.
Tốc độ nổ túi khí rất nhanh (khoảng từ 10 đến 40 phần ngàn giây) nên sẽ tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực của hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.
Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi
Sự kích nổ túi khí phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe) và vùng, hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên). Trên hầu hết xe Ford và một số hãng xe khác, túi khí sẽ được kích nổ khi gia tốc giảm dần tối thiểu là 2 G (G: gia tốc trọng trường) hoặc lực va đập tối thiểu tương đương với trường hợp xe đạt tốc độ khoảng 25 km/giờ va chạm trực diện vào bức tường bê tông cố định.
Giả sử, khi xe chạy ở tốc độ 120 km/giờ đạp phanh gấp cho xe dừng hẳn thì độ giảm tốc tối đa = 1,5 G như vậy độ giảm tốc 2 G để bung túi khí phải lớn hơn gia tốc giảm dần khi phanh gấp rất nhiều. Do đó, trong một số trường hợp, sau khi bị tai nạn, vẻ ngoài xe trông bị hư hỏng rất nhiều nhưng túi khí không nổ vì gia tốc giảm dần của xe chưa đạt giới hạn cho phép để kích nổ túi khí. Với những trường hợp này, hệ thống dây đai an toàn đã đủ để giữ hành khách tránh khỏi những chấn thương nghiêm trọng. Vì vậy, trong tất cả các hướng dẫn sử dụng của tất cả các hãng sản xuất xe đều yêu cầu hành khách luôn đeo dây đai an toàn khi ngồi trên xe. Đây cũng là luật lệ bắt buộc của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Không phải khi va chạm, tất cả các túi khí đều phải bung. Chẳng hạn như các túi khí bên và túi khí phía trên được thiết kế để hoạt động khi xe bị đâm mạnh từ bên sườn. Khi xe bị va đập chéo hoặc trực diện ở sườn xe nhưng không ở khu vực khoang hành khách, các thiết bị này có thể không nổ.
Như vậy, việc túi khí bung hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lực va chạm, góc va chạm, việc thắt dây an toàn và tùy vào cách thiết lập ngưỡng túi khí hoạt động của từng hãng xe.
Những lưu ý khi sử dụng xe hơi có túi khí
Hành khách trên xe hơi nên tập cách ngồi đúng vị trí
Do hệ thống túi khí khi nổ sẽ có tốc độ rất nhanh cũng như tạo ra lực rất mạnh nên không để bất cứ vật dụng gì phía trước túi khí. Khi túi khí bị kích nổ, các vật này có thể bắn trúng hành khách trong xe gây chấn thương nghiêm trọng.
Không cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế phía trước, điều này rất nguy hiểm khi hệ thống dây đai không đủ lực kéo để hoạt động nên khi hệ thống túi khí bung ra, sẽ rất nguy hiểm do lực nổ của túi khí rất mạnh có thể gây chấn thương thậm chí tử vong cho trẻ.
Không đặt ghế trẻ em quay lưng về phía trước đối với xe có trang bị túi khí ghế hành khách phía trước
Ngồi quá gần túi khí hoặc đặt tay hoặc chân lên túi khí thì đặc biệt nguy hiểm. Túi khí nổ với tốc độ cực nhanh với lực rất mạnh. Chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra nếu có ai đó quá gần với túi khí khi nổ. Người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí, luôn nắm lấy vành ngoài của tay lái, tựa lưng vào lưng ghế và thắt dây đai an toàn một cách ngay ngắn. Hành khách nên luôn để hai chân trên sàn.
Khi đèn cảnh báo hệ thống túi khí bật sáng hoặc chớp liên tục khi xe đang chạy bình thường, hệ thống theo dõi đang báo cho người lái xe biết hệ thống túi khí đang có sai hỏng và cần mang xe đến đại lý ủy quyền để được kiểm tra ngay khi có thể.
Không được tự ý sửa chữa hoặc can thiệp vào hệ thống túi khí. Điều này có thể làm túi khí nổ bất ngờ hoặc làm vô hiệu hóa hệ thống túi khí.
Túi khí sau khi nổ sẽ rất nóng, không nên chạm vào các bộ phận bên trong túi khí sau khi nổ, điều này sẽ khiến bạn bị bỏng.