Dù ở thành thị hay nông thôn, mỗi khi cần đi đâu, muốn nhanh, gọn, và rẻ, ai cũng nghĩ ngay đến “xe ôm”. Dù không được công nhận chính thức nhưng có thể nói, xe ôm gần như là một phương tiện công cộng được sử dụng nhiều nhất, và là một trong những nghề có thể kiếm tiền mà không cần trình độ, ai cũng có thể chạy xe ôm miễn là biết chạy và có một chiếc xe gắn máy làm “cần câu cơm”. Đi xe ôm gần như đã trở thành thói quen của người Việt từ rất lâu, nhưng cụ thể xe ôm có từ khi nào có lẽ ít ai được rõ.

Khác với người miền Nam, người miền Trung gọi xe ôm là “xe thồ”, hình thức chở người hoặc hàng hóa bằng xe hai bánh. Còn theo lý giải của nhiều người, sở dĩ người Sài Gòn hay miền nam gọi “xe ôm”, là bởi vì chỉ cần bước lên xe, vịn tay vào eo người lái để ngồi cho vững và nói ra điểm cần đến là sẽ được đưa đến tận nơi. Chính hành động “vịn tay” đó cũng trở thành cái cớ hóm hỉnh để người ta đặt một cái tên dân dã cho công việc này, nghề xe ôm.

Theo tác giả, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận viết trong cuốn Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố, trước năm 1954, không thấy có sách báo nào có đề cập đến nghề xe ôm, mà phương tiện công cộng chủ yếu vào thời điểm này là xe kéo, xe lôi và taxi, xe máy đã được lưu hành nhưng không dùng làm dịch vụ chở người.

Một dược sĩ (nhân vật được tác giả đề cập đến trong sách) gốc gác ở quận 4 Sài Gòn kể lại, năm 1965, khi người Mỹ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công sở của người Mỹ. Họ làm nhân viên đánh máy, lái xe, sửa chữa bảo trì xe cộ. Đồng lương khá khẩm giúp họ có một cuộc sống thoải mái, dư giả, dễ dàng mua xe máy. Tuy nhiên chiến cuộc thay đổi liên tục, công sở Mỹ mở ra rồi lại đóng cửa, điều đó đã khiến cho cuộc sống của những người làm công chuyên lãnh tiền bằng đô la trở nên bấp bênh. 

Tác giả trích dẫn nguyên văn câu chuyện được người dược sĩ kể lại như sau:

“Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Ông mua được một chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày. Xe Lambretta hai thì, khỏe, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao ráo của ông.

Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp số nhân viên và ông X. phải nghỉ việc. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại rồi ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người Mỹ đã cùng làm ở đó. Một buổi chiều, ông X. được anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một snack-bar trên khu Kho 18 thuộc Q.4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông X. vui vẻ nhận lời. Khi dừng xe, ông X. giơ tay từ biệt thì anh chàng Mỹ rút túi tặng ông một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông chở đi vòng vòng Sài Gòn chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể kiếm tiền bằng những lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng khách. Ông chở thêm những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được còn nhiều hơn trước kia đi làm nữa.”

Bác xe ôm đang đợi khách bên vệ đường.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, nghề xe ôm xuất hiện ở nước ta từ những năm người Mỹ mới vào Việt Nam cũng là một giải thích hợp lý. Tác giả nói thêm, nghề xe ôm còn phổ biến hơn khi các loại xe Nhật bắt đầu nhập cảng vào Việt Nam. Xe Nhật chiếm ưu thế hơn vì có thiết kế yên liền, thấp, phù hợp với vóc dáng người châu Á, xe chạy lại bền, ít hao xăng nên rất được ưa chuộng. Cộng thêm đời sống những năm 60 của thế kỷ trước rất khó khăn do chiến sự xảy ra liên tục, vì vậy người ta đổ xô đi chạy xe ôm để kiếm thêm. 

Sau 1975, khi người Mỹ rút khỏi nước ta, kinh tế bắt đầu dần hồi phục và phát triển thì nghề xe ôm cũng được đà tiến tới. Dù ở hang cùng ngõ hẻm, dưới những tàn cây râm mát, trước cổng bến xe, siêu thị, bệnh viện, trường học… đâu đâu cũng thấy bóng dáng những người hành nghề xe ôm. 

Dù là ở đâu, chỉ cần hô to khẩu lệnh “xe ôm”, là lập tức có chiếc xe gắn máy vù đến trước mặt. Sau khi thỏa thuận giá cả, chiếc xe vút đi trên đường, luồn lách qua những kẽ hở giữa đoàn xe cộ tấp nập, băng qua mọi ngóc ngách, những con đường tắt mà chỉ người trong nghề mới nắm, hành khách đến được nơi cần đến với khoảng thời gian ngắn hơn, chi phí vừa túi tiền hơn so với những phương tiện khác.

Đến nay hơn 60 năm, xã hội thay đổi, công nghệ phát triển, đời sống vật chất được nâng cao nhưng người Việt vẫn giữ thói quen thích đi xe ôm. Có chăng sự khác biệt lớn nhất là ngày nay người ta gọi “đi xe công nghệ nhiều hơn” thay vì gọi “xe ôm” như đã từng. 

Người ta thích đi xe ôm không chỉ vì giá cả hợp lý, thời gian di chuyển nhanh hơn, mà còn vì những câu chuyện rôm rả giữa bác tài và hành khách suốt cả chặng đường. Từ hai người xa lạ, sau vài câu thăm hỏi ban đầu họ dễ dàng mở lòng một cách không phòng bị, những chuyện đời được kể, những âu lo được giải bày. Và đôi khi, chỉ một cuốc xe ngắn ngủi mà người ta được chậm lại, được thấy cái chất “Việt Nam” vẫn chảy tràn trên từng con người nhỏ bé, hiền hòa, cởi mở và lạc quan dù trong hoàn cảnh nào. 

Nghề nào cũng có những góc khuất, nhưng vượt ra khỏi một công việc kiếm sống, đi xe ôm có lẽ cũng đã thành một nét văn hóa của người Việt. Và đâu đó trong những câu chuyện cuộc đời, một cuốc xe ôm, một bác tài xế thật thà cũng nằm lại trong một trang ký ức đẹp.