Nhân Dân báo số vừa rồi có bài của cô Mộng Tuyết bắt bẻ hai chữ “mày ngài” của báo Tri tân [a] mà tôi kéo dài ra thành câu chuyện: mày ngài và mày tằm.

Hai danh từ nầy đã có nhiều người làm lầm lộn nhau, cả đến cụ Nguyễn Du là ông tổ sư quốc văn của chúng ta cũng không khỏi.

Trước hết chúng ta nên định nghĩa rõ ràng hai chữ nầy rồi nói chuyện gì hãy nói. “Ngài” là con bướm do trong cái kén nở ra; còn “tằm” là con tằm nở ra từ trứng của con ngài rồi lần lần lớn lên và làm ra cái kén.

Trong báo Tri tân, theo cô Mộng Tuyết thuật lại, ông Hoa Bằng giải chữ “nga mi” là “nét mày như con ngài” và thêm rằng: “Nếu nét mày đã như con ngài thì không biết còn đẹp cái nỗi gì?”

Phải, nếu cặp mắt của người đàn bà như hai con tằm “ăn ba” hay “thức lớn” nằm trên đôi con mắt thì coi bặm xị quá, không còn đẹp vào đâu nữa.

Nhưng không phải.

Khi nào người ta nói cặp mày của mỹ nhân mà nói “nga mi”, tức chỉ hai cái vòng cong trên đầu con ngài, như cô Mộng Tuyết có cắt nghĩa. Đại khái muốn tả ra cặp lông mày cong mà nhỏ.

Thế còn mày tằm?

Mày tằm là cặp mày to, rậm, dài, có vẻ bặm xị, thường là cặp mày của bậc anh hùng, của trang hảo hớn hay là võ tướng.

Như trong truyện Tam Quốc nói ông Quan Công “mi nhược ngọa tàm”, nghĩa là lông mày như con tằm nằm. Con tằm nằm, thì chưng mày phải là dài, thẳng, to và rậm, mới xứng với sự so sánh ấy.

Thế mà trong khi cụ Nguyễn Du tả trạng mạo Từ Hải, một vị anh hùng cụ muốn tả, cụ lại nói rằng “râu hùm, hàm én, mày ngài”, có phải bướng không?

Nếu Từ Hải mà có cặp mày ngài thì thành ra Từ Hải trở lại có cái đẹp của cô Kiều, coi sao được?

Thật thế, đàn ông, nhứt là thứ đàn ông làm tướng giặc, mà lại có cặp chưng mày vòng nguyệt như mày của con ngài thì thật chẳng có đàn bà nào coi cho vừa mắt họ cả.

Cho nên, chỗ Truyện Kiều tả về Từ Hải đó, giá cụ Nguyễn Du không nói “mày ngài” mà nói “mày tằm” mới đúng.

Cái mà ông Hoa Bằng “không biết còn đẹp cái nỗi gì?”, nếu đem mà đặt trên khuôn mặt Từ Hải lại trở thấy là đẹp, vì có thế nó mới xứng với râu hùm hàm én.

Cô Mộng Tuyết hãy khoan thứ đi! Rất đỗi đến cụ Nguyễn Du còn làm lầm lộn thay, huống gì ông Hoa Bằng ở báo Tri tân!

Nguồn:

Dân báo, Sài Gòn, s. 629 (25 Juillet 1941), tr. 1, 4. 

Chú thích

[a] Tri tân : tuần báo văn hóa, số 1 (3/6/1941), số cuối cùng: s. 214 (16/7/1946); tòa soạn: 349 Phố Huế, Hà Nội; chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng.