Dẫu biết hành động này bị cho là “hơi mất vệ sinh” nhưng nguồn gốc của thổi nến này ở đâu nhỉ?
Không sai khi nói rằng, ngày sinh nhật là 1 trong những ngày được mong chờ nhất trong năm của mỗi người. Và việc được cùng nhau thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật nho nhỏ thực sự là 1 kỉ niệm đẹp.

Dưới lăng kính khoa học thì việc thổi nến sẽ làm gia tăng lượng vi khuẩn trên bánh lên tới 1.400%.

Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc vì sao ta lại làm điều này không? Nguồn gốc của việc thổi nến sinh nhật này có từ đâu nhỉ?

Ngược dòng lịch sử nhân loại, khi khái niệm sinh nhật còn chưa có, con người coi ngày họ sinh ra chỉ bình thường như bao ngày khác.

Tuy nhiên, đến thời kỳ cổ đại, ngày sinh nhật trở nên có ý nghĩa hơn, khi tầng lớp quý tộc bắt đầu có thói quen quan tâm đến ngày này. Còn người dân thường, ngày sinh nhật vẫn chỉ phục vị mục đích chiêm tinh mà thôi.

Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, tập tục thổi nến ngày sinh nhật có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại.

Trong thời cổ Hy Lạp, người ta rất sùng bái nữ thần Mặt trăng là Artemis và mỗi năm đều phải kỷ niệm ngày sinh của bà.

Những ngày đó, trên bàn thường bày một cái bánh làm từ trứng, bột mỳ và mật ong. Trên mặt bánh có cắm rất nhiều nến đốt sáng và người ta cho rằng ánh sáng của các ngọn nến này tượng trưng cho ánh sáng lung linh của Mặt trăng. Có như vậy người ta sẽ bày tỏ được lòng sùng kính của mình với đối với vị nữ thần Mặt trăng.

Và rồi, nhiều người tin rằng, tiềm ẩn trong các ngọn nến được thắp sáng là một sức mạnh thần bí nào đó. Thế nên khi thổi tắt các ngọn nến, mọi ước nguyện sẽ trở thành hiện thực.

Vì vậy sau này, người Hy Lạp vẫn duy trì tập tục này mỗi khi tổ chức sinh nhật, đặc biệt là khi tổ chức sinh nhật cho trẻ em với hi vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng.

Cứ như vậy, tập tục này được lưu truyền cho tới ngày nay và được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguồn: Mentafloss.