Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Ngô Thì Nhậm là một nhân vất lịch sử gây nhiều tranh luận, một người có “vấn đề”. Gây tranh luận chẳng những do tài học của ông (bao gồm cả thi phú, biên khảo địa phương chí, Nho học, Phật học), do cuộc đời hoạt động chính trị quá nhiều thăng trầm của ông, mà còn do những điều ông nói ông làm đặt nhiều người trước những vấn nạn khó xử. Ngô Thì Nhậm là người không chịu chấp nhận dễ dàng những điều nhiều người chấp nhận, không đi theo lối mòn. Cũng giống như Quang Trung, Ngô Thì Nhậm bị thời thế đưa đẩy để phải quyết định những bước sinh tử ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng ngược lại, có đủ bản lãnh để khắc phục tình thế và lái lịch sử đi theo con đường mình cho là đúng.

Trong lịch sử Việt nam, ít có người trí thức nào đạt được mức tự tín và tài ba như ông. Trước ông, Chu Văn An là một huyền thoại về kẻ sĩ, một thứ huyền thoại cần thiết cho đạo học, nhưng chưa chắc đã cần thiết cho các hoạt động thưc tế.  Nguyễn Trãi cũng có kiến thức uyên bác và khả năng hành động như Ngô Thì Nhậm, nhưng những khó khăn Nguyễn Trãi phải đối phó, so với Ngô Thì Nhậm, không nhiều.  Làm quân sư cho một phong trào dân tộc kháng chiến chống ách đô hộ của ngoại bang để giành độc lập, Nguyễn Trãi cứ thuận theo chính nghĩa có sẵn để thi thố tài năng. Tổ quốc với vương triều ông tận tụy phục vụ là một. Về cuối đời, Nguyễn Trãi có gặp tai họa, nhưng nạn giết hại công thần không phải là hy hữu trong lịch sử, Nguyễn Trãi là nạn nhân của một guồng máy cai trị muốn ổn định quyền lực (nhà Hậu Lê) cũng giống như Lê Văn Duyệt là nạn nhân của nhà Nguyễn sau này.

Ngô Thì Nhậm không được may mắn như Nguyễn Trãi. Xã hội ông sống bị hỗn loạn tận gốc rễ, nhất là sự hỗn loạn về ý hệ. Tổ quốc và vương triều không phải là một như thời Nguyễn Trãi, trung với vua không nhất thiết là trung với nước. Mãi cho tới ngày nay, hơn hai trăm năm sau, chúng ta còn khó đồng ý với nhau về việc vua Lê Chiêu Thống qua cầu viện nhà Thanh để diệt Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, thì hồi đó, lòng Ngô Thì Nhậm và giới trí thức nho sĩ đương thời còn bối rối đến mức nào trước các thế lực chính trị phức tạp, mà thế lực nào cũng tự xem mình là có chính nghĩa, là chính thống. Ở Ðàng trong là Nguyễn Gia miêu và Tây sơn. Ở Bắc là vua Lê chúa Trịnh. Riêng triều thần phục vụ chúa Trịnh lại thêm phe Trịnh Tông, phe Trịnh Cán. Ngô Thì Nhậm mắc kẹt trong cái thế phân tranh rối rắm đó ngay từ đầu, mang tai tiếng ngay trên quê hương mình, tạo nghi kỵ chia rẽ ngay trong dòng họ mình. Ông may mắn gặp được một lãnh tụ chính trị biết dùng người nên ra sức phục vụ đắc lực trong nhiều phạm vi khác nhau, quân sự có, văn hóa có, kinh tế có, ngoại giao có, để rồi sau khi Quang Trung mất, đau đớn chứng kiến vương triều mình góp công xây dựng suy sụp và lãnh sự trừng phạt nhục nhã vào cuối đời.

Mẫu đời đó quá đặc biệt, dù xét từ quan điểm nào. Thời loạn tạo vóc dáng cho nhà nho Ngô Thì Nhậm, và ngược lại, Ngô Thì Nhậm cũng để lại dấu vết sâu đậm của con người mình lên thời loạn. Không có Ngô Thì Nhậm, xã hội Việt nam sẽ ra sao nếu không có một người uyển chuyển và khôn khéo về ngoại giao như ông để đối phó với nhà Thanh? Không có Ngô Thì Nhậm, đám nhân sĩ Bắc hà sẽ phản ứng thế nào trước một đám võ biền quá tự tín về sức mạnh võ bị lại được giao phó trọn vẹn quyền uy để cai trị một vùng đất ngàn năm văn vật? Những dự phóng của Ngô Thì Nhậm cho một nền kinh tế hậu chiến (như trong bài Chiếu khuyến nông) đã đưa tới kết quả gì?

Tìm hiểu cuộc đời Ngô Thì Nhậm tuy khó nhưng còn làm được, phán xét về ông thì khó hơn, vì đòi hỏi một cái nhìn đã thoát khỏi các ý hệ. Ngô Thì Nhậm là một nhân vật lịch sử danh tiếng và tai tiếng.

Ngô Thì Nhậm, tự là Hi Doãn, hiệu là Ðạt Hiên, viết về Phật học lại có đạo hiệu là Hải lượng, sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25-10-1746) tại làng Tả Thanh oai, huyện Thanh trì, thuộc một dòng họ nổi tiếng về cử nghiệp và khoa hoạn. Cha ông là Ngô Thì Sĩ (1726-1780), đỗ Hội nguyên hoàng giáp, từng làm quan lớn cho nhà Trịnh, khi là Tham chính Nghệ an, khi làm Ðốc trấn Lạng sơn (đúng vào lúc con trai ông, Ngô Thì Nhậm làm Ðốc đồng Kinh bắc kiêm Ðốc đồng Thái nguyên, hai cha con trấn nhậm tại ba trong bốn trấn quan trọng nhất quanh kinh đô Thăng long). Về văn nghiệp, Ngô Thì Sĩ là tác giả “Việt Sử Tiêu Án” và một số tập thơ Hán văn giá trị như “Anh Ngôn Thi Tập”, Quan Lan Thi Tập”, “Nhi Thanh Ðộng Tập”, “Khuê Ai Lục”. Ông mất năm Canh Tý (1780) sau vụ án Canh Tý (Trịnh Sâm dẹp tan âm mưu đảo chính của phe cánh Trịnh Tông muốn diệt trừ phe cánh Ðặng Thị Huệ và Quận Huy), do bạo bệnh sau một chuyến đi Nam quan cho việc quan, nhưng dư luận Bắc hà có ác cảm với Ngô Thì Nhậm cứ phao truyền rằng ông buồn vì con trai mà chết.

Có lẽ thật sự Ngô Thì Sĩ không hề buồn phiền vì đứa con trai đầu của mình. Ngược lại là khác, Ngô Thì Nhậm là một niềm hãnh diện cho ông. Nhờ truyền thống gia đình văn học và nhờ tư chất thông minh, Ngô Thì Nhậm thành công rất sớm. Mười sáu tuổi đã viết cuốn “Nhị thập tứ sử toát yếu”. Mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi hương. Hai mươi tuổi, viết “Tứ gia thuyết phả”. Hai mươi ba tuổi, đỗ khoa sĩ vọng, được bổ Hiến sát phó sứ Hải dương. Hai mươi sáu tuổi, dự khảo thí ở Quốc tử giám, đỗ ưu hạng đồng thời hoàn thành “Hải đông chí lược”, một tập địa phương chí của Hải dương. Hai mươi chín tuổi, đỗ thứ năm hàng tiến sĩ tam giáp, cùng khoa với Phan Huy Ích. Ðạt được học vị cao nhất của thang giá trị học vấn thời đó, Ngô Thì Nhậm liên tiếp được giao cho những chức vụ quan trọng:

Năm 1775: Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ.

Năm 1776: Giám sát Ngự sử đài đạo Sơn nam, sau đó thăng Ðốc đồng trấn Kinh bắc.

Năm 1778: Vẫn giữ Ðốc đồng Kinh bắc nhưng kiêm thêm chức Ðốc đồng Thái nguyên.

Từ thời niên thiếu cho đến 1780 nổ ra vụ án Canh Tý, cuộc đời 35 năm của Ngô thì Nhậm gồm một chuỗi những thành công bình thường ở vào một thời bình thường.  Thành công về cử nghiệp và hoạn lộ đi kèm với những thành công về văn chương.  Thơ phú Ngô Thì Nhậm sáng tác thời kỳ này vượt hẳn những bạn đồng thời. Phan Huy Ích trong bài tựa tập “Ngô gia văn phái” hết lời ca tụng ông bạn tiến sĩ đồng khoa và cũng là anh vợ mình: “Văn ông có ý tứ diễm lệ, vừa hàm súc, vừa phóng khoáng, càng ra nhiều lại càng hay, bao quát được bách gia, khu khiển được cửu lưu, tài uyên bác thông đạt trở thành ngọn cờ chót vót giữa rừng Nho chúng ta.” Gác một bên những lời thậm xưng thường thấy trong phả ký của các thế gia vọng tộc, gác qua một bên lòng ngưỡng mộ riêng tư của Phan Huy Ích đối với một ông anh vợ xuất chúng, đọc lại văn thơ Ngô Thì Nhậm trong thời kỳ này, chúng ta thấy tư tưởng của ông, nghệ thuật của ông tuy có tài hoa phóng dật đấy, nhưng vẫn là cái tài hoa phóng dật trong vòng trật tự khuôn thước. Khuôn thước do niềm kiêu hãnh dòng dõi. Khuôn thước của một ý hệ chưa bị thời loạn thử thách. Trong bài Cô Châu, ông viết:

Nhân nghĩa vị cao, trung tín đà
Niên niên phiếm tác Ðẩu quang xa
(Nhân nghĩa làm con sào, trung tín làm bánh lái
Ðóng thành một chiếc bè, hàng năm giong lên vùng sao Ðẩu)…
Tái đạo khứ lai, nhàn áp lãng,
Bình tâm hành chỉ, đẳng doanh khoa.

(Chở đạo thánh hiền, ung dung đè làn sóng mà qua lại, Khi bơi khi nghỉ, vững lòng đợi nước đầy vũng mà tiến lên) (1) Loại thơ phú nói lên chí khí kẻ sĩ lúc chưa gặp thời, an bần lạc đạo như thế này, có thể nói là thời thượng chung chung của tất cả thi gia thời xưa, chỉ khác nhau về cách diễn tả, về nghệ thuật diễn tả chứ không khác mấy về nội dung.  Trước Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi cũng viết chừng ấy. Sau ông, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ… cũng viết chừng ấy.

Vụ án năm Canh Tý là thử thách đầu tiên cho Ngô Thì Nhậm, vụ tai tiếng đầu tiên thử thách sức mạnh nhân sinh quan và sức phấn đấu của ông. Nội vụ như sau:

Khoảng tháng 7 năm 1780 (Canh Tý) Trịnh Tông con trai trưởng của Tĩnh vương Trịnh Sâm biết cha có ý định phế trưởng lập Trịnh Cán con trai Ðặng Thị Huệ, nên âm mưu đảo chính diệt trừ phe Ðặng Thị Huệ và Quận Huy, nhất là lúc ấy Trịnh Sâm bị bệnh nặng. Trịnh Tông liên kết với Nguyễn Khản trấn thủ Sơn tây, Nguyễn Khắc Tuân trấn thủ Kinh bắc, và một số quan lại khác tại triều như Nguyễn Phương Ðĩnh, Chu Xuân Hán… xuất tiền mua vũ khí, chiêu mộ binh mã, chờ Trịnh Sâm chết là khởi sự. Bất ngờ Trịnh Sâm khỏi bệnh và âm mưu bị bại lộ. Sâm đích thân đàn áp những người tham dự vào âm mưu đảo chính. Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Phương Ðĩnh, Chu Xuân Hán bị khép án tử, Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du) cũng bị khép trọng tội. Sau vụ đàn áp đẫm máu, Ngô Thì Nhậm được thăng làm Công bộ Hữu thị lang.  Vụ này khiến cho giới sĩ phu Bắc hà xem Ngô Thì Nhậm như một loại chiên ghẻ. Sử sách ghi lại vụ này theo nhãn quan chính trị của mình.”Việt sử thông giám cương mục” của triều Nguyễn cho rằng Ngô Thì Nhậm cùng Nguyễn Huy Bá tố cáo âm mưu đảo chính cho Trịnh Sâm biết, nhờ thế sau khi đàn áp, Sâm thưởng công cho Ngô Thì Nhậm bằng chức tước cao trọng. Ngô Thì Sĩ bị nhục nhã vì đứa con bất hiếu, uống thuốc độc tự tử. Do đó Nhậm mới bị cái tiếng “sát tứ phụ nhi thị lang” ( giết bốn cha để được chức Thị lang. Bốn cha ý chỉ Ngô Thì Sĩ và ba người bạn vong niên của cha là Nguyễn Khản, Nguyễn Phương Ðĩnh và Nguyễn Khắc Tuân).  “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” và “Ngô gia thế phả” dĩ nhiên bênh vực cho Ngô Thì Nhậm, cho rằng ông không liên can vào vụ này, và sở dĩ được Trịnh Sâm thăng chức chỉ vì Ngô Thì Nhậm bị Quận Huy ganh ghét, muốn ông phải mắc tai tiếng với đời.  Những tài liệu lịch sử khác, độc lập hơn, như “Hậu Lê Thời Sự Kỷ Lược”, “Lịch Triều Tạp Kỷ” tuy ghi nhận dư luận đương thời nhưng không hề nói Ngô Thì Nhậm tố cáo vụ đảo chính. Có hay không, cho đến ngày nay vẫn còn là một nghi vấn, việc xét công tội của Ngô Thì Nhậm cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Ngô Thì Nhậm tham dự vào trò chơi chính trị thì phải gánh lấy những hậu quả của các âm mưu tranh giành quyền bính. Oan hay ưng, không thành vấn đề. Sau loạn kiêu binh, ông đã phải trả giá cho trò chơi quyền bính này, phải trốn nấp suốt sáu năm trong nhục nhã, khổ cực.

Ðiều quan trọng là Ngô Thì Nhậm đã đối phó như thế nào trước tai họa ấy. Thơ phú ông làm trong sáu năm sống ẩn nấp (từ 1782-1788) phản ánh rất rõ tâm trạng Ngô Thì Nhậm thời gian này, nhất là các bài phú.Ba bài phú tiêu biểu nhất của thời kỳ này là “Mộng Thiên thai phú”, “Lâm trì phú”, Tiêu dao du phú”. Tai tiếng ông gánh chịu sau vụ án Canh Tý chỉ ảnh hưởng chút ít đến tâm hồn Ngô Thì Nhậm, không hề làm cho ý hệ Nho giáo – kim chỉ nam của đời ông – bị lung lay. Những bài phú tài hoa phóng dật ấy, mới đọc chúng ta tưởng ông đã thoát ra khỏi cương giới của Nho giáo, bay bổng lên trên những ràng buộc, nhưng đọc kỹ thì thấy không phải thế. Ngô Thì Chí, em ruột Ngô Thì Nhậm thật đã hiểu rõ lòng anh khi nhận xét rằng trong bài phú của anh (Mộng Thiên thai phú) “núi sông, phong cảnh, vua chúa, Tiên Phật, thảy đều định rõ ranh giới, rút cả vào hai chữ ‘danh giáo’ của nhà Nho”.Trong “Mộng Thiên thai phú”, Ngô Thì Nhậm mượn lời “khách” đặt câu hỏi cho chính mình:

Tử tương hà cư? Tiên dư? Thích dư?
Ức hiệu chiêm hoàng ốc chi hậu trần dư?
Dĩ ngô quan tử:
Khứ quốc, hoài hương, ưu sàm, úy ky (cơ)
Nan vi Lưu, Nguyễn chi cao đạo
Khả học Tam tổ chi từ bi
Tĩnh phương thốn ư dục động,
Liễm vạn sự ư vô vi
(Nay ông định sao nhỉ? Theo Tiên ư? Theo Phật ư?
Hay theo ngắm bụi đường của xe hoàng ốc ru?
Ta xem ông, rõ kẻ:
Bỏ nước, nhớ mong quê
Ðã ngại lời dèm báng
Lại sợ tiếng cười chê
Khôn theo Lưu, Nguyễn đường cao ẩn
Nên học Tam tổ đạo từ bi
Gửi lòng mình vào tĩnh lặng
Gác mọi việc vào vô vi.)
để sau đó tự trả lời:
Dư văn khách ngôn, phú chướng đại tiếu:
Ngô hà năng Tiên, Thích diệc bất đáo
Liêu tòng sự ư kinh tịch
Cầu vô khiếm hồ danh giáo
Túng Hợp Phố chi hữu niên
Giác cô tùng chi tương lão:
Kỳ hoặc:
Thiên địa vô ải, giang sơn tương yêu
Quải nhất biểu hề, du ngao.
Biến vũ trụ dĩ vi lư
Phù hà hệ hồ hồng mao?
Ngô tử điểm kiểm tư sơn, đãi ngô tiêu dao.
Nhân sinh giải cấu giai tiền định
Khởi trực Ðào Nguyên năng thụ đào?
(Nghe lời khách nói xong, ta vỗ tay, cười bảo:
Tôi sao thể thành Tiên? Phật, cũng không đắc đạo!
Chỉ theo hướng Thi Thư
Khỏi trái đường “danh giáo”
Hợp Phố kia về, hoặc có phen,
Gốc thông lẻ xem chừng sắp lão!
Thảng hoặc:
Ðất trời chẳng hẹp,
Núi sông yêu cầu,
Quẳng một bầu chừ, chơi thỏa thích
Phất tay áo chừ, đi ngao du
Khắp vòng vũ trụ, nhà ta đó
Ðôi cánh chim hồng buộc được nao?
Núi này xin dành lại
Ðợi ta về tiêu dao
Ðời người gặp gỡ do tiền định
Há chỉ Ðào Nguyên mới gặp đào. (2)

Ngô thì Nhậm vững tin ở thiên mệnh; hệ thống tư tưởng Nho giáo giúp ông an nhiên chờ thời và chịu đựng nghèo túng lẫn dư luận.

Cái “thời” ông chờ đã đến vào năm 1778, lúc Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai giết Vũ Văn Nhậm và xuống chiếu tìm quan lại cũ của cựu triều để giao cho trọng trách cai trị Bắc hà. Tài liệu sử còn lại cho đến ngày nay bảo rằng Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên trong đám nhân sĩ Bắc hà tới trình diện ở bộ Lễ , và vì một sự hiểu lầm, suýt bị lễ quan Võ Văn Ước làm nhục. Văn thơ của ông không lưu dấu tích tâm trạng ông trước khi quyết định phục vụ cho triều Tây Sơn. Chúng ta có thể đoán đây không phải là một quyết định vội vã, dễ dàng.  Thử ở vào hoàn cảnh Ngô Thì Nhậm lúc đó. Cả dòng họ ông là bề tôi phủ chúa, chính ông nhận được nhiều ân huệ của Tĩnh vương Trịnh Sâm. Ông từng hãnh diện cho rằng mình là người lái thuyền lấy “nhân nghĩa” làm con sào, “trung tín” làm bánh lái, thì bây giờ phải ăn làm sao nói làm sao với mọi người khi ra cộng tác với Nguyễn Huệ người xô ngã họ Trịnh. Ông đã nếm đủ vị cay đắng của dư luận suốt sáu năm qua. Ông biết trước là lần này dư luận sẽ khắc nghiệt hơn, độc địa hơn.  Những nhà viết sử ở Hà nội ca tụng hết lời quyết định hợp tác với Tây Sơn của Ngô Thì Nhậm, xem như một “giác ngộ cách mạng”, “trở về với nhân dân”… Việc xưng tụng theo nhãn quan đấu tranh giai cấp của sử gia cộng sản Việt nam đã làm, vừa gượng ép, vừa không hợp lý. Ở vào thời kỳ việc thông tin còn khó khăn, tài liệu tuyên truyền của chính quyền vừa sơ sài vừa khó phổ cập (do trở ngại Hán tự trong các chiếu biểu và văn thư hành chánh), khó lòng Ngô Thì Nhậm biết được thực chất của Tây sơn là gì. Mai Quốc Liên viết tiểu sử Ngô Thì Nhậm trong “Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm” bảo rằng: “Chính sách cầu hiền chân thành và sáng suốt của Nguyễn Huệ, uy tín lớn lao của người anh hùng nông dân áo vải này, đã gặp sự chờ đợi của Ngô Thì Nhậm sau bao năm ẩn náu”. Lối nhận định ấy giản lược quá đáng thực tại lịch sử. Thật ra, sau lần đầu kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, đặt một ông vua trẻ họ Lê lên cái ngai khập khễnh, cưới một nàng công chúa mươì sáu tuổi và vơ vét kho tàng của cải của phủ chúa chở về Nam, Nguyễn Huệ chỉ mới khiến cho dân Bắc hà bàng hoàng kinh sợ (lớp quí tộc vương tôn lâu đời) hoặc tò mò thích thú (lớp dân chúng nghèo khổ), chứ chưa gây được một uy tín lớn lao.

Ngô Thì Nhậm từng viết:
Ngô hoài ký liêu khuếch
Tư sơn trường thôi ngôi
Vọng tri kỷ hề, thiên nhất nhai
Hà nhân thức hề, ngô linh đài?
(Lòng ta gửi man mác
Núi này mãi cao vời
Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời
Lòng ta chừ, tri âm ai người? (3)
(Mộng Thiên thai phú)

Người-Tri-Kỷ ông chờ đợi, vào thời điểm 1778, không phải, chưa phải là Nguyễn Huệ. Xuất xứ của Nguyễn Huệ, vóc dáng của Nguyễn Huệ, hành động của Nguyễn Huệ thật khó mà phù họp với dự tưởng của ông Nghè Nhậm về Người-Tri-Kỷ. Ðó là một sức mạnh hoang dã bất trắc, hứa hẹn bão táp chứ không hứa hẹn một trất tự ổn cố như mong ước của nhà nho. Nếu muốn tìm một mẫu thực cho hình ảnh Người-Tri-Kỷ, có lẽ Ngô Thì Nhậm nghĩ tới Tĩnh vương Trịnh Sâm, lúc vị chúa này chưa bị cái nạn Tuyên phi.

Là người đầu tiên trong số cựu thần phủ chúa đến trình diện ở bộ Lễ, Ngô Thì Nhậm chưa chắc đã quyết định dứt khoát và sớm sủa hơn các bạn đồng liêu. Có thể chỉ vì không thể chịu đựng hơn nữa cuộc sống ẩn nấp ru rú, ông đánh một ván cờ liều. May cho ông, ông gặp Trần Văn Kỷ, một trí thức cùng trình độ và cùng một khả năng hành động như ông. Sau đó, ông nhận được lòng tín nhiệm tuyệt đối của Nguyễn Huệ.

Thử thách lớn lao nhất của Ngô Thì Nhậm, vì thế, không phải là quyết định ra hợp tác với nhà Tây sơn, mà là những gì ông phải đương đầu sau đó. Ông được Nguyễn Huệ phong ngay cho chức Tả Thị lang bộ Lại, tước Tĩnh phái hầu, cùng với Võ Văn Ước coi tất cả quan văn võ của triều Lê. Như vậy là sau khi Nguyễn Huệ về Nam, Ngô Thì Nhậm đột ngột trở thành nhân vật cao cấp nhất trong guồng máy cai trị của Bắc hà, song song với Ngô Văn Sở người của Tây Sơn trông coi về quân sự và an ninh. Ông không còn cái an toàn của người thừa hành trong guồng máy. Trước hết, ông phải đương đầu với chính cái ý hệ đã giúp ông an nhiên tự tín bao lâu nay, ý hệ Nho giáo. Hệ thống triết lý (bao gồm đầy đủ luận lý học, đạo đức học, tâm lý học, siêu hình học, chính trị xã hội học) này trong quá trình phát triển đã dần dần biến cải, giản lược, càng về sau càng trở thành một lý thuyết hữu hiệu để duy trì trật tự phong kiến. Với đa số dân chúng, ý hệ nho giáo đơn giản hóa thành những tiêu chuẩn đạo đức như trung, hiếu, tiết, nghĩa. Người cầm quyền đặc biệt đưa vào chương trình giáo dục và đào tạo người thừa hành ý niệm tuyệt đối của chữ “Trung”, của “Lẽ Chính Thống”.

Chắc chắn trước khi quyết định ra hợp tác với Tây Sơn, Ngô thì Nhậm đã trằn trọc nhiều đêm vì chữ “Trung”. Ông phải tự hỏi triều Tây Sơn có “thiên mệnh” hay không? Nguyễn Trãi không hề thắc mắc như thế. Những người theo phò Nguyễn Ánh lấy lại cơ nghiệp nhà Nguyễn và những cựu thần Lê Trịnh chống Tây Sơn cũng không hề thắc mắc gì. Họ đầy tự tin, vì việc họ làm, vương triều họ bảo vệ đã có cái nền chính thống dày những hai trăm năm. Núi sông, đồng bằng, cây cỏ, chim muông, tấc đất ngọn rau đều là của “chúa”, Trịnh ở Ðàng Ngoài, Nguyễn ở Ðàng Trong. Tổ tiên Trịnh Nguyễn có công gầy dựng thì con cháu hai trăm năm sau (dù là hạng con cháu ốm yếu bệnh hoạn như Trịnh Cán) có quyền được hưởng, anh em Tây Sơn lấy cái “mệnh” gì mà từ một chỗ heo hút vô danh dám nổi lên diệt Nguyễn, diệt Trịnh.  Phải công nhận họ đang có sức mạnh, nhưng sức mạnh không qua được lẽ phải. Lẽ phải nằm ở đâu? Ngô Thì Nhậm phải trả lời những câu hỏi hóc búa đó, trước là cho ông, sau đó cho những người thân trong gia đình, cho các bạn học, cho các bạn đồng liêu nay trở thành kẻ dưới quyền ông.

Ngô Tưởng Ðạo chú ruột, Ngô Thì Chí em ruột đã chọn phía đối nghịch với ông.  Những lá thư trao đổi giữa Ngô Thì Nhậm với Ngô Tưởng Ðạo, Trần Danh Án còn lưu lại, chứng tỏ phản ứng của giới nho sĩ bảo thủ Bắc hà đối với Ngô Thì Nhậm gay gắt, khốc liệt đến mức nào. Là nho sĩ Bắc hà, lại nhận nhiệm vụ quan trọng nhất Tây Sơn giao cho để đối phó với tình trạng rối ren phức tạp ngay trên quê hương mình, Ngô Thì Nhậm chịu tất cả mọi chỉ trích, phỉ báng, chửi rủa. Ông có quyền, nhưng hoàn toàn bị cô lập, hoàn toàn cô đơn.

Ðã thế, ông còn phải hàng ngày đối phó với một đám tướng lãnh Tây Sơn ít học và hãnh tiến, tự cao tự đắc với thứ quyền uy mới mẻ của mình. Vũ Văn Nhậm đã bị giết nhưng chắc chắn cung cách kiêu lộng của Nhậm taị Thăng long vẫn là chuyện đầu môi của dân Bắc hà. Ngô Văn Sở có khá hơn không?

Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí:

“Một hôm, mọi người cùng họp nhau ăn uống ở nhà hiệp nghị, Sở bảo Lân (nội hầu) và Tuyết (đô đốc) rằng:

· · Chúa công đem cả thành lớn giao phó cho ta, cũng ví như sai người cắt áo gấm mà chưa thể tin là có biết cách cầm kéo hay không. Các ông thấy việc đó ra sao?  Giả thử có Tề thiên Ðại thánh từ trên trời rơi xuống hay Diêm vương từ dưới đất lên, ta cũng chỉ quét một lưới là hết. Huống chi cái lũ tẹp nhẹp, chẳng qua chỉ để người ta thử xem gươm có sắc hay không, chứ làm được trò trống gì.

Rồi Sở ngoảnh lại ảo Ngô Thì Nhậm rằng:

· · Quan Thị lang thật giỏi về văn học, còn việc cung kiếm có thạo gì không?

Nhậm nói:

· · Có văn tất phải có võ, văn võ không phải chia làm hai đường. Nhưng người xưa dùng binh, gặp việc thì lo, sao ngài lại lấy việc binh làm trò chơi mà coi thường như thế? Tôi trộm nghe bọn người nước ta chạy sang bên Trung hoa, trong đó có nhiều người định xúi họ mở mang bờ cõi, gây ra binh biến. Ngài chịu sự ký thác ở cõi ngoài, e rằng không khỏi một phen bạc đầu vì lo lắng, đến lúc ấy ngài nên nhớ đến lời nói của tôi.

Sở cười và nói:

· · Lúc ấy sẽ phiền ông làm một bài thơ để lui quân giặc. Nếu không làm được như thế, thì túi dao bao kiếm chính là phận sự của kẻ võ thần, can gì phải quá lo? “ (4)

“Hoàng Lê Nhất Thống Chí” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử do người trong gia đình Ngô-thì viết, nên người đọc có quyền nghi ngờ các tác giả đã tô điểm thêm cho phong thái tự tại tự tín của Ngô Thì Nhậm trước các tướng tá Nam hà. Nhưng cứ suy luận theo lẽ thường tình, thì thái độ hống hách khinh thị của Ngô Văn Sở đối với người Bắc hà là có thật. Còn thái độ ung dung tự tín của Ngô Thì Nhậm trước đám võ biền kiêu ngạo, tôi cũng nghĩ là có thật. Nếu ông tỏ ra qụy lụy hèn nhát, hoặc cầu an vâng dạ cho xong, thì về sau, Ngô Thì Nhậm không đủ uy và dũng để thuyết phục Ngô Văn Sở tạm rút quân về Tam điệp trước sức tấn công vũ bão của quân Thanh. Phải có một nghị lực phi thường, một niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của trí tuệ, Ngô Thì Nhậm mới đối phó nổi, một bên là dư luận ác cảm của sĩ phu Bắc hà, một bên là bản tính thô bạo kiêu căng của đám tướng lãnh Tây Sơn.Tôi nghĩ Ngô Thì Nhậm phải đợi tới lúc Nguyễn Huệ xưng đế và đại phá quân Thanh, ông mới hoàn toàn yên ổn về tinh thần. Chữ “trung” không còn quấy rầy ông nữa. Ông không còn mặc cảm bất trung với chúa Trịnh, mà dư luận cũng hết xem ông như một kẻ xu thời, phản bội. Ðến lúc ấy, Ngô Thì Nhậm mới có được ưu thế thuận lợi của Nguyễn Trãi. Ông dốc toàn tài năng cho nhà Tây Sơn.  Chính sách ngoại giao khôn khéo đối với nhà Thanh, không nghi ngờ gì nữa, là tác phẩm của Ngô Thì Nhậm, không phải là công trạng của Quang Trung. Từ lúc khởi dấy dưới sự chỉ bảo của anh cho tới lúc cưỡi voi dày lên xác quân Thanh ở Thăng long, Nguyễn Huệ chưa hề thất bại. Sau khi thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ sẽ phạm những lỗi lầm thường thấy ở kẻ thành công, nếu không có những lời cố vấn sáng suốt của Ngô Thì Nhậm.

Sau khi ổn định an ninh một dải đất dài từ ải Nam quan vào tới Bến Ván, Quang Trung đã nghe theo lời cố vấn của hai văn thần quan trọng là Trần Văn Kỷ và Ngô Thì Nhậm để tổ chức lại guồng máy hành chánh, thuế khóa. Chúng ta không biết sự phân công phân nhiệm giữa hai văn thần này ra sao, có điều rõ ràng là cả hai quí trọng nhau, không hề có những xích mích hay đố kỵ do mới cũ, nam bắc. Có lẽ phần đối nội như quản trị hành chánh, tài chánh, nhân sự do quan Trung-thư-lệnh Trần Văn Kỷ đảm trách vì ông đồ Vân Trình là người cũ, giao thiệp quen biết với các quan lại công thần từ Qui nhơn ra hơn Ngô Thì Nhậm. Phần Ngô Thì Nhậm, có lẽ đảm trách phần đối ngoại và những vấn đề có tính cách chiến lược dài hạn.  Trong bài thơ “Tảo triều Trung Hòa điện tứ nhập nội thị độc chiến thủ tấu nghị cung ký”:

Xâm thần vị tán ngũ canh sương
Y ốc kê thanh triệt Thượng Dương
Phủ tọa dĩ bài kim kiếm vệ
Các thần phương chỉnh tú y hàng
Thần mô miếu toán truyền thiên ngữ
Quốc kế biên trù diễn các chương
Thùy thị bình Hoài Bùi tướng quốc
Ưu cầu cơ lược tán ngô hoàng?
( Tảng sáng chưa tan sương canh năm
Tiếng gà eo óc, thấu cung Thượng Dương
Nơi ngự tọa, thị vệ gươm vàng đã sắp đặt
Chỗ đình thần, hàng ban áo gấm đã chỉnh tề
Truyền đạt lời vua, mưu mô chiến lược

Kế hoạch trong nước, ngoài biên giới đều ban chỉ dụ Ai là người có tài dẹp giặc đất Hoài như tướng quốc họ Bùi xưa Biết lo nghĩ, chuyên cần, bày mọi mưu cơ để giúp vua ta ) (5) Chúng ta thấy Ngô Thì Nhậm đóng góp rất nhiều cho việc soạn thảo, nghiên cứu các kế hoạch quốc phòng cũng như đối nội. Sau một thời gian chiến tranh liên miên, đồng ruộng hoang hóa, xóm làng điêu tàn đổ nát, dân cư xiêu tán, kinh tế kiệt quệ, Quang Trung phải đối phó với những khó khăn chồng chất của thời bình. Mà thật ra, cũng chưa phải là thời bình, vì Qui nhơn vẫn còn đó, ngăn chận con đường thống nhất trọn vẹn, và Nguyễn Ánh vẫn còn khống chế vùng đất màu mỡ Gia định. Trong các kế hoạch bình định, chắc chắn Ngô Thì Nhậm soạn thảo cho Quang Trung kế hoạch tái phối trí dân số và phát triển nông nghiệp, vì văn bản chính thức của kế hoạch này, “Tờ Chiếu Khuyến nông”, được dòng họ Ngô-thì lưu giữ và ghi vào tập “Hàn các anh hoa” của Ngô Thì Nhậm. Phần chính của tờ chiếu như sau (bản dịch):

Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn, bốn bể trong lặng. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu phải tiến hành lần lượt.  Phàm kẻ du đãng, người giấu giàu là thói thường. Cái đạo che chở dân, chẳng gì bằng dắt dân lưu tán trở về, khai khẩn ruộng hoang, khiến dân du thủ du thực trở về làm ruộng. Còn những dân nào kiều ngụ nơi khác từ trước, trốn tránh sưu dịch, hoặc ở quê vợ quê mẹ, hoặc đã lập nghiệp bán buôn, trừ ra những người đã nhập tịch từ ba đời trở lên, còn thì nhất thiết bắt về bản quán, xã khác không được dung túng cho trú ngụ. Những ruộng công ruộng tư, trót đã bỏ hoang, phải trở về nhận lấy để cày cấy, không được để hoang, khiến cho những người thục cày cấy ruộng khác phải chịu thuế khống.

Các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng phải xét sổ đinh hiện có bao nhiêu xuất, số điền hiện có bao nhiêu mẫu, ruộng hoang mới khai khẩn bao nhiêu mẫu, hạn trong tuần tháng chín phải làm sổ xép loại, đem nộp cho các quan Phân xuất, Phân tri huyện mình, các viên này chuyển đệ lên, đợi quan Khâm sai xét thực, sẽ châm chước mà đánh thuế cho công bằng.

Xã nào dung túng cho khách hộ trú ngụ mà không đuổi về bản quán và những người trốn tránh lần lữa không về, nếu có người biết tố giác, điều tra ra sự thật, thì sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng xã ấy cùng người trốn tránh đều bị xử tội. Xã nào có ruộng bỏ hoang đã lâu mà không ai nhận, nếu là ruộng công, thì trách cứ vào các viên chức sắc, các chủ hộ xã ấy, phải chiếu nguyên ngạch thuế ruộng mà nộp gấp đôi. Nếu là ruộng tư thì sung công, ngạch thuế cũng như ruộng công.” (6)

Ngày nay chúng ta không có tài liệu sử nào để biết chính sách di dân và khai hoang do Ngô Thì Nhậm khởi xướng đã được thi hành tới đâu, đã gây ra những phản ứng gì trong dân chúng, đã đạt được kết quả gì. Tuy nhiên, lấy lý thường mà xét, chính sách ấy không thực tế và chắc chắn đã gây ra những xáo trộn khủng khiếp thay vì ổn định xã hội.

Từ thời Nguyễn, chế độ phân định “chính hộ” (dân thường trú chính thức) và “khách hộ” (dân tạm cư từ nơi khác tới) đã có nhiều bất công. Theo Lê Quí Dôn ghi lại trong “Phủ Biên Tạp Lục”, “khách hộ” chịu đủ mọi thiệt thòi về nghĩa vụ quân sự, nộp thuế, làm sưu dịch. Sau một thời gian dài chinh chiến liên miên, nhất định số dân lưu tán xiêu dạt càng cao. “Chiếu khuyến nông” đã không giải quyết kỳ thị bất công có từ thời chúa Nguyễn, mà còn làm cho bất công trầm trọng thêm. Ai không lưu cư từ ba đời trở lên đều bị buộc phải trở về “bản quán”, trong khi các khách hộ ở “bản quán” lại bị buộc hồi hương. Sự xáo trộn không cần thiết, chẳng những không gia tăng sản xuất nông nghiệp mà còn làm trì trệ sản xuất, chưa kể “Chiếu khuyến nông” tạo điều kiện cho bọn chức sắc tham nhũng, áp bức dân đen.

Trước khi mất, Quang Trung đã ra hịch truyền quan lại, quân dân hai phủ Quảng ngãi, Qui nhơn (phần đất do Nguyễn Nhạc kiểm soát) sửa sang cầu cống chuẩn bị quân lương để Quang Trung dẫn quân theo đường bộ qua hai phủ tiến vào Gia định diệt lực lượng Nguyễn Ánh. Ðây là một quyết định táo bạo, vì kế hoạch hành quân đó đương nhiên phủ nhận vương quyền của Nguyễn Nhạc. Kế hoạch đó cũng cho chúng ta thấy rõ Quang Trung ý thức chính xác tầm hiểm họa của Gia định. Ngô Thì Nhậm có công lao gì trong việc soạn thảo kế hoạch hành quân lớn lao này?  Thiếu tài liệu, chúng ta không trả lời được. Cho dù Quang Trung còn sống để thực hiện kế hoạch quân sự này, chưa chắc ông đã đạt các mục tiêu chính. Ông dễ dàng ngang nhiên kéo quân qua địa phận của Nguyễn Nhạc mà ông vua anh già cả bệnh hoạn không dám phản ứng gì. Ông cũng có thể dễ dàng đánh bại quân Nguyễn Ánh ở Gia định như các lần trước. Nhưng quân Tây Sơn không thể đóng lâu ở Gia định. Họ đã không được dân Gia định xem trọng. Từ trước tới sau, giới di dân người Hoa nắm giữ guồng máy kinh tế của đất Gia định trù phú, và cả dân làm ruộng xem Tây Sơn như một bọn cướp hàng năm thuận mùa gió vào Gia định cướp lúa rồi về. Tôi cho rằng trước khi mất, Quang Trung vẫn chưa thấy hết giá trị kinh tế lớn lao của Gia định. Ông chỉ quan tâm tới Gia định theo cái nhìn một tướng lãnh. Ngô Thì Nhậm có lẽ cũng không nhìn được xa hơn Quang Trung. Ông có thể quyền biến để giữ được niềm tin vào ý hệ nho giáo trong thời kỳ hưng phế điên đảo, nhưng cũng chính thứ nho giáo bảo thủ ông hấp thụ thu hẹp tầm nhìn của ông, không cho phép ông thấy sức mạnh của giới doanh thương và tiềm năng kinh tế lớn lao của miền Nam.

Vương triều Tây Sơn suy vi nhanh chóng sau khi Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm vừa mất Người-Tri-Kỷ vừa mất niềm tin tuyệt đối vào đạo nho. Phải chờ tới lúc đó ông mới hiểu đạo Phật. Ông lập thiền viện, soạn công án, trở thành Hải Lượng thiền sư. Từ một nhà nho nhiệt tín, một nhà chính trị nhiệt tín, ông trở thành đệ tứ tổ của Thiền tông Việt nam. Chưa có một người trí thức Việt nam nào, từ xưa tới nay, có một đời sống tâm linh và đời sống trần thế phong phú đa diện cho bằng Ngô Thì Nhậm.

CHÚ THÍCH

1.   Thơ Ngô Thi Nhậm, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1986, trang 32-33, bản dịch của Nguyễn Sỹ Lâm

2.   Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, trang 36, 41-42, bản dịch của Ngô Linh Ngọc.

3.   Sách đã dẫn, trang 45, bản dịch của Ngô Linh Ngọc.

4.   Hoàng Lê Nhất Thống Chí, quyển 2, Ngô gia văn phái, Nguyễn Ðức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1987, trang 155-156.

5.   Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 1, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, trang 213, bản dịch của Ngô Linh Ngọc.

6.   Tuyển tập thơ vân Ngô Thì Nhậm, q.2, trg 120, bản dịch Mai Quốc Liên.