Chuyện Đông chuyện Tây thường dẫn Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Xin cho biết lý do của việc vận dụng đó. Có phải là vì nó “được biên soạn trên cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện Ngôn ngữ học” và vì nó không có nhược điểm, khuyết điểm gì hay không?

Thực ra chúng tôi vẫn có dẫn những quyển từ điển tiếng Việt khác chứ không riêng gì Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Còn sở dĩ chúng tôi vẫn dẫn quyển từ điển này thì chỉ vì đó là một quyển từ điển dễ tìm (đã được in lại đến lần thứ 4 đợt 2 năm 1996) nên bạn đọc dễ có điều kiện để kiểm chứng hơn chứ không phải vì nó không có khuyết điểm hoặc nhược điểm.

Một trong những nhược điểm của cuốn từ điển này mà bạn đọc ở Nam Bộ dễ thấy nhất là nó đã viết sai nhiều từ đặc biệt của phương ngữ Nam Bộ. Sau đây là một số thí dụ.

1. “Bánh ếch (là) bánh ít”. Lời giảng này tất nhiên là rất đúng nhưng cái bất hợp lý đập ngay vào mắt là -ch cuối ở “ếch” và -t cuối ở “ít”. Ai cũng biết rằng êch ~ ich là một cặp biến thể ngữ âm: mếch (lòng) = mích (lòng); (mốc), thếch = (mốc) thích, v.v.. Và êt ~ it là một cặp biến thể ngữ âm khác: (giống) hệt = (giống) hịt, (rắn) rết = (rắn) rít, v.v.. Vậy nếu “ếch” đúng thì phải viết “bánh ích” còn nếu “ít” đúng thì phải viết “bánh ết”. Có lẽ đại đa số đều cho rằng “ít” đúng. Vậy cái “bánh ếch” của Từ điển tiếng Việt 1992 phải được đổi thành “bánh ết”. Tuy nhiên, nếu không có chứng cứ nào khác mà chỉ kết luận suông như trên thì chỉ là cảm tính. Rất may mắn là chúng ta còn có cứ liệu dân tộc học. Bánh ết (= bánh ít) là biểu hiện của một nét văn hoá ẩm thực Tày – Thái mà ngữ liệu còn lưu giữ được cả trong tiếng Dioi ở Quý Châu (Trung Quốc) với mục từ sau đây: “et’ (haou, et’) gâteau de riz gluant écrasé, dans lequel on a mis un peu de sucre ou de viande et qu’on a enveloppé dans un morceau de feuille de bananier” (Jos. Esquirol et Gust. Williatte, Essai de Dictionnaire Dioi,-français, Hongkong, 1908) nghĩa là “bánh bằng gạo nếp nghiên nhuyễn bên trong người ta có cho một ít đường hoặc thịt và gói bằng một miếng lá chuối”.

Nhân tiện, xin nói thêm rằng không chỉ bánh ết (= bánh ít) mới là một nét văn hoá ẩm thực Tày – Thái mà cả bánh ú cũng thế. Quyển từ điển trên còn có mục từ: “ou (haou, ou) gâteau tricorne de riz glutineux, enveloppé dans des feuilles de bambou” nghĩa là “bánh hình ba góc bằng gạo nếp gói trong lá trẻ”. Cứ như trên, thì phụ âm cuối -t trong từ đang xét không chỉ tồn tại trong tiếng Việt mà cả trong tiếng Dioi. Vậy cái bánh của Từ điển tiếng Việt 1992 phải được ghi bằng chữ “ết”.

2. “Cà ròn. Bao nhỏ đan bằng cói”. Thực ra, đây là cái bao cà roòng và là một từ của phương ngữ Nam Bộ mà người Nam Bộ đã phiên âm từ tiếng Mã Lai karong (tiếng Khmer cũng có mượn từ này). Vì vậy nên không thể “Bắc hoá” mà viết thành “ròn” được khi mà trong nguyên ngữ nó lại có âm cuối là “ng”. Tiếc rằng một quyển từ điển có tính chất từ nguyên như Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993) cũng viết là “cà ròn” như từ điển do Hoàng Phê chủ biên.

3. “Giàng. Thần (theo cách gọi của một số dân tộc thiểu số). Cúng giàng. Giàng Trời. Giàng Đất”. Ba thí dụ trong mục từ này là hoàn toàn giả tạo. Về thí dụ thứ nhất, xin nhấn mạnh rằng người Việt không bao giờ nói “cúng giàng” với nghĩa là cúng thần mà người thiểu số cũng không dùng động từ “cúng” của tiếng Việt. Người Việt chỉ nói “cúng dàng” = cúng dường do cung dưỡng 恭養 mà ra và cung dưỡng có nghĩa gốc là dâng lên để nuôi. Về thí dụ thứ hai, thì không có dân tộc thiểu số nào nói “Giàng Trời” vì “Giàng” là tiếng của họ mà “Trời” thì lại là tiếng Việt. Còn người Việt cũng chưa bao giờ nói “Giàng Trời” với nghĩa thần trời hoặc ông trời. Chỉ có người Việt miền Nam mới nói “dàng trời” nhưng “dàng” ở đây là một biến thể ngữ âm của “dường” trong “dường như”. Vậy “dàng trời” = như trời = quá xá = dữ tợn (chỉ mức độ); thí dụ: Thằng đó nói ẩu viết ẩu dàng trời mây. Về thí dụ thứ ba, xin nói rằng đó chỉ là do soạn giả sáng tác ra theo cái mẫu “Giàng Trời” mà thôi. Có “Giàng Trời” mà không có “Giàng Đất” thì làm sao thăng bằng được! Tóm lại, “cúng dàng” và “dàng trời” phải viết với “d” còn “Giàng Đất” thì không hề tồn tại trong tiếng Việt.

4. “Hôn, (dùng ở cuối câu hỏi). Không”. Đây cũng là một lối viết “Bắc hoá” vì cái từ và cái chữ chánh cống ở trong Nam phải là “hôông”, một biến thể ngữ âm của “hông” mà chính Từ điển tiếng Việt 1992 cũng có ghi nhận thành một mục từ là “hông”.

5. “Nghen. Nhé”. Cũng là một lối viết “Bắc hoá” vì đúng ra thì đó là “ngheng”. Ngheng là một từ bao gồm trong bản thân nó đến hai từ vì đó là kết quả của một lối nói ríu từ hai tiếng “nghe không”. Phụ âm cuối -ng ở trong ngheng chính là “hiện thân” của “không”. Nếu từ “phỏng” = “phải không” của phương ngữ Bắc Bộ mà cũng phải “tái Bắc hoá” thành “phỏn” thì có sợ là vô duyên hay không?