Chữ “chiềng” trong câu Kiều thứ 773 đã được nhiều nhà chú giải cho là do tiếng “trình” mà ra. Vậy đây là một cách phiên âm gượng để cho tạm “hợp vần” với chữ “vàng” ở câu dưới hay là thực tế người ta vẫn có dùng âm “chiềng” theo nghĩa “trình”? Có phải đây cũng là chữ “chiềng” trong câu “Chiềng làng, chiềng chạ” hay không?

Chiềng là âm xưa của chữ 呈 mà âm Hán Việt hiện đại là trình, có nghĩa là thưa, bẩm. Vậy nói rằng “trình” do “chiềng” mà ra thì đúng hơn. Có thể chứng minh cho mối quan hệ này bằng nhiều cứ liệu cụ thể. Về tương ứng ch ~ tr người ta có: (che) chắn ~ trấn (thủ); chìm ~ trầm; (chóng) chầy ~ trì (hoãn); (ăn) chay ~ trai (giới); (dính) chấu ~ trảo (nha), v.v.. Về mối quan hệ iêng ~ inh, người ta cũng có không ít cứ liệu: (trống) chiêng ~ chinh (cổ); kiêng (nể) ~ kinh (hãi); (bản) lĩnh ~ (vốn) liếng; thiêng liêng ~ tinh linh; điếng (hồn) đính (say đến không còn biết gì nữa), v.v.. Trở lên là nói về ngữ âm. Còn về ngữ nghĩa thì nhiều quyển từ điển đã ghi nhận rằng chiềng có nghĩa là thưa, trình: Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire annamite-français của J. F. M Génibrel, Việt-ngữ chánh-tả tự-vị của Lê Ngọc Trụ, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, v.v.. Xưa nhất là Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh của A. de Rhodes (1651) cũng đã ghi nhận “Chiềng. Lời mở đầu thưa với người trang trọng”. Chiềng làng là một từ tổ động từ thông dụng ở nông thôn thời xưa có nghĩa là trình làng. Nhưng dẫn chứng hùng hồn nhất có lẽ vẫn là câu mở đầu cho lời rao của mõ làng:

Chiềng làng, chiêng chạ.

Đây là một câu rất thông thường và quen thuộc đối với người dân ở làng quê nước Việt ngày xưa. Rất tiếc là có tác giả, như Phan Huy Lê, chẳng hạn, đã hiểu một cách sai lệch mà cho rằng chiềng ở đây là một hình thức của công xã nông thôn cuối thời Hùng Vương! Phan Huy Lê viết:

“Trong tiếng Việt, những công xã nông thôn đó sau này được gọi là làng, xã, nhưng trước đó còn có những tên gọi cổ hơn như kẻ, chạ, chiềng (…). Tiếng chạ, chiềng còn để lại dấu ấn trong câu rao của seo mõ hay câu giáo đầu của hát chèo: Chiềng làng, chiềng chạ… (Lịch sử Việt Nam, tập 1, Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr 119.)

Ý kiến trên đây hoàn toàn võ đoán và vô căn cứ. Hình như Phan Huy Lê đã không để ý rằng cái câu rao của seo mõ hay câu giáo đầu của hát chèo mà ông đã nêu ra lại còn có nhiều dạng thức đại đồng tiểu dị khác nhau, trong đó chiềng dứt khoát chỉ là trình, có khi lại còn được thay thế bằng thưa nữa, chứ tuyệt đối không thể là chiềng trong chiềng mường được.

Để xem chiềng ở đây có phải là một kiểu công xã nông thôn như Phan Huy Lê đã hiểu hay không, xin hãy đọc lại những lời giáo đầu trong các buổi biểu diễn hoặc các lễ hội thời xưa thì sẽ rõ.

Câu “Chiềng làng, chiềng chạ” thực ra còn đọc là “Trình làng, trình chạ” như có thể thấy được ở đoạn sau đây:

“Sách Hi phường phả lục viết về một vị tổ sư của Hát chèo là Từ Đạo Hạnh như sau: “Tôn sư Từ Đạo Hạnh huý là Lộ, con vị tăng quan đó sát Từ Vinh. Thường kết bạn với nho sinh Phí Sĩ, đạo sĩ Lệ Toàn và con hát Sai Át, ban ngày cùng các bạn thổi sáo, đánh trống bày trò vui, tối đến lại đọc sách thâu đêm. Ngày nay còn truyền lại bài giáo trò của ông:

Trình làng, trình chạ,

Thượng hạ, tây đông

Tứ cảnh hoà trung,

Tôi xin giáo trống (…)

(Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian Việt Nam, tập I, Hà Nội,1972, tr. 240-241.)

Tiếng “trình” trong câu “Trình làng, trình chạ” trên đây còn được nghe thấy trong lời giáo đầu của trò cướp kén hoặc lễ rước kén (nên cũng gọi là “giáo kén”) ở làng Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú:

Trình các quí quan,

Lẳng lặng mà nghe,

Tôi xin “giáo kén”,

Đệ niên thường lệ,

Mồng bốn tháng giêng,

Chư vị đại vương,

Giá ngự đình tiền,

Thính văn ca võ…..”

(Dẫn theo Khổng Diễn,“Những tàn dư của sinh hoạt kinh tế sơ khai và tín ngưỡng nông nghiệp ở Vĩnh Phú”, Dân tộc học, số 1, 1975, tr. 42, chth. 1.)

Lời giáo đầu có khi không mang hình thức vè 4 tiếng mà lại là thơ lục bát, như trong bài hát “Lễ trình” của Chèo tàu:

Chắp tay vào lạy long trì,

Chúng tôi một bộ ca nhi lễ trình

(…)

Mấy lời dâng suốt cao xa.

Trình rồi tôi bước chân ra chèo tàu.

(Dẫn theo Nguyễn Hữu Thu, “Hội hát “Chèo tàu” phải chăng là ngày hội truyền thống kỷ niệm hai Bà Trưng”, Dân tộc học, số 2, 1978, tr. 87.)

Ngoài tiếng “trình” trong các câu giáo đầu trên đây, người ta còn thấy được một âm trung gian khác giữa trình và chiềng là tiếng triềng trong câu giáo đầu của chèo Chái hệ ở thôn Lũng Giang, xã Vân Tương, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc:

Kính triềng bọn quan,

Náu lặng cho an

Nghe tôi giáo roi:

Song song có đôi,

Cho hoà đủ lệ.

“(Dẫn theo Nguyễn Hữu Thu, “Tiếng hát của một dòng sông”, Dân tộc học, Số 4, 1974, tr. 74.)

Xin nhấn mạnh rằng đây không phải là viết sai chính tả mà là ghi đúng đặc điểm phát âm của địa phương trong đó có tr- của trình và -iêng của chiêng.

Còn âm và từ chiêng thì cũng còn được thấy trong lời giáo trò Tắc kè như sau:

“Kính chiềng thượng hạ

Khắp tuyết gần xa,

Năm cũ đã qua

Bước sang năm mới…”

(Dẫn theo Nguyễn Huy Hồng, Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Hà Nội, 1974, tr. 109.)

Có khi không phải là động từ chiềng hoặc trình, mà động từ “thưa” như trong lời giáo đầu của hát Rô:

“Bước chân vào đám ban xưa,

Bốn bề vắng lặng, tôi thưa nhời này”.

(Dẫn theo Đỗ Văn Ninh và Trần Lê Sáng, “Một tài liệu nguyên bản về hát Rô mới tìm thấy”, Dân tộc học, số 1, 1974, tr. 89.)

Hoặc như trong bài hát sắc bùa Lý tháng Giêng ở Bến Tre: “Kính thưa cô bác mấy thầy,

Lắng tai nghe lý cái bài tháng Giêng” (Dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng, “Giới thiệu hát sắc bùa ở Bến Tre”, Dân tộc học, số 1, 1981, tr. 58.)

Cuối cùng, xin trở lại với tiếng “chiềng” và câu “Chiềng làng chiềng chạ”. Câu này cũng thấy được trong lời giáo đầu tiết mục múa hát giả cá, mó cá hay mò cua mó cá, gọi là giáo các

“Chiềng làng chiêng chạ

Thượng hạ hai hàng

Dẹp trống vào tang

Để tôi giáo cá”

(Dẫn theo Nguyễn Lộc, “Hát xoan Vĩnh Phú”, Dân tộc học, số 3, 1974, tr. 87.)

“Chiềng làng chiêng chạ

Đại bạ hai hàng…”

(Dẫn theo Nguyễn Khắc Xương, “Vài nét về hát xoan và phong tục ở Vĩnh Phú”, Dân tộc học, số 2, 1973, tr. 99.)

Chỉ cần đặt một số câu giáo đầu trên đây bên cạnh nhau, chẳng hạn:

– Chiềng làng, chiêng chạ;

– Trình làng, trình chạy

– Trình các quí quan

– Kính triềng bọn quan;

– Kính chiềng thượng hạ; v.v.

mà so sánh về cách dùng từ, về ngữ nghĩa, về cấu trúc ngữ pháp, về vị trí trong toàn bộ lời giáo đầu, v.v., thì sẽ lập tức thấy rằng chiêng ở đây có nghĩa là thưa, trình chứ tuyệt nhiên chẳng có liên quan gì đến kiểu công xã nông thôn cuối thời Hùng Vương như Phan Huy Lê đã khẳng định.

Mặc dù ở thời cổ đại, người Việt đã từng có một kiểu tố chức xã hội gọi là chiêng nhưng đây chỉ là một từ đồng âm hoàn toàn ngẫu nhiên với chiềng trong “chiềng làng, chiềng chạ” mà thôi. Một đằng là danh từ còn một đẳng thì lại là động từ và giữa hai từ đã tuyệt đối không có một sự chuyển nghĩa tự nhiên nào. Vậy nếu muốn khẳng định rằng chiêng là một kiểu công xã nông thôn của người Việt vào cuối thời Hùng Vương thì tất phải chứng minh bằng cách khác chứ không nên làm cái việc đẽo chân cho vừa giày. Liên quan đến vấn đề này, có thể xem: Huệ Thiên, “Vấn đề “thành” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”, tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Thừa Thiên – Huế, số 2, 1996, trang 9 – 13. Theo bài này thì chiêng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một mường và đây là một từ Tày – Thái gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 城 mà âm Hán-Việt hiện đại là thành. Chiềng là một kiểu tổ chức xã hội đặc trưng của các tộc người nói các ngôn ngữ Tày – Thái mà người Việt cuối thời Hùng Vương là một bộ phận.

Nhân tiện, xin nói thêm rằng các từ làng, chạ và kẻ trong đoạn văn trên của Phan Huy Lê đều là những từ Việt gốc Hán: làng là một âm rất xưa của 莊 chữ mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là trang, có nghĩa là… làng. Còn chạ chẳng qua là âm xưa của chữ 社 mà âm Hán Việt hiện đại là (“kết chạ” chẳng qua là “kết xã”). Cuối cùng kẻ là âm xưa của chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới (trong “biên giới”, v.v.). Từ này chỉ có nghĩa là “vùng nằm trong một ranh giới nhất định” chứ không chỉ đơn vị hành chính như làng và chạ.

Tóm lại, “chiềng” trong câu Kiều thứ 773 là một động từ có nghĩa là thưa, trình. Sự tồn tại hiển nhiên và công dụng rành mạch của nó chính là ở trong câu:

Chiềng làng, chiêng chạ

vốn là một câu mở đầu rất quen thuộc trong lời rao của mõ làng ở các miền quê của nước Việt Nam ngày xưa.