Những tên gọi như ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Chuồng Chó… được đặt cho các nút giao thông nổi tiếng ở Sài Gòn vốn dĩ xuất phát từ những biểu tượng một thời ngày xưa.
Vòng xoay Cây Gõ (cầu vượt thép chữ Y)
Vòng xoay Cây Gõ là một trong những nút giao thông quan trọng thuộc quận 6 (TP. HCM) và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc khi chưa xây dựng cầu vượt thép. Đây là điểm giao giữa các tuyến đường, Hồng Bàng, Phú Thọ, 3/2.
Lý giải về tên gọi Cây Gõ được đặt tại vòng xoay này, cũng không có nhiều tài liệu ghi chép lại, tuy nhiên nhiều người dân sống lâu năm ở đây cho biết trước đây ở khu vực này khi chưa được khai hoang, cây cối vẫn mọc um tùm, điển hình nhất là loài cây gõ. Về sau khu vực này được khai hoang, hàng loạt cây gõ cũng được chặt bỏ để xây dựng đô thị. Vòng xoay cũng được hình thành và người dân đặt tên vòng xoay Cây Gõ để tạo sự thân quen.
Năm 2013, cầu vượt chữ Y được xem là dài cầu vượt thép dài nhất thành phố chính thức khánh thành, đã giảm tải được áp lực giao thông tại khu vực này
Ngã năm Chuồng Chó (ngã 6 Gò Vấp)
Đây là điểm giao thông cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc thuộc phường 3 (quận Gò Vấp) với các tuyến đường giao nhau gồm Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ.
Nói về sự tích ngã năm Chuồng Chó, sở dĩ có tên gọi hơi lạ như vậy vì trước năm 1975 khu vực này từng tồn tại một trường huấn luyện chó. Người dân khi đi qua giao lộ này cũng quen miệng gọi với cái tên ngã năm Chuồng Chó từ đó, thậm chí cho đến ngày nay vẫn gọi mặc dù đã đổi tên mới.
Sau năm 1975, trường huấn luyện chó này được xây dựng lại để làm nhà ở. Ngã năm Chuồng Chó cũng được nâng cấp mở rộng thành ngã 6 Gò Vấp.
Cũng theo một tài liệu cũ khác, nút giao thông này vào thời Pháp được gọi là ngã năm Hàng Điệp vì dọc theo 5 tuyến đường lúc bấy giờ có trồng những cây điệp to cao trông rất đẹp mắt. Đến khi xây dựng trường huấn luyện chó người dân mới dần chuyển sang gọi ngã năm Chuồng Chó.
Ngã tư Hàng Xanh
Điểm nút giao thông nổi tiếng để các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Trung đi vào trung tâm TP. HCM. Giao lộ này thuộc quận Bình Thạnh giữa các tuyến đường Điện Biên Phủ (một phần của Xa lộ Hà Nội) và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (nối với Quốc lộ 13). Do lượng xe ngày càng đông, vào đầu năm 2013, một cầu vượt bằng thép được khánh thành để hạn chế ùn tắc tại đây.
Tên gọi Hàng Xanh như hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thực chất là Hàng Sanh mới chuẩn xác. Trước năm 1945, vùng này trồng rất nhiều cây sanh (một cây thuộc họ Dâu tằm) và có chung gốc gác với loại cây si, đa và đề. Cây sanh được trồng nhiều nhất ở đường Bạch Đằng và kéo dài đến ngã tư này, cũng vì thế lúc đó người ta vẫn hay gọi đường Bạch Đằng là đường Hàng Sanh.
Vào những năm 60 của thế kỉ trước, đường Bạch Đằng và ngã tư sát đó được đặt tên chính thức là Hàng Sanh. Về sau theo tiếng địa phương người dân gọi quen thành Hàng Xanh và tồn tại đến bây giờ.
Ngã tư Bảy Hiền
Nút giao thông với tên gọi thân quen thuộc phường 4 (quận Tân Bình, TP. HCM). Đây là điểm giao thông nối các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ.
Tên gọi Bảy Hiền được đặt cho ngã tư này từ một nhân vật sống lâu năm ở đây. Theo sách “Người Quảng Nam” tại khu vực ngã tư này có ông già chuyên bán cà phê “cóc” tên là Hiền, là con thứ Bảy trong gia đình, nên người ta hay gọi xã giao thường ngày là Bảy Hiền. Được biết, người này từng là cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu (hoàng hậu của vua Bảo Đại).
Theo tư liệu cũ, vào khoảng năm 1940 người Sài Gòn xưa vẫn hay gọi “ngã tư ông Bảy Hiền” để cho dễ nhớ mỗi khi muốn đi qua đây. Về sau, cái tên quá dài nên dần dần từ “ông” mất chỉ còn “ngã tư Bảy Hiền”. Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành “Bảy Hiền”.
Trước năm 1954, khu vực này vẫn còn là vùng ngoại ô của Sài Gòn, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy kéo dài lên tận Tây Ninh. Sau năm 1954, người dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp ngày càng nhiều hơn với nghề dệt và từ đó phát triển đến bây giờ.
Vòng xoay Lăng Cha Cả (ngã 6 Cộng Hòa)
Vòng xoay này nằm gần Ngã tư Bảy Hiền cũng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), một trong những nút giao thông quan trọng của TP. HCM. Đây là điểm giao cắt của một số trục đường lớn như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân. Vòng xoay được xây dựng khá nổi bật với quả địa cầu hai màu xanh, đỏ, đường kính khoảng 2 mét.
Theo tư liệu được ghi chép lại, nơi đây vốn là khu vực lăng mộ 2.000 m2 của giám mục người Pháp có tên Bá Đa Lộc.
Ông Bá Đa Lộc tên thật là Pierre Pigneaux (sinh năm 1741, quốc tịch Pháp). Năm 1765, sau khi ông được sắc phong linh mục thì sang Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Trong trận vây thành Quy Nhơn – Thị Nại năm 1799, Bá Đa Lộc qua đời, ông được đưa về an táng ở gần nhà cũ thuộc thành Gia Định, nằm khu Vườn Xoài – Tân Sơn Nhất, phía Tây Bắc Sài Gòn. Được trọng vọng, coi như bậc công thần có công lớn nên Nguyễn Ánh cho xây khu lăng mộ Bá Đa Lộc bề thế.
Sang thế kỉ 20, nơi này được sáp nhập vào vùng ngoại ô Sài Gòn, sau đó được phát triển với việc xây dựng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (phía bắc lăng Cha Cả), bến xe lớn (phía tây). Với những thay đổi này, ngôi lăng bị thu hẹp lại làm điểm tròn nằm lọt giữa đường Võ Tánh, tuy vậy khu mộ vẫn được giữ gìn đến năm 1980.
Từ năm 1980 – 1983, khu lăng mộ này được giải tỏa và di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho tổng lãnh sự Pháp đưa về nước. Còn lại là điểm tròn làm vòng xoay (bùng binh) lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ – Lê Văn Sỹ ngày nay và người dân vẫn quen gọi với tên vòng xoay Lăng Cha Cả. Về sau nơi này được gọi với tên ngã 6 Cộng Hòa khi được xây dựng cầu vượt vào năm 2013 để giảm ùn tắc giao thông.
Ngã ba Chú Ía (Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn)
Đến hiện tại, người dân vẫn hay gọi khu vực này là ngã 6 Chú Ía. Giao lộ này được xem là nỗi kinh hoàng về tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm ở TP. HCM hiện tại. Đây là điểm nối giữa các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng thuộc phường 3 (quận Gò Vấp).
Một nhà nghiên cứu lịch sử cho hay, trước 1975, Hía là tên của một người Hoa làm nghề thủ công và có cửa hàng Bách hoá lớn ở khu vự ngã 3 này nên người Sài Gòn gọi khu vực này thành ngã ba Chú Hía. Trải qua thời gian, người dân nhập cư vào đây rồi phát âm này dần biến mất chỉ còn “Chú Ía” cho đến nay.
Hiện tại, ngã ba Chú Ía mở rộng thành ngã 6 với tên gọi mới là Ngã Sáu Nguyễn Thái Sơn, khi xuất hiện vòng tròn ở giữa thì gọi vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên với nhiều người Sài Gòn, họ vẫn quen với tên gọi ngã ba Chú Ía, một số người thì gọi ngã 6 Chú Ía khi qua khu vực này.