Cách cư xử của người Trung Hoa mặc nhiên thể hiện tâm thức hướng Nam, hình thành văn hóa Sùng Nam do người Bách Việt lưu lại. Người Hoa có địa bàn gốc tổ ở phía Tây bắc, trong khi người Việt có địa bàn gốc tổ ở phương Nam thì việc trọng hướng Nam trong văn hóa Trung Hoa là điều khiến cho ta phải suy nghĩ? Tại sao lại có hiện tượng đó? Tại sao trong chữ nam lại có chữ hạnh, còn chữ Bắc lại đồng nghĩa với thất bại? Tại sao Bắc lại là (phản) bội? Nếu họ đã miệt thị dân phương nam là man di mọi rợ thì tại sao trong cách cấu tạo chữ lại thể hiện tình thần trọng Nam khinh Bắc? Tại sao khi vẽ đồ hình Tiên Thiên và Hậu Thiên của Dịch họ lại cho hướng Nam lên trên, hướng Bắc nằm dưới hình thành chủ nghĩa Nam tôn Bắc ti, Nam tôn Nữ ti.

Người Bách Việt ở phương Nam càng đi dần lên phương bắc thường có tình tự hoài Nam như con chim Việt chỉ chọn cành Nam mà đậu (Việt điểu sào nam chi). Tại sao lại là nam châm mà không gọi bắc châm, trong khi

“Nam châm là một nguồn từ có hai cực: Bắc và Nam, và một từ trường tạo từ các đường từ (đường sức) đi từ cực Bắc đến cực Nam”.

Từ tính của Nam châm được ứng dụng để làm “Kim chỉ Nam”

“ Kim chỉ nam ngày xưa khác la bàn ngày nay. Nó có hình dáng một cái muỗng cắt ra từ một miếng nam châm thiên nhiên và được đặt trên một cái đế bằng đồng đã được mài láng để giảm ma sát. (Lúc đó người ta đã biết đồng là kim loại không có ảnh hưởng trên từ trường, và do đó, không làm lệch hướng của kim nam châm). Phần muỗng tròn láng để chính giữa đế đồng làm trọng tâm thành ra cáng của kim chỉ nam có thể quay xung quanh. Sau khi muỗng đứng im (cân bằng tĩnh) cáng muỗng chỉ hướng Nam”. (Theo Vietsciences-Thuần Ngọc & Võ Thị Diệu Hằng)

Tên “Chỉ Nam” có từ lúc nào?

Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt - Kinh Tế Chính Trị - THƯ VIỆN HOA SEN

Có hai thuyết về xuất xứ của kim chỉ Nam, một liên hệ đến Hoàng Đế và một liên hệ với Chu Công.

Sách “Cổ kim chú” của Thôi Báo thời Tây Tấn (thế kỉ 3 CN) viết rằng: “

Xe Đại giá chỉ nam có nguồn gốc từ thời Hoàng Đế đánh nhau với Xi Vưu ở cánh đồng Trác Lộc. Xi Vưu tạo sương mù, quân sĩ đều lạc đường, Hoàng Đế làm ra xe chỉ nam để nhìn bốn phía, cuối cùng bắt được Xi Vưu, rồi lên ngôi Đế. Cho nên người đời sau thường làm xe này. Có thuyết nói rằng là do Chu Công làm ra. Chu Công trị nước thái bình, Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến cống một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen, một cái ngà voi, sứ giả lạc đường về. Chu Công tặng cho hai tấm gấm thêu, năm cỗ xe ngựa đôi, có chế kim chỉ về phía nam. Sứ giả Việt Thường ngồi lên mà đi về phía nam, men theo bờ biển Lâm Ấp, Phù Nam, năm đó về đến nước mình. Sai quan Đại phu bày tiệc đãi hộ tống về đến nơi rồi quay về, cũng ngồi xe chỉ nam nhưng ngồi quay lưng lại với hướng chỉ, cũng năm đó thì về lại nơi xuất phát. Trục xe làm bằng sắt, về đến nơi, sắt cũng mòn gần hết”

(大驾指南车,起黄帝与蚩尤战于涿鹿之野。蚩尤作大雾,兵士皆迷,于是作指南车,以示四方,遂擒蚩尤,而即帝位。故后常建焉。旧说周公所作也。周公治致太平,越裳氏重译来贡白雉一,黑雉二,象牙一,使者迷其归路,周公锡以文锦二匹,軿车五乘,皆为司南之制,使越裳氏载之以南。缘扶南林邑海际,期年而至其国。使大夫宴将送至国而还,亦乘司南而背其所指,亦期年而还至。始制车辖轊皆以铁,还至,铁亦销尽).

Chỉ nam châm còn có tên là Ti nam(司南). Sách Hàn Phi Tử có ghi “Tiên Vương đặt Ti nam để xem sớm tối cho đúng”.

Dầu thế nào thì Hoàng Đế hay Chu Công cũng chỉ là người biết ứng dụng từ tính của nam châm để chế chỉ nam xa, chứ không thể chờ đến khi hữu sự mới phát minh ra. Trước đấy người xưa đã biết giá trị của nam châm.

Người Châu Âu có chế la bàn loại một kim chỉ hướng Bắc, người Hoa không dùng kim chỉ hướng bắc mà chú ý kim chỉ hướng nam, như vậy trong thâm tâm họ phải coi trọng hướng nam (bất kể vì ý đồ gì).

Tôn trọng hướng nam đã trở thành một nghi thức bất di bất dịch ở triều đình, vua luôn luôn phải quay mặt về hướng nam để trị vì, vì đấy là hướng của ánh sánh, hướng biểu tượng của văn minh. Hướng bắc là hướng của giá lạnh, tăm tối chỉ dành cho kẻ bề tôi quay về xưng thần. Sử Ký có đoạn chép: “Khổng Tử đi qua đất Bồ, sau hơn một tháng lại trở về nước Vệ, ở trọ tại nhà Cừ Bá Ngọc. Trong số người vợ của Vệ Linh Công có Nam Tử. Nam Tử sai người nói với Khổng Tử:

-Những người quân tử bốn phương nếu không xấu hổ về việc làm anh em với nhà vua thì thế nào cũng đến yết kiến tôi. Tôi muốn gặp mặt Khổng Tử.

Khổng Tử từ chối không được, đành phải yết kiến. Phu nhân ở trong cái màn là. Khổng Tử bước vào cửa, ngoảnh mặt về phía Bắc cúi lạy. Phu nhân ở trong màn lạy hai lạy. Các vòng ngọc và những viên ngọc mang trong mình kêu lanh canh” (Phan Ngọc dịch-tr 226).

Khi có việc không tự mình giải quyết được người ta thường hỏi thân linh vì thế phải dùng bói toán, thường thì bói Dịch. Người ta để quyển Sách Dịch trên bàn thờ, để sách quay mặt về phương nam vì Sách Dịch do người Việt ở phương nam sáng tạo ra, sau đó hành lễ rồi xin keo.

Vì hướng Nam được từ vua tới dân đều tôn trọng nên trở thành hướng chuẩn cho việc đối nhân xử thế khi cần phân định tôn ti trật tự.

Muốn xác đinh hướng nam, buổi sáng khi mặt trời mọc người ta đứng quay mặt về hướng mặt trời (người Bách Việt thờ trời), bên trái là hướng Bắc, bên tay phải là hướng Nam. Lấy hướng nam làm chính mọi phân định giá trị cao thấp sẽ căn cứ vào hướng nam để giải quyết. Khi quay mặt nhìn về hướng nam, bên tay trái là bên Tả, bên phía tay phải là bên Hữu. Bên Tả được tôn trọng hơn bên Hữu. Đàn ông được tôn trọng hơn đàn bà nên mới có sự phân biệt Nam tả Nữ hữu. Trong nhà thì hướng đông được tôn trọng nhất nên chủ nhà ngồi quay mặt về hướng đông (vì hướng Nam dành cho vua), kế bên cạnh chủ nhân, vị trí thứ hai là hướng nam, thứ ba là hướng bắc, cuối cùng là hướng tây.

Trong cung đình hướng nam là hướng chính, việc này ảnh hưởng đến việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi theo đúng nghi lễ trong kinh kịch, hướng tôn trọng là hướng nam, thứ đến hướng tây, rồi hướng đông sau chót là hướng bắc.

Khi bày tỏ sự kính trọng đối người bề trên, người ta thường khoanh tay (vòng tay) trước ngực. Luận Ngữ thiên Vi Tử ghi lại: “Tử Lộ khoanh tay đứng hầu”, Khổng Tử phân biệt cách vòng tay như sau. Khi có việc vui mừng tay trái để lên trên, khi có việc tang ma tay phải để lên trên. Kinh Lễ (Đàn Cung) chú:”tang thượng hữu, hữu, âm dã. Cát thượng tả, tả, dương dã” (việc tang ma tay mặt để lên trên vì hữu thuộc âm. Có việc hỉ hoan, tay trái để lên trên vì tả thuộc dương”. Đấy cũng là do lấy hướng nam làm chuẩn, người đứng ngoảnh mặt về nam, bên tay trái là hướng đông, hướng đông có mặt trời lên buổi sáng thuộc về dương, việc vui thuộc về dương; bên tay phải là hướng tây, hướng mặt trời lặn nên thuộc về âm, việc buồn thuộc về âm.

Cũng với tâm thức trọng hướng nam như thế, tên một số tỉnh, miền được quy định như sau.

Với hai tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây, lấy núi Thái Hàng làm phân giới, lấy hướng Nam làm chuẩn.

Thái Hàng hay Thái Hành Sơn còn có tên là Ngũ Hành Sơn, Vương Mẫu Sơn, Nữ Oa Sơn, dài 400km chạy qua ba tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam theo hướng Đông Bắc, Tây Nam. Tỉnh nằm bên phải Thái Hàng (sơn hữu) thuộc hướng Tây gọi là Sơn Tây, tỉnh nằm bên trái núi Thái Hàng (sơn tả) gọi là Sơn Đông.

Miền Trung tỉnh Sơn Đông có núi Thái Sơn danh tiếng, đứng đầu Ngũ Nhạc gồm Thái Sơn, Hoành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn. Ta có câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn-Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chứng tỏ rằng người Việt từng lưu cư tại đây, trước khi người Hoa đến.

Cổ thời người Hoa chỉ ở vùng Trung nguyên, lấy Trung nguyên làm Trung Tâm nên vùng phía nam Trường Giang tức Giang Nam là khu vực bên ngoài thuộc Bách Việt, ở trong gọi là lý, ở ngoài gọi là biểu nên Giang Nam còn gọi là Giang Biểu. Phía đông Giang Nam gọi là Giang Đông hay Giang Tả (phía đông Trường Giang). Phía Tây Giang Nam gọi là Giang Tây. Ngày nay Tỉnh Giang Tây, bắc giáp An Huy, nam giáp Quảng Đông, tây giáp Hồ Nam, đông giáp Phúc Kiến, đông bắc giáp Chiết Giang, tây bắc giáp Hồ Bắc. Chính tên Giang Tả đã xác nhận người ta đã phải quay mặt về hướng nam mới có thể gọi Giang Đông là Giang Tả, vì lúc đó bên tả chính là bên đông.

Một cách đặt tên khác theo cách thức “ Sơn nam vi Dương, thủy bắc vi Dương” nghĩa là khu vực phía nam núi thì đặt tên Dương, phía bắc sông cũng đặt tên Dương. Vùng phía nam núi bao trùm vùng phía bắc sông nên khu vực nào nằm trong vùng đó thường hay mang tên Dương, như Hán Dương ở Vũ Hán, do nằm ở phía bắc Hán Thủy và phía nam Quy Sơn nên mang tên đó.

Kinh đô Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây thuộc trung bộ bình nguyên Quan Trung, ở phía nam Cửu Tuấn Sơn và phía bắc sông Vị Thủy nên có tên Hàm Dương, Hàm có nghĩa là đô.

Thành phố Nhạc Dương ở tỉnh Hồ Nam, có lầu Nhạc Dương nổi tiếng với bài “Nhạc Dương Lâu phú” của Phạm Trọng Yêm đời Tống. Trong bài phú có câu nói về vị trí lầu Nhạc Dương “Bắc thông Vu Hiệp, Nam cực Tiêu Tương” có thể giải thích vì sao có tên Nhạc Dương, vì Nhạc Dương ở phía nam Vu Hiệp và phía bắc Tiêu Tương. Nguyễn Du đã từng qua đó và có bài “Đăng Nhạc Dương lâu”:

Nguy lâu trĩ cao ngạn
Đăng lâm hà tráng tai!
Phù vân Tam Sở tận.
Thu thủy Cửu Giang lai.
Vãng sự truyền tam túy
Cố hương không nhất nhai
Tây phong ỷ cô hạm
Hồng nhạn hữu dư ai.

(Lâu đài sừng sững bờ cao,
Lên lầu ngắm cảnh trời sao huy hoàng
Mây vùng Tam Sở mênh mông
Nước thu trong vắt chín sông tụ về,
Ai từng ba bận say mê,
Cố hương tấc dạ ai hề có hay
Một mình tựa cửa, gió tây
Cuốn theo chim nhạn lạc bầy kêu thương. )
(Nguyễn Thiếu Dũng, dịch)

Kinh đô Lạc Dương, ở phía tây tỉnh Hà Nam, từ Hạ Thương Chu về sau đã từng có đến 13 triều đại đóng đô ở đấy. Người Hoa xem đấy là đất phát tích của họ. Việc đặt tên Lạc Dương cũng tuân theo quy cách “sơn nam vi dương, thủy bắc vi dương”. Đất này ở phía nam núi Thái Hàng và phía bắc sông Lạc Thủy, phía bắc sông gọi là Dương, nên có tên là Lạc Dương.

Thành phố Nam Dương cũng ở tây bộ tỉnh Hà Nam, sở dĩ mang tên đó là vì ở phía nam Phục Ngưu Sơn và nằm về phía bắc sông Hán Thủy. (Sông Hán Thủy bắt nguồn từ miền tây nam tỉnh Thiểm Tây tại khu vực Bàn Trủng Sơn thuộc huyện Ninh Cường và sau đó chảy tới tỉnh Hồ Bắc. Nó tiếp nhận nước của các sông như Tư Thủy Hà, Đổ Hà, Đan Giang, Đường Bạch Hà Nó đổ vào sông Dương Tử tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Nơi hợp nhất của hai con sông cũng chia thành phố Vũ Hán ra làm ba khu vực là Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương. Theo Wikipedia)

Ngược lại vùng nào ở phía bắc núi thì mang tên Âm, như Sơn Âm, một huyện ở phía bắc tỉnh Sơn Tây, ở ngoài Nhạn Môn Quan vì ở phía bắc núi Phật Túc Sơn nên có tên là Sơn Âm.

Thành phố Hoa Âm thuộc tỉnh Thiểm Tây, nằm ở phía nam sông Vị Thủy, phía bắc dãy Tần Lĩnh trong đó có Tây Nhạc Hoa Sơn danh tiếng cũng được đặt tên theo cách “sơn bắc vi âm, thủy nam vi âm” nên có tên là Hoa Âm.

Có truyền thuyết kể rằng Đại Vũ trị thủy khơi dòng Hoàng Hà dẫn qua ngã Long Môn, nhưng bị hai ngọn núi chận lại, đó là ngọn Hoa Sơn ở bên Nam và ngọn Trung Điều Sơn ở bên bắc, Đại Vũ phải kêu gọi thần tiên giúp đỡ, san bạt hai ngọn núi, Hoa Sơn bị bạt làm hai, một cao là Thái Hoa Sơn, một thấp là Thiếu Hoa Sơn. Hoa Sơn cũng là nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa, nên lấy Hoa làm tên (theo khảo chứng của Chương Thái Viêm). Đúng ra Đại Vũ, xẻ dòng cho sông Trường Giang thoát qua dãy núi Vũ Hán để đổ ra biển, nhưng truyền thuyết này lại đổi Vũ Hán ra Hoa Sơn chỉ vì muốn biến Đại Vũ thành người Hoa để sáp nhập nhà Hạ vào lịch sử của họ.

Tần Thủy Hoàng ra lịnh đốt sách hay thay đổi cách viết chữ khối vuông để xóa chứng tích của người Việt đã từng hiện diện trên khắp đất nước Trung Hoa, nhưng không sao xóa nổi dấu ấn của người Việt đã ảnh hưởng đến tận những ngóc ngách tâm hồn người Hoa tạo ra một lối văn hóa sùng nam hay hoài nam vẫn còn đậm nét trong cách cư xử của họ cho đến ngày nay và mãi đến ngày sau.