Bẫy ngư lôi được xem là cách thức đơn giản nhất để tàu chiến có thể vô hiệu hóa ngư lôi kẻ thù, vậy loại khí tàu này hoạt động như thế nào?
Nguyên lý hoạt động của các loại mồi bẫy ngư lôi
Ở giai đoạn đầu phát triển, do ngư lôi chỉ có thể phóng thẳng nên tàu chiến mặt nước chỉ cần chuyển hướng là có thể phòng tránh an toàn. Tuy nhiên, đến giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ 2, ngư lôi đã được trang bị đầu tự dẫn và được điều khiển bằng dây, đã biến loại vũ khí này trở thành “tên lửa dưới nước” khiến tàu chiến mặt nước rất khó chuyển hướng để phòng tránh.
Đến những năm 1960, để phòng tránh sự tấn công của ngư lôi, hải quân các nước phát triển nhiều biện pháp khác nhau gồm “sát thương mềm” và “sát thương cứng”. Theo đó, sát thương cứng chủ yếu sử dụng phao chống ngư lôi, bom chìm chống ngư lôi… dùng để tấn công, đánh chặn và phá hủy ngư lôi. Trong khi đó, Mồi bẫy ngư lôi được coi là phương pháp “sát thương mềm” hữu hiệu nhất để phòng tránh các đòn tấn công của ngư lôi đối phương.
Dù có kích thước khá nhỏ nhưng ngư lôi lại là loạt vũ khí có thể tiêu diệt cả một chiến hạm chỉ trong một lần tấn công duy nhất. Nguồn ảnh: wordpress.com |
Tính năng tác dụng chính của loại vũ khí này là “đánh lừa” ngư lôi đối phương bằng cách phát ra sóng âm thanh để lừa nhử ngư lôi theo bám và tấn công nhầm. Mồi bẫy ngư lôi mô phỏng trường vật lý cảm ứng của mục tiêu thật (ví dụ như mô phỏng tiếng ồn của tàu ngầm hoặc tạo ra mạch xung phản hồi tín hiệu thăm dò chủ động để mô phỏng sóng phản hồi của tàu ngầm). Tín hiệu giả này khiến ngư lôi phán đoán và theo bám nhầm, dẫn ngư lôi di chuyển ra xa mục tiêu, nhằm bảo vệ an toàn cho tàu thuyền. Phân loại các loại mồi bẫy ngư lôi Hiện nay, trong biên chế trang bị của hải quân các nước có nhiều loại mồi bẫy ngư lôi khác nhau gồm: Mồi bẫy mô phỏng tiếng ồn, mồi bẫy mô phỏng âm thanh phản hồi, mồi bẫy mô phỏng tổng hợp, mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo, mồi bẫy âm thanh kiểu tự hành, mồi bẫy ngư lôi kiểu thả nổi….
+Trong đó, mồi bẫy mô phỏng tiếng ồn bắt chước tiếng ồn phát ra từ tàu hoặc tàu ngầm để lừa nhử ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh thụ động tìm kiếm và bám theo.
+ Mồi bẫy mô phỏng âm thanh phản hồi thông qua chuyển phát tín hiệu sonar chủ động của địch, mô phỏng tín hiệu sóng phản hồi của tàu để nhử ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh thụ động tìm kiếm và bám theo, từ đó dẫn ngư lôi rời xa con tàu.
+ Mồi bẫy mô phỏng tổng hợp lắp đặt cả bộ phát mô phỏng tiếng ồn và bộ phát mô phỏng âm thanh phản hồi, làm giả âm thanh tổng hợp của tàu chiến để đánh lừa việc tìm kiếm và theo bám của ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh chủ động và thụ động.
Mồi bẫy ngư lôi AN/SLQ-25A. Ảnh: Wikimedia |
– Mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo thường được trang bị cho tàu mặt nước, có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng thăm dò tín hiệu âm thanh của ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh chủ động, thực hiện báo động khi bị ngư lôi tấn công để tàu chiến kịp thời lựa chọn giải pháp đối phó và cơ động. + Mồi bẫy ngư lôi kiểu tự hành là loại khí tài đối kháng thủy âm kiểu đánh lừa có gắn hệ thống hành trình, hệ thống điều khiển dẫn đường và hệ thống đối kháng âm thanh, nhìn bề ngoài giống một quả ngư lôi, thường được trang bị cho tàu ngầm, chủ yếu dùng đối phó với ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh. Một số loại mồi bẫy ngư lôi chủ yếu hiện nay
– Mồi bẫy ngư lôi AN/SLQ-25A/Mỹ:Hiện nay, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về phương diện phát triển mồi bẫy ngư lôi. Mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo AN/SLQ-25A được trang bị cho các tàu chiến mặt nước. Mồi bẫy này được điều khiển số hóa và thiết kế kiểu modun, có khả năng đánh lừa loại ngư lôi tìm bắt mục tiêu nhờ âm thanh. Khi được triển khai, AN/SLQ-25 được phóng ra từ phía đuôi tàu thông qua ống phóng để phóng ra một phao tiêu hình dây, sử dụng một dây cáp điện đồng trục truyền tín hiệu kéo theo phía đuôi tàu. Bên trong phao tiêu là một thiết bị phát âm thanh dưới nước, sử dụng phương thức điện tử hoặc điện cơ để phát ra tín hiệu âm thanh dụ ngư lôi. Do tín hiệu phát ra mạnh hơn cả tín hiệu âm thanh của tàu nên có thể bảo vệ cho tàu không bị tấn công.
Hình ảnh mô phỏng nguyên lý hoạt động của mồi bẫy ngư lôi AN/SLQ-25. Ảnh: Indian defence analysis |
AN/SLQ-25 có hai loại, loại A và loại B. Trong đó, loại B là loại được sử dụng phổ biến hiện nay do có khả năng đối phó hiệu quả trước nhiều loại “ngư lôi thông minh” thế hệ mới. Loại B được lắp hệ thống xenxơ dạng cáp kéo, có khả năng phát ra cảnh báo đối với ngư lôi hoặc tàu ngầm. AN/SLQ-25B có thể sử dụng để đối phó với ngư lôi tìm bắt mục tiêu bằng âm thanh chủ động, có khả năng ngăn chặn tín hiệu xung mạch của ngư lôi, đồng thời kích âm thanh to lên gấp 2 – 3 lần âm thanh gốc nhằm thu hút ngư lôi đến tấn công, từ đó nâng cao năng lực đánh lừa. – Mồi bẫy ngư lôi ADC MK-1,2,3,4,5/Mỹ: Ở biến thể ADC MK-1,2chúng là loại mồi bẫy đối kháng thủy âm phát tiếng ồn dải rộng kiểu điện cơ dùng một lần, có đường kính 127mm, được sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn.
Trong khi đó, ADC MK-3 là loại khí tài chống ngư lôi tự lập trình, có đường kính 152,4mm, chủ yếu dùng để chống ngư lôi dẫn đường chủ động, thụ động hiện có và trong tương lai. ADC MK-4 là loại khí tài đối kháng thủy âm dùng để ngăn chặn hoặc đánh lừa hệ thống sôna chủ động và thụ động của tàu ngầm. Trong khi đó, ADC MK-5 thuộc loại mồi bẫy kiểu tự hành đa năng mới nhất vừa được phát triển có tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ, có khả năng đối phó với nhiều loại ngư lôi khác nhau.
Khoang chứa AN/SLQ-25. Ảnh: Militaryaerospace |
– Mồi bẫy ngư lôi CIRCE/Đức: Là sản phẩm hợp tác giữa Đức và Italia, được đánh giá là hệ thống chống ngư lôi sát thương mềm tiên tiến nhất thế giới hiện nay, trang bị cho tàu ngầm lớp Type 200, 212 và 214. Hệ thống này có thể đối phó hiệu quả với loại ngư lôi dẫn đường bằng dây và dẫn đường bằng âm thanh tiên tiến. Khi sonar của tàu ngầm cung cấp thông tin đo đạc và phương vị của ngư lôi, căn cứ vào tín hiệu cảnh báo mối đe dọa, tàu ngầm sẽ phóng mồi bẫy ngư lôi về hướng của mối đe dọa, tạo ra phương thức gây nhiễu tiếng ồn, cách ly sự tiếp xúc giữa ngư lôi và mục tiêu. Sau đó, mồi bẫy âm thanh tự hành sẽ chuyển từ chế độ gây nhiễu sang chế độ mồi nhử, nhử ngư lôi rời xa tàu ngầm.
– Mồi bẫy ngư lôi ATC-2/Israel: Là loại mồi bẫy kiểu cáp kéo, bên trong lắp đặt thiết bị phóng, đường kính 100mm, dài 1m, nặng 7,8kg, hoạt động được ở độ sâu 10 – 300m, thời gian vận hành 8 phút. Đây là loại mồi bẫy ngư lôi tự hành tiên tiến, kho dữ liệu vi tính của loại mồi bẫy này bao gồm những nội dung liên quan đến mối đe dọa và nhận biết mối đe dọa, lập trình của kho dữ liệu có thể cung cấp sẵn phương án đối phó để chống lại các loại ngư lôi khác nhau.