Thiếu gia là gì ?

Thiếu gia là danh ngữ hiện được hiểu một cách phổ biến dùng để chỉ thanh niên trẻ tuổi sinh ra trong gia đình giàu có và là con trai của đại gia.

Nhiều người vẫn mặc nhiên hiểu như thế. Chẳng thế mà chúng ta có thể thấy những cách nói kéo theo những cách viết như: “thiếu gia Hà Thành”, “thiếu gia vùng Tây Quan”, “phim thiếu gia”, “thiếu gia chơi”, “bạn gái của thiếu gia”, v.v… Còn câu văn thì đầy rẫy:

– “Mua một chú chó đắt tiền rồi đưa vào trung tâm huấn luyện thành chó nghiệp vụ đang là một thú chơi mới của các “thiếu gia” Hà thành” (Dân trí, lấy theo Nguyễn Dũng, VTC).

–  “Cảnh sát cho biết, thiếu gia lái xế hộp kéo lê viên thiếu úy cảnh sát quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rạng sáng 13/3 đã ra trình diện” (Thu Hà, Người đưa tin, 18/3/2012).

– “Chiều tối 29/2, một đám cưới “siêu khủng” đã diễn ra tại phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh với sự góp mặt của hàng nghìn người, dàn xe rước dâu khủng giá hàng triệu USD. Cô dâu là Lê Thu Loan, sinh năm 1992, con của một đại gia ở Hà Nội và chú rể là Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm 1987, một thiếu gia ở phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh” (Nguyên Khoa – Dũng Bắc, Ngôi sao, 1/3/2012).

Tính cách con trai 3 miền Bắc - Trung - Nam bạn thích con trai miền nào

– “Vũ Đức Hoàng chính là Phó giám đốc điều hành Doanh nghiệp vận tải Hoàng Long, đồng thời là con trai của vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này, được coi là một “thiếu gia” của đất Cảng” (Nhà báo và Công luận, 16/2/2012, lấy từ VTC News).

Cả một rừng “thiếu gia” ở trên mạng… bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa. Người ta mặc nhiên hiểu rằng, “thiếu gia” là con của “đại gia” mà không ngờ hai danh ngữ này chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Đại gia 大家Â  là một danh ngữ tiếng Hán, vốn có nghĩa là chuyên gia danh tiếng hoặc thế gia vọng tộc, đã được tiếng Việt hiện đại dùng theo một cái nghĩa rộng hơn: “Nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn hoặc người tài giỏi, có tên tuổi trong một lĩnh vực nào đó” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên). Cũng xin nói thêm rằng, nhiều năm trở lại đây nó đã bắt đầu mang tính xấu nghĩa.

Vì không có liên quan gì với “đại gia” về mặt tạo nghĩa nên hai chữ mà bạn hỏi không thể viết thành “thiếu gia”. Tuy tiếng Hán cũng có danh ngữ lão gia 老家Â dùng để chỉ cha, mẹ hoặc bậc trưởng bối trong phương ngữ của tiếng Hán nhưng hai tiếng mà bạn hỏi thì lại liên quan đến danh ngữ lão da 老爺 nên phải được viết thành thiếu da 少爺 (với d- chứ không phải gi-). Lão da 老爺, là một danh ngữ thời xưa dùng để gọi quan lại, chủ nhà (đối với người làm) hoặc kẻ có quyền thế. Đối với lão da là thiếu da 少爺, mà thời xưa, tôi tớ dùng để gọi con nhà chủ,  như có thể nghe, thấy trong nhiều bộ phim Tàu, nhất là phim cổ trang. Liên quan đến chữ da 爺 , ta còn có danh ngữ đại da 大爺, nghĩa là ông lớn, cụ lớn; cũng dùng để chỉ vai bác (anh của cha) hoặc người đàn ông lớn tuổi hơn mình.

Trở lên, chúng tôi đã nói về từ nguyên của hai tiếng thiếu da mà vì không biết gốc gác của nó trong tiếng Hán, lại thêm cảm nhận chủ quan nên hầu như mọi người đều viết thành “thiếu gia”. Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý là hiện nay, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc thì hai từ giada đều đồng âm. Trong Nam đọc cả hai thành [ja] còn ngoài Bắc thì đọc cả hai thành [za]. Tính đồng âm này trở thành một chỗ dựa thuận lơi cho cách viết sai thành “thiếu gia”, mà chắc là từ nay trở đi, ta không còn hy vọng là có thể sửa chữa được nữa.