Cấu trúc làng truyền thống của người Việt thường gắn với hình ảnh con đê làng, cổng làng, đình làng, cây đa, bến nước, những khu nhà vườn, ao khép kín và cuộc sống của người dân cân bằng, gần gũi với thiên nhiên. Cấu trúc này thuận tiện cho cuộc sống canh tác lúa của người Việt và qua bao đời đã trở thành không gian nông thôn điển hình mang đậm dấu ấn văn hoá của người Việt.

Nhận diện làng Việt cổ, hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên là luỹ tre bao quanh làng tạo nên bóng xanh mát, vừa là bức tường thành vững chắc bảo vệ làng xóm khỏi nạn giặc dã, cướp bóc và chống quân xâm lược. Bên cạnh lũy tre xanh, thì cổng làng là công trình quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh ở các làng quê. Mỗi cổng làng đều có kiến trúc riêng, nhưng luôn hài hoà với không gian làng quê. Vẻ đẹp kiến trúc cổng làng và những công trình trong làng thường gắn với hình ảnh những đầu đao cong vút, vươn lên bầu trời như gợi lên ước vọng của người dân trong làng.

Làng Đường Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây hiện vẫn giữ được nét điển hình của làng Việt cổ, trong đó công trình độc đáo là chiếc cổng làng được xây dựng từ năm 1553. Kiến trúc sư Lê Quang Ngọc, cho biết: “Khi gặp cái cổng làng này ta thấy sự giản dị đến vô cùng, nhưng không hiểu tại sao nó lại quyến rũ đến thế, bởi nó được đặt trong bối cảnh có cây đa, có con đường, ao sen, những con đường nhỏ xuyên tâm nhưng lại không phải thẳng mà cong cong, chính vì vậy cổng làng có sự quyến rũ về phong cảnh cũng như về sử dụng chất liệu. Đây là cái cổng làng khiêm nhường đến mức không có gì phải nói nữa, ngôn ngữ tối giản, nhưng chính sự tối giản ấy nằm trong bối cảnh làng quê yên bình thế này thì cánh cổng làng gợi nên bao điều kỳ diệu, mà không biết bao nhiêu nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia ca ngợi hết lời”.

Làng cổ Đường Lâm

Trong cấu trúc ở những ngôi làng truyền thống còn có một công trình là nơi sinh hoạt cộng đồng đó là giếng làng. Giếng làng thường được xây ở đầu làng hay giữa làng. Trong tâm thức của người xưa, giếng làng như con mắt của làng, là tấm gương phản chiếu hình ảnh cuộc sống thanh bình của làng quê. Ông Trần Minh Nhương, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, cho biết: “Vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ ở các làng và người dân còn đang sử dụng phục vụ cho đời sống. Có nơi là giếng đất, có nơi giếng xây đá ong, giếng xây bằng đá với nhiều hình dạng khác nhau. Đặc biệt ở những khu di tích đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm thì thường trước mặt bao giờ cũng có giếng cổ để làm minh đường cho di tích ấy, cho nên những chiếc giếng ấy trở thành linh thiêng”.

Đình làng Bắc bộ

Trong làng, con đường chính thường dẫn tới Đình làng. Theo tín ngưỡng, Đình làng là nơi linh thiêng, nên thường chọn xây dựng trên thế đất đắc địa, phong thuỷ tốt nhất. Đình làng thờ Thành Hoàng Làng (thần làng), đó là những người có công lập làng, những anh hùng có công với dân, với nước. Trong đời sống, Đình Làng luôn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của làng, nơi diễn ra các lễ hội, sinh hoạt văn hoá của cả làng. Theo kiến trúc sư Lê Quang Ngọc: “Đình thường lớn về quy mô và đặt trong một khuôn viên đàng hoàng, giao thông xung quanh đều né tránh vị trí trung tâm mà nó toạ lạc, bởi đây là nơi hội tụ của làng. Những ngôi làng trù phú, làm ăn thịnh vượng thì thường có có ngôi đình bề thế, rộng rãi quy mô rộng lớn, các gian lớn hơn, còn làng nghèo thì các gian cũng bé hơn”.

Làng cổ Cự Đà

Nhìn về tổng thể, cấu trúc làng truyền thống Việt Nam có tính liên hoàn cao. Sau luỹ tre xanh là những con đường dẫn vào các thôn xóm được lát gạch nghiêng sạch sẽ. Trong làng có nhiều ngõ nhỏ thông với nhau để người làng đi lối nào cũng có thể về nhà.

Trong tổng thể ấy, kiến trúc nhà ở của người Việt cũng đơn giản, phù hợp với khí hậu và tập quán sinh hoạt sản xuất. Hầu hết các nhà nông thôn Bắc bộ và Bắc trung bộ điển hình đều xây dựng theo kiểu có dãy nhà trên và dãy nhà ngang, thường là ba gian, hai chái, cùng sân trước, vườn sau và dàn hoa cây cảnh. Kết cấu làng phù hợp với đời sống đã góp phần hình thành những phong tục tập quán văn hoá xã hội, tạo nên tính cách tiêu biểu của người dân quê như: luôn đề cao danh dự, tôn trọng lệ làng, cư xử có tôn ti trật tự, kính trọng người cao tuổi, đoàn kết trước mọi khó khăn thử thách…

Trải qua nhiều thế hệ, cấu trúc làng cùng những tập quán văn hoá ấy đã tạo ra không gian làng quê yên bình. Có lẽ bởi vậy, với những người xa quê, hình ảnh ngôi làng luôn gợi nhớ cảm xúc về nguồn cội, sự lay động của tâm linh và lòng tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở./.