Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XIX, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước khi thực dân Pháp thực hiện âm mưu xâm nhập toàn cõi đất nước, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong giai đoạn mới, bên cạnh những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm nổi dậy do các tầng lớp sĩ phu lãnh đạo, người Việt đã phải từng bước tiếp xúc với với ngôn ngữ và văn minh Pháp. Một trong những người do hoàn cảnh riêng đã sớm tiếp xúc và sớm có những thành quả về văn hóa mới đó là Trương Vĩnh Ký (1837-1898).

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Xuất thân từ một nho sĩ, chỉ trong vài thập kỷ, ông đã thâm nhập và hấp thụ ngôn ngữ, văn hóa phương Tây, đã trở thành một nhà bác học có nhiều công trình văn hóa, bằng tiếng Pháp và tiếng Hán Việt vào thời điểm đó. Có thể nói rằng, ông là người Việt Nam đầu tiên đã viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Thật vậy, cuốn Giáo trình lịch sử An Nam (Cours d’Histoire Annamite) đã được xuất bản gồm 2 tập:

– Tập I xuất bản tại Sài Gòn năm 1875, bao gồm 3 thời kỳ, từ sơ sử cho đến nhà Hậu Lê (từ năm 2874 TCN đến năm 1428) dày 184 trang.
– Tập II xuất bản năm 1877, bao gồm lịch sử các triều Lê, Nguyễn (từ 1428 đến 1875) dày 278 trang, cộng tất cả là 462 trang sách.

Đây không chỉ là một cuốn giáo khoa theo nghĩa khiêm tốn của danh từ, mà thực sự là một công trình bác học biên soạn rất công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời.

Mở đầu sách, tác giả có viết một bài viết ngắn có tựa “Cho các trò các trường đất Nam kỳ”, lời văn nguyên bản tiếng Việt thời điểm đó như sau:

“Ở các trò trai trai, ta xin kiếng sách này cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò
coi. Dùng tiếng Pha-lang -sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen thuộc tiếng ấy, trông rằng lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh em cho dễ thông ý tứ léo lắt và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn. Nói tắt một lời, ta muốn làm ích cho anh em, chớ chi ước làm vậy mà được như làm vậy…

Đến sau, khi anh em học đã thành tài, biết bắt biết hạch được, thì xin hãy dong thứ
cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thuở trước chẳng có được những phương tiện mà học hành như anh em bây giờ nhờ Nhà nước đầy lòng lo lắng đã liệu biện cách rộng rãi cho làm vậy đâu.

Tại Chợ quán, ngày 25 tháng 2 năm 1875. P.J Trương Vĩnh Ký “

Về nội dung, trước hết, tác giả định vị cho giai đoạn viễn cổ là thời kỳ đầu của lịch sử Việt Nam bao gồm 2874 năm TCN với 20 đời vua Hồng Bàng, 18 đời vua Hùng Vương và 1 đời Thục An Dương Vương. Soạn giả nhấn mạnh đến giai đoạn này là dựa trên cơ sở kinh sử viết ở Trung Quốc, đồng thời dựa vào các truyền thuyết và văn tịch Việt Nam. Trong lời tựa tập sách, ông viết:

“Các sử gia biên niên xưa nhằm xu nịnh vua chúa, đã đặt ra những truyền thuyết để
khẳng định quyền thiêng liêng của vương gia. Còn dân gian thì trong các chuyện kể của mình, đã ngược dòng thời gian xa xôi trong cái thời điểm mà lịch sử không còn ghi giữ được dấu vết mà chỉ còn dấu tích trong các ngọn nguồn thâm sâu bí ẩn của thần thoại. Người ta không thể nào coi thường những truyện kể ở những thế kỷ xa xưa, bởi vì mặc dù nó có rắc rối, thậm xưng, hoặc không chặt chẽ, nhưng người ta vẫn có thể rút ra, từ sự tưởng tượng và cả những nhận thức sai lầm trong đó, những hiểu biết về những cái có thực, hoặc ít ra là một phương hướng, một dấu vết khả dĩ dùng được để tìm ra thực tại”. Tác giả Trần Thái Bình trong một bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay năm 1997 cho biết:

“…Chính nhờ quan điểm khoa học và biện chứng đó mà gần 150 năm trước đây,
Trương Vĩnh Ký đã vận dụng, khai thác những nguồn tư liệu văn hóa phi vật chất để cùng với những tư liệu viết hiếm hoi, dựng lại hình ảnh cụ thể về xã hội Việt Nam cả hàng ngàn năm trước, đưa thời Hồng Bàng, Hùng Vương và Thục Vương vào chính sử một cách có lý. Tác giả bước đầu dựa vào những công cụ sản xuất để dựng lại hình ảnh của đời sống kinh tế, xã hội xa xưa, cũng như đã dựa vào những truyện cổ như Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Trầu Cau để tái hiện hoàn cảnh sống thực của một thời…” (Xưa & Nay, số 45, tr. 27)

Có thể nói Trương Vĩnh Ký là một học giả Việt Nam đầu tiên đã bước đầu kết hợp
những hiểu biết liên ngành để viết lịch sử dân tộc. Chính nhờ quan tâm đến nhiều mặt của đời sống xã hội trong quá khứ nên ông đã tránh được những hạn chế của các nhà chép sử xưa mà nhiều người cho rằng chỉ viết về sự tích của các vương triều; mặc dù trong bố cục tập sách, ông vẫn theo thứ tự lịch đại của các triều đại.

Đặc biệt là khi viết về các triều vua, ông đã chọn lọc đưa ra những gì tiêu biểu nhất
của từng vị để người đọc dễ nhìn thấy công tội của từng người. Và qua lịch sử, mỗi triều đại được ghi chép không chỉ là “chân dung” các vị vua hay chúa, mà cả hình ảnh của đời sống xã hội về các mặt chính trị, ngoại giao, pháp luật, văn hóa…

Tinh thần dân tộc của tác giả không chỉ biểu lộ khi luyến tiếc những gì đã mất của dân tộc khi bị phương Bắc đô hộ, mà còn bật sáng lên khi viết về công nghiệp của các anh hùng dân tộc. Chẳng hạn, viết về Sĩ Nhiếp, ông nhận định:

“Sĩ Vương đã du nhập sang ta nền văn học Trung Quốc, cũng như đạo lý Khổng Tử, ép buộc nhân dân An Nam phải tiếp nhận nó làm của mình, và cấm dùng thứ chữ viết phiên âm đặc biệt riêng của người An Nam. Người An Nam vì thế đã hoàn toàn mất đi thứ chữ viết riêng của ình, do bởi biện pháp nghiệt ngã ấy”.

Thực tế lịch sử nhiều chỗ được ông ghi thành quy luật bằng những câu chữ ngắn gọn. Ví dụ khi viết về Trưng Nữ Vương: “Suốt 149 năm (từ 111 TCN đến 38 sau CN) nước An Nam đã phải chịu đựng ách của các viên quan cai trị Trung Quốc. Nhưng cuộc đô hộ rồi cũng phải bị tiêu diệt, như tất cả những gì bắt nguồn từ những thái quá của bạo lực: ách đô hộ đã bị bẻ gãy bởi bàn tay của một người phụ nữ”.

Tác giả đã dành hơn 40 trang để viết về cuộc kháng chiến chống quân Minh của anh hùng Lê Lợi, tiêu đề phần mục là : Chiến tranh giành độc lập ( Guerre d’indépendance). Cũng từ sử liệu, ông thường rút ra được những bài học sâu sắc. Đó là trường hợp như ông ghi lại câu nói của một nhân vât đời Hồ đáng để cho tất cả các vua chúa ở mọi thời đại phải suy nghĩ:

“Tôi không sợ ngoại xâm, mà chỉ ngại một điều: không hiểu dân chúng có gắn bó với
bệ hạ hay họ lại là kẻ thù của chính quyền ?”.

Phải nói rằng nội dung sách tuy ngắn nhưng khá phong phú, từ bài diễn văn bên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền với quân sĩ về tầm quan trọng của nền độc lập quốc gia, đến thời gian các sứ bộ nước ngoài hay các thương đoàn Mã Lai, Hà Lan, Xiêm La mang vật phẩm sang trao đổi buôn bán đến đều được tác giả kê cứu thận trọng cụ thể. Do đó, có thể nói tập sách không chỉ có ích cho người muốn tìm hiểu, học hỏi lịch sử Việt Nam mà còn giúp ích cho cả những bộ môn khoa học khác như ngoại giao, ngoại thương, pháp luật, xã hội…

Riêng về ngôn ngữ diễn đạt, nhà nghiên cứu Trần Thái Bình đã nhận định: “Cuốn sử
của Trương Vĩnh Ký là một thành công đáng kể trong sự vận dụng tinh tế một tiếng nước ngoài là tiếng Pháp để chuyển tải một nội dung khoa học và tư tưởng sâu sắc tình cảm nhuần nhị. Tác phẩm bằng tiếng nước ngoài năm 1875 của Trương Vĩnh Ký xứng đáng được coi như một mốc son trong lịch sử nền học thuật của nước ngoài thời mở cửa lần thứ nhất đối với thế giới…”