Xuất phát từ niềm tin tôn giáo, người công giáo coi việc ly hôn là chuyện cấm kỵ. Vì thế, tỉ lệ ly hôn ở người công giáo không cao. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin và sự giàng buộc tôn giáo, trước khi kết hôn, các bạn trẻ công giáo đều cho biết, họ được trang bị khá đầy đủ những kiến thức để hòa hợp trong quá trình chung sống.
Sợ ly hôn sếp nữ phải sống thử 7 năm mới dám lấy chồng
Chỉ vì một câu nói tôi đâm đơn ly hôn với chồng
Cha xứ Giuse Ngô Văn Kha – một linh mục của giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Trước khi bước vào cuộc hôn nhân, các cặp đôi phải tham gia lớp học tiền hôn nhân. Đây là lớp học bắt buộc của người công giáo và thông thường sẽ kéo dài từ 3 – 6 tháng.
Ở lớp học này, bên cạnh những kiến thức về tôn giáo, các cặp đôi sẽ được học các kiến thức chuyên môn.
“Về kiến thức chuyên môn, chúng tôi có mời các cộng tác viên, đó là các nhà tâm lý học. Họ nói về tâm lý nam nữ, tâm lý vợ chồng, sự khác biệt giữa nam và nữ giữa các thời kỳ mà họ sống.
Ví dụ, phụ nữ khi chưa kết hôn, tâm lý của họ khác, khi kết hôn họ khác và khi có con họ lại khác nữa. Vì thế, nam giới, hay cụ thể là người chồng cần phải hiểu để có sự cảm thông chia sẻ với người phụ nữ của mình.
Bên cạnh đó là về sức khỏe sinh sản. Đối với người công giáo, nạo phá thai là điều tối kỵ. Do đó, tại lớp học này, chúng tôi có mời chuyên viên về sức khỏe sinh sản tới để chỉ cho các bạn các kiến thức khoa học để các bạn hiểu về mình; hiểu về cơ thể mình, hiểu về chu kỳ, hiểu về những ham muốn nhục dục; hiểu về những nguyên lý tác động, kích thích người nam, người nữ; hiểu về tất cả những điều trong cơ thể của mình để tìm cách phòng tránh thai khi chưa có ý định có con.
Hay nói tóm lại, đó là những kiến thức cần hiểu để sống tiết độ trong đời sống hôn nhân gia đình” – vị linh mục nói
Ảnh có tính chất minh họa
Ngoài ra, vị linh mục này còn cho biết, tại lớp học tiền hôn nhân, những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, những bài học về sự xung đột, xung khắc cũng được đề cập đến.
“Chúng tôi luôn nói cho các bạn biết rằng, cuộc sống hôn nhân không phải màu hồng. Sau khi kết hôn, các bạn sẽ gặp phải rất nhiều những khó khăn phức tạp. Đó là những khó khăn mà nếu lường trước được hết, chắc chắn nhiều bạn sẽ không dám kết hôn.
Những bất đồng về lối sống, quan niệm sống khi sống chung trong một gia đình có tam tứ đại đồng đường cũng sẽ dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn. Thậm chí, 2 bạn có lấy nhau và ra ở riêng ngay thì những xung khắc xung đột vẫn sẽ xảy ra. Lý do là vì, con người ta độc lập về ý thức, độc lập về tư duy… Chúng ta khác biệt nhau hoàn toàn nên mâu thuẫn khi sống chung là chuyện tất yếu” – cha Kha nói.
Tuy nhiên, sau khi chỉ ra những khó khăn, ở lớp học tiền hôn nhân, các linh mục cũng sẽ chỉ cho các bạn trẻ khái niệm thế nào là yêu, thế nào là sống chung trong một đời sống mà người ta phải sống vì nhau, sống với nhau. Sống để cùng nhau đạt được mục đích mà mục đích ở xã hội này đó là tạo lập cho mình một gia đình êm ấm, vợ chồng đề huề, con cái thành đạt giỏi giang.
Hơn nữa, theo cha Kha, một lý do khiến cho các cuộc hôn nhân bên công giáo luôn bền vững đó là, ngay cả khi đã kết hôn, nếu xảy ra mâu thuẫn, tất cả mọi người vẫn luôn có sự trợ giúp từ các linh mục. Các linh mục sẽ luôn lắng nghe để tư vấn, giải đáp và giảng hòa. Vì thế, dù có làm sai đi chăng nữa thì cuối cùng họ cũng sẽ biết nhìn nhận lại những hành vi sai trái của mình và tìm đường quay trở về.
“Thêm vào đó, tôi vẫn thường khuyên các bạn trẻ, mỗi ngày hãy dành ra một chút thời gian để cầu nguyện. Trước khi cầu nguyện hãy dành một ít phút để soi xét lại những hành động đúng sai mà trong ngày mình đã làm đối với bản thân, với gia đình và với những mối tương quan khác.
Trong bầu không khí đó, nếu có những mâu thuẫn xảy ra, thì đây chính là lúc dễ dàng nhất để người ta có thể nói với nhau, giảng hòa…
Có lẽ vì những lý do đã nêu trên mà ở bên tôi, tỉ lệ ly hôn thường thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội ” – vị linh mục nói