Bức chân dung Mona Lisa treo trong bảo tàng Louvre, được bảo vệ bởi lớp kính chống đạn và thu hút hàng nghìn du khách tới xem mỗi ngày.

“Vì sao bức tranh nàng Mona Lisa lại nổi tiếng đến thế?” là một câu hỏi hóc búa. Giả thuyết trước đó đưa ra rằng, nó nổi tiếng vì là sản phẩm của một họa sĩ nổi tiếng, nụ cười bí ẩn của cô, hay những điều huyền bí xảy ra quanh bức tranh.

Tuy nhiên, câu trả lời này không làm hài lòng đám đông. Và đáp án: “chẳng có lý do nào” đã được nhiều người chấp nhận nhất, theo Britannica. Theo đó, sự nổi tiếng của bức tranh không phụ thuộc vào một lý do cụ thể, mà nó là sự kết hợp của nhiều lý do, bối cảnh khác nhau.


Bức tranh Mona Lisa.

Còn theo CNN, bức tranh Mona Lisa trở nên nổi tiếng khắp thế giới là nhờ một vụ trộm táo bạo, diễn ra từ hơn 100 năm trước.

Năm 1911, một nhân viên mẫn cán của bảo tàng Louvre, Pháp là Vincenzo Peruggia đã trộm bức tranh này. Vụ trộm diễn ra rất đơn giản. Khi đó, Vincenzo được thuê để lắp kính bảo vệ cho các bức tranh quý ở bảo tàng, trong số đó có bức Mona Lisa. Người đàn ông này đã trốn trong một chiếc tủ ở bảo tàng suốt đêm, và đem bức tranh cất vào trong áo khoác rồi đi ra khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, tòa nhà đã bị khóa. Đúng lúc đó, một thợ ống nước đi qua và có chìa khóa mở cửa cho tên trộm.

24h sau, người ta mới phát hiện ra sự biến mất của bức tranh. Vào thời điểm đó, Louvre có hơn 400 phòng triển lãm, với 200 bảo vệ. Thậm chí vào ban đêm, số bảo vệ còn ít hơn và không có hệ thống báo động.

Khi đánh cắp bức tranh, chính Vincenzo cũng không bao giờ nghĩ rằng hành động này giúp Mona Lisa tỏa sáng. Báo chí Pháp lúc đó đã có một ngày khó quên. Tin tức về vụ trộm xuất hiện trên mọi trang báo khắp thế giới. Hình ảnh của bức tranh vì thế cũng bùng nổ, ai ai cũng biết đến nó. Người ta bắt đầu chế giễu chính quyền Paris không có khả năng quản lý Louvre.

Lần đầu tiên trong lịch sử bảo tàng Louvre, người ta xếp hàng dài chỉ để vào xem khoảng trống nơi bức tranh bị đánh cắp. “Vụ trộm đã khiến Mona Lisa được biết đến rộng rãi, ngay cả những du khách chưa từng đến châu Âu hay những người không để ý tới nghệ thuật. Và nó tiếp tục nổi tiếng từ đó”, Noah Charney, giáo sư bộ môn lịch sử nghệ thuật và là tác giả của cuốn sách The Thefts of the Mona Lisa cho biết.

Suốt hai năm sau, cảnh sát Pháp được điều động khắp nơi để săn lùng bức tranh. Pablo Picasso cũng bị nghi ngờ dính líu đến vụ trộm. Cảnh sát thậm chí đã thẩm vấn Vincenzo hai lần, nhưng lại loại người này khỏi vụ án vì cho rằng người này không có động cơ để thực hiện một vụ trộm liều lĩnh. Cảnh sát trưởng Paris đã phải nghỉ hưu trong tủi hổ.


Nơi treo bức tranh Mona Lisa trống rỗng sau khi tác phẩm bị đánh cắp tại bảo tàng Louvre (ảnh trái) và báo chí miêu tả lại thời điểm nó được treo lại. Ảnh: CNN.

Tháng 12/1913, cảnh sát mới bắt được Vincezo và Mona Lisa được tìm thấy. Tên trộm 32 tuổi bị kết án tù 7 tháng. Lý do của việc trộm này là hắn muốn trả bức tranh nàng Mona Lisa về quê hương Italy.

Cũng theo CNN, nếu Vincezo lấy trộm một bức tranh khác vào cái ngày định mệnh đó, nó có thể đã là một câu chuyện rất khác.

“Nếu một tác phẩm nào đó của Leonardo bị đánh cắp, thì đó sẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới, chứ không phải là Mona Lisa”, Noah Charney cho biết.

“Chẳng có gì chứng minh Mona Lisa thực sự xuất chúng hơn các tác phẩm khác, ngoài việc nó là một tác phẩm đẹp của một danh họa cho đến khi nó bị trộm. Vụ trộm đã khiến sức hấp dẫn của bức tranh tăng vọt và trở nên nổi tiếng”.


Báo chí lúc bấy giờ minh họa lại quá trình Vincezo trộm tranh. (Ảnh: CNN).

Khi được hỏi về khả năng, liệu tên trộm người Italy năm đó có phải lòng Mona Lisa hay không, giáo sư Noah cho biết câu trả lời là “Có”. Ông giải thích rằng một số tên trộm bị hội chứng Stockholm ngược (kẻ bắt giữ con tin đem lòng yêu con tin. Với trường hợp của bức tranh này thì con tin chính là tác phẩm nghệ thuật).

Ngày nay, kiệt tác này được ví như “viên kim cương” trên vương miện của bảo tàng Louvre, giúp thu hút gần 10 triệu lượt khách đến đây mỗi năm. Nó cũng trở thành”nàng thơ” bất tử đối với nhiều danh nhân, từ các tác phẩm nghệ thuật pop của Andy Warhol đến tiểu thuyết bán chạy nhất của Dan Brown – Mật mã Da Vinci.

Tác phẩm này cũng luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách những bức họa nổi tiếng nhất thế giới qua mọi thời đại. Theo Culture Trip, kiệt tác của họa sĩ Leonardo da Vinci là vô giá. Vào năm 1962 , bức tranh này được bảo hiểm với giá 100 triệu USD. Đến nay, số tiền đó tương ứng với 700 triệu USD và trở thành bức họa đắt nhất thế giới.

Theo Mystown