“Ở Sài Gòn người ta quan niệm khi cúng cô hồn thì phải có người đến giật mới hên. Vì vậy đang cúng mà có người bưng cả mâm đi gia chủ cũng không nói gì”.

Nhiều người cho rằng đây là phong tục, văn hoá của người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, không phải là hình ảnh xấu trộm cắp, cướp giật.

“Tôi thấy nhiều bạn chỉ trích người đi “giật cô hồn” là tham ăn, tội nghiệp, không biết xấu hổ… Còn tôi lại thấy đó là hoạt động vui của hàng năm. Cũng giống như không có pháo thì mất đi cái chất của ngày Tết, không có “cô hồn sống” giật thì mất cái chất của ngày rằm tháng 7 Âm lịch”, bạn đọc Dương chia sẻ.

“Nếu các bạn biết Thái Lan có lễ hội Songkran (té nước), Hàn Quốc có lễ hội tắm bùn, Nhật Bản có lễ hội khoả thân, Tây Ban Nha có lễ hội nhảy qua các em bé… thì mọi người sẽ thấy “giật cô hồn” ở Việt Nam là lễ hội bình thường. Không phải ai giật cô hồn cũng nghèo và đói khát. Lúc nhỏ tôi cũng hay đi giật cùng với mấy đứa bạn nhưng cũng chẳng thiết chuyện ăn uống, chủ yếu là giật cho vui và nó đã thành ký ức tuổi thơ tốt đẹp của tôi”, bạn đọc Dang Quyen cho biết.

“Tháng 7 hay còn gọi là tháng “cô hồn”, các gia đình ở Nam Bộ có tục lệ “cúng cô hồn”. Đồ cúng thường bày biện trên một mâm được gia chủ đặt trước sân nhà để khần vái. Cúng xong, họ thường để nguyên mâm cho những đứa trẻ con hay những người đi đường lấy ăn cho đến khi hết hẳn thì dọn mâm vào. Người ta gọi đó là văn hóa cúng cô hồn và giật cô hồn”, độc giả Quốc Anh bình luận.

1-5741-1441089475.jpg

Cậu bé “giật cô hồn” được chùm nho vui sướng. Ảnh Hải Thuận.

Nhìn hình ảnh đứa trẻ háo hức “giật cô hồn” được chùm nho trong bài, độc giả Sông Quê bày tỏ: “Tôi muốn quay về với tuổi thơ. Chờ rằm tháng 7 đi giựt vàng. Có mía, có đậu, có khoai lang. Bánh qui, bánh cấp cùng bánh cúng. Người lớn nhanh tay bưng cả thúng. Trẻ nhỏ tụi tôi lụm cái thừa. Bạn bè có đâu chừng mươi đứa. Cùng khoe giựt dược xúm nhau cười”.

Tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng hình ảnh văn hoá này đang bị biến tướng vì xã hội hoá. “Ngày trước người dân chỉ cúng trái cây, cháo trắng, nước, chum rượu trắng, vàng mã. Bây giờ, đời sống khấm khá hơn, trên mâm cúng các gia chủ hào phóng “bố thí cho các linh hồn” thêm con gà hay một con heo sữa quay, những xấp tiền lẻ mới cóng xếp đầy quanh mâm”.

“Có lẽ vì giá trị đồ cúng cô hồn tăng lên nên văn hóa “giật cô hồn” có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Chính vì vậy mà người đi giật cô hồn không còn là những trẻ con mà có cả người lớn. Vì vậy hành động cướp giật đồ cô hồn có phần bạo dạn hơn trước đây. Điều này làm cho không ít các gia chủ tức giận, hoảng hốt khi đang lom khom cúi vái thì bị cả đám thanh niên, nam nữ đổ xô vào bê nguyên cả mâm cúng”, bạn đọc Quốc Anh chia sẻ thêm.

Còn bạn đọc Công Minh bày tỏ: “Cúng cô hồn ngày xưa để trẻ con, người nghèo trong xóm giật, mang ý nghĩa bố thí, làm phước. “Giật” lúc đấy cũng là đua tranh náo nhiệt trong không khí tưởng chừng ảm đạm của tháng 7 Âm lịch. Bây giờ người giật là một đội ngũ hùng hậu thanh thiếu niên, người cúng mà sơ xuất một chút là bị “giật” ngay từ khi chưa trưng xong mâm chứ đừng nói đốt nhang. Ngẫm thử người có chút lòng tự trọng hay có công ăn việc làm (chỉ cần là công nhân, phụ hồ thôi) thì ai giành ai giật, ai hốt ai tranh những của ấy”.

“Có ai sống nhờ giật cô hồn đâu! Họ làm vợt đồ chủ yếu tranh nhau để hơn thua, chứ chẳng phải nhờ kiếm được nhiêu đó mà đủ sống. Nếu trách thì chúng ta nên trách những gia chủ bây giờ cúng toàn gà, heo sữa quay, mệnh tiền lớn. Vì họ nghĩ cúng như vậy cô hồn mới nhanh đến lấy và đi. Có thế, họ mới làm ăn suôn sẻ. Xưa kia gia đình tôi cúng rất đơn sơ, trứng, thịt heo luộc, đốt tiền vàng mã thử hỏi có ai đến tranh giành không? Mọi việc cũng tại ta mà ra thôi!”, độc giả Liêm kết luận.