Tiếng Nhật được xếp vào danh sách những ngôn ngữ khó lĩnh hội nhất trên thế giới, có lẽ là bởi các giá trị sống, giá trị thẩm mỹ và văn hóa của đất nước mặt trời mọc đều được khéo léo gửi gắm vào trong ngôn từ. Dẫu chỉ là những từ ngữ ngắn ngủi với vài âm tiết, nhưng đó là tất cả những bài học cuộc sống được truyền tải hết sức tinh tế, để khi ai đó cất lên hay chỉ thoáng thấy đâu đó trong đời sống thường nhật, người ta có thể lấy đó làm kim chỉ nam để định hướng cuộc sống của mình.

Hãy cùng tìm hiểu vẻ đẹp trong phong cách sống của người Nhật nhé!

1. VẺ ĐẸP CUỘC SỐNG

わびさび (Wabi-sabi) – Vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo

Wabi-sabi dẫn đầu trong những giá trị sống tinh túy của đất nước Nhật Bản, là cụm từ khó diễn tả nhất khi dịch ra bất kỳ ngôn ngữ nào. Trái với quan niệm của phương Tây, vẻ đẹp luôn được thể hiện dưới hình thức hoàn hảo, thì Wabi-sabi là đại diện cho nét đẹp Á Đông vốn tiềm ẩn bên trong những điều không hoàn thiện trên thế gian này.

金継ぎ(kintsugi) – Vẻ đẹp của nghệ thuật hàn gắn gốm sứ

Kinstugi, hay còn có cách gọi khác là 金繕い (kintsukuroi), là một kỹ thuật độc đáo thể hiện trọn vẹn tinh thần Wabi-sabi. Khi những món đồ sứ bị vỡ, thay vì bỏ đi, người Nhật sử dụng chất liệu sơn mài có phủ vàng, bạc hoặc bạch kim để nối liền những mảnh vỡ, tạo nên một tuyệt tác mới đạt đến độ thẩm mỹ cao hơn. Kintsugi không chỉ đơn thuần là một phương pháp nghệ thuật của người Nhật, đây còn là lời gợi nhắc mỗi người hãy trân trọng những gì chưa hoàn thiện của chính mình, bởi biết đâu chính những khiếm khuyết mà chúng ta có lại là điều chúng ta có thể tận dụng để khiến bản thân mình đặc biệt hơn so với mọi người.

渋い (Shibui) –  Vẻ đẹp trầm lặng của sự tối giản

Shibui là từ được sử dụng để miêu tả những sự vật có nét đẹp mộc mạc, chân phương. Nếu bạn là người không ưa chuộng sự cầu kỳ, shibui là phong cách sống phù hợp dành cho bạn.

幽玄 (Yugen) – Vẻ đẹp đến từ nhận thức tinh tế những sự vật vô hình

Với người Nhật, khái niệm Yugen được hiểu rằng cái đẹp không phải lúc nào cũng nằm trong sự vật hữu hình, mà chúng còn hiện hữu trong những thứ mà mắt thường không thể quan sát được.

物の哀れ (Mono-no-Aware) – Cái đẹp tạo nên từ cảm quan tinh tế về sự hữu hạn của vạn vật

Vạn vật trên thế gian là muôn hình vạn trạng, tùy vào cảm quan của mỗi người mà mỗi sự vật sẽ khoác lên mình những vẻ đẹp khác nhau. Thế nhưng, chung quy lại, sự nhạy cảm và tinh tế của con người với tự nhiên xung quanh mới là thứ tạo nên những vẻ đẹp ấy. Thật ra, nhân gian rất đỗi vô thường, chỉ khi ta nhận ra sự hữu hạn của cái đẹp, chúng ta mới thấy cuộc sống này đáng trân trọng biết bao. Cũng giống như hình ảnh những cánh hoa anh đào rơi mỗi độ Xuân về, đẹp dịu dàng nhưng không kéo dài mãi mãi, khiến người ta không khỏi vấn vương.

木漏れ日 (Komorebi) – Vẻ đẹp của tia nắng 

Được tạo nên từ ba chữ Hán tự 木 (mộc – cây), 漏 (lậu – xuyên qua), 日 (nhật – mặt trời), Komorebi là cụm từ đầy thi vị mà người Nhật ưu ái dành tặng cho vẻ đẹp của các tia nắng rọi qua tán cây, tạo nên những vệt sáng rực rỡ như nhảy múa hân hoan trên khắp mọi con đường.

2. GIÁ TRỊ XÃ HỘI

(Wa) – Duy trì hòa bình vì những mục đích lớn lao 

Wa là trật tự tự nhiên khi các thành viên trong một tập thể chung sống trong hòa bình. Người Nhật rất coi trọng sự đồng nhất trong xã hội, vì vậy, việc tuân thủ theo luật lệ được ưu tiên hàng đầu để trật tự của mọi thứ không bị đảo lộn.

おもてなし (Omotenashi) –  Chu đáo, ân cần với mọi người

Mang ý nghĩa “lòng hiếu khách”, Omotenashi đại diện cho phẩm chất sâu sắc, luôn quan tâm đến người khác của người Nhật, nhờ vậy mà họ có thể biết được nhu cầu của đối phương là gì để điều chỉnh hành vi cho hợp lý. Nguồn gốc của cụm từ này xuất phát từ phong tục trà đạo thời xưa, khi người chủ nhà đặt hết tâm huyết và cẩn thận pha những cốc trà đẹp mắt để chiêu đãi khách. Ngày nay, tinh thần omotenashi vẫn còn được lưu giữ trong văn hóa Nhật, đủ để thấy rằng vì sao Nhật Bản lại được mệnh danh là quốc gia có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất.

見性 (Kensho) – Nhìn nhận bản chất bên trong

Xuất phát từ Phật giáo phái Thiền Tông và được cấu thành từ hai chữ Hán Tự: 見(kiến – nhìn), 性 (tính – bản chất), Kensho mang ý nghĩa nhìn nhận và thức tỉnh về bản chất thật trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, là lời kêu gọi sự phát triển về ý thức một cách sâu sắc hơn.

面子 (Mentsu) – Bộ mặt xã hội

Mentsu có thể được hiểu là “bộ mặt”, là khái niệm chung của văn hóa Á Đông khi bộ mặt có liên kết chặt chẽ tới sĩ diện, phẩm chất, và danh dự của một người. Nếu chẳng may ai đó lâm vào tình huống vô cùng xấu hổ, mọi người xung quanh sẽ không để ý (hoặc giả vờ như không trông thấy) để bảo toàn danh dự của người đó.

義理 (Giri) – Bổn phận đối với xã hội

Cũng giống như “lễ nghĩa” trong văn hóa Việt Nam, Giri là cách đối đãi, là bổn phận của một người đối với bạn bè, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Điều này gắn liền với nhiều phong tục, tập quán trong phong cách sống của người Nhật, chẳng hạn như phải coi trọng tình nghĩa trong mối quan hệ với ai đó, hay phong tục người nữ luôn tặng chocolate cho đồng nghiệp hay người quen vào ngày Valentine.

生きがい (Ikigai)  – Đi tìm lẽ sống

Để tiếp tục vững bước trên hành trình cuộc đời, mỗi người sẽ có riêng cho mình một lý do để tồn tại, một mục tiêu để bản thân luôn hướng tới. Đó là tinh thần Ikigai – là lẽ sống, là lời gợi nhắc chúng ta về một cuộc đời đáng trân trọng, vậy nên hãy tìm cho mình những khát vọng, mục đích để mỗi sáng thức dậy chúng ta có thêm hứng khởi để tiếp tục cuộc hành trình của chính mình.

浮世 (Ukiyo) – Sống không vướng bận

Xuất phát từ thời Edo (1600 – 1867), Ukiyo ban đầu là cụm từ dùng để diễn tả lối sống tìm kiếm thú vui trong cuộc sống của người Nhật. Ngày nay, Ukiyo được dùng như lời gợi nhắc mỗi chúng ta đừng để những tất bật, khó khăn thường nhật làm vướng bận, hãy sống và trân trọng từng phút giây ở hiện tại.

3. Các khái niệm văn hóa, xã hội

我慢 (Gaman) – Chịu đựng và vượt qua khó khăn

Khi đối diện với những tình huống khó khăn, người Nhật luôn cố gắng chịu đựng và chiến đấu đến cùng. Đây là yếu tố làm nên tinh thần bất khuất và đầy kiên cường của đất nước Nhật Bản.

遠慮 (Enryo) – Lịch sự và quan tâm đến mọi người xung quanh

Enryo là phong cách sống của người Nhật khi quan tâm và để ý đến lợi ích của mọi người xung quanh. Từng cử chỉ và hành vi của một cá nhân đều phải hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, chẳng hạn như không nghe điện thoại trên xe điện hay từ chối lấy miếng thức ăn cuối cùng trên bàn ăn, tất cả đều tạo nên sự nhã nhặn và lịch sự trong cách cư xử của người Nhật.

もったいない (Mottainai) – Không lãng phí

Nhật Bản vốn không được thiên nhiên ưu đãi như bao quốc gia khác. Vì vậy, họ quan niệm rằng phải trân trọng mọi thứ mình sở hữu và không được hoang phí. Điều này được thể hiện thông qua nhiều mặt của cuộc sống, có thể kể đến việc sử dụng lại đồ cũ mà không thay mới, hay tận dụng luôn cả vỏ trái cây và rau củ cho nhiều mục đích khác nhau.

4. Tình yêu và cảm xúc

ふるさと (Furusato) – Nhà là nơi trái tim thuộc về

Furusato là cách nói khác của người Nhật để chỉ quê hương, đó không hẳn là nơi chúng ta được sinh ra mà có thể là nơi chúng ta cảm thấy tâm hồn mình luôn hướng về.

恋の予感 (Koi no yokan) – Dự cảm tình yêu

Khác với “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”, Koi no yokan chỉ là một dự cảm, một cảm giác khi bạn gặp ai đó lần đầu, bằng một cách nào đó, bạn biết rằng đến một lúc mình sẽ yêu người đó say đắm. Có lẽ, ngay lần gặp gỡ ấy, tình yêu chưa nảy nở ngay lập tức, nhưng rồi một dự cảm cho bạn biết rằng sớm muộn gì bạn cũng sẽ rơi vào lưới tình của họ.

憧れ (Akogare) – Khao khát tài năng 

Akogare có nghĩa là sự ngưỡng mộ, nhưng luôn kèm theo cảm giác khao khát và ước mong. Đây là từ dùng để chỉ sự tôn trọng và kính phục những người cực kỳ tài giỏi. Thường những người sử dụng từ ngữ này ý thức được rằng bản thân có những mặt hạn chế và khó đạt đến trình độ như những người mình ngưỡng mộ, do đó, ngoài kính phục, họ còn có cảm giác khát khao và mong muốn được trở nên tài giỏi giống như thế.

積読 (Tsundoku) – Tình yêu dành cho sách

Đây là từ dùng để chỉ những người yêu sách và có cảm giác thích thú khi được mua sách, dù rằng có thể họ chưa đọc xong những quyển sách trước đó, nhưng vẫn không kiềm chế được sở thích mua thêm sách của mình.

5. Thành ngữ

一期一会 (Ichi-Go Ichi-E) – Trân trọng từng khoảnh khắc

Câu thành ngữ bốn chữ này bắt nguồn từ những buổi trà đạo ngày xưa, nơi được mọi người xem là dịp quý báu để gặp gỡ nhau. Ngày nay, câu thành ngữ trên là lời gợi nhắc người ta sống chậm lại và trân quý từng khoảnh khắc trong cuộc đời, vì biết đâu lần gặp mặt này của bạn với một ai đó có thể cũng là lần cuối cùng được thấy nhau.

一生懸命 (Isshokenmei) – Cố gắng hết mình

Khi bắt tay vào làm bất cứ điều gì, người Nhật luôn dốc toàn bộ tâm sức để hoàn thành mục tiêu đã được đề ra.

桜梅桃李 (Oubaitori) – Tỏa sáng theo cách riêng

Được tạo thành từ 4 chữ Hán tự đại diện cho 4 loài hoa khác nhau: Anh đào, mai, đào và mận, câu thành ngữ này mang đến thông điệp rằng hãy sống là chính mình và đừng so sánh bản thân với bất kì ai khác. Vì bạn là duy nhất và cũng giống như hoa, bạn tỏa hương và khoe sắc theo cách riêng của chính mình.

Vẻ đẹp của Nhật Bản nào chỉ nằm trong những bộ kimono thanh lịch, những con phố đẹp tựa tranh hay nền ẩm thực đạt đến độ tinh tế xuất sắc, nước Nhật còn đẹp diệu kỳ trong cả từ ngữ, nơi mọi nét văn hóa và phong cách sống đặc trưng mang tinh thần “mặt trời mọc” được gói ghém tinh tế trong từng con chữ, để khi bạn đủ kiên nhẫn để học hỏi và tìm tòi sâu hơn, thứ ngôn ngữ này sẽ không bao giờ thôi khiến bạn phải nghiêng mình.