Hưng Miếu là một trong những miếu thờ của hoàng gia nhà Nguyễn, vị trí ở Tây Nam Hoàng thành, thành phố Huế. Đây là miếu thờ ông Nguyễn Phúc Luân (1733-1765) và Bà Nguyễn Thị Hoàn, thân phụ và thân mẫu của Vua Gia Long (1802-1819). Mặc dù ngôi miếu ban đầu (1804) đã được thay thế bằng một tòa nhà cổ khác (1951), nhưng đây vẫn là một di tích kiến trúc có giá trị cao.

Hình ảnh Lễ Khánh thành Hưng Miếu – năm 1953, do bà Từ Cung cho trùng tu. Nguồn: TTLTQG I, Bảo Đại Đà Lạt, 3183 – F. 44 – VPQT

Hưng Miếu là nơi thờ Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng đế và Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng hậu. Cả hai vị này đều được truy tôn miếu hiệu và hậu hiệu vào năm 1806, sau khi Vua Gia Long chính thức lên ngôi Hoàng đế. Miếu được dựng từ năm Gia Long 3 (1804), trên vị trí Thế Miếu hiện nay với tên gọi là Hoàng Khảo miếu.

Miếu chính nằm ở vị trí trung tâm là một tòa nhà kép, chính đường 3 gian 2 chái kép, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Bên trong đặt thần khám thờ bài vị của Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng đế và Hoàng hậu. Hai bên miếu chính có tường ngắn ngăn cách, ở giữa tường trổ hai cửa: Dục Khánh (bên đông), Chương Khánh (bên tây), phía trước là cửa miếu. Đi qua cửa Dục Khánh là Thần khố (nhà kho), qua cửa Chương Khánh có nhà Thần trù (nhà bếp). Từ khu vực Thần khố, Thần trù đều có cửa thông ra ngoài và qua khu Thế miếu [1].

Lễ tế ở Hưng Miếu tổ chức mỗi năm năm lần gọi là hưởng tựa như ở Thái miếu, Thế miếu, đó là Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng và Hạp hưởng. Hạp hưởng là lễ cúng tất niên vào cuối tháng Chạp.

Hoàng đế Minh Mệnh ngự phê: “Đã biết. Khâm thử !” trên bản tấu của doanh Quảng Nam ngày mùng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) về việc xin dâng sản vật quý ở địa phương về Kinh thành, nhân gặp ngày kỵ Hưng Miếu. Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập số 19, tờ số 145.

Châu bản triều Nguyễn là tài liệu gốc ghi chép việc các Vua triều Nguyễn đều đích thân hoặc phái Hoàng thân đến các miếu để tế lễ nhân dịp năm lễ Hưởng, tế cáo nhân dịp Tứ tuần Đại khánh tiết, Ngũ tuần Đại khánh, dâng tôn thụy hay báo cáo các công việc liên quan đến bang giao với các nước khác [2]. Chẳng hạn, bản phụng dụ ngày mùng 10 tháng 7 năm Tự Đức thứ 31 (1878) của Nội các, chép rằng: “Ngày tháng 8 năm nay là sinh nhật lần thứ 50 của Trẫm. Truyền cho Bộ Lễ dự nghĩ nghi lễ, lễ phẩm để ngày 16 tháng đó Trẫm đến làm lễ tại Hưng  Miếu và Thế Miếu để tỏ rõ chút lòng thành” [3].

Chuẩn bị cho tế lễ ở Hưng Miếu, triều đình nhà Nguyễn đều phái binh lính, thợ săn, dân phu săn bắt thú rừng và các địa phương cung tiến sản vật để phục vụ tế lễ [4]. Ví dụ, bản phụng chỉ ngày mùng 1 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Nguyễn Hữu Thận, ghi chép rằng: “Các ngày mồng 10, 14 tháng 9 là ngày giỗ tổ Hưng Miếu. Cho phái người đi săn bắn để lấy lễ vật dâng tiến làm tế lễ. Cấp cho 14 tên lính Cẩm y, Nội hầu, Thượng trà, Tiểu sai, mỗi tên 5 mạch tiền, 120 thợ săn, dân phu ở Phù Bài, Thuỷ Ba, mỗi tên 5 mạch tiền, nửa phương gạo, dân phu ở phủ Thừa Thiên theo hầu việc, 5 phương gạo” [5].

Châu bản triều Nguyễn còn là nguồn sử liệu biên niên ghi chép về công tác sửa chữa Hưng Miếu. Đó là những lần nóc điện bị hư hoại, dột nát cần tu sửa gỗ, ngói và đồ thờ bày biện tại các án bị hư hỏng cần tiến hành tu bổ. Đó là những năm Minh Mệnh 19 (1838), Tự Đức 10 (1857), Tự Đức 21 (1868), Tự Đức 24 (1871), Tự Đức 31 (1878), Thành Thái 6 (1894), Thành Thái 16 (1904); Duy Tân 4 (1910), Khải Định 4 (1919). Một trong những minh chứng cho công việc sửa chữa miếu là bản tấu của Bộ Công ngày mùng 5 tháng 3 năm Duy Tân 4 (1910): “Xin trích 480 đồng 6 hào 5 xu trong ngân khoản công tác tại Nội để chi mua các hạng vật liệu, thuê phu thợ tu bổ nóc điện chính và nóc trước Hưng Miếu, do đã lâu năm nên gỗ lạt bị hư hại, ngói lợp bị dột nhiều. Nóc mái bị gió nên vôi vữa vật liệu bị rạn vỡ, cùng thuốc vẽ các màu ở 4 mặt bị bạc cũ, rơi vỡ, xin cho sơn quét tu bổ lại cho được tốt đẹp” [6].

Nhìn chung, mặc dù Hưng Miếu đã trải qua những biến thiên của lịch sử và những thay đổi về kiến trúc, nhưng vẫn là một di tích có giá trị nghệ thuật đặc sắc và mang đậm nét văn hóa cung đình.


[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 30.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 50, tờ số 226.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 298, tờ số 48.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 19, tờ số 145.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 10, tờ số 121.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 28, tờ số 51